Sign In

Phát biểu khai mạc hội thảo về triển khai thực hiện hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hoá, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam

10:23 24/11/2023
Tại Hội thảo “Triển khai thực hiện hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hoá, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới gắn với thực tiễn vùng Đồng bằng sông Cửu Long”, đồng chí Phan Văn Thắng – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy/Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh đã phát biểu khai mạc. Cổng Thông tin điện tử Đồng Tháp trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu quan trọng này.

Ban Tuyên giáo Trung ương và Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam đã chọn Đồng Tháp làm nơi tổ chức Hội thảo triển khai thực hiện “Hệ giá trị quốc gia, Hệ giá trị văn hoá, Hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới” gắn với thực tiễn vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đây vừa là niềm vinh dự lớn lao cũng vừa là trách nhiệm to lớn đối với tỉnh Đồng Tháp, thay mặt lãnh đạo tỉnh và với tình cảm cá nhân, tôi xin gửi đến các đồng chí lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, các bộ, ngành Trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học, các Tỉnh uỷ, Thành uỷ vùng Đồng bằng sông Cửu Long và quý đại biểu lời chúc sức khoẻ và lời chào mừng nồng nhiệt nhất!

Đồng bằng sông Cửu Long là vùng đất giàu bản sắc văn hoá, với nhiều di tích lịch sử - văn hoá (vật thể, phi vật thể) được UNESCO, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch quyết định công nhận như: Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ, nghệ thuật cải lương, múa bóng rỗi, lễ hội Oóc-Om-Bóc, Chôl-Chnăm-Thmây, nhiều công trình nghệ thuật kiến trúc, chùa, đình làng, nhà cổ… Là vùng trọng điểm nông nghiệp của cả nước, với các sản phẩm: Lúa gạo, thuỷ sản, cây ăn trái, hoa kiểng... Khí hậu có mùa khô và mùa mưa rõ rệt, với hệ thống sông ngòi chằng chịt... nên là vùng đất mang đậm nét văn hoá sông nước, hình thành nên con người hào sảng, trung thực, trọng nghĩa tình.

Đồng Tháp là một tỉnh được thiên nhiên khá ưu đãi, với những cánh đồng trù phú, nơi con sông Tiền của dòng Mê Kông chảy vào nước Việt, có dòng sông Hậu chảy qua, phía Bắc giáp với tỉnh Prây-veng (Cam-pu-chia), phía Nam giáp tỉnh Vĩnh Long và Thành phố Cần Thơ, phía Tây giáp tỉnh An Giang, phía Đông giáp tỉnh Long An và tỉnh Tiền Giang. Đồng Tháp là tỉnh có bề dày về truyền thống lịch sử - văn hoá, từ đó có nhiều di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia, cấp tỉnh, nhiều di sản văn hoá phi vật thể được công nhận như: Hò Đồng Tháp, làng nghề dệt chiếu Định Yên, làng nghề đóng xuồng Long Hậu, làng nghề dệt khăn choàng Long Khánh, làng nem Lai Vung…, với những yếu tố tự nhiên và yếu tố lịch sử - văn hoá đã tạo điều kiện thuận lợi cho tỉnh khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội.

Thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 02/4/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, ngày 17/02/2023, Tỉnh uỷ Đồng Tháp đã ban hành Chương trình hành động số 48-CTr/TU đề ra mục tiêu phát triển đến năm 2030 là các chỉ số phát triển kinh tế chủ yếu xếp trong nhóm 05 địa phương dẫn đầu Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đạt trên mức trung bình của cả nước. Xếp trong nhóm dẫn đầu vùng về chuyển đổi số và một số lĩnh vực nông nghiệp có lợi thế. Phát triển công nghiệp, thương mại - dịch vụ với tốc độ tăng trưởng cao và làm đầu tàu phát triển kinh tế - xã hội. Các lĩnh vực văn hoá - xã hội phát triển toàn diện thuộc nhóm tiên tiến cả nước. Hợp tác, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân… Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 08/NQ-HĐND ngày 31/3/2023 thông qua Quy hoạch tỉnh Đồng Tháp thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó, quan điểm là phát huy tối đa nhân tố con người, xem hạnh phúc và chất lượng cuộc sống của người dân là cốt lõi và mục tiêu của sự phát triển; lấy giá trị văn hoá, con người Đồng Tháp là yếu tố, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm cho sự phát triển bền vững. Xây dựng chính sách để khuyến khích, phát huy tinh thần cống hiến, hướng đến nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Với mục tiêu phát triển đến năm 2030 là phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, nguồn lực và yếu tố con người để đưa Đồng Tháp phát triển cân bằng, toàn diện và bền vững…

