Sign In

Vững niềm tin, kiên định mục tiêu

11:00 30/10/2024
Theo định hướng đến năm 2030, Bắc Ninh phấn đấu xây dựng thành phố có nền công nghiệp hiện đại, công nghệ cao; một trong những trung tâm thương mại-dịch vụ, giáo dục, y tế, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học-công nghệ, đáp ứng yêu cầu của thành phố trực thuộc Trung ương. Đồng thời, là động lực phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng Thủ đô và cả nước. Tầm nhìn đến năm 2045, Bắc Ninh là thành phố công nghiệp công nghệ cao, thông minh.

Từ chiến lược phát triển như vậy đòi hỏi tầm nhìn và quyết tâm hành động rõ ràng của đội ngũ cán bộ, trong đó có vai trò quyết định của các nhà lãnh đạo cao nhất ở địa phương. Vững niềm tin, kiên định mục tiêu trong chặng đường hơn 27 năm tái lập, bằng những giải pháp sáng tạo, tư duy đột phá trong chỉ đạo điều hành, cùng phát huy sức mạnh nội lực, tận dụng cơ hội từ ngoại lực, đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bắc Ninh đang tiệm cận khát vọng đó.

Thành phố Bắc Ninh hôm nay.  Ảnh: Dương Hoàn

Từ cuộc đua ý tưởng

Giữa ngổn ngang công việc của những ngày mới tái lập, các nhà lãnh đạo tỉnh và nhân dân Bắc Ninh đồng lòng, quyết tâm cải tổ, đổi mới bằng những quyết sách quan trọng. Trong đó xác định việc công nghiệp là khâu đột phá để đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng giá trị gia tăng và thành phố trực thuộc Trung ương. Trong cuộc đua từ ý tưởng đến hiện thực hóa quyết tâm chính trị, Bắc Ninh vừa làm rút kinh nghiệm, điều chỉnh những bước đi phù hợp; chủ động nghiên cứu, cụ thể hóa thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc và nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã đề ra 10 nhiệm vụ cấp bách và thực hiện nhiều giải pháp phù hợp với điều kiện của từng thời kỳ với quyết tâm Bắc Ninh phải đi nhanh hơn, đi trước một bước so với lộ trình phát triển kinh tế- xã hội chung của cả nước. Định hướng phát triển KCN- Đô thị được thể hiện trong Quyết định số 48/1998/QĐ-UB năm 1998 của UBND tỉnh về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội đến năm 2010 và tiếp tục được khẳng định trong Nghị quyết số 12-NQ/TU năm 2000; Nghị quyết số 02/NQ-TU năm 2001 và Nghị quyết số 02/NQ-TU năm 2006 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh. Để nâng cao hiệu quả sử dụng đất tại các KCN, UBND tỉnh lập Đề án “Điều chỉnh Quy hoạch phát triển các KCN tỉnh Bắc Ninh đến năm 2015 định hướng đến năm 2020”, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Văn bản số 1511/TTg-KTN ngày 20-8-2014. Chủ trương lấy phát triển công nghiệp làm khâu đột phá, tạo động lực chính để thúc đẩy tăng trưởng và hội nhập kinh tế quốc tế, là mục tiêu xuyên suốt của tỉnh được tiếp tục khẳng định qua các kỳ Đại hội Đảng. 

Từ chủ trương đó, các thế hệ lãnh đạo tỉnh, chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương và nhân dân trong toàn tỉnh quán triệt từ trên xuống dưới phải có ý thức thu hút, tạo điều kiện tốt nhất trong khuôn khổ chính sách pháp luật cho phép đối với các nhà đầu tư khi đến với Bắc Ninh. Hàng năm Tỉnh ủy, HĐND UBND tỉnh đều ban hành các Nghị quyết, Kết luận của về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế- xã hội và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Qua đó tạo dựng môi trường đầu tư hấp dẫn thu hút các dự án có chất lượng, quy mô lớn, có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường; tạo điều kiện các doanh nghiệp trong nước, chủ động gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu. Giải quyết được hài hoà quan hệ lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp khi giải phóng đất đai, cung cấp mặt bằng, hợp tình hợp lý, được người dân ủng hộ.

