Sign In

Sơ kết 01 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh

15:40 20/06/2023
Sáng ngày 19/6/2023, tại Hà Nội, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 01 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và các đồng chí Thường trực Ban chỉ đạo (BCĐ) Trung ương chủ trì hội nghị. Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Hòa Bình, có đồng chí Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh; cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh.

 so ket.jpg
Đồng chí Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư TT Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị tại điểm cầu tỉnh Hòa Bình.
 
Qua 01 năm hoạt động, các Ban Chỉ đạo đã tham mưu, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về PCTNTC; các kết luận của Ban Chỉ đạo Trung ương, của Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương được thực hiện nghiêm túc, kịp thời và hiệu quả hơn trước. Đã có 2.196 văn bản được các Ban Chỉ đạo tham mưu, ban hành, chỉ đạo ban hành để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác PCTNTC ở địa phương. Nhiều tỉnh, thành phố đã làm tốt vấn đề này, như: Lào Cai, Ninh Thuận, Bình Thuận, Trà Vinh, Sóc Trăng… Việc cụ thể hóa và tổ chức thực hiện kịp thời nêu trên đã tạo sự nhất quán cao từ Trung ương đến địa phương nhằm đưa nghị quyết, chủ trương, quyết tâm chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước, của Tổng Bí thư đi vào cuộc sống. Các Ban Chỉ đạo đã quan tâm chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra và công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, qua đó đã kịp thời uốn nắn, chấn chỉnh nhiều việc làm sai, phát hiện, chỉ đạo xử lý nghiêm nhiều tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên vi phạm. Đã tập trung kiểm tra các tổ chức đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm; thanh tra các lĩnh vực, địa bàn dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực; thanh tra, kiểm tra chuyên đề theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương và hướng dẫn của các cơ quan chức năng ở Trung ương.
 
Qua kiểm tra, giám sát, thanh tra đã xử lý, kiến nghị xử lý kỷ luật nhiều tổ chức Đảng, đảng viên có hành vi tham nhũng, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; chuyển 286 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật, tăng gấp gần 3 lần so với thời điểm 1 năm trước khi thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh. Bên cạnh việc chỉ đạo các ngành chức năng, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã tiến hành 147 cuộc kiểm tra, giám sát các cấp ủy, tổ chức Đảng trực thuộc trong việc thực hiện các chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về PCTNTC; về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm; về thực hiện các kết luận của các đoàn công tác của Ban Chỉ đạo, thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương; các kết luận thanh tra và kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước. Đã tập trung chỉ đạo xử lý các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực; các vụ án, vụ việc kéo dài, dư luận xã hội quan tâm ở từng địa phương. Đưa 444 vụ án, 156 vụ việc tham nhũng, tiêu cực phức tạp, dư luận xã hội quan tâm vào diện theo dõi, chỉ đạo. Khởi tố mới 530 vụ án/1.858 bị can phạm tội về tham nhũng; số cán bộ, đảng viên bị khởi tố do hành vi tham nhũng, tiêu cực là 1.132 bị can. Xử lý kỷ luật 15 tổ chức Đảng và gần 80 cán bộ, công chức các cơ quan có chức năng PCTNTC sai phạm về tham nhũng, tiêu cực.,
 
Công tác PCTNTC được thực hiện nghiêm theo chủ trương "xử lý không có vùng cấm, không có trường hợp ngoại lệ". Công tác tuyên truyền, giáo dục về PCTNTC được quan tâm; vai trò của Mặt trận Tổ quốc, của báo chí và Nhân dân trong PCTNTC đã được các Ban Chỉ đạo phát huy. Cùng với tập trung chỉ đạo đẩy mạnh phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực, nhiều Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã quan tâm chỉ đạo tăng cường tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về PCTNTC. 
 
Bên cạnh đó, việc phối hợp cung cấp thông tin, công khai kết quả xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm cũng như tiến độ giải quyết các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực được các địa phương rất quan tâm.
 
