Sign In

Dấu mốc mới qua nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng ở Yên Phong

20:08 18/04/2023
Sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện, nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Yên Phong đã nỗ lực triển khai, đổi mới phương thức chỉ đạo, thực hiện và đạt nhiều kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh. Nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ quan trọng đạt dấu mốc mới.

Trên cơ sở kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII, thời cơ, thách thức và dự báo tình hình thực tiễn của địa phương, Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII đã xác định mục tiêu: “…đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, đô thị và dịch vụ nhằm tăng trưởng kinh tế với tốc độ cao và bền vững; Phấn đấu trong nhiệm kỳ Yên Phong trở thành thị xã …”. Để cụ thể hóa 10 chỉ tiêu chủ yếu về xây dựng Đảng, phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh của Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII, Yên Phong tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, dịch vụ; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đẩy mạnh CNH, HĐH. Đồng thời tạo sự chuyển biến trong giáo dục đào tạo, y tế, văn hóa, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; giữ vững ổn định chính trị - trật tự xã hội; xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân.
Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Tỉnh uỷ viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Yên Phong cho biết: Để đưa nhanh nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, trong lãnh đạo, huyện đã tiến hành đổi mới công tác quán triệt, tuyên truyền, triển khai các mục tiêu, tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Ban Thường vụ Huyện ủy không ngừng tìm tòi đổi mới phương thức lãnh đạo đối với hệ thống chính trị. Tiếp tục thực hiện phương châm “Hướng mạnh về cơ sở, vì cơ sở”, thể hiện rõ nét nhất là Huyện ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để các nghị quyết, chủ trương, chính sách sớm đi vào cuộc sống.
Điểm mới trong cách làm ở Yên Phong là ngay từ đầu nhiệm kỳ, Ban Thường vụ Huyện ủy thành lập các tổ công tác phân công các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành, Ủy viên Ban Thường vụ phụ trách địa bàn định kỳ dự sinh hoạt với chi, đảng bộ cơ sở (chủ yếu là cấp xã) để kịp thời nắm bắt tình hình, từ đó đề ra giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo phù hợp. Các đồng chí cán bộ chủ chốt của huyện định kỳ trực tiếp gặp gỡ, đối thoại với cán bộ, đảng viên và đại diện nhân dân ở các thôn, khu phố, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, những khó khăn, vướng mắc để tháo gỡ ngay từ cơ sở.


Đô thị Yên Phong đang trong lộ trình trở thành đô thị loại 3.

Cùng với đó, Thường trực, Ban Thường vụ Huyện ủy tổ chức các hội nghị quán triệt đến người đứng đầu các đơn vị, đồng thời tổ chức các đoàn công tác kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm của người đứng đầu, tiến độ thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ. Phương thức giao chỉ tiêu, nhiệm vụ đã tác động mạnh, toàn diện đến toàn bộ hệ thống chính trị, tạo áp lực cần thiết đối với đội ngũ cán bộ, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị-xã hội. Nhiều phòng, ban, đơn vị, địa phương có những cách làm sáng tạo, đột phá làm tình hình thay đổi rõ rệt, tháo gỡ được những điểm nghẽn tích tụ nhiều năm nay.

Không chỉ đổi mới trong công tác xây dựng Đảng, lĩnh vực phát triển kinh tế của huyện cũng ghi nhiều dấu ấn nổi bật. Yên Phong ghi dấu ấn trong xây dựng nông thôn mới, phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, hiệu quả cao. Với vị trí giao thương thuận lợi, gần Sân bay quốc tế Nội Bài, nằm ở điểm nút giao thông quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, Yên Phong đã và đang tập trung đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp và được mệnh danh là “thủ phủ công nghiệp” của tỉnh.

Trên địa bàn huyện tập trung nhiều khu công nghiệp lớn với hiệu suất sử dụng đất cao, thu hút nhiều tập đoàn kinh tế lớn trong và ngoài nước, với số vốn đầu tư hàng tỷ USD như: Samsung, Panasonic, Hansol, Dawol… Hiện Yên Phong đang tập trung triển khai các dự án như: KCN VSIP Bắc Ninh II, KCN Yên Phong II-C, CCN Yên Trung - Thụy Hòa,… nhằm đón đầu các dòng đầu tư mới, tạo thế và lực cho Yên Phong kết nối đồng bộ với các trung tâm kinh tế lớn của tỉnh và khu vực.

Huyện cũng dành nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, giao thông nhằm hướng đến hoàn thiện và tăng cường tính kết nối khu vực như: ĐT286 từ thành phố Bắc Ninh qua thị trấn Chờ đi xã Yên Phụ; ĐT276 thị trấn Chờ - thị trấn Lim…; địa phương cũng cải tạo, nâng cấp nhiều tuyến đường trọng điểm của huyện và hệ thống đường giao thông liên xã. Tập trung nguồn lực đầu tư một số hạng mục trọng yếu: Khu xử lý nước thải tập trung, các thiết chế, văn hóa, thể thao; mở rộng không gian đô thị,...


Qua nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, song huyện Yên Phong đã đạt và vượt nhiều chỉ tiêu trong phát triển kinh tế-xã hội. Giá trị sản xuất trên địa bàn năm 2022 đạt gần 1,15 triệu tỷ đồng, tăng 13,8% so với năm 2021. Tổng sản phẩm gia tăng đạt trên 11.000 tỷ đồng, tăng 10,4 % so với năm 2021; thu nhập bình quân đầu người đạt 77,4 triệu đồng/người/năm, (tăng gần 9 tiệu đồng so với đầu nhiệm kỳ); tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều giảm còn 1,09%. Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế đều đạt kết quả rất ấn tượng. Với những thành tựu kinh tế - xã hội đã đạt được, ngày 23-12-2022, Bộ Xây dựng có Quyết định 1336 công nhận đô thị Chờ mở rộng đạt tiêu chí đô thị loại IV. Đây là dấu mốc quan trọng, là cơ sở để địa phương tiếp tục xây dựng kế hoạch phát triển đô thị Yên Phong trong thời gian tiếp theo.


Tag:

File đính kèm