Sign In

Thực hiện Đề án Phát triển bền vững ngành hàng Sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh

09:43 06/06/2024
Nhằm phát triển ngành hàng Sắn ổn định, hiệu quả, bền vững và xây dựng liên kết chặt chẽ giữa sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; ngày 04/6/2024, Uỷ ban nhân dân (UBND) tỉnh ban hành Kế hoạch số 122/KH-UBND về việc triển khai thực hiện Đề án Phát triển bền vững ngành hàng Sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.

Kế hoạch đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, diện tích trồng Sắn hàng năm ổn định khoảng 7-8 nghìn ha, sản lượng Sắn tươi đạt 120-130 nghìn tấn/năm, trong đó khoảng 70% để phục vụ chế biến; diện tích trồng Sắn sử dụng giống đúng tiêu chuẩn chất lượng đạt 40-50%; diện tích trồng Sắn áp dụng quy trình canh tác bền vững đạt 50%. Tầm nhìn đến năm 2050, sản xuất Sắn và chế biến các sản phẩm từ Sắn tiếp tục phát triển bền vững; 70-80% diện tích trồng Sắn áp dụng quy trình canh tác bền vững, sản lượng Sắn tươi dùng để chế biến sâu chiếm trên 80%.
 
Trong đó, từ nay đến năm 2030 sẽ tập trung phát triển diện tích trồng Sắn tại các huyện Lạc Thủy, Tân Lạc, Đà Bắc và diện tích còn lại ở các xã có quỹ đất phù hợp tại các huyện, thành phố. Vùng nguyên liệu hình thành sẽ cơ bản đáp ứng cho các cơ sở, nhà máy chế biến Sắn lát, tinh bột Sắn, thức ăn chăn nuôi trong tỉnh; phần còn lại sử dụng tại chỗ vào mục đích chăn nuôi nông hộ. Bên cạnh đó, tiếp tục duy trì và thúc đẩy phát triển nhà máy chế biến tinh bột Sắn hiện có và các cơ sở chế biến thức ăn chăn nuôi. Ưu tiên sử dụng công nghệ mới, công nghệ tiên tiến trong chế biến Sắn.
 
Kế hoạch xác định 6 giải pháp thực hiện, cụ thể: (1) Về tổ chức sản xuất: Phát triển các vùng sản xuất sắn tập trung, quy mô lớn gắn với nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; xây dựng quy trình sản xuất sắn phù hợp với từng loại đất; thực hiện đồng bộ giải pháp hỗ trợ thu hút doanh nghiệp đầu tư, thúc đẩy hình thành chuỗi liên kết, chuyển giao khoa học công nghệ, hướng dẫn kỹ thuật và tiêu thụ sản phẩm; (2) Về khoa học công nghệ: Đưa ra sản xuất bộ giống Sắn mới có năng suất cao, hàm lượng tinh bột cao, có khả năng chống chịu dịch hại nguy hiểm; chuyển giao vào thực tiễn các quy trình kỹ thuật sản xuất Sắn theo hướng bền vững tại các vùng sinh thái; đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hoá các khâu; thực hiện đồng bộ các giải pháp khoa học công nghệ trong chế biến các sản phẩm từ Sắn vào sản xuất; cải tiến dây chuyền công nghệ trong chế biến sắn. (3) Về thị trường tiêu thụ sản phẩm: Khuyến khích, hỗ trợ kinh phí và nguồn lực cho các doanh nghiệp chế biến các sản phẩm từ Sắn; tiếp tục duy trì liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm Sắn với thị trường hiện có là Trung Quốc; đồng thời, đẩy mạnh xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường khác như: EU, Đông Bắc Á... (4) Về quản lý Nhà nước: Tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách liên quan đến phát triển ngành hàng Sắn; tổ chức thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư đầu vào phục vụ sản xuất. (5) Về đầu tư tăng cường năng lực: Thực hiện các giải pháp đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất ngành hàng Sắn theo hướng xã hội hóa; ngân sách Nhà nước đầu tư, hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất Sắn theo quy định. (6) Về hỗ trợ, hợp tác phát triển: Tăng cường đề xuất sự hỗ trợ từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Cục chuyên ngành; tăng cường hợp tác với các Viện, trung tâm nghiên cứu, các doanh nghiệp, tổ chức quốc tế về phát triển sản xuất Sắn.
 