Mặc dù có những khó khăn, vướng mắc ban đầu, nhưng các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã nỗ lực, quyết tâm cao, khẩn trương triển khai các hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được quy định; kế thừa, phát huy, vận dụng sáng tạo những kinh nghiệm được rút ra qua tổng kết 10 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương để lãnh đạo, chỉ đạo công tác PCTNTC ở địa phương và đạt được những kết quả bước đầu quan trọng. Nhất là đã lựa chọn những khâu yếu, việc khó, dư luận xã hội bức xúc để tập trung chỉ đạo giải quyết; vừa tập trung chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực xảy ra trước đây, quá trình xử lý kéo dài, có khó khăn, vướng mắc; vừa chỉ đạo đẩy mạnh phát hiện, xử lý các vụ án, vụ việc mới nảy sinh; vừa quan tâm chỉ đạo thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác PCTNTC; chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực. Hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh từng bước đi vào nền nếp, thực sự là chỗ dự tin cậy để các cơ quan chức năng yên tâm thực thi nhiệm vụ, cán bộ, đảng viên và nhân dân tích cực tham gia vào công tác PCTNTC.
 
Về nhiệm vụ thời gian tới, Hội nghị thống nhất các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh tập trung chỉ đạo đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục về PCTNTC, nhất là những quan điểm, chủ trương, quy định của Đảng về công tác này; đồng thời tiến hành đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp PCTNTC, cả phòng ngừa, cả phát hiện, xử lý; thực hiện đồng bộ 4 mục tiêu "không thể, không dám, không muốn, không cần tham nhũng". Đặc biệt chú trọng giáo dục, xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực. Chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, những lĩnh vực chuyên môn sâu, hoạt động có tính chất khép kín, những vấn đề nổi cộm, bức xúc, dư luận xã hội quan tâm trên địa bàn. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, nhất là các vụ án, vụ việc Ban Chỉ đạo cấp tỉnh theo dõi, chỉ đạo và Ban Chỉ đạo Trung ương giao cho các tỉnh ủy, thành ủy chỉ đạo xử lý. Thường xuyên rà soát để đưa vào diện Ban Chỉ đạo cấp tỉnh theo dõi, chỉ đạo những vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, dư luận xã hội quan tâm; đồng thời chỉ đạo phát hiện, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực mới. Xử lý nghiêm minh, đồng bộ giữa kỷ luật Đảng với xử lý hành chính và xử lý hình sự đối với các hành vi tham nhũng, tiêu cực theo đúng nguyên tắc “Tích cực, khẩn trương; rõ đến đâu xử lý đến đó; không có vùng cấm; đã có dấu hiệu tội phạm phải khởi tố điều tra và đã kết luận có tội thì phải truy tố, xét xử; xử lý nghiêm minh nhưng phải nhân văn; có quan điểm khách quan, toàn diện, lịch sử cụ thể khi xem xét xử lý sai phạm;...”.
 
Chỉ đạo nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng. Tăng cường kiểm tra, giám sát, chỉ đạo xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc. Chỉ đạo, phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, báo chí và Nhân dân trong công tác đấu tranh PCTNTC.
 
Tập trung giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống và trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp. Tăng cường phối hợp, kịp thời công khai, cung cấp thông tin, định hướng tuyên truyền về PCTNTC. Chú trọng thông tin, tuyên truyền đầy đủ về quan điểm, chủ trương PCTNTC của Đảng và Nhà nước; gương người tốt, việc tốt; đấu tranh, phê phán các quan điểm sai trái, hành vi tham nhũng, tiêu cực; bảo vệ, khen thưởng, động viên những người tố cáo tham nhũng, những người làm báo dũng cảm đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực.
 
Khẩn trương tham mưu cấp ủy có giải pháp chỉ đạo nhằm khắc phục nhanh chóng tình trạng cán bộ né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm, không dám làm. Khẩn trương rà soát, hoàn thiện Quy chế làm việc; xây dựng, ban hành các quy trình, quy định nghiệp vụ, bảo đảm hoạt động của Ban Chỉ đạo thực sự khoa học, nề nếp, hiệu quả; các thành viên Ban Chỉ đạo phải trong sạch, gương mẫu, có bản lĩnh, có dũng khí chống tham nhũng, bảo vệ cái đúng, đấu tranh với cái sai, thực sự công tâm, khách quan. Quan tâm kiện toàn tổ chức bộ máy, biên chế của Ban Nội chính tỉnh ủy, thành ủy để nâng cao năng lực, hiệu quả tham mưu, phục vụ hoạt động Ban Chỉ đạo,...
Nguyễn Hải
 
 
 

Tag:

File đính kèm