Sign In

Hiệu quả thực hiện công tác dân tộc ở Thoại Sơn

06:26 31/07/2024
Những năm qua, huyện Thoại Sơn (tỉnh An Giang) đã quan tâm thực hiện tốt các chính sách dân tộc góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân các dân tộc thiểu số (DTTS) trong huyện.

Giai đoạn 2019 - 2024, với sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, nhiều chính sách dân tộc, phát triển cơ sở hạ tầng, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, các chương trình mục tiêu quốc gia cho đồng bào DTTS và miền núi thực hiện hiệu quả, góp phần đổi thay rõ rệt vùng đồng bào DTTS ở huyện Thoại Sơn.

Đời sống của cộng đồng các DTTS, nhất là đồng bào Khmer ngày càng được nâng lên về vật chất lẫn tinh thần. Nhiều hộ nghèo DTTS đã có nhà ở ổn định để tập trung vào việc chăn nuôi, sản xuất tăng thu nhập, từng bước vươn lên thoát nghèo.

Dân số toàn huyện có 42.938 hộ với 163.256 nhân khẩu, trong đó có 1.170 hộ DTTS với 5.044 nhân khẩu, chiếm tỷ lệ 3% so với dân số toàn huyện. Trong đó, DTTS Khmer (thị trấn Óc Eo) có 3.224 hộ với 11.477 nhân khẩu. Đồng bào DTTS Hoa sống tập trung ở khu vực chợ, chủ yếu là kinh doanh thương mại, sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp nên cuộc sống tương đối ổn định. Còn các DTTS khác, như: Mông, Ê Đê, Tày sinh sống xen kẽ trong cộng đồng dân cư.

Huyện tập trung thực hiện tốt công tác dân tộc và chính sách dân tộc đạt nhiều kết quả thiết thực. Nổi bật là kết quả thực hiện phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS thị trấn Óc Eo và khóm đặc biệt khó khăn Tân Đông, với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.

 

 

Công tác dân tộc, chính sách trên địa bàn huyện Thoại Sơn luôn được triển khai kịp thời, hiệu quả

Theo đó, việc hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế giai đoạn 2018 - 2020, tổng dự án (mô hình) đã triển khai thực hiện là 2 dự án chăn nuôi dê với 15 hộ nghèo dân tộc Khmer khóm Tân Đông (thị trấn Óc Eo) được thụ hưởng.

Tổng kinh phí thực hiện là 96,5 triệu đồng. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là 92 triệu đồng. Phần lớn, các hộ tham gia dự án đều tích cực tăng gia sản xuất, nghiêm túc tham gia các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật, đảm bảo đối ứng được nguồn kinh phí dự án theo yêu cầu.

Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, năm 2023, UBND huyện đã phê duyệt 3 dự án, gồm: Dự án chăn nuôi bò thịt thoát nghèo bền vững, với tổng kinh phí thực hiện dự án là 794,6 triệu đồng; dự án “Nhạc cụ phục vụ văn hóa - văn nghệ” (Dự án hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo - dự án 2), với tổng kinh phí thực hiện dự án là 401 triệu đồng; mô hình “Dệt thổ cẩm” (Dự án hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo - dự án 2), tổng kinh phí thực hiện dự án là 918 triệu đồng.

Chị Chau Cẩm Hồng (sinh năm 1984, ngụ khóm Tân Đông) chia sẻ: “Tôi rất vui vì được tham gia lớp học dệt thổ cẩm này. Bởi, hoàn thành khóa học, tôi có một nghề truyền thống và mưu sinh từ việc dệt bán thổ cẩm của dân tộc mình. Cảm ơn chính quyền địa phương đã tạo điều kiện thuận lợi để chúng tôi tham gia lớp học”.

Qua 4 tháng học lớp dệt thổ cẩm, các học viên được truyền dạy những kiến thức, kỹ năng dệt thổ cẩm của đồng bào DTTS Khmer, để tạo ra sản phẩm sau khi kết thúc khóa học. Từ đó, góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời tăng thu nhập chính đáng cho bản thân và gia đình.

Bên cạnh đó, chính sách cho người có uy tín được thực hiện đúng, đầy đủ, kịp thời, nhằm phát huy vai trò người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS. Hiện, trên địa bàn huyện có 4 vị có uy tín trong vùng đồng bào DTTS và miền núi thuộc thị trấn Óc Eo. Ban Dân tộc tỉnh tổ chức tập huấn, tham quan học tập cho đội ngũ người có uy tín trong đồng bào DTTS.

Công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân, đặc biệt là đồng bào DTTS được thực hiện kịp thời, đầy đủ. Hàng năm, các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương đều tổ chức các đoàn thăm và tặng quà nhân dịp Tết cổ truyền, dịp lễ hội hàng năm của đồng bào dân tộc.

Mặt khác, các cấp, ngành huyện quan tâm tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS nêu cao cảnh giác, không để các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để lôi kéo, kích động gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc và làm mất ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào DTTS.

Với những chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước và triển khai, thực hiện các chương trình chính sách đầu tư, hỗ trợ cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn, đảm bảo đúng tiến độ, kịp thời và hiệu quả. Từ đó, bà con từng bước áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi, tăng thu nhập. Qua đó, đời sống của người dân ngày càng được cải thiện, góp phần giảm nghèo bền vững.

PHƯƠNG LAN

Tag:

File đính kèm