Trong giai đoạn 1997-2010, còn nhiều khó khăn và đang trong thời kỳ xây dựng hạ tầng cơ sở, hạ tầng nên vốn đầu tư chủ yếu được huy động từ nội lực. Khi hội tụ đẩy đủ các yếu tố về trí tuệ, bản lĩnh cũng như các nguồn lực và kinh nghiệm 15 năm trước, giai đoạn 2011-2020 là thời kỳ tăng trưởng mạnh mẽ nhất của Bắc Ninh. Kinh tế chuyển sang giai đoạn tăng tốc, mở rộng quy mô, tổng vốn đầu tư phát triển đạt 683 nghìn tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư FDI chiếm tỷ trọng lớn nhất 60,9%, vốn đầu tư từ khu vực tư nhân đạt 211,4 nghìn tỷ đồng, gấp 3,9 lần giai đoạn trước, chiếm tỷ trọng 31% và vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước chiếm 8,2%. Kinh tế liên tục tăng trưởng cao (bình quân giai đoạn 1997-2023 tăng 12,56%/năm); năm 2023 gấp 24,4 lần năm 1997; quy mô nền kinh tế đứng thứ 9 toàn quốc; GRDP bình quân đầu người đạt 6.053 USD/người (gấp 31 lần năm 1997), đứng thứ 7 cả nước; thu ngân sách đạt hơn 31 nghìn tỷ đồng, gấp 168 lần năm 1997, đứng thứ 11 cả nước; tổng vốn đầu tư so với GRDP giai đoạn 2021-2023 đạt 27,1%; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao là 12,8%. Năm 2024, dự kiến các chỉ tiêu vượt kế hoạch gồm thu hút mới vốn FDI vào các khu công nghiệp đạt 3,5 tỷ USD (vượt 2,5 tỷ USD so với kế hoạch); Tỷ lệ hộ nghèo đến hết năm 2024 còn 0,04% (kế hoạch còn 1%)…

Tương ứng với tăng trưởng kinh tế, không gian đô thị được quy hoạch và phát triển bền vững, kết cấu hạ tầng đang tiệm cận tiêu chí của thành phố trực thuộc Trung ương. Toàn tỉnh có 1 đô thị loại I (thành phố Bắc Ninh), 1 đô thị loại III (thành phố Từ Sơn), 3 đô thị loại IV (thị xã Thuận Thành, thị xã Quế Võ và đô thị Yên Phong), 4 đô thị loại V (thị trấn Lim huyện Tiên Du; thị trấn Thứa, huyện Lương Tài; thị trấn Gia Bình và đô thị Nhân Thắng, huyện Gia Bình). Tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 60,3%. Hoàn thành Quy hoạch chung đô thị Bắc Ninh đến năm 2045, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Với tốc độ tăng này, Bắc Ninh không chỉ góp phần trở thành cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng Thủ đô, mà còn đóng góp quan trọng vào mức tăng trưởng chung của cả nước qua từng năm cũng như cả chặng đường 27 năm đã qua.

Bắc Ninh trở thành mọt trong những trung tâm sản xuất công nghiệp lớn của cả nước.

Đến xây dựng chính quyền vì dân

Với quan điểm lấy cuộc sống người dân là trung tâm cho sự phát triển, tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo điều hành theo tinh thần sâu sát, cụ thể; tiếp tục củng cố bộ máy chính quyền các cấp, từng bước sắp xếp theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đủ phẩm chất, năng lực, trình độ, chú trọng nâng cao đạo đức công vụ, văn hóa ứng xử, tính chuyên nghiệp; kỷ cương, kỷ luật được thực hiện nghiêm túc, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân. Thực hiện giải thể, sáp nhập giảm 233 đơn vị và 272 các chức danh lãnh đạo quản lý; đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, khu phố giảm 3.809 người; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đủ phẩm chất, năng lực, trình độ, chú trọng nâng cao đạo đức công vụ, văn hóa ứng xử, tính chuyên nghiệp; kỷ cương, kỷ luật được thực hiện nghiêm túc, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân.

