Kế hoạch nhằm cải thiện, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thực hiện các nội dung của Chỉ số PAR Index, Chỉ số SIPAS, Chỉ số PAPI trên địa bàn tỉnh Bắc Giang năm 2023. Duy trì và nâng cao những nội dung đã đạt được kết quả và điểm số tốt. Phấn đấu năm 2024, Chỉ số PAR Index tiếp tục duy trì, nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước, Chỉ số SIPAS đạt trên 90%, xếp trong nhóm 20 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước, Chỉ số PAPI tiếp tục nằm trong nhóm “Cao nhất” của cả nước.
Theo đó, Kế hoạch đề ra các nội dung, giải pháp duy trì, cải thiện chỉ số PAR Index, chỉ số SIPAS năm 2024 trên 8 lĩnh vực: Công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính; cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính; cải cách chế độ công vụ; cải cách tài chính công; xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số; tác động của cải cách hành chính đến người dân, tổ chức và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong đó, đưa ra các mục tiêu phấn đấu năm 2024, trách nhiệm thực hiện của các cơ quan, địa phương trong từng lĩnh vực.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp; phấn đấu năm 2024, chỉ số PAPI tiếp tục xếp trong nhóm “cao nhất” cả nước. Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các cơ quan, địa phương tiếp tục duy trì các Chỉ số nội dung đạt kết quả tốt. Trong 08 Chỉ số nội dung đánh giá, có 06 Chỉ số nội dung cần duy trì, gồm: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương; Trách nhiệm giải trình với người dân; Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; Quản trị Điện tử; Thủ tục hành chính công. Có 02 nội dung cần cải thiện là Cung ứng dịch vụ công và Quản trị môi trường.
Thủ trưởng các cơ quan, địa phương tăng cường chỉ đạo triển khai thực hiện tốt các nội dung và giải pháp đã đề ra; chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về kết quả thực hiện các nhiệm vụ của tiêu chí đánh giá Chỉ số PAR Index, Chỉ số SIPAS, Chỉ số PAPI của tỉnh. Các cơ quan, địa phương cần tăng cường tuyên truyền đến người dân trên địa bàn về các chính sách của địa phương, về việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến; triển khai thực hiện tốt mô hình “Chính quyền thân thiện” nhằm xây dựng một chính quyền thực sự chuyên nghiệp, tận tâm, vì Nhân dân phục vụ, từ đó giúp nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước. Chú trọng kiểm soát, phòng, chống tham nhũng trong khu vực công; tăng cường kiểm tra, giám sát đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ.
Theo BTSHCB- Tháng 5/2024