Sign In

Phản bác một số luận điệu xuyên tạc công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian gần đây

10:17 15/08/2023

Tham nhũng và đấu tranh phòng, chống tham nhũng là một đề tài luôn luôn mới mẽ, phong phú mà các thế lực thù địch lợi dụng để xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta. Những luận điệu cơ bản nhất mà các thế lực thù địch sử dụng thường xuyên, lặp đi, lặp lại từ trước đến nay có thể kể đến như: “Đảng Cộng sản Việt Nam không thể đấu tranh chống tham nhũng được vì Đảng cũng tham nhũng, suy thoái” hoặc “tham nhũng là căn bệnh kinh niên của thể chế chính trị độc đảng cầm quyền” hay là “xã hội Việt Nam thiếu dân chủ nên không thể chống tham nhũng”… Để dẫn chứng cho những luận điệu này, các thế lực thù địch cố tình bao biện rằng: “Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhiều lần phát động chống tham nhũng nhưng chẳng bao giờ thành công, càng chống lại càng gia tăng” và từ đó đưa ra nhận định: “Việt Nam muốn chống được tham nhũng thì phải thay đổi thể chế chính trị, xoá bỏ chế độ một Đảng cầm quyền, thực hiện tam quyền phân lập để kiểm soát quyền lực…” nhằm gieo rắc tâm lý hoài nghi, dao động, mất niềm tin của Nhân dân vào Đảng, vào chế độ. 


Đáng chú ý, trong thời gian gần đây, khi Việt Nam đưa vụ “chuyến bay giải cứu” ra xét xử, trong đó có nhiều cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp bị truy tố về các tội “đưa hối lộ”, “nhận hối lộ”, “môi giới hối lộ”, “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, “lừa đảo chiếm đoạt tài sản công dân”… với ảo tưởng cho rằng “thời cơ đã đến”, các thế lực thù địch vô cùng hả hê, “mừng như bắt được vàng” nên dốc toàn lực lượng, sử dụng mọi âm mưu, thủ đoạn để xuyên tạc, chống phá trên nhiều lĩnh vực từ thể chế chính trị, vai trò lãnh đạo của Đảng đến cá nhân các đồng chí cán bộ, đảng viên có liên quan và diễn biến, kết quả các phiên xét xử…; kết hợp nhiều nội dung các nội dung từ tình hình thực tế cộng với các thủ đoạn quy chụp, hướng lái, dẫn dắt, suy diễn, vu cáo… nhằm thực hiện đến cùng quyết tâm mượn phiên xét xử “chuyến bay giải cứu” để khoét sâu, kích động người dân phản đối các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, hòng tạo dấu ấn rõ nét trong thực hiện âm mưu chống phá của mình.

Ngoài việc cố tình cắt xén, nhào nặn, dựng lên câu chuyện về “phe nhóm nội bộ”, “lợi ích nhóm” để nói xấu lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các thế lực thù địch còn tăng cường rêu rao các quan điểm sai trái, thù địch cho rằng “phiên toà chuyến bay giải cứu là diễn cho dân xem, không có tác dụng chống tham nhũng”; quy trách nhiệm cho Đảng vì “để nảy sinh đại án tham nhũng”; đòi công khai minh bạch tài sản thu hồi trong vụ án… đáng nói hơn, các thế lực thù địch còn trắng trợn quy chụp, bản chất phiên toàn xét xử chuyến bay giải cứu là “cướp của cướp”, là “chạy án”, “mua tự do”… làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước và sự nghiêm minh của luật pháp Việt Nam.