Từ nguồn ngân sách địa phương được phân bổ từ nguồn vốn sự nghiệp, nguồn lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn đầu tư công và nguồn từ các doanh nghiệp/hợp tác xã, người sản xuất.
 
UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố thực hiện Kế hoạch; đánh giá kết quả thực hiện, tổng hợp, tham mưu đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai. Đồng thời chủ động phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để triển khai các nội dung công việc theo lĩnh vực được phân công. Hỗ trợ, xây dựng và hướng dẫn địa phương thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống sinh vật gây hại trên cây Sắn; triển khai thực hiện chương trình Quản lý sức khoẻ cây trồng tổng hợp. Tổ chức phổ biến, cập nhật đầy đủ, kịp thời các quy định pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, thông tin thị trường về chất lượng, giá thành sản phẩm, các biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến Sắn. Phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ đề xuất nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ đưa các giống mới năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, đảm bảo sản lượng. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, phân bón; kiểm tra giám sát các cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến sắn; các doanh nghiệp, đại lý thu mua chế biến sắn tiêu thụ trên địa bàn tỉnh. Ban hành quy trình kỹ thuật sản xuất Sắn, đưa ra bộ giống sắn mới cho năng suất, hàm lượng tinh bột cao, có khả năng chống chịu dịch hại nguy hiểm phù hợp với điều kiện của địa phương.
 
Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các sở, ngành có liên quan và UBND các huyện, thành phố xây dựng và triển khai hiệu quả cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp lập dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt. Tham mưu nguồn vốn đầu tư công và các nguồn vốn khác để thực hiện nhiệm vụ của Kế hoạch. 
 
Sở Tài chính hàng năm, căn cứ số kinh phí ngân sách Trung ương giao và khả năng ngân sách địa phương, Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu báo cáo UBND tỉnh phân bổ ngân sách Trung ương, bố trí ngân sách địa phương để thực hiện Kế hoạch đối với những nội dung chi từ nguồn vốn chi thường xuyên.
 
Sở Công Thương chủ trì phối hợp các sở, ngành liên quan nghiên cứu, rà soát các cơ chế chính sách về xúc tiến thương mại, hỗ trợ các doanh nghiệp tìm kiếm, kết nối thị trường tiêu thụ các sản phẩm từ Sắn. Chủ trì, tham mưu xây dựng và triển khai thực hiện các hoạt động khuyến công về các chính sách khuyến khích. Hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển sản xuất công nghiệp, áp dụng sản xuát sạch hơn trong công nghiệp chế biến các sản phẩm khác từ Sắn.
 
Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan đề xuất điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách có liên quan tới hỗ trợ tăng cường năng lực nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học, công nghệ và tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất Sắn phù hợp điều kiện thực tế địa phương. Đề xuất, tổ chức triển khai các đề tài khoa học, dự án sản xuất thử nghiệm từ nguồn vốn sự nghiệp khoa học địa phương và Trung ương.
 
UBND các huyện, thành phố xây dựng Kế hoạch thực hiện trên địa bàn phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương và định hướng phát triển trong Kế hoạch này. Thực hiện quản lý, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn đảm bảo đáp ứng nhiệm vụ phát triển sản xuất Sắn của tỉnh đã đề ra trong kế hoạch này. Hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn xây dựng vùng sản xuất Sắn tập trung, mở rộng vùng trồng tạo nguồn nguyên liệu với sản lượng lớn phục vụ ngành sắn của địa phương và xuất khẩu. Hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào các nhà máy chế biến, khu sơ chế và kho bảo quản nông sản trên địa bàn gắn với các vùng nguyên liệu tập trung, phù hợp với định hướng phát triển chung của tỉnh. Bố trí kinh phí thực hiện các nhiệm vụ trong kế hoạch do các đơn vị cấp huyện, cấp xã thực hiện theo đúng quy định...
Kim Quý (CTTĐT)
 
 
 
 

Tag:

File đính kèm