Sign In

Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TW của Ban Bí thư khoá X về phát triển nền Đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới

16:45 21/04/2023
Sáng ngày 21/4/2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TW của Ban Bí thư khoá X về phát triển nền Đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới (Chỉ thị số 24-CT/TW).

Đồng chí Lê Đức Thọ, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tại hội nghị.


Đồng chí Lê Đức Thọ, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; đồng chí Cao Văn Dũng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy kiêm Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh; đồng chí Nguyễn Thị Bé Mười, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chủ trì dự và chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo: Các ban đảng tỉnh, Văn phòng Tỉnh ủy; Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh; Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành tỉnh; thường trực và trưởng ban tuyên giáo các huyện uỷ, thành uỷ, đảng ủy trực thuộc; lãnh đạo Ủy ban nhân dân,  giám đốc trung tâm y tế, chủ tịch hội đông y các huyện, thành phố.


Qua 15 năm triển khai, thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TW, nhận thức các cấp ủy, chính quyền và Nhân dân ngày càng nâng cao về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc phát triển nền đông y và Hội Đông y, không chỉ vì mục tiêu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ của Nhân dân, mà còn góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh, xem đây là trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền và toàn xã hội. Các cơ sở khám, chữa bệnh y học cổ truyền trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng, trang bị cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, phục vụ tốt nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân (toàn tỉnh hiện có: 01 Trung tâm Nghiên cứu, Thừa kế và Ứng dụng y học cổ truyền; 01 Bệnh viện Y học cổ truyền quy mô 330 giường bệnh; có 146/157 trạm y tế khám, chữa đông tây y kết hợp được thanh toán bảo hiểm y tế; 09 phòng chẩn trị cấp hội; 125 phòng chẩn trị tư nhân; 47 đại lý đông dược; 01 cơ sở sản xuất thuốc đông dược; 157 tổ chẩn trị phối hợp với trạm y tế; 103 cơ sở khám, chữa bệnh từ thiện; 37 tổ cấp cứu thời khí và rắn cắn. Chất lượng khám và điều trị bằng phương pháp y học cổ truyền tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh ngày càng được nâng lên; triển khai đa dạng nhiều phương pháp điều trị bằng thuốc kết hợp với các phương pháp không dùng thuốc như: Châm cứu, chiếu đèn hồng ngoại, giác hơi, xoa bóp, bấm huyệt với các thiết bị hiện đại,... Mạng lưới dịch vụ đông y tư nhân được đầu tư về cơ sở vật chất, quy mô và chất lượng phục vụ, đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh của người dân. Các cấp hội hành nghề dưới hình thức y tế tư nhân được tuyên truyền, vận động hành nghề đúng quy định pháp luật, quy định chuyên môn của ngành y tế, Luật Khám, chữa bệnh. Công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn trồng các loại cây thuốc nam tại hộ gia đình được đẩy mạnh, người dân có thể sử dụng để phòng, trị một số bệnh thông thường; một số loại cây thuốc được bao tiêu đầu ra mang lại thu nhập ổn định cho người dân. Công tác xã hội hóa hoạt động khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền có nhiều chuyển biến biến tích cực, đã huy động được nhiều nguồn lực trong xã hội tham gia, nhất là việc vận động những người làm nghề y dược học cổ truyền cống hiến tài năng và kinh nghiệm vào công tác phòng bệnh và chữa bệnh cho Nhân dân bằng các bài thuốc gia truyền; số lượng phòng khám và hành nghề y dược học cổ truyền tư nhân ngày một tăng; nhiều nơi đã tổ chức khám, chữa bệnh từ thiện với số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng. 


Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TW trên địa bàn tỉnh cũng còn một số mặt hạn chế, khó khăn như: Việc đầu tư của ngành y tế trên lĩnh vực y học cổ truyền, đông y vẫn chưa đáp ứng được so với nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng tăng của Nhân dân. Nơi làm việc, cơ sở vật chất, các trang thiết bị của hội đông y cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh, chủ yếu lồng ghép với trạm y tế, cơ sở thờ tự, nhà dân. Biên chế cán bộ đông y tại các trạm còn thiếu nhiều, công tác phối hợp hoạt động chưa thường xuyên; trình độ chuyên môn của một số cán bộ đông y ở các trạm còn hạn chế, chưa có chế độ đưa đi đào tạo nâng cao kiến thức, chuyên môn tay nghề. Tỷ lệ khám chữa bệnh bằng đông y ở tuyến cơ sở còn thấp; việc kết hợp đông y với y học hiện đại trong điều trị bệnh chưa được phát huy đúng mức; công tác trồng, sưu tầm, chăm sóc và hướng dẫn sử dụng thuốc nam chưa được đẩy mạnh….


