1. Xã Tân Thuận Đông nâng chất xã nông thôn mới nâng cao
Sau 8 năm phấn đấu, xã Tân Thuận Đông đã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao năm 2023, đây là xã thứ 3 của TP Cao Lãnh được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Xã Tân Thuận Đông có nhiều mô hình nổi bật như: Tổ chức vận động Nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng các kỹ thuật công nghệ cao vào sản xuất; có 18 vùng nguyên liệu tập trung với diện tích 584ha (cây ăn trái); 1,2ha xoài ứng dụng tem điện tử QR code truy xuất nguồn gốc; hơn 19ha mô hình “Sản xuất xoài theo hướng hữu cơ, tiêu chuẩn VietGap”; 2 mô hình Hội quán (Định Tân Hội quán, Đông Tân Hội quán)...
2. Đường Phạm Hữu Lầu - điểm sáng về hạ tầng giao thông
Dự án Nâng cấp và mở rộng đường Phạm Hữu Lầu (đoạn từ cầu Cái Tôm đến đường Thiên Hộ Dương) góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội TP Cao Lãnh
Dự án Nâng cấp và mở rộng đường Phạm Hữu Lầu (đoạn từ cầu Cái Tôm đến đường Thiên Hộ Dương) được khởi công tháng 1/2024 và dự kiến hoàn thành vào tháng 3/2025. Dự án có tổng chiều dài hơn 1,4km với tổng mức đầu tư hơn 100 tỷ đồng.
Đây là tuyến đường huyết mạch kết nối trung tâm thành phố, tạo thuận lợi việc đi lại và vận chuyển hàng hóa của người dân. Việc nâng cấp và mở rộng đường nhằm chỉnh trang, phát triển đô thị, đồng thời hiện thực hóa mục tiêu đưa TP Cao Lãnh là khu vực trọng điểm kinh tế - văn hóa - xã hội của tỉnh Đồng Tháp và trở thành đô thị loại I vào năm 2030.
3. Tổ hợp thể thao xã Tân Thuận Tây đẩy mạnh phong trào rèn luyện sức khỏe cho Nhân dân
Tổ hợp thể thao xã Tân Thuận Tây gồm: sân bóng; hàng rào khu vực sân bóng; hệ thống cấp nước tưới cỏ, thoát nước; đường đan xung quanh sân bóng; bãi để xe mô tô và đường đan, đường nhựa xung quanh sân bóng... với mức đầu tư hơn 23 tỷ đồng. Đây là công trình nhằm thúc đẩy hoạt động thể thao, góp phần xây dựng và tạo điều kiện thuận lợi cho Nhân dân trên địa bàn thành phố tham gia các hoạt động thể thao lành mạnh, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng của địa phương,
4. Không gian khởi nghiệp TP Cao Lãnh
Không gian khởi nghiệp - nơi quảng bá, giới thiệu sản phẩm và kết nối các doanh nghiệp, cơ sở
Mục tiêu chính của Không gian khởi nghiệp là quảng bá, giới thiệu sản phẩm và kết nối các doanh nghiệp, cơ sở với nhau. Không gian khởi nghiệp có tổng diện tích khoảng 170m2 được thiết kế 3 chức năng: Không gian trưng bày giới thiệu sản phẩm, không gian kết nối và không gian ngoài trời. Đây là nơi để doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khởi nghiệp giới thiệu sản phẩm và kết nối, phát triển để vươn xa trên thị trường.
Không gian khởi nghiệp có hơn 150 sản phẩm của các cơ sở khởi nghiệp, doanh nghiệp được trưng bày, quảng bá đến với người tiêu dùng. Hàng tuần, tại Không gian khởi nghiệp, lãnh đạo UBND thành phố gặp gỡ các cơ sở, doanh nghiệp khởi nghiệp để trao đổi, thông tin và tư vấn, hỗ trợ các đơn vị trong quá trình kinh doanh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị ngày càng phát triển.
5. Thành công của Hội khỏe Phù Đổng năm 2024
Hội khỏe Phù Đổng TP Cao Lãnh lần thứ 23 năm 2024 nhằm duy trì và đẩy mạnh phong trào rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Hội khỏe Phù Đổng có sự tham gia của hơn 1.500 vận động viên thuộc các trường Tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn thành phố. Các vận động viên tham gia tranh tài 7 môn gồm: cờ vua, bóng đá, bóng chuyền, đẩy gậy, cầu lông, điền kinh, bơi lội.
6. Quảng bá sản phẩm từ sen qua Lễ hội Sen Đồng Tháp lần thứ II
Lễ hội Sen Đồng Tháp lần thứ II năm 2024 với chủ đề “Rạng ngời sắc sen” có hơn 30 hoạt động được tổ chức ấn tượng
Lễ hội Sen Đồng Tháp lần thứ II năm 2024 với chủ đề “Rạng ngời sắc sen” với hơn 30 hoạt động được tổ chức ấn tượng như: Hội thảo quốc tế về sen; Không gian trưng bày các giống sen của Đồng Tháp và quốc tế; Lễ hội Canival, chương trình nghệ thuật “Giai điệu tuổi trẻ đất Sen hồng” kết hợp trình diễn áo dài sen; hoạt động diễu hành của 5.500 phụ nữ Đồng Tháp hưởng ứng Lễ hội Sen; Trekking đi giữa Mùa Sen - Tràm Chim...
