Vì như vậy là lãng phí với công ty mà cũng lãng phí tài nguyên đối với địa phương, cụ thể như huyện Hàm Thuận Bắc đang rất cần có mặt nước hồ trong phát triển du lịch nông thôn, du lịch sinh thái…
Thay đổi… quản lý lòng hồ thủy điện
Cuộc làm việc giữa UBND huyện Hàm Thuận Bắc với lãnh đạo Công ty cổ phần thủy điện Đa Nhim – Hàm Thuận – Đa Mi vào tháng 8 rồi làm rõ thêm nhiều vấn đề mà theo thời gian đã có sự thay đổi. Cụ thể, tại Quyết định số 3492 ngày 7/12/2009 của UBND tỉnh Bình Thuận về việc xử lý diện tích đất đang sử dụng thuộc công trình thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi của Công ty thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi tại xã Đa Mi, huyện Hàm Thuận Bắc, cho thấy diện tích mà công ty đang sử dụng là 15.763,912 m2, có mục đích sử dụng là đất công trình năng lượng với thời hạn sử dụng 50 năm, kể từ ngày 29/3/1997 tại Quyết định số 189/TTg của Thủ tướng Chính phủ. Hình thức sử dụng đất là Nhà nước cho thuê đất, trả tiền thuê hàng năm. Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Thuận ký hợp đồng thuê đất và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty Thủy điện Đa Nhim – Hàm Thuận - Đa Mi theo quy định đối với đất năng lượng. Điều đáng chú ý, trong 15.763,912 m2 trên, ngoài đất khu vực nhà máy, khu đập chính, phụ, khu vực cửa lấy nước… ra là đất có mặt nước chuyên dùng chiếm 15.290.227 m2. Đây là đất năng lượng, làm bất cứ hoạt động nào khác là không đúng quy định.
Tuy nhiên, đến tháng 11/2017 thì có sự thay đổi, khi Công văn số 12481 của Văn phòng Chính phủ về việc giao Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) thực hiện thuê đất lòng hồ thủy điện. Sau khi rà soát các quy định của pháp luật đất đai hiện hành, cụ thể tại Điểm a Khoản 1 Điều 163 của Luật Đất đai, tại Khoản 39 Điều 2 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 6 tháng 1 năm 2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường có ý kiến chỉ đạo. Đó là “Căn cứ vào các quy định, đối với đất lòng hồ thủy điện không giao, cho thuê đối với chủ dự án các công trình thủy điện, thủy lợi, mà giao cho tổ chức được giao trách nhiệm quản lý và vận hành các hồ thủy điện, thủy lợi để quản lý chung. Trường hợp có sử dụng kết hợp vào mục đích phi nông nghiệp, nuôi trồng, khai thác thủy sản thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện giao, cho thuê cho các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật về đất đai để sử dụng”.
Theo đó, năm 2019, Công ty cổ phần thủy điện Đa Nhim – Hàm Thuận – Đa Mi đã có công văn đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Thuận hướng dẫn thực hiện quản lý đất lòng hồ thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi theo yêu cầu từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam tại Văn bản số 5081. Đó là hướng dẫn công ty các thủ tục để không thực hiện giao/cho thuê đất lòng hồ và hoàn thiện các thủ tục pháp lý cần thiết liên quan đến việc quản lý và sử dụng đất lòng hồ thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi. Vì nhiều lý do, đến nay vấn đề trên vẫn chưa được giải quyết.
