Chiều ngày 20
tháng 8 năm 2024, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức Hội nghị (hình thức trực
tuyến) xin ý kiến góp ý vào dự thảo Quy chế bầu cử trong Đảng (sửa đổi, bổ sung). Đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Trung ương
Đảng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương chủ trì Hội nghị.
Ảnh: Đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh
Cà Mau
Tại điểm cầu tỉnh
Cà Mau (Phòng họp trực tuyến Ban Tổ chức Tỉnh ủy), đồng chí Phạm Thành Ngại, Phó Bí thư
Thường trực Tỉnh ủy dự và chủ trị Hội nghị; cùng dự có các đồng
chí: Lãnh đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Nội vụ kiêm Phó Trưởng Ban Tổ
chức Tỉnh ủy; đại diện thường trực và trưởng ban tổ chức huyện ủy, thành ủy,
đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy; các đồng chí lãnh đạo các phòng chuyên môn thuộc
Ban Tổ chức Tỉnh ủy.
Theo đánh giá của
Ban Tổ chức Trung ương, nội dung Quy chế bầu cử trong Đảng (ban hành kèm theo Quyết định số 244-QC/TW, ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành
Trung ương Đảng khóa XI) được xây dựng cơ bản đồng bộ với các quy định,
hướng dẫn của Trung ương, bảo đảm các nguyên tắc và hoạt động của Đảng; dễ
hiểu, dễ thực hiện, là một bước tiến mới trong thực hiện mở rộng dân chủ, đi
đôi với siết chặt kỷ luật, kỷ cương; cơ bản giải quyết được những vướng mắc
trong công tác bầu cử ở những nhiệm kỳ trước, góp phần vào thành công của đại
hội đảng bộ các cấp, qua đó nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các
tổ chức đảng và đảng viên. Tuy nhiên, bên cạnh vẫn còn hạn chế: Một số nội dung
quy định về số dư trong Quy chế bầu cử chưa cụ thể; quy định đối với việc ứng
cử, đề cử tại đại hội còn chưa thật sự chặt chẽ, chưa quy định rõ trách nhiệm
của ban thẩm tra tư cách đại biểu,... Mặt khác, nhiệm kỳ 2020 - 2025 Trung ương ban hành nhiều quy
định, hướng dẫn, chỉ thị mới, nên một số nội dung của Quy chế trước đây không
còn phù hợp với các quy định, hướng dẫn hiện hành, cũng như những vướng mắc,
phát sinh trong thực tế thực hiện công tác bầu cử mà Quy chế trước đây chưa đề
cập đến. Trên cơ sở đó, Bộ Chính trị thống nhất giao cho Ban Tổ chức Trung ương
tham mưu tổng kết và sửa đổi, bổ sung Quy chế bầu cử trong Đảng.
Dự thảo Quy chế được
xây dựng trên cơ sở kế thừa nội dung Quy chế trước đây và có sửa đổi, bổ sung
một số nội dung như đã nêu trên. Sau khi hoàn chỉnh dự thảo, Ban Tổ chức Trung
ương gửi xin ý kiến góp ý của các bộ, ngành Trung ương, các ban thường vụ tỉnh
ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương và các cơ quan, đơn vị có liên
quan,… Hôm nay, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức Hội nghị xin ý kiến đóng góp
trực tiếp của các đại biểu, sau đó tiếp thu, hoàn chỉnh dự thảo Quy chế.
Ảnh: Đồng chí Phạm Thành Ngại, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy phát biểu thảo
luận tại Hội nghị
Hôi nghị có 23 ý kiến đóng góp (gồm các
tỉnh, thành: Bình Định, Vĩnh Phúc, Nam Định, Quảng trị, Thành phố Hồ Chí
Minh, Hải Phòng, Đồng Tháp, Gia Lai, Đắk Lắk, Quảng Ngãi, Thanh Hóa, Nghệ An,
Tuyên Quang, Lạng Sơn, Bình Dương, Bình Thuận, Hưng Yên, Thái Bình, Cà Mau, Bạc
Liêu, Đảng ủy Công an Trung ương, Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương, Đảng ủy
Khối các cơ quan Trung ương). Hầu hết, các ý kiến thống nhất với các
dự thảo văn bản do Ban Tổ chức Trung ương trình tại Hội nghị; đồng
thời, có các ý kiến góp ý như sau: Quy định rõ thêm nhiệm vụ của đoàn
thư ký; không nên bầu chức danh ủy ban kiểm tra kiêm chức; cần có cơ chế giám
sát kiểm phiếu bầu cử; trường hợp bầu thiếu đại biểu, có bầu nữa hay không do
đại hội quyết định; xem xét, cân nhắc nội dung quy định trách nhiệm người đề
cử; các nội dung có tính chất như biểu mẫu, nên đưa ra phần phụ lục, không để
trong Quy chế; quy định về đại biểu ứng cử bị bác bỏ tư cách đại biểu; danh
sách bầu cử cần ghi rõ chức vụ, vì trong thực tế có người trùng cả họ, chữ lót
và tên, để tránh nhầm lẫn khi bầu cử;…
Phát biểu kết thúc Hội nghị, đồng chí Nguyễn Quang Dương cảm ơn, ghi nhận và
tiếp thu các ý kiến góp ý của các đại biểu, đồng chí sẽ chỉ đạo
tiếp thu, bổ sung hoàn chỉnh dự thảo Quy chế trình xin ý kiến Ban Bí thư
Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Hội
nghị Trung ương lần thứ 10. Sau khi Quy chế được ban hành, đề nghị các cấp ủy,
tổ chức đảng tập trung chỉ đạo triển khai, quán triệt, nâng cao nhận thức một
cách đồng bộ của đội ngũ cán bộ, đảng viên về công tác bầu cử trong Đảng, góp
phần thực hiện thành công đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030.