(*) Tiếp theo và hết.
Tiếp tục đổi mới, sắp xếp bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là đòi hỏi tất yếu trong giai đoạn hiện nay. Nhưng để mô hình “hai trong một” phát huy hiệu quả cần có những điều chỉnh, bổ sung phù hợp.
Chủ trương lớn, xuyên suốt của Đảng
Thực tiễn cho thấy, từ khi bắt đầu Đổi mới (năm 1986), Đảng ta đã đặt vấn đề và tìm tòi lý luận về nâng cao phương thức lãnh đạo của Đảng, ban hành nhiều nghị quyết Trung ương về đổi mới hệ thống chính trị, tăng cường năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, nâng cao năng lực quản lý của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Trong suốt chiều dài lịch sử ấy, có thể khẳng định, nhất thể hóa là chủ trương đúng, mang tính đột phá của Đảng và đang được các địa phương, trong đó có tỉnh Đắk Lắk triển khai thực hiện. Hội nghị Trung ương 6 khóa XII (năm 2017) cũng đã tiếp tục thảo luận, thống nhất ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Thực hiện chủ trương, nghị quyết, chỉ đạo của Trung ương, thời gian qua, các cơ quan, địa phương trong tỉnh cũng đã xây dựng các đề án, kế hoạch nhằm triển khai mô hình nhất thể hóa, tinh giản biên chế, sắp xếp lại tổ chức bộ máy.
|
Phó Bí thư Tỉnh ủy Y Biêr Niê chủ trì Hội nghị tổng kết việc thực hiện thí điểm đồng chí bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn. |
Trong Báo cáo chính trị của Đại hội XII, phần phương hướng đã nêu rõ “Nghiên cứu thực hiện thí điểm hợp nhất một số cơ quan đảng và nhà nước tương đồng về chức năng, nhiệm vụ” và “Sớm tổng kết mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND cấp xã, cấp huyện ở những nơi có đủ điều kiện”.
Báo cáo Chính trị tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và mới đây nhất là tại Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW về “Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới” đều đã khẳng định: “Thực hiện chủ trương thí điểm bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch HĐND; bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND ở những nơi có điều kiện; bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khóm, ấp, tổ dân phố hoặc trưởng ban công tác mặt trận; bí thư cấp ủy đồng thời là thủ trưởng cơ quan, đơn vị phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ và thực tiễn ở từng địa phương, cơ quan, đơn vị”.
Rõ ràng, chủ trương thực hiện nhất thể hóa đã trở thành quyết tâm chính trị của Đảng nhằm đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ, hướng đến mục tiêu tinh giản bộ máy, bảo đảm sự giám sát của nhân dân đối với các tổ chức đảng và đảng viên, tiết kiệm được nguồn lực và ngân sách.
|
Xã Ea Kuăng (huyện Krông Pắc - nơi thực hiện mô hình thí điểm) tập trung phát triển hệ thống kênh mương nội đồng phục vụ sản xuất. |
Khẳng định việc nhất thể hóa bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND cấp xã không chỉ đơn giản là giảm biên chế mà đây chủ trương lớn, xuyên suốt của Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy Y Biêr cho rằng, cần tạo sự thống nhất, tập trung quyền lực, trách nhiệm để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh. Trên cơ sở kết quả thực hiện thí điểm, các cơ quan tham mưu, giúp việc của Tỉnh ủy tập trung phân tích, đánh giá, so sánh hiệu quả ở những nơi đã thực hiện và chưa thực hiện nhất thể hóa để có hướng tham mưu, đề xuất Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Đồng thời, cần phân tích, nhìn nhận rõ khó khăn, vướng mắc, hạn chế, đề xuất hướng tháo gỡ hoặc sửa đổi cơ chế, chính sách, lựa chọn mô hình nhất thể hóa cho phù hợp, hiệu quả.
Cần có tiêu chuẩn chức danh cán bộ
Khẳng định mô hình nhất thể hóa đem lại hiệu lực, hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Ea Lê (huyện Ea Súp) Nguyễn Văn Hoa đề xuất: “Để nhân rộng mô hình này ở những nơi đủ điều kiện, cần chú trọng đào tạo công tác Đảng, chính quyền cho cán bộ, đồng thời, tằng cường tổ chức các lớp tập huấn cho người đảm nhận “hai vai”; đồng thời, có chính sách đãi ngộ phù hợp đối với người đảm trách hai chức danh này”.
Có thể thấy, để thực hiện chủ trương nhất thể hóa, yếu tố quan trọng nhất vẫn là con người. Nếu nguồn cán bộ tại chỗ được đào tạo bài bản, có lộ trình, kế hoạch dài hơi thì việc áp dụng mô hình sẽ thuận lợi và hiệu quả hơn. Và cán bộ được giao trọng trách “gánh hai vai” sẽ gắn bó với địa phương lâu dài, sâu sát hơn cán bộ luân chuyển, điều động.
|
Người dân buôn H'Né, xã Ea Drông (thị xã Buôn Hồ - - nơi thực hiện mô hình thí điểm) chủ động chuyển đổi cây trồng phù hợp. |
Để giải quyết bài toán nhân sự, Bí thư Thị ủy Buôn Hồ Nguyễn Thị Thu Nguyệt nhấn mạnh: “Nếu có sự chỉ đạo thống nhất, các cấp ủy địa phương sẽ chủ động trong công tác xây dựng đội ngũ cán bộ kế thừa, phát huy mạnh mẽ nguồn cán bộ tại chỗ nhằm kịp thời đáp ứng yêu cầu công tác cán bộ có thể đảm nhận hai chức danh. Đồng thời cần có tiêu chuẩn chức danh cán bộ đối với chức danh nhất thể hóa để phục vụ công tác quy hoạch cán bộ, chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tránh bị động, hụt hẫng về nhân sự”.
Khẳng định nhất thể hóa là chủ trương lớn, quyết tâm chính trị của Đảng trong việc đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành, Phó Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Y Wơn BKrông cho biết: Sau khi tổ chức hội nghị tổng kết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Thông báo Kết luận số 1471-TB/TU, ngày 28/12/2022 về việc thực hiện thí điểm đồng chí bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn. Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất chủ trương tiếp tục thực hiện thí điểm đối với những địa phương thực hiện có hiệu quả. Đối với những địa phương thực hiện chưa hiệu quả, giao Ban Thường vụ huyện ủy, thị ủy, thành ủy lựa chọn cán bộ đủ năng lực, tiêu chuẩn, điều kiện để kiện toàn chức danh bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND cấp xã. Nếu đã thực hiện các biện pháp cần thiết nhưng hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo tại địa phương chưa cao thì báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, quyết định cho thôi thực hiện chủ trương trên.
Yến Ngọc