Sign In

Bắc Ninh tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW

09:49 11/04/2023
Nông nghiệp, nông dân, nông thôn là vấn đề chiến lược, luôn được Đảng, Nhà nước ta xác định là một trong các nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.

Thanh niên Bắc Ninh tham gia phong trào chung tay xây dựng Nông thôn mới

Thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; trong những năm qua, kinh tế nông nghiệp tỉnh Bắc Ninh duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định, công nghiệp, dịch vụ nông thôn tiếp tục phát triển và đa dạng; chất lượng đời sống văn hóa của người dân tiếp tục được nâng cao, nhiều giá trị văn hóa được bảo tồn và phát triển; xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào sâu rộng được toàn dân tích cực hưởng ứng, diện mạo nông thôn khởi sắc rõ rệt.

Hướng tới mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp tỉnh phát triển theo hướng an toàn, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hàng hoá quy mô lớn, hiệu quả, bền vững; nông dân và dân cư nông thôn văn minh, có trình độ, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng cao, làm chủ quá trình phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, đảm bảo cơ hội phát triển công bằng giữa các địa phương trong tỉnh. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh ban hành Chương trình hành động 41-CTr/TU, ngày 25/11/2022 và triển khai kế hoạch thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2030:

Về nông nghiệp: Tốc độ tăng trưởng GRDP lĩnh vực nông lâm thuỷ sản đạt bình quân từ 0,8-1%/năm; cơ cấu tỉ trọng nông lâm nghiệp và thuỷ sản còn 1,5%. Giá trị sản phẩm trên 01 ha đất trồng trọt và mặt nước nuôi trồng thủy sản đạt trên 200 triệu đồng. Tỷ trọng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp đạt trên 40%). Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết đạt trên 30%. Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp được sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt hoặc tương đương đạt trên 30%. Tốc độ tăng giá trị gia tăng công nghiệp chế biến nông sản đạt trên 8%/năm. Phát triển nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm môi trường nông thôn. Tỷ lệ che phủ rừng duy trì ở mức 0,65%, tiếp tục nâng cao chất lượng và giá trị rừng trồng phòng hộ, trồng mới, trồng thay thế cây xanh phân tán trên địa bàn tỉnh.

Về nông dân: Tăng năng suất lao động nông nghiệp đạt bình quân ít nhất 6,2%/năm. Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội giảm xuống còn dưới 10%, tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo đạt trên 80%; Tỷ lệ lao động nông nghiệp qua đào tạo đạt trên 70%.

Về nông thôn: 100% các xã duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới; có khoảng 65% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trên 30% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; công nhận ít nhất 100 mô hình khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu; có ít nhất 03 huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao/huyện nông thôn mới kiểu mẫu.

Phấn đấu mỗi huyện, thị xã, thành phố có trên 25 sản phẩm OCOP được công nhận, có ít nhất 50% làng nghề trên địa bàn tỉnh có sản phẩm OCOP, 100% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại (hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sàn giao dịch thương mại điện tử,...); hình thành, duy trì và phát triển ít nhất 03 chuỗi sản phẩm OCOP về du lịch cộng đồng.

Nâng cao thu nhập người dân, giảm nghèo bền vững. Thu nhập của cư dân nông thôn tăng ít nhất 2,5 lần so với năm 2020. Không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia. Tỉ lệ hộ gia đình nông thôn có nước sạch sử dụng đạt 100%. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại khu dân cư nông thôn được thu gom, tự xử lý, vận chuyển, xử lý tập trung đạt 100%.

Tầm nhìn đến năm 2045: Nông dân và người dân nông thôn văn minh, phát triển toàn diện, có thu nhập cao. Nông nghiệp sinh thái, thông minh, chất lượng cao, chế biến sâu với công nghệ tiên tiến, sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, thân thiện với môi trường. Nông thôn hiện đại, điều kiện sống tiệm cận với đô thị, giàu bản sắc văn hoá dân tộc, môi trường sống xanh, sạch, đẹp, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm vững chắc.

Để thực hiện được mục tiêu đề ra, tỉnh tập trung thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:

(1) Tổ chức tuyên truyền, quán triệt, triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức tuyên truyền, giáo dục, vận động sâu rộng trong toàn xã hội về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của nông nghiệp, nông dân và xây dựng nông thôn mới trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn; huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị để triển khai các nội dung, thay đổi tư duy của cả hệ thống chính trị từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.

