Sign In

Bà Rịa – Vũng Tàu với công tác thông tin, tuyên truyền chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường

15:51 04/10/2023

Bà Rịa - Vũng Tàu là tỉnh có đường bờ biển dài khoảng 305km, nằm ở khu vực miền Đông Nam Bộ, phía Tây giáp thành phố Hồ Chí Minh, phía Bắc giáp tỉnh Đồng Nai, phía Đông giáp tỉnh Bình Thuận, phía Nam giáp biển Đông, là một trong các tỉnh ven biển của Việt Nam chịu ảnh hưởng trực tiếp biến đổi khí hậu, tác động của nước biển dâng, xâm nhập mặn, diễn biến của biến đổi khí hậu tại Bà Rịa - Vũng Tàu ngày càng biểu hiện rõ nét gây ngập lụt, sạt lở, xâm nhập mặn,… tác động mạnh đến các vùng, các địa phương, các ngành, các lĩnh vực kinh tế của tỉnh, nhất là tài nguyên, môi trường, du lịch và đời sống người dân.

Bãi Trước Vũng Tàu chịu ảnh hưởng bởi những cơn sóng biển

 

Cũng như các địa phương khác, Bà Rịa – Vũng Tàu chịu tác động và nguy cơ của các điều kiện khí hậu bất lợi và thiên tai như: Sự thay đổi về lượng mưa (mưa lớn hoặc mưa kéo dài), lũ lụt và hạn hán, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, cấp nước sinh hoạt và đời sống của người dân. Đặc biệt, sau khi bão đổ bộ, mưa lớn kéo dài gây ra lũ lụt các vùng đồng bằng; nắng nóng, nhiệt độ cao, hạn hán cũng thường xuyên xảy ra gây ảnh hưởng xấu đối với sức khỏe con người, cây trồng và vật nuôi. Nhiệt độ tăng ảnh hưởng đến các hệ sinh thái và mùa vụ, làm tăng nhu cầu nước và tăng suy thoái nguồn nước;... 

Nhận thức được nguy cơ rủi ro, thách thức của biến đổi khí hậu tới mục tiêu phát triển kinh tế bền vững của tỉnh, trong thời gian qua các cấp, các ngành của tỉnh đã quan tâm đến công tác ứng phó với biến đổi khí hậu; 100% các cấp ủy đảng quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai kịp thời, quán triệt nghiêm túc Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về “chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường” đến đảng viên, cán bộ công chức, viên chức, Nhân dân trong tỉnh nhằm hiểu rõ sự cần thiết của việc quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Công tác tuyên truyền về chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường được các cấp ủy đảng rất chú trọng, áp dụng nhiều hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng nổi bật như: thông qua sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt tổ địa bàn dân cư, hội thi, nói chuyện chuyên đề, hội nghị; tổ chức tập huấn, mít tinh, phát động phong trào bảo vệ môi trường đến từng xã, phường, cụm dân cư, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, tổ chức treo pano, áp phích…; chỉ đạo giải quyết các vấn đề khai thác khoáng sản, vật liệu san lấp, thu gom và xử lý chất thải, xử lý ô nhiễm môi trường từ hoạt động sản xuất kinh doanh, chăn nuôi; lồng ghép nội dung bảo vệ môi trường trong các phong trào thi đua yêu nước, các hoạt động hưởng ứng các Ngày kỷ niệm môi trường.

Bên cạnh đó, nhằm tăng cường, đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, hình thành ý thức chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, sử dụng tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường. Giai đoạn năm 2018 - 2022, UBND tỉnh đã ban hành các kế hoạch thực hiện các hoạt động truyền thông, tuyên truyền bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh; tổ chức các hoạt động hưởng ứng các sự kiện truyền thông về môi trường hằng năm như: Chiến dịch Giờ Trái đất, Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học, Ngày Môi trường thế giới, hưởng ứng Tháng hành động vì môi trường, Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn... Ngành Tài nguyên và Môi trường đã chủ động, thường xuyên phối chặt chẽ với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy trong chỉ đạo, định hướng thông tin tuyên truyền về công tác quản lý, bảo vệ môi trường, nhất là khi xây dựng, triển khai các chương trình, dự án, đề án chính sách, pháp luật có tác động, ảnh hưởng tới đời sống dân sinh, có tính chất “phức tạp”, “nhạy cảm”, Nhân dân quan tâm. Tổ chức xây dựng, triển khai kế hoạch tổ chức nhiều hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp và cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh.

