Nghị quyết Đại hội Đảng
bộ tỉnh Cà Mau lần thứ XVI nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định "Lãnh đạo, chỉ
đạo thực hiện toàn diện, có chất lượng nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, kỷ luật
đảng. Tập trung kiểm tra, giám sát tổ chức đảng, người đứng đầu, cán bộ chủ
chốt ở những lĩnh vực dễ xảy ra sai phạm, địa phương, đơn vị có nhiều vụ việc
bức xúc, nổi cộm, dư luận xã hội quan tâm".
Ảnh: Ủy ban Kiểm tra
Trung ương tổ chức Hội nghị giao ban công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ
luật đảng thuộc Vụ địa bàn 8 theo dõi tại tỉnh Cà Mau.
Xác định công tác kiểm tra, giám sát vừa là
chức năng, vừa là phương thức lãnh đạo quan trọng của Đảng, là bộ phận trọng
yếu trong công tác xây dựng Đảng. Ngay từ
đầu nhiệm kỳ, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo tập trung triển
khai, quán triệt đầy đủ, kịp thời và tổ chức thực hiện nghiêm túc các nghị
quyết, chỉ thị, quy định, hướng dẫn liên quan đến công tác kiểm tra, giám sát
và kỷ luật của đảng; chỉ đạo xây dựng và thực hiện một cách hiệu quả, thiết
thực quy chế làm việc của cấp ủy, ủy ban kiểm tra, chương trình công tác kiểm
tra, giám sát toàn khoá và hàng năm của cấp ủy. Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo Ủy
ban Kiểm tra Tỉnh ủy
chủ trì, phối hợp với các cơ quan tham mưu, giúp việc của Tỉnh ủy và các cơ
quan, đơn vị liên quan tham mưu Ban Chấp hành Đảng bộ và Ban Thường vụ Tỉnh ủy
kịp thời cụ thể hóa, ban hành 52 văn bản về công tác kiểm tra, giám sát, thi
hành kỷ luật của Đảng, công tác cải cách tư pháp, phòng, chống tham nhũng, bảo
vệ chính trị nội bộ,… và triển khai đến cấp ủy, tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra các cấp, cán bộ, đảng viên nghiên
cứu quán triệt, thực hiện. Trong xây dựng văn bản, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ
đạo, quán triệt rõ mục đích, yêu cầu, nội dung, đối tượng, phạm vi điều chỉnh,
xác định vai trò, trách nhiệm, thẩm quyền của tổ chức và cá nhân, tính trọng
tâm, cụ thể, đảm bảo tính bao quát để nâng cao chất lượng văn bản, đảm bảo các
văn bản khi ban hành sát với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ kiểm tra,
giám sát trong giai đoạn đổi mới, phát triển của tỉnh.
Ảnh: Các đại
biểu dự Hội nghị tổng kết công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của đảng năm
2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024.
Trong đó, xác định rõ trách nhiệm, thẩm quyền, nhiệm
vụ của cấp ủy, ủy ban kiểm tra và cách thức tiến hành trong từng giai đoạn cụ
thể, tập trung vào những vấn đề trọng tâm, địa bàn trọng yếu, nhất là việc lãnh
đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, các
chương trình đột phá, công trình trọng điểm, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI,
XII), Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa
XIII), Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị tiếp tục thực
hiện Chỉ thị số 05-CT/TW và công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực... Qua
đó, giúp cho các cấp ủy, tổ chức đảng kịp thời nắm bắt được tình hình, những ưu
điểm, hạn chế và có định hướng lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc các cấp ủy đảng trực
thuộc tập trung lãnh đạo, thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải
pháp, góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội đảng các cấp, tạo sự đột
phá trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đơn vị.
Cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy, tổ chức đảng nhận thức được vị trí, vai trò
công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng là một trong những chức năng
lãnh đạo của Đảng, là một bộ phận quan trọng trong toàn bộ công tác xây dựng
Đảng. Thường xuyên tuyên truyền nâng cao nhận thức trong các tổ chức đảng và
đội ngũ cán bộ, đảng viên về vị trí, vai trò, tác dụng của công tác kiểm tra,
giám sát và kỷ luật của Đảng, xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm
trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Kết quả thực hiện công tác kiểm tra,
giám sát từ
đầu nhiệm kỳ đến nay, cấp ủy các cấp kiểm tra 956 tổ chức đảng và 1.831 đảng
viên, trong đó có 618 cấp ủy viên; thực hiện giám sát chuyên đề 591 tổ chức
đảng và 956 đảng viên, trong đó có 361 cấp ủy viên. Thi hành kỷ luật 04 tổ chức
đảng bằng hình thức khiển trách 01, cảnh cáo 03; thi hành kỷ luật 370 đảng
viên, trong đó có 91 cấp ủy viên (khiển trách 275 đảng viên, cảnh cáo 75 đảng
viên, cách chức 14 đảng viên, khai trừ 06 đảng viên). Việc xử lý các vi phạm
của tổ chức đảng và đảng viên được tiến hành nghiêm túc, khách quan, đồng bộ cả
về Đảng, chính quyền, đoàn thể; hình thức xử lý tương xứng với tính chất, mức
độ, nội dung vi phạm.