Theo các nhà nghiên cứu trên thế giới thì tham nhũng là vấn nạn mang tính toàn cầu, xuất hiện và tồn tại hầu hết các nước trên thế giới, không phụ thuộc vào thể chế chính trị nào. Nguyên nhân dẫn đến tham nhũng không phải do chế độ hay đảng phái lãnh đạo mà do nhiều nguyên nhân khác nhau từ hạn chế, yếu kém trong quản lý kinh tế, xã hội, hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, những tác động tiêu cực từ mặt trái của nền kinh tế thị trường đến sự suy thoái về đạo đức lối sống, sự thao túng, tha hoá về quyền lực trong xã hội…

Việt Nam ta đang trong giai đoạn xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong giai đoạn chuyển mình quan trọng đó khó tránh khỏi việc nảy sinh những hạn chế, tiêu cực, trong đó nhức nhối nhất hiện nay vẫn là tệ tham nhũng, tiêu cực. Ý thức được vấn đề này, thời gian qua Đảng ta đã đề ra nhiều quan điểm, chủ trương quan trọng, then chốt thể hiện rõ quyết tâm đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, của hệ thống chính trị. Với quan điểm đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực là “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”, những năm qua, nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, xã hội quan tâm đã được xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật, có tác dụng cảnh báo, răn đe, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và trong bộ máy nhà nước.

Riêng về vụ án “chuyến bay giải cứu”, với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, tháng 2 năm 2020, Chính phủ đã tổ chức chuyến bay giải cứu 30 công nhân Việt Nam ở Vũ Hán, Trung Quốc về Việt Nam, tháng 4 năm 2020, Chính phủ cho phép thực hiện các chuyến bay giải cứu theo hình thức công dân thuộc diện ưu tiên được về Việt Nam trên các chuyến bay do cơ quan Nhà nước phối hợp tổ chức thực hiện và cách ly. Sau khi tổ chức các chuyến bay thí điểm thành công, Chính phủ tiếp tục cho phép tổ chức các chuyến bay dạng “combo” song song với các “chuyến bay giải cứu” đến hết tháng 01 năm 2022. 

Thực hiện chủ trương trên, các cơ quan chức năng đã cấp phép và tổ chức trên 1.000 chuyến bay và đưa hơn 200 nghìn người dân từ 62 quốc gia vùng lãnh thổ về nước an toàn. Chúng ta phải khẳng định rằng, ý tưởng và việc tổ chức các “chuyến bay giải cứu” về bản chất xuất phát từ chủ trương nhân đạo, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Chính phủ Việt Nam trong công tác bảo hộ công dân với mục đích bảo đản an toàn sức khoẻ, tính mạng và tài sản của người dân và nhận được sự đánh giá tích cực của cộng đồng quốc tế và sự ủng hộ của đồng bào trong và ngoài nước. 

Tuy nhiên, từ chính sách này đã xuất hiện một số cán bộ, đảng viên, lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để móc ngoặc với nhau để đưa và nhận hối lộ, tư lợi cá nhân với số tiền lớn, phạm vi rộng, để lại một hệ luỵ hết sức nặng nề cho đảng, cho nhà nước và Nhân dân. Và một điều dĩ nhiên, những cán bộ, đảng viên thoái hoá, biến chất liên quan đến vụ án sẽ bị nghiêm trị theo pháp luật.

Quan điểm của Đảng và nhà nước ta về chống tham nhũng là nhất quán và ngày càng quyết liệt. Nếu tham nhũng là “bản chất của chế độ”, là “do thể chế chính trị”, là “có tính hệ thống”… hay vụ việc “chuyến bay giải cứu” là “lợi ích nhóm”, là “phe nhóm trong nội bộ”… như lời các thế lực thù địch rêu rao thì một vụ án lớn, liên quan đến nhiều cán bộ, đảng viên từ chức vụ thấp đến chức vụ cao, người đương chức lẫn người không đương chức, kể cả các ngành, Trung ương và địa phương đã không được đưa ra ánh sáng để điều tra, xét xử. Việc xét xử “chuyến bay giải cứu” đã một lần nữa khẳng định chứng minh cho chủ trương chống tham nhũng “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ’ của Đảng và nhà nước ta là đúng đắn, phù hợp.

Bùi Vũ Quang Tấn
 

Tag:

File đính kèm