Đặc biệt, trong nhiệm kỳ này, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XI ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU về xây dựng văn hoá và con người Đồng Tháp nghĩa tình, năng động, sáng tạo. Quan điểm, mục tiêu của tỉnh Đồng Tháp là xây dựng văn hoá và con người Đồng Tháp vừa là mục tiêu, vừa là động lực để phát triển kinh tế - xã hội, thống nhất trong đa dạng, kế thừa, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống dân tộc và mang bản sắc, đặc trưng Đồng Tháp. Xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh, tạo điều kiện để phát triển toàn diện và phát huy phẩm chất “nghĩa tình, năng động, sáng tạo” của con người Đồng Tháp, nhất là thế hệ trẻ. Giáo dục và phát huy truyền thống lịch sử, văn hoá Đồng Tháp trên nền tảng giá trị của văn hoá Việt Nam; qua đó, hình thành đạo đức, nhân cách, tính tự tin, tự trọng, tự lực, nuôi dưỡng và phát huy tinh thần “Tự hào công dân Đất Sen hồng”. Xây dựng hệ giá trị văn hoá Đồng Tháp dựa trên nền tảng hệ giá trị văn hoá Việt Nam; xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội; Xây dựng chuẩn mực con người Đồng Tháp phát triển toàn diện, “nghĩa tình, năng động, sáng tạo”, hướng đến Chân - Thiện - Mỹ với các chuẩn mực đặc trưng của con người Việt Nam.

Trong nửa nhiệm kỳ qua, tỉnh Đồng Tháp đã tập trung phấn đấu triển khai thực hiện và đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực xây dựng đảng, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại; theo đó, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân 03 năm ước đạt 5,12%; thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt khá, huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chiếm 20,3% GRDP. Ước đến cuối năm 2023, tỉnh có hơn 64.000 đảng viên, chiếm hơn 4,0% dân số; có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới, có 34 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 03 đơn vị cấp huyện hoành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và 03 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Có 357 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao, 4 sao và 5 sao. Có nhiều mô hình hay, cách làm mới, sáng tạo, hiệu quả, có khả năng nhân rộng; nổi bật là Mô hình Hội quán đã mang lại sự kết nối, chia sẻ trong cộng đồng dân cư trên nhiều lĩnh vực, góp phần xây dựng xóm, làng bình yên, mang lại hạnh phúc cho nhân dân; toàn tỉnh hiện có 146 hội quán, với gần 8.000 thành viên và đã có 35 hợp tác xã nông nghiệp được thành lập từ hội quán. Chỉ số PCI đạt số điểm khá cao và trong 15 năm liên tục tỉnh Đồng Tháp được xếp trong nhóm 05 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành xuất sắc nhất cả nước, thể hiện sự điều hành của chính quyền năng động, hiệu quả.

Bên cạnh đó, tỉnh đã tổ chức thành công nhiều chuỗi sự kiện văn hoá - du lịch với quy mô cấp tỉnh, cấp khu vực để thu hút đầu tư, phát triển du lịch; huy động liên kết phát triển với các địa phương trong vùng và Thành phố Hồ Chí Minh. Công tác an sinh xã hội được bảo đảm, tạo việc làm cho người lao động ngày càng tăng, góp phần ổn định xã hội, củng cố niềm tin trong nhân dân và doanh nghiệp. Chất lượng giáo dục các cấp học cơ bản được bảo đảm; công tác cải cách thủ tục hành chính được đẩy mạnh, môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh được cải thiện; trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, quốc phòng, an ninh được giữ vững, phát huy tốt mối quan hệ hữu nghị với các đối tác trong nước, ngoài nước và các tỉnh thuộc Campuchia, Lào.

Đạt được thành quả hôm nay là sự phấn đấu, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Đồng Tháp trong việc tổ chức triển khai và vận dụng sáng tạo các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước vào thực tiễn của địa phương. Đó còn là nhờ sự quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ của Trung ương, các Bộ, ngành, của các tỉnh, thành bạn trong Vùng và cả nước đã dành sự quan tâm sâu sắc đến Đồng Tháp.

Để tiếp tục nghiên cứu, cụ thể hoá triển khai thực hiện các hệ giá trị theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc ngày 24/11/2021 và đã được khẳng định, làm rõ tại Hội thảo quốc gia ngày 29/11/2022 gắn với tình hình thực tiễn vùng Đồng bằng sông Cửu Long, thông qua Hội thảo hôm nay, tỉnh Đồng Tháp cũng như các tỉnh, thành trong vùng sẽ được lắng nghe và tiếp thu các ý kiến, kinh nghiệm của các chuyên gia, nhà khoa học, của các Bộ, ngành Trung ương để xác định rõ hơn những yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đặt ra cho cấp uỷ, chính quyền, các ngành, đội ngũ cán bộ, đảng viên, văn nghệ sĩ, trí thức và nhân dân trong Vùng triển khai thực hiện Hệ giá trị quốc gia, Hệ giá trị văn hoá, Hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới, phù hợp với từng địa phương. Với mục đích, ý nghĩa trên, thay mặt Ban Tổ chức và lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp, tôi xin tuyên bố khai mạc Hội thảo “Triển khai thực hiện Hệ giá trị quốc gia, Hệ giá trị văn hoá, Hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới gắn với thực tiễn Vùng Đồng bằng sông Cửu Long”.

Chân thành cảm ơn Ban Tuyên giáo Trung ương, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, các Bộ, ngành Trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học, các tỉnh uỷ, thành uỷ vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã dành những tình cảm đặc biệt đối với tỉnh Đồng Tháp. Kính chúc các đồng chí luôn mạnh khoẻ, hạnh phúc và chúc Hội thảo thành công tốt đẹp.

Đồng chí Phan Văn Thắng

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy,
Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh

Tag:

File đính kèm