Các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và các địa phương đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, hình thành ý thức chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, sử dụng tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường. Điển hình: Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của tỉnh tổ chức tập huấn kiến thức về môi trường và xây dựng lực lượng tuyên truyền viên của hệ thống Hội Nông dân có đủ kiến thức và kỹ năng vận động hội viên, nông dân và cộng đồng tham gia bảo vệ tài nguyên, môi trường trên địa bàn, có 315 tuyên truyền viên của Hội cùng với cán bộ phụ trách môi trường các huyện, thị, thành phố thường xuyên giám sát hoạt động chăn nuôi, trồng trọt nhằm hướng dẫn và xử lý các trường hợp vi phạm. Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức 13 lớp tập huấn tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững biển, hải đảo cho 1.060 giáo viên cốt cán của 411 trường học các cấp; tổ chức tập huấn về “Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng” thuộc Đề án 1001 của Chính phủ cho trên 500 giáo viên các trường Tiểu học, THCS trên địa bàn các huyện và thành phố; lồng ghép vào các môn văn hóa ở các cấp học về ứng phó biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường vào các môn học học phù hợp (tự nhiên – xã hội, khoa học, địa lý, lịch sử, các hoạt động ngoại khóa) cho từng cấp học từ mầm non đến trung học phổ thông.

Hội thảo công tác tham mưu, định hướng chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên bảo vệ môi trường

 

Báo Bà Rịa - Vũng Tàu, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, mở các chuyên mục, chuyên trang, các diễn đàn để thông tin, tuyên truyền sâu sắc, sinh động về đề tài môi trường. Tăng cường tin, bài biểu dương, khích lệ những tập thể, cá nhân tiêu biểu trong các hoạt động bảo vệ môi trường gắn với việc đấu tranh, phản bác các thông tin quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc, kích động, cản trở việc thực thi pháp luật, triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, bảo vệ môi trường, chống phá Đảng, Nhà nước. Tích cực tổ chức thông tin, tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về ứng phó với biến đổi khí hậu, sử dụng tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường; vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành và địa phương về triển khai thực hiện các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu, sử dụng tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh; các nhiệm vụ, hoạt động bảo vệ môi trường;... 

Bà Rịa – Vũng Tàu xác định công tác chỉ đạo, định hướng thông tin, tuyên truyền về chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, cần được tiến hành thường xuyên, liên tục, có trọng tâm, trọng điểm. Do đó, trong thời gian tới công tác thông tin, tuyên truyền tiếp tục tập trung vào các nội dung:

Một là, tiếp tục tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường; làm rõ các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và trách nhiệm của các cấp, các ngành cũng như người dân đối với việc bảo vệ môi trường, phát triển bền vững đất nước, được nêu trong các nghị quyết của Đảng qua các nhiệm kỳ, nhất là Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Luật Bảo vệ môi trường 2020; Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2050, Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bà Ria - Vũng Tàu lần thứ VII; Nghị quyết 11/2017/NQ-HĐND về việc thu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu…

Hai là, tuyên truyền những kết quả, thành tựu trong công tác bảo vệ môi trường thời gian qua ở các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, nhất là kết quả nổi bật, như: hệ thống chính sách, pháp luật về quản lý, bảo vệ môi trường tiếp tục được hoàn thiện; công tác kiểm tra, giám sát và kiểm soát về môi trường được tăng cường, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật một số vụ gây ô nhiễm nghiêm trọng; thúc đẩy sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, thân thiện với môi trường; nâng cao năng lực nghiên cứu, giám sát biến đổi khí hậu, dự báo khí tượng thủy văn và cảnh báo thiên tai;... Đồng thời, phân tích chỉ rõ những hạn chế, bất cập trong công tác kiểm soát các hoạt động khai thác tài nguyên, công tác nắm bắt, dự báo và xử lý các vụ việc ô nhiễm môi trường...,

Ba là, tuyên truyền những tác động, cản trở của sự ô nhiễm, suy thoái môi trường tới mục tiêu phát triển bền vững đất nước; những khó khăn, thách thức đặt ra trong công tác bảo vệ môi trường hiện nay. Tập trung tuyên truyên, khích lệ đề xuất - khuyên nghị giải pháp khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy phát triển mô hình kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh.

Bốn là, tăng cường tuyên truyền đối ngoại, chia sẻ thông tin, phối hợp nghiên cứu, quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên, bảo đảm an ninh sinh thái, an ninh môi trường..., đồng thời giảm thiểu các tác động bất lợi từ quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.

Năm là, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền thông tin tích cực, có định hướng; đấu tranh, phản bác những thông tin, quan điểm sai trái, xuyên tạc, lợi dụng những hạn chế, bất cập trong công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường kích động, chống phá Đảng, Nhà nước, chia rẻ nội bộ và khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Sáu là, phát hiện, biểu dương và nhân rộng mô hình hay, điển hình tiên tiến trong các hoạt động, phong trào quần chúng bảo vệ môi trường gắn với việc tuyên truyền, phê phán những hành vi vi phạm pháp luật về môi trường.

Lê Phương

Tag:

File đính kèm