Đổi mới nội dung, phương pháp thực hiện các chương trình tuyên truyền thông qua các tổ chức chính trị - xã hội và các hình thức khác để phổ biến thông tin phù hợp với từng nhóm đối tượng, hướng tới nhận thức, hành động đúng, toàn diện và kết quả, hiệu quả thực chất; tạo sự đồng thuận, vào cuộc của cả hệ thống chính trị; đồng thời đẩy mạnh triển khai các phong trào thi đua thực hiện tốt các mục tiêu, định hướng và giải pháp về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh đã đề ra.

(2) Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, đổi mới và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nông dân và các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp ở nông thôn. Xác định rõ vai trò, trách nhiệm của cấp uỷ, chính quyền, người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Nâng cao năng lực, trách nhiệm của chính quyền và cơ quan quản lý nhà nước các cấp về nông nghiệp, nông dân, nông thôn bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Phát huy quyền làm chủ của người dân ở cơ sở, tạo điều kiện để người dân tích cực tham gia các hoạt động giám sát, phản biện xã hội, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh.

Phân cấp mạnh mẽ hoạt động khuyến nông cho các tổ chức của nông dân và doanh nghiệp. Phát triển mạnh mẽ hệ thống khuyến nông cộng đồng. Đổi mới, nâng cao vai trò của Hội Nông dân, Liên minh hợp tác xã thực sự trở thành đại diện bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho nông dân và các cá nhân tham gia Hợp tác xã. Nâng cao vị thế, vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp… tham gia quá trình phát triển kinh tế xã hội, môi trường, thể chế trong nông nghiệp, nông thôn.

(3) Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, tạo việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn; nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ, cải thiện toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và người dân nông thôn. Đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trình độ tổ chức sản xuất kinh doanh của nông dân, người dân nông thôn. Bảo đảm quyền làm chủ của nông dân và người dân nông thôn, lấy người dân nông thôn làm chủ thể, trung tâm trong phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Tiếp tục nâng cao chất lượng về giáo dục, đào tạo, y tế, văn hoá, thể thao cho nông dân và người dân nông thôn; thực hiện tốt các chính sách, chương trình mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn. Phát huy vai trò của các cấp hội nông dân, liên minh hợp tác xã và các tổ chức xã hội - nghề nghiệp trong cung cấp dịch vụ tư vấn, hỗ trợ pháp luật, kiến thức sản xuất kinh doanh, khoa học - công nghệ. Củng cố truyền thống văn hoá và tính cố kết cộng đồng, bảo tồn và phát huy văn hoá địa phương; xây dựng gia đình hạnh phúc, cộng đồng dân cư vững mạnh, tham gia quản lý xã hội, phòng chống rủi ro, bảo vệ tài nguyên môi trường, kết hợp phát triển kinh tế, phát triển du lịch nông thôn thông qua đẩy mạnh các phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, nông dân khởi nghiệp, thi đua sản xuất kinh doanh, cùng nhau làm giàu, giảm nghèo bền vững, bảo vệ an ninh Tổ quốc, gia đình (thôn, xóm) văn hoá,…

(4) Phát triển nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững theo hướng sinh thái, ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025 và Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, trong đó tập trung phát triển các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế theo các nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh, đặc sản địa phương, sản phẩm OCOP, cùng với việc xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn theo các tiêu chuẩn và yêu cầu của thị trường, cung cấp đủ nguyên liệu cho công nghiệp chế biến; xây dựng cơ sở hạ tầng, tổ chức dịch vụ hỗ trợ đồng bộ, hệ thống hậu cần thông suốt; đổi mới mạnh mẽ hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị và thúc đẩy hợp tác, liên kết chặt chẽ giữa các địa phương; tăng cường áp dụng công nghệ số trong quản lý và thương mại sản phẩm để từng bước phát triển thương hiệu trên thị trường trong nước và hướng đến thị trường xuất khẩu.

(5) Phát triển mạnh công nghiệp, dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế; tạo việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn. Hình thành và phát triển các chuỗi liên kết sản phẩm nông lâm thuỷ sản. Đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án xây dựng cảng cạn, cảng thủy nội địa, hạ tầng kho bãi logistics..., tăng cường kết nối trung chuyển hàng hoá của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tới các sân bay, cửa khẩu, cảng biển (sân bay Nội Bài, Quảng Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn,...), tạo điều kiện mở rộng hoạt động tiêu thụ sản phẩm nông sản của tỉnh.