Tuy nhiên, phải thẳng
thắn nhìn nhận rằng, thời gian qua vẫn còn một số cấp ủy, tổ chức đảng trong
tỉnh chưa nhận thức đầy đủ về nhiệm vụ kiểm tra, giám sát; chưa gắn vai trò
lãnh đạo với trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, cũng như các
giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên. Việc
tham mưu cấp ủy về công tác kiểm tra, giám sát ở một số địa phương, đơn vị còn
chậm, hiệu quả thấp; thực hiện kiểm tra đảng viên và tổ chức đảng khi có dấu
hiệu vi phạm còn hạn chế. Một số cán bộ làm công tác kiểm tra còn non kinh nghiệm,
tính chiến đấu chưa cao, ngại va chạm, đối tượng kiểm tra chưa tự giác tự phê
bình và phê bình, làm ảnh hưởng đến hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát và kỷ
luật của Đảng.
Đạt được kết quả trên, rút ra một số kinh nghiệm như sau: (1) phát huy vai
trò, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, bí thư cấp ủy đối với công
tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng; (2) cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp chủ động xây dựng chương trình công tác kiểm tra,
giám sát nhiệm kỳ và cụ thể hóa thực hiện bằng chương trình, kế hoạch công tác
hằng năm trọng tâm và sát với tình hình địa phương, cơ quan, đơn vị; (3) cấp ủy
và ủy ban kiểm tra các cấp phân công thành viên phụ trách theo dõi địa bàn,
chú trọng việc phân công giám sát thường xuyên các tổ chức đảng yếu kém, có
thiếu sót, khuyết điểm sau kết luận kiểm tra, giám sát, qua tự phê bình và phê
bình hằng năm hoặc qua dư luận, các phương tiện thông tin đại chúng để kịp thời
uốn nắn, chấn chỉnh; (4) Ủy ban Kiểm tra các cấp chủ động phối kết hợp chặt
chẽ với tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị có liên quan và thường xuyên trao đổi
thông tin tình hình tổ chức đảng, đảng viên, nhằm tiến hành kiểm tra, giám sát
chính xác, kịp thời; (5) Quan tâm công tác
quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, điều động, luân chuyển đối với cán bộ làm công
tác kiểm tra các cấp, nhằm rèn luyện, đào tạo cán bộ có đủ năng lực, kinh
nghiệm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Trước yêu cầu nhiệm vụ chính
trị và công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong tình hình mới, Ban Thường vụ
Tỉnh ủy, các cấp ủy tăng cường triển khai, quán triệt đầy đủ các quyết định,
quy định, hướng dẫn của Trung ương, của Tỉnh ủy về công tác kiểm tra, giám sát
và thi hành kỷ luật trong Đảng, nhất là các quy định, hướng dẫn mới, tạo sự
chuyển biến về nhận thức trong toàn Đảng bộ, cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp,
trước hết là người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng về vị trí, vai trò của công
tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng trong nhiệm vụ xây dựng Đảng
hiện nay. Thực hiện đồng bộ giữa công tác kiểm tra và công tác giám sát: “kiểm
tra phải có trọng tâm, trọng điểm”, “giám sát phải mở rộng”; phải
kết hợp chặt chẽ giữa xây và chống, lấy xây là chính; phải được tiến hành thường
xuyên, toàn diện, công khai, dân chủ, thận trọng và chặt chẽ, phòng ngừa là
chính, để kịp thời phát hiện, nhắc nhở, cảnh báo; đồng thời, xử lý kỷ luật phải
nghiêm minh, không có “vùng cấm”, “không
có ngoại lệ”. Nội dung kiểm tra, giám sát phải có trọng tâm, trọng điểm,
tập trung vào những lĩnh vực, vần đề bức xúc, nổi cộm; tập trung kiểm tra, giám
sát cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức,
lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, vi phạm những điều đảng viên không
được làm, vi phạm trách nhiệm nêu gương; những lĩnh vực, địa bàn, vị trí công
tác dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực, nhũng nhiễu... Khắc phục tình trạng nể
nang, né tránh, ngại va chạm trong công tác kiểm tra, giám sát; kiên quyết xử
lý những tổ chức đảng, đảng viên cố tình vi phạm, làm ảnh hưởng đến uy tín của
Đảng, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Quan tâm kiện toàn tổ
chức bộ máy ủy ban kiểm tra các cấp; xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra đủ về số
lượng, đảm bảo về chất lượng, bản lĩnh, tâm huyết, có ý thức rèn luyện, giữ gìn
phẩm chất đạo đức, đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.