Sign In

Cà Mau hướng đến năm 2045 là tỉnh phát triển, xã hội văn minh, hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu

19:10 26/04/2023
Để cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết số 29-NQ/TW), tại Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 15 ngày 04/4/2023, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thống nhất ban hành Chương trình hành động thực hiện trong Đảng bộ tỉnh (Chương trình số 44-CTr/TU).

Để cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết số 29-NQ/TW), tại Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 15 ngày 04/4/2023, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thống nhất ban hành Chương trình hành động thực hiện trong Đảng bộ tỉnh (Chương trình số 44-CTr/TU).

Thời gian qua, trong bối cảnh khó khăn và thuận lợi đan xen, cạnh tranh thương mại giữa các nước diễn biến phức tạp; biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh ngày càng gia tăng về cả tác động và cường độ. Kinh tế, thương mại toàn cầu dự báo tiếp tục phục hồi nhưng chưa vững chắc; giá cả nguyên vật liệu sản xuất, lạm phát có nguy cơ gia tăng. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức, tác động đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và tỉnh Cà Mau nói riêng.

Công nghiệp hóa, hiện đại hóa là sự nghiệp của toàn dân, cùng với thực hiện có hiệu quả ba đột phá chiến lược, quy mô nền kinh tế của tỉnh ngày càng tăng: Năm 2022 (GRDP theo giá hiện hành) đạt 73.529 tỷ đồng; cơ cấu kinh tế: Khu vực ngư, nông, lâm nghiệp chiếm 34,6%, khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 28,5%; khu vực thương mại, dịch vụ chiếm 32,9%; thuế nhập khẩu, thuế sản phẩm chiếm tỷ trọng 4,0%; GRDP bình quân đầu người đạt 60,9 triệu đồng.

Bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn một số hạn chế, khó khăn như: Nội lực của nền kinh tế còn yếu, chuyển đổi cơ cấu kinh tế sang công nghiệp còn chậm; năng suất lao động trong các ngành công nghiệp đạt thấp; hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, khó thu hút được các nhà đầu tư trong phát triển công nghiệp…, khu vực kinh tế tư nhân chưa đáp ứng được vai trò là động lực quan trọng thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đổi mới và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể còn khó khăn; đô thị hóa chưa gắn kết chặt chẽ và đồng bộ với công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Giai đoạn 2011 - 2020, giá trị gia tăng ngành công nghiệp của tỉnh tăng khoảng 2,8%/năm, thấp hơn mức tăng bình quân của khu vực đồng bằng sông Cửu Long (bằng 28%) và cả nước (bằng 38,4%).

Nguyên nhân của những hạn chế, tồn tại nêu trên chủ yếu do nhận thức; mô hình, mục tiêu về công nghiệp hóa, hiện đại hóa còn nhiều nội dung chưa rõ, chưa sát thực tiễn; Cà Mau cách xa các trung tâm kinh tế, chính trị của khu vực, cả nước, việc khai thác các tiềm năng, lợi thế so sánh của tỉnh còn chậm do chưa có chính sách phát triển đột phá riêng; nguồn lực đầu tư cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo chưa đáp ứng yêu cầu; thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao; chưa phát huy đầy đủ vai trò giám sát của các tổ chức chính trị - xã hội,...

Ảnh minh họa: Cụm công nghiệp Khí - Điện - Đạm Cà Mau, công trình trọng điểm quốc gia của ngành công nghiệp dầu khí

