Ảnh: Đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu Tỉnh Cà Mau
Tại điểm cầu tỉnh Cà Mau (Phòng họp trực tuyến Ban Tổ chức Tỉnh ủy), đồng chí Phạm Thành Ngại, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy dự và chủ trị Hội nghị; cùng dự có đồng chí Huỳnh Thị Thanh Loan, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy và các đồng chí Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy; đại diện Thường trực và trưởng ban tổ chức huyện ủy, thành ủy trực thuộc Tỉnh ủy; các đồng chí lãnh đạo các phòng chuyên môn thuộc Ban Tổ chức Tỉnh ủy.
Ảnh: Đồng chí Hoàng Đăng Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương chủ trì Hội nghị tại điểm cầu Ban Tổ chức Trung ương
Theo Ban Tổ chức Trung ương, qua 5 năm thực hiện Quy định 132, nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu và cán bộ, đảng viên từng bước được nâng lên. Công tác kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng tập thể, cá nhân hằng năm đi vào nền nếp, có chất lượng. Các địa phương, cơ quan, đơn vị đã kịp thời quán triệt, triển khai, cụ thể hóa và chỉ đạo thực hiện đúng quy định, hướng dẫn của Trung ương. Công tác chuẩn bị và tổ chức kiểm điểm tự phê bình và phê bình hằng năm được cấp ủy các cấp quan tâm chỉ đạo và cơ bản thực hiện nghiêm túc, bảo đảm dân chủ, công khai, khách quan, toàn diện, hiệu quả, đúng thời gian quy định, gắn với chức năng, nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị và việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thực hiện Nghị quyết, Kết luận Trung ương 4 khóa XI, XII, XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Cấp ủy các cấp đã phân công các đồng chí cấp ủy viên, ủy viên ban thường vụ cấp ủy theo dõi địa bàn và cán bộ, chuyên viên các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc cấp ủy dự, theo dõi, chỉ đạo và giám sát việc kiểm điểm. Nhiều nơi đã quan tâm chỉ đạo gợi ý kiểm điểm đối với những tập thể, cá nhân để xảy ra những vấn đề phức tạp, dư luận bức xúc, có biểu hiện mất đoàn kết, “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, trách nhiệm nêu gương, có biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, chậm khắc phục những khuyết điểm, hạn chế và các kết luận thanh tra, kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền. Những tập thể, cá nhân được gợi ý kiểm điểm đã nghiêm túc giải trình các nội dung gợi ý, xác định rõ hạn chế, khuyết điểm, nguyên nhân và trách nhiệm; đồng thời, đề ra các biện pháp, lộ trình khắc phục sửa chữa. Việc đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm cơ bản được triển khai thực hiện nghiêm túc, khách quan, đúng quy trình; nhiều nơi đã cụ thể hóa các tiêu chí đánh giá, tiêu chuẩn xếp loại theo hướng tăng định lượng, giảm định tính, lấy sản phẩm cụ thể để làm thước đo chủ yếu trong việc đánh giá, xếp loại tập thể, cá nhân, từng bước khắc phục bệnh thành tích, ngày càng thiết thực hơn. Công tác kiểm tra, giám sát việc kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lựợng hằng năm đựợc nhiều cấp ủy quan tâm chỉ đạo, nhất là đối với việc khắc phục những khuyết điểm, hạn chế của năm trước và những vấn đề được gợi ý kiểm điểm.
Bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn những hạn chế, tồn tại: Một số địa phương, tổ chức, cơ quan, đơn vị, người đứng đầu các cấp chưa có quyết tâm chính trị cao, nhất là việc cụ thể hóa Quy định của Bộ Chính trị thành chương trình, kế hoạch... để tổ chức thực hiện, nên kết quả công tác kiểm điểm, đánh giá, xếp loại thiếu thực chất, chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Một số cấp ủy, tổ chức đảng chỉ đạo công tác chuẩn bị và báo cáo kiểm điểm còn sơ sài; việc tham gia đóng góp ý kiến còn chung chung, chưa bám sát các nội dung kiểm điểm, các nhiệm vụ đựợc giao; chưa tự nhận diện và đánh giá đúng những biểu hiện suy thoái trong nội bộ, tính chiến đấu trong tự phê bình và phê bình còn yếu, còn tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm, “dĩ hoà vi quý”, chưa thẳng thắn chỉ ra khuyết điểm, chưa làm rõ vai trò, trách nhiệm của tập thể, cá nhân, dẫn đến chất lượng kiểm điểm còn hạn chế, chưa sâu sắc. Một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu làm việc kém hiệu quả, nhưng chưa thẳng thắn, thiếu tiên phong, gương mẫu trong việc nhận khuyết điểm, trách nhiệm của cá nhân khi “tự soi, tự sửa”, còn tình trạng bao biện, đổ lỗi cho tập thể, cho yếu tố khách quan; khi xếp loại chất lựợng hằng năm vẫn nhận mức xếp loại hoàn thành tốt, thậm chí là hoàn thành xuất sắc chức trách, nhiệm vụ. Công tác đánh giá, xếp loại chất lượng tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị hằng năm ở một số nơi còn thiếu thực chất, nặng về thành tích, chưa bám sát các tiêu chí, thông qua sản phẩm cụ thể, chưa gắn trách nhiệm cá nhân với khuyết điểm của tập thể và so sánh giữa các tập thể, cá nhân có vị trí, chức năng, nhiệm vụ tương đồng nên còn cảm tính, thiếu khách quan, chưa phản ánh đúng kết quả thực hiện nhiệm vụ và uy tín của cán bộ, đảng viên. Một số cơ quan tham mưu giúp việc chưa thẩm định, xác minh, đánh giá nghiêm túc và chịu trách nhiệm về việc thẩm định kết quả kiểm điểm, đánh giá, xếp loại theo quy định; công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc tổ chức thực hiện kiểm điểm, đánh giá, xếp loại còn hạn chế. Một số nơi chưa gắn mức xếp loại chất lượng của người đứng đầu với mức xếp loại chất lượng của tập thể trực tiếp lãnh đạo, thậm chí có nơi thành viên tập thể lãnh đạo, quản lý bị kỷ luật, bị truy tố hình sự nhưng vẫn tự đánh giá, xếp loại là tập thể hoàn thành xuất sắc hoặc hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Ngoài những hạn chế, tồn tại, Ban Tổ chức Trung ương cũng nêu rõ những vướng mắc, bất cập trong Quy định định 132 như: Căn cứ kiểm điểm, đánh giá, xếp loại; nội dung kiểm điểm đối với tập thể, cá nhân trong Quy định 132 chưa được cập nhật những vấn đề mới, đồng bộ, thống nhất với các văn bản khác của Đảng được ban hành trong thời gian gần đây. Tiêu chí đánh giá, tỷ lệ xếp loại chất lượng trong Quy định 132 và các văn bản của Đảng, Nhà nước có liên quan chưa thống nhất, đồng bộ về một số nội dung. Phương pháp đánh giá, xếp loại có nội dung chưa thống nhất, đồng bộ với các tiêu chí đánh giá trong quy định khác của Đảng. Về quy định số lượng tập thể, cá nhân xếp loại "Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ" không vượt quá tỷ lệ 20% số tập thể, cá nhân xếp loại "Hoàn thành tốt nhiệm vụ", qua thực tiễn triển khai thực hiện còn có bất cập khi một số địa phương, cơ quan, đơn vị trong năm đánh giá chỉ ở mức hoàn thành nhiệm vụ hoặc không hoàn thành nhiệm vụ vẫn áp dụng tỷ lệ tập thể, cá nhân trực thuộc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ như các địa phương, cơ quan, đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ hoặc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Chưa quy định cụ thể việc đánh giá, xếp loại đối với đảng viên giữ nhiều chức vụ ở nhiều nơi khác nhau, có kết quả xếp loại khác nhau dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện. Quy định đối với tập thể lãnh đạo, quản lý khi có thành viên bị kỷ luật trong năm thì xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ, qua thực tiễn triển khai đã phát sinh những bất cập, chưa phù hợp…
Từ những hạn chế, tồn tại và những vướng mắc, bất cập nêu trên, Ban Tổ chức Trung ương tham mưu, đề xuất Bộ Chính trị sửa đổi, bổ sung Quy định 132. Dự thảo Quy định mới cơ bản kế thừa nội dung Quy định 132, có sửa đổi, bổ sung những nội dung mới cho phù hợp với văn bản mới, cũng như đề ra các phương án lựa chọn, đề nghị các đại biểu dự Hội nghị nghiên cứu thảo luận, cho ý kiến từng nội dung cụ thể để Ban Tổ chức Trung ương tiếp thu, hoàn chỉnh dự thảo Quy định.
