Theo đó, mục đích nhằm quán triệt đầy đủ, sâu sắc nội dung Kết luận số 80-KL/TW đến các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp Nhân dân nhằm nâng cao nhận thức và đồng thuận trong xã hội về việc thực hiện Kết luận số 80-KL/TW. Tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo tinh thần Kết luận số 80-KL/TW phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh. Xác định rõ trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác phối hợp, thực hiện Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đảm bảo phù hợp với tình hình, điều kiện phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
Theo Kế hoạch, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề ra các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện như sau: Thực hiện có hiệu quả, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ giữa Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và các kế hoạch khác liên quan; bám sát các quan điểm phát triển, nhiệm vụ trọng tâm và 05 khâu đột phá gồm: Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc, đặc biệt là văn hóa dân tộc Mường và nền “Văn hóa Hòa Bình”; đẩy mạnh cải cách thể chế, cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ; đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số gắn với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; tập trung thu hút và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh.
Đẩy mạnh khâu đột phá về kết cấu hạ tầng, tăng cường kết nối, liên kết vùng để hợp tác phát triển trên nhiều ngành, lĩnh vực thông qua kết nối hệ thống giao thông, triển khai hoàn thiện thủ tục và xây dựng, cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình, dự án đầu tư mở rộng đường Hòa Lạc - Hòa Bình theo hình thức PPP có sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, đầu tư xây dựng tuyến đường vành đai 5; đồng thời triển khai các phương án kết nối hạ tầng giao thông như: Đường Lê Văn Lương kéo dài kết nối với tuyến tránh Quốc lộ 6 (Hoà Bình); đường Hà Đông - Xuân Mai (Hà Nội) kết nối với đường tỉnh 441 tỉnh Hoà Bình; định hướng phát triển tuyến đường sắt Hà Nội - Hòa Bình kết nối với tuyến đường sắt đô thị số 5 của Hà Nội, điểm cuối tuyến là nhà ga tại phường Quỳnh Lâm, thành phố Hòa Bình. Phối hợp nghiên cứu, đánh giá tác động đến kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh của tỉnh khi sân bay quân sự Hòa Lạc được bổ sung chức năng lưỡng dụng, từ đó phát huy các thế mạnh của tỉnh, thúc đẩy hơn nữa dịch vụ du lịch, tăng kết nối với các vùng miền trên cả nước và quốc tế. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án số 02-ĐA/TU, ngày 26/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội cơ bản đồng bộ hiện đại, trọng tâm là ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông đường bộ và hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2025.
Sắp xếp, phân bố không gian hợp lý để phát triển văn hóa, du lịch; bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc, đặc biệt là dân tộc Mường và nền “Văn hóa Hòa Bình” để tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh; xây dựng Hòa Bình thành trung tâm du lịch lớn của khu vực, điểm đến hấp dẫn với khách du lịch từ vùng Thủ đô Hà Nội và cả nước. Tập trung phát triển văn hóa, du lịch, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, thể thao, du lịch hội nghị - hội thảo, du lịch văn hóa - di tích lịch sử gắn với đặc điểm nổi bật của tỉnh là thiên nhiên hùng vĩ, thơ mộng, khí hậu trong lành; có lịch sử hào hùng của cộng đồng nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống, với nhiều lễ hội dân gian truyền thống, văn hóa đặc sắc; là nơi hội tụ tinh hoa của vùng Tây Bắc, cùng nhiều địa điểm du lịch hấp dẫn như: Khu du lịch Quốc gia hồ Hòa Bình, điểm du lịch Mai Châu, Đà Bắc, Lạc Thủy, Tân Lạc, Kim Bôi, Cao Phong, di tích khảo cổ cấp quốc gia đặc biệt Hang xóm Trại, xã Tân Lập và Mái đá Làng Vành, xã Yên Phú, huyện Lạc Sơn... Thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp của Đề án số 08-ĐA/TU, ngày 01/11/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển dịch vụ, trọng tâm là phát triển du lịch tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021 - 2025; Đề án của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền “Văn hóa Hòa Bình” giai đoạn 2023 - 2030.
Cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của sản phẩm phục vụ phát triển nhanh, bền vững. Phát huy lợi thế về đất đai, khí hậu để phát triển nông nghiệp sạch gắn với phát triển du lịch để cung cấp hàng hóa nông sản, thực phẩm, dịch vụ cho Thủ đô Hà Nội và các vùng lân cận. Thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 31/12/2021 của Ban Thường vụ Tinh ủy về cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, phấn đấu đến năm 2025, kinh tế tỉnh Hòa Bình đạt mức trung bình cả nước; Đề án số 03-ĐA/TU, ngày 09/9/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; Kết luận số 960-KL/TU, ngày 15/2/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản chủ lực của tỉnh Hòa Bình đến năm 2030; Đề án số 07-ĐA/TU, ngày 01/11/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021 - 2025.
Tăng cường bảo vệ rừng tự nhiên và trồng rừng mới nhằm cải thiện chất lượng môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và giữ vai trò điều tiết nguồn nước. Đẩy mạnh các biện pháp kiểm soát ô nhiễm không khí, nước và đất. Giám sát chặt chẽ hoạt động sản xuất của các cơ sở công nghiệp, nông nghiệp nhằm hạn chế ô nhiễm. Xây dựng hệ thống xử lý rác thải, chất thải, nước thải đạt chuẩn, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và sức khỏe người dân. Quản lý chặt chẽ việc sử dụng tài nguyên đất, nước và không khí trong quá trình đô thị hóa; khuyến khích sư dụng năng lượng tái tạo, sử dụng vật liệu xây dựng xanh, thân thiện với môi trường. Đẩy mạnh tuyên truyền và giáo dục cộng đồng về bảo vệ môi trường, khuyến khích người dân áp dụng lối sống xanh, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Đẩy mạnh các giải pháp căn bản để bảo đảm cung cấp nước sạch, xử lý hiệu quả tình trạng ngập úng trong mùa mưa và đảm bảo an ninh nguồn nước của đập thủy điện Hòa Bình. Phát triển hệ thống giao thông công cộng tích hợp giữa các loại hình xe đạp, xe buýt, đường sắt đô thị. Xây dựng lộ trình, cơ chế và chính sách đột phá để thúc đẩy phát triển đô thị thông minh, đô thị tăng trương xanh, giao thông xanh, giảm thiểu ô nhiễm không khí và giảm lượng phương tiện cá nhân, cùng với phát triển hạ tầng số, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số và công dân số. Quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên thiên nhiên, phát triển quỹ đất hai bên đường Hòa Lạc - Hòa Bình để tăng nguồn thu cho ngân sách tỉnh.
Tiếp tục tăng cường hợp tác giữa tỉnh Hòa Bình và Thủ đô Hà Nội, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội. Tận dụng tối đa lợi thế gần Thủ đô Hà Nội để tiếp nhận và phát huy sự lan tỏa từ Quy hoạch Thủ đô Hà Nội, hình thành các chuỗi sản xuất, chế biến, khu công nghiệp, khu chế xuất, những doanh nghiệp công nghiệp “vệ tinh” trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, đồng thời tỉnh Hòa Bình cũng đóng vai trò là cầu nối đối với các hoạt động du lịch, thương mại, dịch vụ, trao đổi hàng hoá,... của các tỉnh thuộc vùng núi Tây Bắc với Thủ đô Hà Nội, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của khu vực.
Cùng với đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở tổ chức nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền nội dung Kết luận số 80-KL/TW và Kế hoạch này tới cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp Nhân dân; xây dựng chương trình, kế hoạch để tổ chức triển khai thực hiện. Ban cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh chủ trì, phối hợp với Đảng đoàn Hội đồng nhân dân tỉnh lãnh đạo rà soát để trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế của tỉnh để triển khai có hiệu quả Kế hoạch này; thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra đánh giá tình hình thực hiện và kịp thời điều chỉnh các chương trình, kế hoạch, giải pháp cụ thể phù hợp với yêu cầu thực tế, báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy kết quả thực hiện. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức học tập, tuyên truyền, quán triệt Kết luận số 80-KL/TW và Kế hoạch này đến các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong tỉnh; định hướng cơ quan thông tin, truyền thông tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến Kết luận số 80-KL/TW, Kế hoạch và các chủ trương, chính sách liên quan đến quy hoạch Thủ đô Hà Nội; kịp thời phát hiện, đưa tin những cách làm hay, điển hình tốt để nhân rộng.
Phương Thảo