Tỉnh ủy nhất quán các quan điểm chỉ đạo được nêu trong Nghị quyết số 29-NQ/TW, trong đó: (1) Thống nhất nhận thức về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của công nghiệp hóa, hiện đại hóa với sự phát triển kinh tế - xã hội, làm cho các cấp, các ngành và cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhân dân hiểu rõ công nghiệp hóa, hiện đại hóa là một quá trình biến đổi sâu sắc và toàn diện cả kinh tế - xã hội và lối sống, sinh hoạt, tư duy của tất cả người dân; phát triển công nghiệp và dịch vụ trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là nhiệm vụ trọng tâm. (2) Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa là sự nghiệp của toàn dân và cả hệ thống chính trị, lấy con người là trung tâm, doanh nghiệp là chủ thể, bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường. (3) Quản lý, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của ngành, của từng vùng và địa phương; tập trung phát triển công nghiệp nhẹ và một số ngành dịch vụ có lợi thế; coi phát triển công nghiệp chế biến là then chốt; công nghiệp năng lượng là thế mạnh; chuyển đổi số là đột phá để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. (4) Thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa cần có lộ trình và bước đi có trọng tâm, trọng điểm; tranh thủ cơ chế, chính sách đặc thù phát triển vùng Đất Mũi; phát triển các cực tăng trưởng, các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp hỗ trợ, các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao; tăng cường liên kết ngành và liên kết vùng; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư trên địa bàn tỉnh. (5) Đảm bảo ổn định kinh tế; chú trọng phát triển văn hóa đảm bảo công bằng, tiến bộ xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Tỉnh ủy xác định mục tiêu tổng quát đến năm 2030: Phát huy tiềm năng, lợi thế, nguồn lực để tỉnh phát triển nhanh và bền vững; phát triển công nghiệp là nền tảng cơ bản của quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hóa, phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, công nghiệp hỗ trợ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và tiếp tục hội nhập sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu; phát triển kinh tế biển, kinh tế nông nghiệp, nông nghiệp sạch, sinh thái; các ngành dịch vụ được cơ cấu lại đồng bộ, hiệu quả trên nền tảng công nghệ hiện đại, công nghệ số gắn với năng lực cạnh tranh, hình thành nhiều ngành dịch vụ mới, có giá trị gia tăng cao; phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tạo dựng môi trường sống bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.

 Một số chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030: Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) bình quân giai đoạn 2021 - 2030, đạt trên 7,5%/năm; giai đoạn 2021 - 2030, tốc độ tăng trưởng bình quân ngành ngư - nông - lâm nghiệp đạt 5,0%/năm; công nghiệp - xây dựng đạt khoảng 6,5 - 8,5%/năm; dịch vụ, thương mại đạt 8 - 8,5%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt trên 146 triệu đồng/năm; tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021 - 2030 bình quân đạt khoảng 30 - 35% GRDP; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội giai đoạn 2021 - 2030 bình quân trên 7%/năm (ngành ngư nông lâm nghiệp đạt bình quân từ 6,5 - 7%/năm); tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 45%; kinh tế số chiếm từ 20% GRDP trở lên.

Tầm nhìn đến năm 2045: Cà Mau là tỉnh phát triển, xã hội văn minh, hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu. Kinh tế phát triển theo mô hình tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, năng suất lao động cao gắn với phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Hệ thống đô thị, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng số phát triển theo hướng thông minh, sinh thái, đồng bộ, hiện đại.

Trên cơ sở đó, đề ra 10 nhóm nhiệm vụ giải pháp trọng tâm thực hiện như sau: Đổi mới, tư duy, nhận thức và hành động quyết liệt về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; triển khai thực hiện có hiệu quả các thể chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa; phát triển nông nghiệp, nông thôn hiện đại; cơ cấu lại ngành dịch vụ dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo; phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa; phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thúc đẩy đô thị hóa nhanh và bền vững; phát triển các thành phần kinh tế nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa; chính sách tài chính và đầu tư thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa; quản lý, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường hội nhập quốc tế; phát huy giá trị văn hóa; xây dựng đội ngũ trí thức và doanh nhân đi đầu trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa; bảo đảm an sinh xã hội.

Để tạo sự thống nhất và nâng cao về nhận thức, chuyển biến mạnh mẽ trong hành động của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận trong nhân dân, đặc biệt là người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp về tầm quan trọng của nhiệm vụ tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trên cơ sở Kế hoạch số 13-KH/TW, ngày 28/11/2022 của Bộ Chính trị và Chương trình của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện trong toàn Đảng bộ tỉnh.

Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề nghị các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nghiên cứu, cụ thể hoá các nội dung, nhiệm vụ thực hiện phù hợp với thực tiễn của địa phương, tổ chức, cơ quan, đơn vị. Tổ chức đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng bộ, nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về tầm quan trọng của công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện, trong đó, tăng cường hoạt động của ủy ban kiểm tra các cấp, chú trọng công tác tự kiểm tra, tự giám sát của cấp ủy, tổ chức đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội. Kịp thời phát hiện, nhân rộng các mô hình mới, cách làm hay đạt hiệu quả cao, kịp thời chấn chỉnh những nơi làm chưa tốt trong quá trình thực hiện Nghị quyết. Tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, toàn diện, đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả; xác định giải pháp, lộ trình và trách nhiệm cụ thể trong quá trình thực hiện Nghị quyết.

Ảnh minh họa: Ưu tiên đầu tư phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp trong thời gian tới

BAN BIÊN TẬPCg

 

Tag:

File đính kèm