Chính quyền điện tử dần được hoàn thiện với hạ tầng công nghệ thông tin được đầu tư tập trung, đồng bộ bảo đảm năng lực xử lý, lưu trữ và kết nối an toàn, thông suốt. Chỉ số chuyển đổi số (DTI) luôn được duy trì trong nhóm 10 tỉnh cao nhất cả nước, năm 2023 đứng thứ 6 cả nước về Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương. Quyết liệt thực hiện cải cách hành chính, nâng cao chất lượng quản trị địa phương, xây dựng chính quyền kiến tạo với nhiều giải pháp đồng bộ và có bước đột phá thông qua việc thành lập, đưa vào hoạt động có hiệu quả Trung tâm Hành chính công tỉnh, cấp huyện và Bộ phận “một cửa” cấp xã. Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh được đồng bộ hoàn toàn với hệ thống Cổng Dịch vụ công quốc gia. Tỷ lệ giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính trước thời hạn  đạt hơn 95%, gắn với đẩy mạnh ứng dụng dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4, hướng tới sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp. Tỉnh triển khai đánh giá, công bố Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) và Chỉ số năng lực cạnh tranh của các sở, ngành, địa phương (DDCI) góp phần tạo động lực mạnh mẽ trong cải thiện Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Thực hiện có hiệu quả “Tổ công tác hỗ trợ doanh nghiệp”; mô hình “Bác sĩ doanh nghiệp” tạo ra chuyển biến mới trong văn hóa ứng xử giữa cơ quan nhà nước và doanh nghiệp, với thông điệp “Bắc Ninh luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, thành công của doanh nghiệp cũng là thành công của tỉnh”, đưa Bắc Ninh trở thành điểm đến hấp dẫn, an toàn, tin cậy của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Cán bộ hướng dân người dân thực hiện TTHC về đất đai tại Trung tâm HCC thành phố Bắc Ninh.  Ảnh: Yến Ngọc

Nỗ lực thu hẹp khoảng cách giữa chính quyền với người dân và doanh nghiệp, xây dựng chính quyền liêm chính, vì dân phục vụ, cuối năm 2019 Bắc Ninh triển khai ứng dụng “Phản ánh kiến nghị” trên thiết bị di động. Ứng dụng “Phản ánh kiến nghị” được triển khai tại 252 cơ quan, đơn vị, đến nay đã tiếp nhận vượt mốc 10.000 phản ánh kiến nghị của người dân, doanh nghiệp, tỷ lệ xử lý đạt 95%. Việc xử lý phản ánh được thực hiện khẩn trương, sâu sát, dứt điểm, thể hiện tinh thần phục vụ nhân dân, kịp thời giải quyết những bất cập phát sinh, tránh để phức tạp tình hình và bức xúc trong nhân dân. Quan tâm, giải quyết kịp thời phản ánh kiến nghị, đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử công khai, minh bạch, không ngừng quan tâm chăm lo, nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo đảm an sinh, an ninh, an toàn cho người dân, Bắc Ninh đã và đang nỗ lực đưa chính quyền tới gần hơn với người dân, doanh nghiệp.

Liên tục đổi mới, không ngừng sáng tạo, Bắc Ninh cho thấy tinh thần chủ động, tích cực, quyết liệt, dám nghĩ, dám làm để vươn lên trở thành một trong những đầu tàu phát triển của khu vực phía Bắc. Khẳng định những thành tựu mà tỉnh đạt được thời gian qua có dấu ấn không nhỏ của việc đổi mới tư duy, xác định tầm nhìn trong chủ trương và hành động cũng như vun đắp và nuôi dưỡng khát vọng vươn lên. Sau chặng đường 27 năm với nhiều thành tựu quan trọng tạo nền móng vững chắc cho Bắc Ninh hoàn thành mục tiêu CNH-HĐH, đã đến lúc tỉnh nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá lại khi không gian địa lý không còn là lợi thế cạnh tranh, khi đất đai không còn là động lực chính của tăng trưởng, là lúc nội lực trong mỗi thành phần kinh tế, trong mỗi con người trỗi dậy mạnh mẽ hơn nữa. Bước vào giai đoạn mới với nhiều cơ hội, nhưng không ít “rào cản”, thách thức đón đợi, đòi hỏi quá trình đổi mới cần sâu sắc hơn, phát huy các động lực mạnh mẽ hơn đến từ sự đồng thuận của nhân dân, sự chuyển đổi nhận thức tinh thông, chuyên nghiệp đến từ đội ngũ cán bộ thực thi nhiệm vụ và các nhà lãnh đạo, quản lý, để vượt qua các “rào cản”, chuyển đổi giá trị xã hội tương thích với giai đoạn mới. Bắc Ninh đang có thời cơ chuyển đổi “đẳng cấp phát triển” và chuyển đổi “giá trị xã hội” thích ứng với quá trình đô thị hóa và phát triển kinh tế đô thị, công nghiệp công nghệ cao và thúc đẩy tích hợp các yếu tố đó tạo sức bật cho hiện thực hóa mục tiêu đưa Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Thái Uyên

Tag:

File đính kèm