Trong những năm gần đây, công tác dạy nghề cho lao động nông thôn đã được các cấp, ngành, các địa phương trong tỉnh chú trọng, bám sát đến nguyện vọng của người lao động, nhu cầu thực tế của thị trường lao động. Các địa phương, ngành chức năng đã thực hiện điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của lao động nông thôn, nhu cầu sử dụng lao động ở các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn, từ đó lựa chọn ngành nghề sát với điều kiện, thế mạnh của địa phương để tư vấn cho người lao động. Mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã được kiện toàn và phát triển, từng bước đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.
|
|
Nghề thêu thổ cẩm truyền thống của phụ nữ dân tộc Lô Lô, huyện Mèo Vạc đã giúp chị em có thêm thu nhập góp phần vào việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc ở địa phương |
Tại huyện Mèo vạc, để nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề, huyện đã ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn bằng các biện pháp như: Đổi mới chương trình dạy nghề, xây dựng cơ sở vật chất phục vụ việc dạy nghề; rà soát, khảo sát nhu cầu học nghề của lao động tại các xã, thị trấn, trên cơ sở đó có kế hoạch dạy nghề phù hợp. Tập trung tuyên truyền bằng nhiều hình thức, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng đơn vị và từng đối tượng như: tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh từ huyện đến cơ sở, thông qua họp thôn, tổ khu phố, pano, băng zôn, tổ chức hội nghị tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh khối THPT, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên...Theo đó, huyện Mèo Vạc đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn mở 27 lớp dạy nghề với 917 học viên tham gia tại các xã, thị trấn. Giải quyết việc làm cho 9.275 lao động; trong đó, 8.397 lao động làm việc ngoài tỉnh và làm việc tại Trung Quốc theo “Biên bản thống nhất về quản lý lao động qua biên giới”; có 2.934 lao động được giải quyết việc làm mới. Từ các chương trình triển khai thực hiện đã nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò của công tác dạy nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn.
Cùng với đó, tỉnh cũng có nhiều chính sách tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mở rộng sản xuất kinh doanh, người lao động có cơ hội tìm kiếm việc làm, thu nhập ổn định. Công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, thông tin thị trường lao động có nhiều chuyển biến tích cực, giúp người lao động có nhiều thông tin về việc làm, thu nhập tốt, phù hợp với chuyên môn, trình độ của người lao động. Công tác cho vay vốn giải quyết việc làm được triển khai thực hiện kịp thời, các dự án cho vay đạt hiệu quả tốt, giúp người lao động tìm được việc làm ổn định. Tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện về lĩnh vực lao động, việc làm; bảo hiểm xã hội; an toàn, vệ sinh lao động: Hướng dẫn thực hiện Phương án thí điểm đưa lao động Hà Giang sang Trung Quốc làm việc theo thỏa thuận; ban hành văn bản đề nghị chuyển Hàm thư trao đổi với Cục Tài nguyên nhân lực và An sinh xã hội châu Văn Sơn, Trung Quốc; tăng cường công tác quản lý hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; phối hợp cung ứng lao động cho các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam....
|
|
Hội chợ việc làm huyện Quang Bình năm 2024 thu hút 18 doanh nghiệp tham gia với trên 1.989 chỉ tiêu tuyển dụng |
9 tháng năm 2024, toàn tỉnh giải quyết việc làm cho khoảng 18.378 lao động đạt 102% KH, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó: Làm việc tại địa phương 5.062 người; làm việc ngoài tỉnh 13.316 người (lao động đi làm việc ở nước ngoài theo Luật Người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng: 147 người; Nhật Bản 93 người, Đài Loan 46 người, Hàn Quốc 02 người, Rumani và các nước khác 06 người; Lao động đi làm việc các tỉnh trong nước: 13.169 người). Tổ chức tập huấn về hướng dẫn thu thập, cập nhật, lưu trữ thông tin về người lao động gắn với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trên địa bàn tỉnh Hà Giang năm 2024 cho 408 người là thành viên Ban chỉ đạo cấp huyện, cấp xã; tập huấn về chính sách lao động, việc làm, giáo dục nghề nghiệp cho cán bộ cơ sở cấp xã của 5 huyện với 980 lượt cán bộ tham dự; tổ chức hội nghị trực tuyến xúc tiến thu hút lao động trên địa bàn tỉnh Hà Giang đến làm việc tại tỉnh Bắc Giang trực tuyến 3 cấp với gần 200 điểm cầu tham dự. Phối hợp với các huyện đẩy mạnh hoạt động tư vấn giới thiệu việc làm gắn với thị trường và kết nối cung, cầu lao động, tổ chức 09 hội chợ việc làm tại các huyện Xín Mần, Hoàng Su Phì, Vị Xuyên, Mèo Vạc, Yên Minh, Quang Bình, Bắc Mê giúp người lao động nông thôn tiếp cận với doanh nghiệp và thông tin việc làm để tìm kiếm việc làm. Tổ chức 156 hội nghị tư vấn giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động, định hướng nghề nghiệp cho học sinh khối 12 trên địa bàn tỉnh với 9.835 người. Giới thiệu việc làm thành công cho 822 người đi làm việc ngoài tỉnh. Tiếp nhận nhu cầu tuyển dụng trực tuyến của 137 đơn vị, doanh nghiệp trong tỉnh, hỗ trợ cho 152 người lao động đăng ký tìm việc làm trực tuyến....
Có thể thấy, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm lao động nông thôn luôn được tỉnh quan tâm triển khai thực hiện tốt; thông tin thị trường lao động được cập nhật thường xuyên nhằm giúp cho người lao động kết nối với các doanh nghiệp tiếp cận và lựa chọn những thị trường lao động phù hợp để tham gia. Các chính sách, chương trình, dự án giảm nghèo trên địa bàn tỉnh và các chính sách trợ giúp xã hội đã tạo điều kiện, cơ hội cho người dân tiếp cận các dịch vụ xã hội góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, từng bước thực hiện có hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.