Sign In

Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI)

20:41 28/05/2024
Chiều 28/5, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước (Nghị quyết số 33).

Dự và chủ trì Hội nghị có các đồng chí Phạm Văn Thiều, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; đồng chí Tạ Trung Dũng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy. Cùng dự Hội nghị còn có các đồng chí trong Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh, lãnh đạo các huyện, thị, thành phố…

Chủ tọa Hội nghị.

Theo Báo cáo, qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33, môi trường văn hóa được cải thiện, các nét đẹp văn hóa truyền thống được quan tâm giữ gìn; đã xuất hiện những nhân tố mới, những điển hình tiên tiến trong xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, tích cực lao động sản xuất để thoát nghèo, các phong tục tập quán lạc hậu từng bước được xóa bỏ, thay vào đó là thực hiện lối sống lành mạnh, nếp sống văn minh. Các cấp ủy đã chỉ đạo thực hiện quyết liệt các nội dung theo Nghị quyết số 33 gắn với thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, các nghị quyết, kết luận của Trung ương về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị nhằm ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân.

Công tác quản lý nhà nước về văn hóa được tăng cường, đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa có bước trưởng thành. Các hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao quần chúng ở cơ sở diễn ra sôi nổi, thu hút đông đảo Nhân dân tham gia. Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trên địa bàn tỉnh luôn được quan tâm trùng tu tôn tạo để giáo dục truyền thống cho các thế hệ. Nhu cầu hưởng thụ văn hóa, ý thức bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trên địa bàn tỉnh được toàn thể cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân tích cực tham gia hưởng ứng,… Đầu tư cho lĩnh vực văn hóa không ngừng được nâng lên, các thiết chế văn hóa từng bước được hoàn thiện; trình độ dân trí, đời sống Nhân dân không ngừng phát triển, nhu cầu vui chơi, giải trí, hưởng thụ các giá trị văn hóa ngày càng cao.

Quang cảnh Hội nghị.

Việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, xây dựng văn hóa trong hệ thống chính trị, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và mỗi gia đình được tỉnh chú trọng thực hiện thường xuyên, từng bước đi vào chiều sâu, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần tích cực trong việc xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh, khơi dậy và phát huy truyền thống đoàn kết của dân tộc trong xã hội; là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân. Tỉnh đã ban hành nhiều văn bản thực hiện, triển khai rộng rãi trong Nhân dân thực hiện các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Người tốt, việc tốt”, phong trào xây dựng nông thôn mới, xây dựng nếp sống văn minh đô thị, nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội,... Đến nay toàn tỉnh có 97,01% gia đình đạt chuẩn văn hóa; 100% ấp, khóm đạt chuẩn văn hóa; 84,4% xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị; 90,01% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa. Đặc biệt, tỉnh đã tổ chức thành công nhiều sự kiện lớn, quan trọng về văn hóa, văn nghệ, tiêu biểu là Festival Đờn ca tài tử Nam bộ lần thứ I năm 2014, sự kiện Tuần Văn hóa, du lịch Bạc Liêu năm 2018 và sự kiện Ngày hội Văn hóa - Du lịch Bạc Liêu và Lễ hội Dạ cổ hoài lang năm 2022 nhằm tăng cường quảng bá hình ảnh về vùng đất và con người Bạc Liêu đến với bạn bè trong nước và quốc tế, góp phần đẩy mạnh khai thác tiềm năng du lịch, thu hút đầu tư, đưa Bạc Liêu ngày càng phát triển. Các hoạt động văn hóa truyền thống, giao lưu văn hóa, văn nghệ của đồng bào các dân tộc được quan tâm, triển khai thực hiện tích cực đã thu hút đông đảo người dân trong và ngoài tỉnh tham gia vui chơi, sinh hoạt, học tập và giao lưu văn hóa, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của các tầng lớp Nhân dân, tạo sự gắn kết ngày càng chặt chẽ giữa các dân tộc anh em ở Bạc Liêu, góp phần tích cực trong việc xây dựng, phát triển và giữ gìn nét đẹp văn hóa của các dân tộc…

Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế được đánh giá tại hội nghị: Hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, văn học-nghệ thuật có bước phát triển mới nhưng chưa đều; tác phẩm tiêu biểu, có chất lượng cao còn ít; thiếu những tác phẩm văn hóa, văn học - nghệ thuật lớn. Công tác bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể chưa đạt yêu cầu. Phong trào văn nghệ quần chúng một số nơi phát triển chậm; các thiết chế văn hóa ở cơ sở chưa phát huy hiệu quả, chưa đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ của người dân. Cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ phục vụ cho sinh hoạt văn hóa, thể dục thể thao vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu, chưa có cơ chế và chính sách phát huy nội lực của Nhân dân.

Đồng chí Tạ Trung Dũng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết số 33.

Hội nghị cũng được nghe các đại biểu tham luận về những kết quả đạt được, đồng thời chỉ ra những tồn tại, hạn chế, từ đó đề xuất, kiến nghị các giải pháp để thực hiện ngày càng hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Đồng chí Phan Như Nguyện, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết số 33

Phát biểu kết thúc hội nghị, đồng chí Phạm Văn Thiều, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ghi nhận và biểu dương những nỗ lực và kết quả đạt được của các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị trong thực hiện Nghị quyết 33 thời gian qua. Đồng chí cũng khẳng định những kết quả đạt được đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế, xã hội; xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; đáp ứng tốt hơn nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của người dân, tạo sự gắn kết ngày càng chặt chẽ giữa các dân tộc anh em, góp phần tích cực trong việc xây dựng, phát triển và giữ gìn nét đẹp văn hóa của các dân tộc.

Đồng chí Phạm Văn Thiều, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phát biểu kết luận Hội nghị.

Để khắc phục những hạn chế trong thời gian tới, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh – Phạm Văn Thiều đề nghị các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm, có hiệu quả Nghị quyết số 33, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về văn hóa và phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021.

Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị 05-CT/TW, Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị gắn với thực hiện các nghị quyết, kết luận Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, Kế hoạch số 35-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII), các Quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương, về những điều đảng viên không được làm, về chuẩn mực đạo đức; quy tắc ứng xử của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong thi hành công vụ, thực hiện nhiệm vụ được giao.

Đồng thời, đồng chí Phạm Văn Thiều cũng yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp tăng cường chỉ đạo hơn nữa đối với hoạt động văn hóa, văn hóa – nghệ thuật; đưa nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và tổ chức thực hiện có hiệu quả. Ưu tiên nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực văn hóa – nghệ thuật, quan tâm sửa chữa, nâng cấp các công trình văn hóa để phục vụ nhu cầu hưởng thụ của người dân; xây dựng đề án và cơ chế bảo tồn các loại hình văn hóa – nghệ thuật truyền thống, văn học dân gian. Xây dựng và phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ của địa phương đáp ứng yêu cầu phát triển mạnh mẽ nền văn học nghệ thuật Việt Nam trong giai đoạn mới. Đẩy mạnh phong trào văn nghệ quần chúng; hướng dẫn, khuyến khích các nghệ nhân ưu tú, nghệ sĩ ưu tú tham gia sáng tạo, bảo tồn, truyền dạy và phát huy các giá trị văn hoá, văn nghệ truyền thống của các dân tộc.

Tạo điều kiện nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa – nghệ thuật thuật, sáng tác nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng, nghệ thuật phục vụ nhiệm vụ chính trị; tăng cường công tác phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành có liên quan trong việc thẩm định, đánh giá, quyết định công bố, giới thiệu các tác phẩm văn hóa – nghệ thuật bảo đảm chất lượng và định hướng thẩm mỹ cho công chúng; nâng cao tính chuyên nghiệp cho đội ngũ thuyết minh viên tại các điểm di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng nhằm quảng bá hình ảnh vùng đất và con người Bạc Liêu.

Dịp này, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu tặng bằng khen cho 14 tập thể và 4 cá nhân tiêu biểu trong thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.

Trọng Toàn - Văn phòng Tỉnh ủy

Tag:

File đính kèm