Đòn bẩy cho du lịch nông thôn
Tại cuộc họp trên, lãnh đạo Công ty cổ phần thủy điện Đa Nhim – Hàm Thuận – Đa Mi có ý kiến là tập đoàn chỉ đạo công ty hoàn thiện hồ sơ pháp lý về nhà, đất, thực hiện ký hợp đồng thuê đất và làm các thủ tục cần thiết để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các cơ sở nhà, đất (bao gồm đất trụ sở, đất nhà máy, đập...) mà đơn vị đang quản lý và sử dụng theo quy định, tránh hiện tượng lấn chiếm, sử dụng trái phép phần đất thuộc phạm vi diện tích đất đơn vị quản lý. Còn phần mặt nước lòng hồ thì đang chờ tỉnh Bình Thuận hướng dẫn, tuy nhiên quan điểm của công ty là không nhất thiết thuê hết đất lòng hồ cho năng lượng như trước. Vì như vậy là lãng phí với công ty mà cũng lãng phí tài nguyên đối với địa phương, cụ thể như huyện Hàm Thuận Bắc đang rất cần có mặt nước hồ trong phát triển du lịch nông thôn, du lịch sinh thái…
Ông Nguyễn Văn Mỹ - người sáng lập Công ty dã ngoại Lửa Việt, đơn vị đang xây dựng dự án du lịch tại khu vực gần hồ Hàm Thuận cảm nhận quang cảnh, không gian, khí hậu Đa Mi đẹp như cô gái mới lớn là nhờ phần lớn từ 2 hồ thủy điện tuyệt đẹp. Vì vậy, trong thời gian chờ có quy hoạch phân khu xây dựng khu du lịch hồ Hàm Thuận, công ty đang phác thảo dự án du lịch tại đây theo hướng du lịch sinh thái, hoàn toàn dựa vào thiên nhiên, với các hoạt động hòa nhập thật sự theo mô hình du lịch sức khỏe như đạp xe đạp quanh hồ, tắm rừng, ngắm thác, đi phượt, nhất là trong vùng sẽ xây dựng dự án có những thác tuyệt đẹp như thác 9 tầng, thác mưa bay, thác sương mù… Việc không được thuê mặt nước hồ Hàm Thuận, vì vướng đó là đất năng lượng là một sự thiệt thòi lớn cho các dự án du lịch nói chung. Vì 1 điểm du lịch phải có những sản phẩm mang tính liên kết, tạo sự đa dạng, phong phú để hấp dẫn du khách.
Theo ông Mỹ, chính khu vực mặt nước hồ đó như là của để dành để chủ đầu tư có thể làm mới các sản phẩm trong khu du lịch của mình theo từng chặng thời gian. Mà đã là du lịch nông thôn, du lịch sinh thái thì cần mặt nước, tán rừng, mới có triển vọng trong thu hút khách. Vì vậy, ông cũng rất mong tỉnh điều chỉnh diện tích của 2 hồ để cho huyện Hàm Thuận Bắc có điều kiện tốt nhất phát triển du lịch nông thôn và các nhà đầu tư thuận lợi khi triển khai dự án.
Theo lãnh đạo UBND huyện Hàm Thuận Bắc, tiềm năng du lịch của Đa Mi nổi bật, khi có 2 hồ thủy điện với cảnh quan tuyệt đẹp mà không phải nơi nào cũng hội tụ như vậy nên là trung tâm phát triển du lịch nông thôn ở huyện. Tuy nhiên, thời gian qua bị vướng vì toàn bộ mặt nước hồ đều là đất năng lượng. Hiện tại theo quy định pháp luật, đã có sự thay đổi. Vì vậy, Hàm Thuận Bắc mong muốn tỉnh điều chỉnh một phần diện tích ven 2 hồ Hàm Thuận, Đa Mi thuộc địa bàn huyện để Hàm Thuận Bắc đưa vào quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phân khu xây dựng khu du lịch 2 hồ... kêu gọi thu hút đầu tư. Đó là đòn bẩy phát triển kinh tế - xã hội mà bắt đầu là từ du lịch.
Khoản 39 Điều 2 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06 tháng 01 năm 2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai 2013.
"Điều 57a. Đất có mặt nước chuyên dùng là hồ thủy điện, hồ thủy lợi
1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định cho thuê đất có mặt nước là hồ thủy điện, thủy lợi để kết hợp sử dụng với mục đích phi nông nghiệp, nuôi trồng, khai thác thủy sản theo thẩm quyền quy định tại Điều 59 của Luật Đất đai.
2. Việc khai thác, sử dụng đất có mặt nước là hồ thủy điện, thủy lợi vào mục đích phi nông nghiệp, nuôi trồng, khai thác thủy sản phải bảo đảm không ảnh hưởng đến mục đích sử dụng chủ yếu đã được xác định và phải tuân theo pháp luật khác có liên quan.
3. Thời hạn cho thuê đất có mặt nước chuyên dùng là hồ thủy điện, hồ thủy lợi do Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định cho thuê đất quyết định nhưng không quá 50 năm.
Bài 1: Vùng cao vẫy gọi
Bài 2: Thế khó của Đa Mi
Bài 3: Bên không làm gì, bên khao khát
Bài 4: “Con đường” sẽ đi