Hôi nghị có 22 ý kiến phát biểu (gồm các tỉnh, thành: Hồ Chí Minh, Hưng Yên, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Phú Yên, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Bắc Kạn, Nghệ An, Đắk Lắk, Long An, Bắc Giang, Quảng Nam, Hải Dương, Yên Bái, Ninh Thuận, Nam Định, Sơn La, Thái Bình, Thừa Thiên Huế, Cà Mau, Lạng Sơn). Hầu hết, các ý kiến thống nhất với các dự thảo văn bản do Ban Tổ chức Trung ương trình; đồng thời, có các ý kiến góp ý như sau: Cần hướng dẫn liên thông, đồng bộ, thống nhất giữa đánh giá, xếp loại đảng viên với đánh giá, xếp loại công chức, viên chức; xem xét sửa đổi, bổ sung Quy định 89 cho phù hợp với những nội dung sửa đổi, bổ sung Quy định 132; cân nhắc tỷ lệ đảng viên xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cho phù hợp với loại hình tổ chức đảng, cần xem xét tới tính đặc thù cho những chi bộ có thường trực cấp ủy sinh hoạt tại chi bộ; xem xét lại phương án: “Bị xử lý kỷ luật hoặc có 1/3 thành viên trở lên bị kỷ luật trong năm” để cân nhắc xếp loại tập thể cho phù hợp; quy định rõ hơn về những tập thể phải đánh giá, xếp loại và nơi kiểm điểm của cá nhân kiêm nhiệm nhiều chức vụ lãnh đạo; quy định cụ thể hơn về tập thể, cá nhân tại thời điểm đánh giá có đơn thư khiếu nại, tố cáo.
Về các phương án: Đối với quy định tập thể lãnh đạo, quản lý không hoàn thành nhiệm vụ khi có thành viên bị kỷ luật trong năm, dự thảo Quy định xây dựng 02 phương án: Phương án 1: Lược bỏ nội dung “có thành viên bị kỷ luật trong năm”; Phương án 2: Điều chỉnh thành “Bị xử lý kỷ luật hoặc có 1/3 thành viên trở lên bị kỷ luật trong năm”. Đa số đại biểu chọn Phương án 2.
Về quy định tỷ lệ tập thể, cá nhân được xếp loại "Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ" không vượt quá 20% số đựợc xếp loại "Hoàn thành tốt nhiệm vụ", dự thảo Quy định xây dựng 02 phương án: Phương án 1: Giữ nguyên tỷ lệ số lượng tập thể, cá nhân được xếp loại "Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ" không vượt quá 20% số được xếp loại "Hoàn thành tốt nhiệm vụ" theo đối tượng có vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ tương đồng nhằm khắc phục tình trạng nể nang, chạy theo thành tích và đảm bảo thực chất, công bằng trong đánh giá, xếp loại chất lượng tập thể, cá nhân hằng năm của cả hệ thống chính trị. Phương án 2: Điều chỉnh tỷ lệ số lượng tập thể, cá nhân được xếp loại "Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ" theo hướng lấy kết quả đánh giá, xếp loại của tập thể làm căn cứ để xác định tỷ lệ các mức xếp loại của tập thể, cá nhân trực thuộc với 4 mức tỷ lệ như sau: (tập thể "Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ" có 20% số đơn vị, cá nhân trực thuộc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; tập thể "Hoàn thành tốt nhiệm vụ" có 15% số đơn vị, cá nhân trực thuộc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; tập thể "Hoàn thành nhiệm vụ" có 10% số đơn vị, cá nhân trực thuộc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; tập thể "Không hoàn thành nhiệm vụ" thì không có đơn vị, cá nhân trực thuộc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ) nhằm siết chặt hơn nữa việc đánh giá xếp loại chất lượng hằng năm bảo đảm ngày càng thực chất, là một trong những nội dung tham khảo quan trọng trong đánh giá, sử dụng cán bộ và tạo động lực, khích lệ các tập thể trong quá trình phấn đấu thực hiện nhiệm vụ. Đa số đại biểu chọn Phương án 1.
Phát biểu kết thúc Hội nghị, đồng chí Hoàng Đăng Quang cảm ơn, ghi nhận những ý kiến góp ý quí báo của các đại biểu, đồng chí sẽ chỉ đạo tiếp thu, bổ sung hoàn chỉnh dự thảo Quy định, trình xin ý kiến Bộ Chính trị.
BAN BIÊN TẬP (nvb)