Nhiều kết quả quan trọng sau nửa nhiệm kỳ
Ước giai đoạn 2021 – 2023, toàn tỉnh có 1.878 doanh nghiệp thành lập mới, đạt 63% chỉ tiêu đề ra cho cả giai đoạn. Tính đến cuối tháng 6/2023, trên địa bàn tỉnh có 5.140 doanh nghiệp đang hoạt động. Đóng góp của doanh nghiệp vào GRDP trong năm 2023 ước đạt 29,62%; bình quân giai đoạn 2021 - 2023 ước đạt 29,5%/năm, vượt chỉ tiêu đề ra.
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các doanh nghiệp, một số kết quả khác cũng khá ấn tượng như: Giải quyết việc làm cho hơn 111.000 lượt người (đạt 62% chỉ tiêu); 310 sản phẩm được công nhận OCOP từ 3 – 4 sao (đạt 207% chỉ tiêu); đào tạo quản trị và khởi sự doanh nghiệp cho khoảng 3.000 lượt học viên (đạt 60% chỉ tiêu); thành lập 26 doanh nghiệp đổi mới sáng tạo (đạt 130% chỉ tiêu) v.v..
Chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Phạm Thiện Nghĩa gặp gỡ doanh nghiệp huyện Tháp Mười
Những kết quả đạt được vừa nêu là những “con số biết nói”, cho thấy sự nỗ lực và quyết tâm của các cấp, các ngành trong thực hiện “đồng hành cùng doanh nghiệp”.
“Cà phê Doanh nhân - Doanh nghiệp”, “Hẹn giờ hướng dẫn kê khai, tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả tại nhà”; “Tổng đài thông tin Dịch vụ công 1022” v.v. từ lâu đã không còn xa lạ với người dân, doanh nghiệp. Không khó để bắt gặp hình ảnh lãnh đạo tỉnh cùng các sở, ngành đến tận cơ sở để động viên, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, công tác đơn giản hoá thủ tục hành chính được tập trung thực hiện, rút ngắn thời gian giải quyết hơn 500 thủ tục trên các lĩnh vực (đầu tư công, tiếp cận đất đai, đăng ký tài sản, cấp phép xây dựng, đăng ký kinh doanh v.v.). Hiện toàn tỉnh có 1.143 thủ tục hành chính mức độ 4, đạt tỷ lệ 60%, trong đó, có 786 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Hệ thống một cửa điện tử và dịch vụ công vận hành ổn định, thông suốt 24/7, Cổng Dịch vụ công của tỉnh đã kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu với Cổng Dịch vụ công Quốc gia.
Đến nay, toàn tỉnh có 04 khu công nghiệp được quy hoạch, với quy mô diện tích gần 550 ha, trong đó, có 03 khu công nghiệp đang hoạt động gồm: Sa Đéc, Sông Hậu, Trần Quốc Toản (thu hút 61 dự án, tỷ lệ lấp đầy bình quân mỗi khu đạt 88,51%); 01 khu công nghiệp đang triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng (khu công nghiệp Tân Kiều, huyện Tháp Mười). Cùng với đó là 15 cụm công nghiệp được thành lập, với tổng diện tích 554,79 ha. Vừa qua, tỉnh cũng tổ chức khởi công cao tốc Cao Lãnh – An Hữu, giải quyết “điểm nghẽn” về giao thông trong phát triển kinh tế, thu hút đầu tư của địa phương.
Với nhiều nỗ lực, Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022, Đồng Tháp xếp thứ 5 cả nước và đứng đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với 69,68 điểm, duy trì phong độ ổn định khi tiếp tục nằm trong top 5 tỉnh/thành phố có chất lượng điều hành rất tốt. Kết quả này giúp Đồng Tháp tiếp tục nối dài thành tích PCI 15 năm liền nằm trong top đầu cả nước và một lần nữa khẳng định sự đồng thuận, ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp đối với tỉnh.