Với những kinh nghiệm, kết quả đạt được sau 15 năm thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TW của Ban Bí thư khoá X; trong thời gian tới, đồng chí Lê Đức Thọ đề nghị các cấp, các ngành cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau: 

Thứ nhất, tiếp tục quán triệt các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được nêu trong Chỉ thị số 24-CT/TW, Thông báo số 154-TB/TW và các văn bản pháp luật, chương trình, kế hoạch về đông y nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội trong việc phát triển nền đông y và hội đông y các cấp gắn với công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới. Quan tâm công tác kiểm tra, giám sát, định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết và các văn bản có liên quan đến phát triển đông y; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện để hội đông y các cấp hoạt động và phát triển. Phát huy các kết quả đã đạt được, tiếp tục chủ động có giải pháp thiết thực, phát triển nền Đông y trên địa bàn tỉnh.


Thứ hai, Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các ngành chức năng thực hiện Quyết định số 1893/QĐ-TTg, ngày 25/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 1950/KH-UBND, ngày 22/4/2020 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Chương trình phát triển y dược học cổ truyền, kết hợp y dược cổ truyền với y học hiện đại đến năm 2030; hoàn thiện chính sách phát triển đông y, nâng cao năng lực quản lý nhà nước về y dược cổ truyền; chỉ đạo thống nhất kinh phí đào tạo, bồi dưỡng để khuyến khích, động viên đội ngũ làm công tác đông y học tập nâng cao trình độ. Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh bằng việc kết hợp chặt chẽ đông y và tây y. Chú trọng xây dựng quy hoạch các vùng phát triển dược liệu, nhất là các cây, con, thuốc quý; đẩy mạnh nghiên cứu, chọn tạo giống, công nghệ sản xuất giống cây dược liệu có năng suất và chất lượng; áp dụng các công nghệ tiên tiến trong sơ chế và triển khai xây dựng các chuỗi giá trị dược liệu từ nuôi trồng, thu hoạch, chế biến và phân phối.


Thứ ba, Sở Y tế chủ trì, phối hợp Hội Đông y tỉnh và các ngành chức năng đánh giá đầy đủ thực trạng nguồn nhân lực, nhu cầu đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực trong y học cổ truyền, kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại, nhất là trong việc đào tạo y sĩ y học cổ truyền, lương y, lương dược các xã, phường, thị trấn để hội viên có khả năng tham gia, bổ sung mạng lưới đông y của tỉnh. Nâng cao trách nhiệm công vụ, y đức đối với cán bộ làm chuyên môn đông y theo phương châm “giỏi về y lý, tinh thông về y thuật, trong sáng về đạo đức”. Hướng dẫn các hộ dân trồng và nhân rộng cây thuốc nam với hộ liền kề, thực hiện phương châm “Thầy tại chỗ, thuốc tại chỗ, chăm sóc tại nhà”. Xây dựng mô hình hoạt động hội đông y cơ sở xuất sắc toàn diện theo phương thức: Khám bệnh, dùng thuốc, không dùng thuốc, trồng cây thuốc phục vụ khám, chữa bệnh tại chỗ.


Thứ tư, tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động hành nghề y, dược học cổ truyền tư nhân tại các địa phương; kịp thời xử lý những hành vi vi phạm trong hoạt động khám, chữa bệnh bằng đông y. Có kế hoạch nghiên cứu, sưu tầm, lưu giữ và phát triển những cây, con, bài thuốc hay để truyền lại cho các thế hệ sau. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, công tác dịch thuật từ chữ Hán việt sang chữ Quốc ngữ phổ biến cho cán bộ, hội viên học tập nâng cao chuyên môn. Phát huy vai trò nòng cốt của hội đông y trong đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực đông y và việc tập hợp, đoàn kết đội ngũ lương y, lương dược và phát triển hệ thống tổ chức hội đông y các cấp. Tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn các trường học phát triển mô hình trồng dược liệu trong nhà trường góp phần thực hiện Đề án Bến Tre xanh; đồng thời, phổ biến một số loại cây thuốc nam thông dụng giúp học sinh và phụ huynh nhận dạng để chữa một số bệnh thông thường.


Thứ năm, đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương xã hội hoá lĩnh vực đông y; thực hiện tốt việc hỗ trợ, giúp đỡ cho các đối tượng chính sách và người nghèo trong chăm sóc và nâng cao sức khoẻ bằng phương pháp y học cổ truyền. Tăng cường kết hợp y học cổ truyền và y học hiện đại trong phòng bệnh, khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng, nâng cao sức khỏe Nhân dân theo tinh thần Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khoá XII về tăng cường bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới. Đẩy mạnh hợp tác trong nghiên cứu khoa học, đào tạo nhân lực, chuyển giao kỹ thuật, học tập kinh nghiệm của các địa phương có nền y dược học cổ truyền phát triển trong khu vực. Kịp thời đề xuất biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân đóng góp cho phát triển nền đông y và Hội Đông y của tỉnh.

Ủy viên Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy Lê Đức Thọ trao bằng khen cho tập thể đạt thành tích.


Dịp này, Ủy ban nhân dân tỉnh đã tặng bằng khen cho 07 tập thể và 09 cá nhân có thành tích xuất sắc trong 15 năm thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TW.


Tag:

File đính kèm