Theo đó, mục đích nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, cán bộ, đảng viên và Nhân dân, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Đẩy mạnh xây dựng văn hóa chấp hành pháp luật, ứng xử văn minh khi tham gia giao thông; tiếp tục kiềm chế tai nạn giao thông, hạn chế cơ bản ùn tắc giao thông, thiết lập lại trật tự giao thông đô thị; nâng cao ý thức trách nhiệm, đạo đức công vụ, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 23-CT/TW.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu việc quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TW và Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy phải được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp Nhân dân đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, tiếp tục giảm tai nạn giao thông và hạn chế cơ bản ùn tắc giao thông. Đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức và hành động, xác định bảo đảm trật tự, an toàn giao thông là một trong những động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và văn hóa giao thông là nội dung quan trọng mà văn hóa xã hội phản ánh rõ nét văn hóa chấp hành pháp luật. Lấy người dân là trung tâm, là chủ thể, động lực, nguồn lực; đặt an toàn về tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân là trên hết, trước hết; bảo đảm các quyền lợi của người dân là ưu tiên hàng đầu trong mọi hoạt động. Hoàn thiện thể chế, chính sách, phân định rõ trách nhiệm công tác quản lý Nhà nước về giao thông bảo đảm thống nhất, thông suốt, hiệu quả. Huy động các nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, phù hợp với quy mô, định hướng phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh; ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại, thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ trong lĩnh vực giao thông.
Nội dung của Chương trình hành động: (1) Chương trình 1: Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; (2) Chương trình 2: Hoàn thiện thể chế, chính sách, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân định rõ trách nhiệm trong quản lý về giao thông; (3) Chương trình 3: Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; (4) Chương trình 4: Tập trung nguồn lực xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giao thông; (5) Chương trình 5: Nâng cao năng lực quản lý, điều hành, phối hợp các lực lượng trong bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; (6) Chương trình 6: Thiết lập trật tự an toàn giao thông đô thị.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy có trách nhiệm tổ chức quán triệt và thực hiện Chương trình hành động này; xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể và thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện hoàn thành trong tháng 8/2023. Hằng năm báo cáo kết quả thực hiện về Ban Cán sự đảng Ủy ban nhân tỉnh (qua Công an tỉnh) để tổng hợp báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Đảng đoàn Hội đồng nhân dân tỉnh lãnh đạo Hội đồng nhân dân tỉnh chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh cụ thể hóa nội dung chương trình hành động vào quá trình xây dựng các nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh; bố trí nguồn lực, xây dựng cơ chế, chính sách báo cáo cấp có thẩm quyền để tổ chức thực hiện hiệu quả Chương trình hành động này.
Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội xây dựng chương trình hành động cụ thể thực hiện gắn với các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do Trung ương và tỉnh phát động; tăng cường công tác giám sát việc thực hiện Chương trình hành động.
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chỉ đạo, định hướng các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh nghiên cứu, đề nghị bổ sung ban hành các văn bản pháp luật về giao thông, Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ và Luật đường bộ.
Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chương trình hành động này; định kỳ báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy theo quy định.
Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; rà soát, củng cố, kiện toàn các cơ quan, tổ chức có chức năng, nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; chỉ đạo các sở, ngành và địa phương triển khai thực hiện các nhiệm vụ thuộc phạm vi trách nhiệm được giao; theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn việc thực hiện Chương trình hành động này; định kỳ báo cáo kết quả thực hiện về Ban Thường vụ Tỉnh ủy và tham mưu sơ kết, tổng kết theo quy định.
Bảo An