Chú trọng thúc đẩy khởi nghiệp
Bí thư Tỉnh ủy Lê Quốc Phong thăm Cơ sở nấm Huỳnh Gia, thành phố Cao Lãnh
Đồng Tháp đang từng bước hoàn thiện và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp với việc hình thành các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp như: Hội đồng tư vấn khởi nghiệp tỉnh, Câu lạc bộ Doanh nghiệp dẫn đầu Đất Sen hồng, Hội Nữ doanh nhân tỉnh, Câu lạc bộ Tư vấn khởi nghiệp v.v.. Nhiều mô hình kết nối khác cũng đi vào hoạt động mang lại hiệu quả thiết thực, giúp liên kết, chia sẻ trong cộng đồng doanh nghiệp, khởi nghiệp như: Câu lạc bộ Doanh nhân - Doanh nghiệp huyện Tân Hồng, chi hội doanh nhân trẻ tại các huyện, thành phố và mô hình “Cà phê khởi nghiệp” ở các xã, phường trên địa bàn tỉnh.
Về chính sách hỗ trợ, bên cạnh tạo điều kiện cho thanh niên có dự án khởi nghiệp tham gia các đề án, chương trình trọng tâm của tỉnh để tối ưu hoá nguồn lực như Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tỉnh còn hỗ trợ tiếp cận các chính sách đối với dự án khởi nghiệp trong tiếp cận thị trường, phát triển sản phẩm. Trong giai đoạn 2021 - 2022, có 03 doanh nghiệp đủ điều kiện vay vốn từ Quỹ Bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa và hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh.
Đến nay, nhiều sản phẩm khởi nghiệp từng bước phát triển, được thị trường trong và ngoài nước đón nhận. Điển hình như đối với ngành hàng sen đã tạo ra nhiều sản phẩm độc đáo như: Hoa sen sấy khô, tranh sen, tơ sen, tinh dầu sen v.v. tạo bước đột phá trong công nghệ chế biến, phát huy giá trị tài nguyên bản địa.
Song song đó, tỉnh sẽ thành lập Không gian Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo tỉnh Đồng Tháp nhằm đáp ứng cơ sở vật chất hỗ trợ các dự án khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo (dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng vào năm 2025).
Hiện nay, Sở Kế hoạch và Đầu tư đang triển khai thí điểm tổ chức vận hành Không gian làm việc chung Hỗ trợ doanh nghiệp và Khởi nghiệp. Không gian sẽ là nơi triển khai và phối hợp triển khai các chương trình, hoạt động khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp của tỉnh; cung cấp các khóa đào tạo khởi nghiệp sáng tạo, khóa đào tạo với huấn luyện viên, nhà đầu tư khởi nghiệp; tổ chức các hoạt động kết nối nhà đầu tư và các tổ chức tài chính, tổ chức khoa học và công nghệ, doanh nghiệp khoa học và công nghệ; kết nối với các doanh nghiệp đầu ngành, chuyên gia, doanh nhân thành công để cùng hỗ trợ cho doanh nghiệp và khởi nghiệp v.v..
Mục tiêu giai đoạn 2024 – 2025: Phát triển ít nhất 1.300 doanh nghiệp, đến năm 2025, có ít nhất 5.400 doanh nghiệp thực tế hoạt động; bình quân khu vực doanh nghiệp đóng góp vào GRDP của tỉnh là 30,22%/năm, đóng góp 18,60% vào tổng vốn đầu tư toàn xã hội, đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào GRDP ít nhất 35%. Hàng năm, có ít nhất 50 sản phẩm khởi nghiệp được công nhận là sản phẩm OCOP đạt 3 hoặc 4 sao. Đến năm 2025, toàn tỉnh có trên 357 sản phẩm OCOP đạt 3 hoặc 4 sao và có ít nhất 15 sản phẩm OCOP đạt 5 sao v.v..
|
>> Nghị quyết số 02-NQ/TU
Việt Tiến