Sign In

Tiếp nối truyền thống, chăm lo công tác khuyến học, xây dựng xã hội học tập

05:28 03/10/2024

Người Hà Nam từ xưa đã thể hiện rõ tinh thần ham học hỏi, xây đắp nên truyền thống hiếu học, học giỏi, đỗ đạt cao, tô thắm lịch sử giáo dục quê hương. Tiếp nối truyền thống đó, cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức hội khuyến học, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh rất quan tâm chăm lo công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, phát triển sự nghiệp giáo dục toàn diện, bền vững. 

Trải qua 185 khoa thi dưới các triều đại phong kiến duy trì chế độ khoa cử, Hà Nam có 94 vị đại khoa đỗ đạt hiển vinh, trong đó Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến là một trong số rất ít người đạt học vị “Tam nguyên” của cả nước. Đáng chú ý là trong số các vị Tế tửu - người đứng đầu Văn Miếu - Quốc Tử Giám Thăng Long và Văn Miếu - Quốc Tử Giám Huế (được triều đình chọn lọc rất kỹ, là danh nho, đại thần, tài cao, đức trọng, giỏi thi thư Nho học và quản lý, thực hành việc giảng dạy) thì Hà Nam có 5 vị: Dương Bang Bản (Liêm Thuận, Thanh Liêm; vì có công lớn nên được ban quốc tính đổi họ tên thành Lê Tung); Nguyễn Mạo (Kim Bình, Kim Bảng); Trương Công Giai (Thanh Tâm, Thanh Liêm); Nguyễn Kỳ (An Lão, Bình Lục); Vũ Văn Lý (Vĩnh Trụ, Lý Nhân). Tiếp nối di sản quý báu của cha ông, những năm xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, Hà Nam được cả nước biết đến với danh hiệu “Lá cờ đầu ngành giáo dục”; quê hương của phong trào thi đua “Hai tốt” với biểu tượng tự hào “Tiếng trống Bắc Lý”…

Phát huy niềm tự hào về truyền thống hiếu học, khoa bảng của quê hương, nhiều năm qua Hội Khuyến học tỉnh Hà Nam đã triển khai đồng bộ những nhiệm vụ trọng tâm và đạt kết quả toàn diện, bền vững về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Theo đó, cùng với chủ động làm tốt công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền chỉ đạo duy trì hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập rộng khắp, Hội Khuyến học tỉnh tích cực phối hợp thực hiện có nền nếp việc đánh giá, công nhận “Đơn vị học tập”, “Cộng đồng học tập” các cấp; phối hợp tham mưu, tổ chức thực hiện, đánh giá kết quả thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.

Công tác thông tin, tuyên truyền được Hội Khuyến học tỉnh quan tâm đẩy mạnh theo hướng lựa chọn hình thức linh hoạt, phù hợp, nội dung tập trung làm nổi bật: Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh về “Học không bao giờ cùng”; các kết luận, quyết định, chương trình, đề án của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam về: xây dựng cộng đồng học tập; hưởng ứng phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời”; “Mỗi người dân tự học, học tập suốt đời, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững”… Cùng với đó, chú trọng phát hiện, giới thiệu, cổ vũ, nhân rộng những điển hình tiêu biểu: “công dân học tập”, “gia đình học tập”, “dòng họ học tập”; tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, nhân dân ủng hộ giáo viên, học sinh những vùng, miền khó khăn.

Hội Khuyến học tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo ký kết chương trình phối hợp đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài giai đoạn 2024 - 2030.

Công tác xây dựng tổ chức hội vững mạnh được các cấp hội quan tâm, chú trọng thực hiện theo hướng đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng hoạt động phù hợp với thực tiễn từng địa phương, đơn vị, lĩnh vực. Toàn tỉnh hiện có: 109 hội khuyến học cơ sở, 1.037 chi hội khuyến học, 2.236 ban khuyến học; số hội viên đạt tỷ lệ 36,25% dân số (cao hơn 10% so với bình quân chung cả nước); số hội viên là đảng viên đạt tỷ lệ 98,43%. Tổ chức hội khuyến học các cấp trong tỉnh cũng đã tích cực thực hiện những mục tiêu, nhiệm vụ, tiêu chí, chỉ số đánh giá về xây dựng “Xã hội học tập”, “Đơn vị học tập”, “Công dân học tập”, “Cộng đồng học tập”; phối hợp tổ chức tập huấn sử dụng bộ công cụ đánh giá, công nhận danh hiệu “Công dân học tập” các giai đoạn... qua đó thúc đẩy phong trào “xây dựng xã hội học tập”, “học tập suốt đời” trên địa bàn. Các cấp hội trong tỉnh cũng đã phối hợp đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ các trung tâm học tập cộng đồng; tiến hành kiểm tra, đánh giá, chấm điểm “Đơn vị học tập”, bảo đảm nghiêm túc, kịp thời, đồng bộ, bước đầu đạt kết quả tích cực.