Bảo tồn, phát triển các ngành nghề, dịch vụ nông thôn, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái. Đẩy mạnh phát triển khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã, trang trại, Chương trình OCOP, gắn với bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá truyền thống thông qua đầu tư sâu rộng cho xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu hàng hóa, đăng ký bảo hộ, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm nông sản chủ lực cấp tỉnh và đặc sản địa phương; áp dụng công nghệ số trong quản lý và thương mại sản phẩm. Tăng cường hoạt động đào tạo, tôn vinh nghệ nhân, thợ giỏi.

(6) Xây dựng nông thôn mới hiện đại, bền vững gắn với đô thị hoá. Tập trung nguồn lực đầu tư và khuyến khích tối đa đầu tư tư nhân, hợp tác công tư gắn với nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn đầu tư công trong công tác duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới; phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn và hạ tầng thương mại ở nông thôn, hạ tầng kinh tế số bảo đảm tăng cường liên kết vùng; từng bước đầu tư đồng bộ hệ thống cơ sở vật chất khu vực nông thôn theo hướng hình thành khu vực dân cư phù hợp tiến trình hình thành đô thị trong tương lai. Bảo đảm tiến độ xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu để tạo lập môi trường, cảnh quan nông thôn xanh, sạch, đẹp, an toàn, tiệm cận với đô thị, giàu bản sắc văn hóa Bắc Ninh - Kinh Bắc; tăng cường giữ vững an ninh - chính trị - quốc phòng, đưa nông thôn thực sự trở thành “nơi đáng sống”.

Đối với các xã thuộc khu vực được quy hoạch là đô thị trung tâm của Tỉnh, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp nhằm chuyển dịch cơ cấu theo hướng hình thành các khu nông nghiệp đô thị, nông nghiệp sinh thái với các sản phẩm sạch, vành đai xanh nhằm hạn chế tác động của quá trình đô thị hóa như lọc sạch bầu không khí, giảm tiếng ồn và tạo cảnh quan văn hóa cho đô thị. Quy hoạch, bố trí sử dụng đất nông nghiệp gồm các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung ở khu vực Nam sông Đuống, gồm các huyện Thuận Thành, Gia Bình và Lương Tài gắn với quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa và phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, làng nghề.

(7) Xây dựng, triển khai kịp thời, hiệu quả các cơ chế, chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; nâng cao chất lượng cơ chế chính sách đặc thù của địa phương, trọng tâm là quản lý và sử dụng bền vững, hiệu quả đất nông nghiệp.

Thường xuyên thực hiện việc rà soát các cơ chế, chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và các chính sách liên quan đến pháp luật về đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan thích nghi biến đổi khí hậu để kịp thời chỉnh sửa, bổ sung, ban hành mới đảm bảo đồng bộ, khả thi, phù hợp với quy định của pháp luật.

(8) Đột phá nghiên cứu, ứng dụng KHCN; đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; tăng cường tổ chức, hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; chủ động hội nhập và mở rộng thị trường tiêu thụ. Tăng cường năng lực nghiên cứu, ứng dụng, phát triển khoa học và công nghệ, hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ mới, công nghệ sạch vào sản xuất; nghiên cứu đề xuất các giải pháp nâng cao hàm lượng công nghệ và giá trị công nghệ cao trong sản phẩm nông nghiệp của tỉnh.

Ưu tiên đầu tư công trong nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ và xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số vào quản lý điều hành, sản xuất kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn như ứng dụng truy xuất nguồn gốc, mã vùng trồng, mã số định danh sản phẩm,… Duy trì và phát triển các tổ chức trung gian kết nối công nghệ như sàn thương mại điện tử Bắc Ninh (ecombacninh.vn), trung tâm đổi mới sáng tạo,...

(9) Quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường nông thôn, nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai. Thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất sản xuất nông nghiệp đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm, gắn kết phát triển nông thôn - đô thị. Khai thác và phát huy hợp lý nguồn lực đất đai trong xây dựng, phát triển kinh tế xã hội, cảnh quan nông thônxanh, sạch, đẹp, thân thiện và hài hòa với thiên nhiên. Duy trì và sử dụng linh hoạt, hiệu quả diện tích đất trồng lúa. Tăng cường công tác thông tin, dự báo, cảnh báo và xây dựng các kịch bản ứng phó với biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh. Tăng cường các biện pháp tuyên truyền, vận động người dân trong việc tự chủ ý thức về bảo vệ môi trường nông thôn. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp trong quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng. Quản lý tốt nguồn nước các lưu vực sông và hệ thống thuỷ lợi bảo đảm quá trình khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, phục vụ có hiệu quả sự phát triển kinh tế - xã hội trước mắt và lâu dài./.


Tag:

File đính kèm