Lễ hội Sen Đồng Tháp nhằm quảng bá về văn hóa, du lịch và nhận diện đầy đủ giá trị văn hóa sen đối với vùng đất, con người Đồng Tháp, nâng tầm phát triển của sen Đồng Tháp trong các phương diện văn hóa ở địa phương, góp phần nâng tầm hội nhập quốc tế của sen Đồng Tháp thông qua chiến lược phát triển kinh tế, du lịch...
7. Ra mắt lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở
TP Cao Lãnh tổ chức ra mắt lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở (Ảnh: Thúy Mỹ)
Ngày 1/7/2024, UBND TP Cao Lãnh tổ chức lễ ra mắt lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự (ANTT) ở cơ sở; toàn tỉnh thành lập gần 700 Tổ bảo vệ ANTT với 2.300 thành viên, trong đó, TP Cao Lãnh thành lập 69 Tổ, với 222 thành viên. Việc kiện toàn thống nhất lực lượng Công an xã bán chuyên trách, lực lượng bảo vệ dân phố và Đội trưởng, Đội phó Đội dân phòng thành lực lượng tham gia bảo vệ ANTT cơ sở để hỗ trợ Công an cấp xã trong bảo đảm ANTT ở cơ sở là hết sức cần thiết, thực sự là “cánh tay nối dài” của lực lượng Công an trong bảo đảm ANTT ở cơ sở.
8. Kỷ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc tại Cao Lãnh và Chương trình Cầu truyền hình “Niềm tin và khát vọng”
Cách đây 70 năm, Hiệp định Genève về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam đã được ký kết, mở ra một trang mới trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của Nhân dân ta. Sự kiện tập kết ra Bắc năm 1954 tại Cao Lãnh có ý nghĩa lịch sử trọng đại, tạo tiền đề cho cách mạng Việt Nam bước sang trang sử mới đầy oanh liệt và hào hùng. 100 ngày tập kết thắm đượm tình quân dân, cùng nhau hướng tới Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, động viên nhau “Đi vinh quang - Ở anh dũng”.
Nhân kỷ niệm 70 năm Hiệp định Genève và Chuyến tàu tập kết (1954 - 2024), Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh, Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa, Đài Phát thanh và Truyền hình Đồng Tháp tổ chức Chương trình Cầu truyền hình kỷ niệm 70 năm Hiệp định Genève và Chuyến tàu tập kết (1954 - 2024). Chương trình mang tên “Niềm tin và khát vọng” được diễn ra vào 18 giờ ngày 1/9/2024. Địa điểm tổ chức tại 3 điểm cầu: TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh; Khu lưu niệm đồng bào, chiến sĩ miền Nam tập kết ra Bắc năm 1954 tại TP Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa; Khu Di tích lịch sử Quốc gia địa điểm tập kết ra Bắc năm 1954 tại TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.
9. TP Cao Lãnh phát triển vượt bậc về Chỉ số chuyển đổi số (DTI)
UBND thành phố tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện các nội dung như: phát triển hạ tầng, quảng bá thương hiệu địa phương, phát triển du lịch, khuyến khích khởi nghiệp, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, tăng cường kết nối hợp tác, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực... Qua đó, năm 2023, TP Cao Lãnh cải thiện Chỉ số DTI lên gần 336 điểm (tăng gần 112 điểm), đứng hạng ba toàn tỉnh được UBND tỉnh tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong công tác Chuyển đổi số.
10. Ngày hội STEM lần thứ I năm 2024
Ngày hội STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, nghệ thuật, toán ứng dụng) năm 2024 được tổ chức tại Công viên Văn Miếu, với sự phối hợp của Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố, Trung tâm Hỗ trợ và Tư vấn Chuyển đổi số TP Hồ Chí Minh và STEAMZONE.
Sự kiện quy tụ hơn 600 sản phẩm STEM từ 49 trường Mầm non, Tiểu học và THCS. Các hoạt động như: trưng bày sản phẩm, trải nghiệm giáo dục STEM và hội thi thiết kế, chế tạo sản phẩm đã thu hút đông đảo sự tham gia của học sinh và phụ huynh.
Ngoài ra, Ban Tổ chức còn mời các diễn giả nổi tiếng giao lưu với giáo viên, học sinh về văn hóa đọc, phương pháp học tập sáng tạo. Ngày hội STEM không chỉ là sân chơi bổ ích mà còn là dịp để khơi dậy niềm đam mê khoa học, khuyến khích học sinh vận dụng kiến thức vào thực tiễn, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục theo chương trình mới.
Thanh Trúc