Việc phối hợp với các tổ chức, cơ quan, đơn vị đẩy mạnh hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, nhất là hưởng ứng phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời” được quan tâm chú trọng. Năm 2024, Hội Khuyến học tỉnh đã ký chương trình phối hợp với 8 cơ quan, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh và Hội đồng hương tỉnh Hà Nam tại thành phố Hà Nội. Nội dung phối hợp bám sát chủ trương của Trung ương về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, phù hợp với điều kiện thực tế, nhiệm vụ chính trị của tỉnh, bảo đảm phát huy hiệu quả tinh thần, trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị trong xây dựng xã hội học tập.

Hội Khuyến học tỉnh cũng thường xuyên duy trì phát động phong trào học bổng “Địa chỉ đỏ-Tấm lòng vàng”, tập trung xây dựng quỹ khuyến học các cấp; triển khai xét duyệt học bổng “Học không bao giờ cùng”, “Quỹ thiện tâm”, “Thắp sáng niềm tin”, “Quỹ hỗ trợ cộng đồng Đinh Thiện Lý”… qua đó, huy động nguồn lực cho công tác khuyến học, khuyến tài. Tính riêng 9 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh đã tặng 42.989 suất quà, học bổng, khen thưởng học sinh, giáo viên… (tổng giá trị 16 tỷ 651 triệu đồng); trao học bổng “Địa chỉ đỏ - Tấm lòng vàng” 650 suất (trị giá 1 tỷ 320 triệu đồng); hỗ trợ cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho 28 trường (trị giá 2 tỷ 902 triệu đồng). Hằng năm, nhân những sự kiện trọng đại của đất nước, quê hương, hội khuyến học các cấp duy trì hình thức giáo dục truyền thống yêu nước phù hợp với thế hệ thanh, thiếu niên, gắn với chương trình “Chắp cánh ước mơ”, trao tặng học bổng, phần thưởng động viên những học sinh hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập. Cùng với đó, chỉ đạo, hướng dẫn, phối hợp phát động hưởng ứng phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời”; gắn công tác thi đua khen thưởng của hội với phong trào thi đua của địa phương, đơn vị, tạo động lực thúc đẩy các cá nhân, tổ chức tự nguyện chăm lo hoạt động khuyến học, khuyến tài. Đồng thời, tư vấn, giúp đỡ học sinh hoàn cảnh khó khăn đi du học, xuất khẩu lao động tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, góp phần phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS, THPT.

Phát huy truyền thống, những kết quả, thành tích đã đạt được, thời gian tới, Hội Khuyến học Hà Nam tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, của tỉnh về khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập gắn với đẩy mạnh học tập theo tư tưởng của Bác Hồ kính yêu: “Học không bao giờ cùng”. Tích cực tuyên truyền, thực hiện phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời”. Cùng với hướng dẫn tổ chức đại hội hội khuyến học các cấp nhiệm kỳ 2025-2030, Hội Khuyến học tỉnh tiếp tục tổ chức tập huấn cho cán bộ, hội viên về sử dụng phần mềm Bộ công cụ đánh giá công nhận danh hiệu “Công dân học tập”; phối hợp kiểm tra, đánh giá, xếp loại công nhận mô hình “Đơn vị học tập”, “Cộng đồng học tập”. Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức trách nhiệm của các cấp, ngành, cán bộ, đảng viên, nhân dân gắn với tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình phối hợp, đẩy mạnh hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, nâng cao chất lượng hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng; tổ chức tốt “Tuần lễ học tập suốt đời”. Tiếp tục phát triển tổ chức hội, hội viên. Phối hợp tuyên truyền, vận động góp phần thực hiện chủ trương phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS, THPT, tư vấn, giúp đỡ học sinh hoàn cảnh khó khăn đi du học, xuất khẩu lao động tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan. Tập trung xây dựng quỹ khuyến học các cấp gắn với tiếp tục phát động phong trào học bổng “Địa chỉ đỏ - Tấm lòng vàng”. Tiếp tục đổi mới công tác thi đua khen thưởng; tích cực tuyên truyền hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác hội.

Đỗ Văn Sáng (Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Hà Nam)

Tag:

File đính kèm