Trong năm 2024, công tác dân tộc được Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị các cấp quan tâm chỉ đạo, phối hợp triển khai thực hiện; nhân dân và cộng đồng xã hội cả nước quan tâm, theo dõi tạo động lực quan trọng trong triển khai thực hiện chính sách dân tộc, sự nỗ lực cố gắng vươn lên của đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS). Nhờ vậy, việc thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc trong năm 2024 đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, đặc biệt trong triển khai các chương trình, chính sách dân tộc góp phần phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng đồng bào DTTS và miền núi. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm chỉ đạo cụ thể, sát sao việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các chính sách dân tộc, trọng tâm là Chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc thiểu số và miền núi (MTQG DTTS&MN). Việc theo dõi, đôn đốc công tác triển khai 03 chương trình MTQG được Chính phủ đưa vào các chương trình họp và Nghị quyết phiên họp thường kỳ hằng tháng.
Quang cảnh hội nghị tại điểm đầu cầu tỉnh Gia Lai
Bên cạnh đó, UBDT đã phối hợp chặt chẽ với các các bộ, ngành, địa phương tạo đồng thuận cao trong phối hợp thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến Chương trình MTQG DTTS&MN và các chính sách dân tộc trong giai đoạn từ năm 2021 - 2025. Hệ thống chính sách dân tộc được ban hành khá đầy đủ, toàn diện, bao quát hầu hết các lĩnh vực đời sống chính trị, KT-XH của vùng đồng bào DTTS&MN và thường xuyên được quan tâm rà soát, điều chỉnh, bổ sung thống nhất về cơ chế quản lý, tập trung nguồn lực, khắc phục tình trạng trùng lắp; phân cấp mạnh cho địa phương và thể hiện rõ tính công khai, minh bạch trong tố chức thực hiện; ưu tiên tập trung đầu tư đối với địa bàn đặc biệt khó khăn. Cơ chế chính sách từng bước thay đổi cách thức tiếp cận theo hướng phát huy nội lực của đối tượng thụ hưởng. Công tác thông tin, tuyên truyền, chuyển đổi số và phổ biến giáo dục pháp luật cho đồng bào DTTS được tăng cường; hợp tác quốc tế về công tác dân tộc tiếp tục được đẩy mạnh. Việc kiện toàn, tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc, năng lực đội ngũ cán bộ từng bước được chú trọng, nâng lên. Các bộ, ngành Trung ương đã tích cực, chủ động với trách nhiệm cao nhất cùng vào cuộc trong chỉ đạo điều hành thực hiện công tác dân tộc và phối hợp chặt chẽ với Uỷ ban Dân tộc thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao. Cấp ủy, chính quyền các địa phương bám sát và quán triệt chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hướng dẫn của các bộ, ngành chỉ đạo tổ chức triển khai các chính sách dân tộc trên địa bàn, bước đầu đạt được kết quả tích cực trong phát triển KT -XH của địa phương.
Qua đó, năm 2024, công tác dân tộc và các chính sách dân tộc đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần quan trọng làm thay đổi bộ mặt của vùng đồng bào DTTS&MN. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch tích cực, sinh kế của người dân ngày càng đa dạng, phong phú; thu nhập được nâng lên, đời sống vật chất và tinh thần không ngừng cải thiện; số hộ nghèo giảm nhanh; giáo dục, y tế được quan tâm; văn hóa, phong tục tập quán tốt đẹp từng bước được bảo tồn và phát huy; tình hình an ninh trật tự được giữ vững; khối đại đoàn kết các dân tộc được củng cố và tăng cường. Các hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận tốt hơn các chính sách, nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước và cộng đồng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế các tỉnh vùng DTTS & MN khá cao, trong đó các tỉnh vùng Tây Bắc tăng bình quân 8,0%/năm, Tây Nguyên tăng bình quân 7,5%/năm, Tây Nam Bộ tăng bình quân 7,0%/năm. Đến nay, 98,4% xã vùng DTTS&MN có đường ô tô đến trung tâm; 96,7% hộ DTTS được sử dụng điện lưới quốc gia; 100% xã có trường lớp mầm non, trường tiểu học, trung học cơ sở; 99,3% xã có trạm y tế với 83,5% xã có trạm y tế đạt chuẩn; 100% xã có hạ tầng viễn thông và được phủ sóng di động đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc của người dân; nhiều tỉnh có tỷ lệ giảm nghèo bình quân hằng năm trên 3%, vượt mục tiêu đề ra tại Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, có những ý kiến thẳng thắn, tâm huyết, tập trung làm rõ thêm những tồn tại, hạn chế, vướng mắc và đề ra những giải pháp, biện pháp khắc phục, đẩy nhanh thực hiện công tác dân tộc và tiến độ thực hiện các chính sách dân tộc trong năm 2025 và giai đoạn tiếp theo.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Nguyễn Hòa Bình- Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đã ghi nhận, đánh giá cao những kết quả nổi bật trong thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc của các Bộ, Ban, ngành, địa phương trong năm qua. Trong điều kiện nền kinh tế cả nước đang trên đà tăng trưởng, các tỉnh khu vực Tây Nguyên, Tây Bắc, Tây Nam Bộ xuất hiện nhiều mô hình kinh tế rất tích cực, cơ sở hạ tầng phát triển, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được quan tâm cải thiện về nhiều mặt. Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, năm 2025 có nhiều sự kiện quan trọng, tạo đà để cả nước bước vào kỷ nguyên mới. Do đó, đề nghị Ủy ban Dân tộc, các bộ ngành, địa phương, đội ngũ làm công tác dân tộc cần nêu cao quyết tâm chính trị, nhiệt tình, trách nhiệm, tâm huyết, thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị được giao. Cần bám sát các chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, Nghị quyết của Quốc hội, nỗ lực hành động quyết liệt hoàn thành xong các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Chương trình giai đoạn I, không để tồn đọng. Đối với Ủy ban Dân tộc, sắp tới sẽ tiếp nhận một số nội dung nhiệm vụ và thành lập bộ mới vì vậy đề nghị Ủy ban Dân tộc nghiên cứu, bố trí tổ chức bộ máy mới theo hướng tinh gọn, chuẩn bị kỹ về nội hàm để sẵn sàng đón nhận nhiệm vụ mới. Đồng thời, thực hiện rà soát, hoàn chỉnh lại các chính sách, tập trung tháo gỡ vướng mắc để tăng tỷ lệ giải ngân các nguồn vốn đầu tư của Chương trình. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để bà con vùng dân tộc thiểu số nâng cao nhận thức, có quyết tâm, có động lực để phát triển kinh tế thoát nghèo, thu hẹp khoảng cách giữa vùng đồng bằng và miền núi./.