Trao “cần câu” cho đồng bào DTTS
Trước đây, gia đình ông Lô Văn Hoa, dân tộc Thái, bon Sa Ú Dru, xã Quảng Khê, huyện Đắk Glong có gần 2ha cà phê, nhưng do thiếu vốn đầu tư, chăm sóc không bài bản nên năng suất thấp.
Năm 2023, thông qua Chương trình 1719, xã Quảng Khê hỗ trợ gia đình ông Hoa hơn 16 triệu đồng để mua 6 con dê giống. Đồng thời, địa phương tạo điều kiện cho ông vay thêm 70 triệu đồng từ nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách Xã hội để làm chuồng trại nuôi dê, đầu tư chăm sóc vườn cà phê. Nhờ đó, gia đình ông Hoa có thêm điều kiện đầu tư sản xuất, chăn nuôi, từng bước nâng cao thu nhập.
Ông Hoa cho biết: “Được sự quan tâm của Nhà nước hỗ trợ vốn vay ưu đãi, giúp dê giống, gia đình tôi mới có điều kiện phát triển kinh tế. Trước mắt tôi thấy nuôi dê tận dụng được nguồn thức ăn từ lá cây trong vườn, lại có nguồn phân chuồng bón cho cây trồng. Có vốn đầu tư hệ thống tưới nước, chăm sóc vườn cây trồng, nhờ vậy, cà phê cho năng suất, chất lượng cây trồng ngày càng nâng cao, bán được giá”.
Tương tự, bà H’Lôi, dân tộc Mạ, bon Sa Ú Dru, xã Quảng Khê cũng được Chương trình mục tiêu 1719 hỗ trợ nguồn vốn để mua con giống, cây trồng phát triển kinh tế.
Bà vui vẻ cho hay, được chương trình quan tâm hỗ trợ 6 con dê giống từ tháng 3/2023. Đội ngũ cán bộ thú y, hội nông dân còn chỉ bảo cách làm chuồng, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi tận tình. Đến nay, có 2 con dê mẹ đã sinh được 3 con nhỏ; những con dê mẹ khác đang mang bầu. Qua 1 năm chăm sóc, dê không có biểu hiện bệnh tật và đang phát triển tốt.
Năm 2022, gia đình chị Trần Thị Thắm, bon Ka Nur thuộc diện hộ cận nghèo của xã Quảng Khê, huyện Đắk Glong được hỗ trợ mô hình trồng dâu nuôi tằm từ nguồn vốn Chương trình 1719. Từ đó, chị Thắm đã trồng 2ha cây dâu, nuôi tằm để phát triển kinh tế gia đình.
Chị Thắm bày tỏ: “Gia đình tôi rất cảm ơn Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương đã quan tâm hỗ trợ giúp gia đình tôi mua máy thái dâu, né chăn nuôi tằm để phát triển kinh tế. Tằm cho thu nhập nhanh, giá cả khá ổn định. Gia đình tôi cũng như nhiều hộ dân nuôi tằm tin tưởng và hy vọng nghề nuôi tằm sẽ giúp chúng tôi thoát nghèo…”.
“Khi triển khai thực hiện Chương trình 1719, chúng tôi chia ra thành các tổ từ 3-5 người, thường xuyên xuống thăm, động viên các tổ, nhóm, hộ gia đình được hưởng lợi và kiểm tra phương án sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi. Qua đó nhận thấy, các hộ dân đã thực hiện tốt các dự án, sử dụng đúng mục đích và phát huy hiệu quả nguồn vốn vay. Chương trình đang từng bước giúp các tổ, nhóm, hộ gia đình phát triển kinh tế, vươn lên xóa đói, giảm nghèo…
Ông K'Bột, Chủ tịch Hội Nông dân xã Quảng Khê, huyện Đắk Glong
Hiệu quả bước đầu từ Chương trình 1719
Là xã khó khăn của huyện vùng III, nhiều năm qua, xã Quảng Khê, huyện Đắk Glong luôn ưu tiên nhiều nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào DTTS và các hộ nghèo trên địa bàn.
Căn cứ vào kế hoạch hàng năm của xã và tình hình thực tế của địa phương, xã Quảng Khê đã xây dựng chỉ tiêu giảm nghèo, đề ra biện pháp cụ thể phù hợp để giúp đỡ các hộ nghèo, cận nghèo có điều kiện thoát nghèo. Xã lồng ghép, thực hiện chính sách hỗ trợ về giảm nghèo của Nhà nước, các chương trình, dự án giảm nghèo. Từ đó làm nền tảng cho các hộ nghèo có điều kiện thúc đẩy sản xuất, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.
Năm 2022 - 2023 Chương trình 1719 trên địa bàn xã Quảng Khê là hơn 1,341 tỷ đồng. Đây là nguồn lực lớn thúc đẩy phát triển toàn diện cho các hộ nghèo trên địa bàn xã, đặc biệt là hộ đồng bào DTTS.
Từ nguồn vốn Chương trình 1719, xã Quảng Khê, huyện Đắk Glong đã thực hiện được 15 dự án (trong đó có 11 dự án nuôi dê với 28 hộ, 4 dự án trồng dâu nuôi tằm với 22 hộ). Các tổ, nhóm nuôi dê được hỗ trợ con giống và được vay vốn thêm từ Ngân hàng Chính sách Xã hội để làm chuồng trại chăn nuôi. Tổ, nhóm trồng dâu nuôi tằm được hỗ trợ từ 15 – 18 triệu đồng mua vật tư làm nhà nuôi tằm, máy thái cỏ hoặc nia, né nuôi tằm.
Năm 2024, xã cũng triển khai 2 dự án hỗ trợ phân bón, với tổng vốn là 65 triệu đồng cho hộ nghèo, cận nghèo (Dự án này đã khảo sát xong và thực hiện trong tháng 5 - 6/2024).
Nhờ tận dụng những điều kiện thuận lợi về tự nhiên và chăm chỉ lao động, hướng dẫn tận tình về kỹ thuật chăn nuôi, cách phòng trừ bệnh của cán bộ kỹ thuật, đến nay, các mô hình đã phát huy được hiệu quả bước đầu, mang lại nguồn thu nhập khá cho nông dân.
“Chính sách cấp dê giống, hỗ trợ máy móc, vật liệu chăn nuôi tằm cho hộ nghèo; xây dựng các tổ, nhóm đồng sở thích, tổ hội nghề nghiệp có tác động rất lớn đối với quá trình phát triển kinh tế tại xã Quảng Khê. Từ những “chiếc cần câu” này, hộ nghèo trên địa bàn xã được trợ lực sinh kế, phát triển sản xuất. Qua đó, đời sống người dân được cải thiện, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.
Bà Nguyễn Thị Dung, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Khê, huyện Đắk Glong
Bên cạnh đó, xã còn tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi cho hộ nghèo về giải quyết việc làm, phát triển sản xuất, xóa nhà tạm dột nát. Hoạt động giúp người dân đầu tư kịp thời cho nhu cầu phát triển sản xuất và đời sống.
Đặc biệt, xã tập trung nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền để hộ nghèo, cận nghèo tích cực tham gia thực hiện tốt các dự án, chương trình mục tiêu quốc gia và nỗ lực phấn đấu vươn lên sớm thoát nghèo bền vững.
Chương trình 1719 đã và đang góp phần đẩy nhanh công cuộc xóa đói giảm nghèo bền vững và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, nhất là trong cộng đồng DTTS trên địa bàn xã Quảng Khê nói riêng, huyện Đắk Glong nói chung.