Uy tín được tổng hợp lại bởi nhiều yếu tố từ sự gương mẫu đến mực thước về mọi mặt: chấp hành nghiêm chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, có lối sống trong sạch, tận tụy, hy sinh vì tập thể; có trình độ nhận thức và vốn sống phong phú, hiểu biết rộng và nhãn quan chính trị sắc bén; có năng lực tổ chức tập hợp và có mối liên hệ mật thiết với quần chúng nhân dân.
Uy tín lớn mới thuyết phục và tập hợp được người khác, tạo nên sức mạnh tổng hợp để thực hiện một mục tiêu, lý tưởng chung. Uy tín là điều kiện bảo đảm hiệu quả công tác của người lãnh đạo. Giữa chức vụ và uy tín có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Chức vụ không tạo ra uy tín. Uy tín không phải bao giờ cũng tỷ lệ thuận với chức vụ. Có thể hiểu chức vụ là hình thức, còn uy tín là nội dung.
Trong thực tế không phải cán bộ lãnh đạo nào cũng tạo dựng được uy tín tương xứng với chức vụ của mình. Có không ít người sau khi được bổ nhiệm vào một vị trí nào đó, chức vụ này kia lại tưởng mình cũng được ban phát quyền hành; nhất là khi lại được cấp dưới, những người muốn chung chia lợi ích cá nhân cung phụng mình dẫn đến ngộ nhận mình là “bề trên”. Từ đó sinh ra những “căn bệnh” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra như bệnh quan liêu, tham lam, kiêu ngạo, xu nịnh, a dua, kéo bè kéo cánh… Những “căn bệnh” này khiến uy tín của lãnh đạo đó ngày càng giảm sút; từ đó ảnh hưởng, có thể hệ lụy lâu dài đến sự nghiệp cách mạng chung nếu chức vụ càng cao mà uy tín lại không được tạo nên từ phẩm chất đạo đức, từ năng lực trong công việc.
Từ lý luận phản ánh thực tiễn, thông qua những tấm gương cụ thể lại phản chiếu rõ hơn giá trị của sự đúc kết về uy tín và chức vụ của một cá nhân (hay một tập thể) đóng góp ở giai đoạn nhất định nhưng lại có sức ảnh hưởng lâu dài, là kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng ở những giai đoạn tiếp theo trong tiến trình phát triển đối với quốc gia, dân tộc. Đó là tài sản hết sức quý giá đối với một đảng cầm quyền bởi chính nhân dân đã tin tưởng chọn lựa, tôn vinh và ghi nhận công lao đóng góp của một cá nhân nói riêng đối với đất nước, dân tộc.
Những ngày qua, nhân dân cả nước vô cùng thương tiếc trước sự ra đi của đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng là một nhà lãnh đạo kiệt xuất, tài năng mà đức độ, khiêm nhường; hội tụ đầy đủ phẩm chất và năng lực; uy tín và chức vụ của người đứng đầu. Các tác phẩm mà đồng chí để lại là đặc biệt quý giá, cho thấy bản lĩnh, ý chí và tấm gương tiên phong trong công cuộc đổi mới, xây dựng và chỉnh đốn Đảng; kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống và diệt trừ tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh; chấn hưng nền văn hóa dân tộc nhằm góp phần quan trọng xây dựng sức mạnh mềm, khơi dậy nguồn lực nội sinh để phát triển bền vững đất nước và ghi dấu ấn trên tất cả các lĩnh vực khác của đời sống xã hội từ chính trị, kinh tế, quân sự đến ngoại giao, đối ngoại… Có thể nói, đồng chí Nguyễn Phú Trọng chính là hình mẫu tiêu biểu của một nhà lãnh đạo tạo dựng được uy tín bằng chính tài năng và đức độ của mình, hết lòng, hết sức phụng sự đất nước và nhân dân.
Nhị Thảo