Sign In

Kiểm soát việc kê khai tài sản, thu nhập tại Đảng bộ tỉnh Hòa Bình – Thực tiễn và bài học kinh nghiệm

15:50 16/10/2023
Tham nhũng là hiện tượng xã hội tiêu cực, xấu xa mà thời nào, chế độ nào, quốc gia nào cũng có, đó là “khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực. Nói nôm na, dễ hiểu như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy thì tham nhũng là hành vi “ăn cắp của công làm của tư”, “là những căn bệnh nguy hiểm”, “là giặc nội xâm” không chỉ gây thiệt hại về kinh tế, mà còn làm suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; làm suy yếu bộ máy của Đảng, Nhà nước, gây mất lòng tin của quần chúng nhân dân. Trong những năm qua, Đảng ta luôn coi trọng, xác định đấu tranh phòng, chống tham nhũng tiêu cực là “một việc làm cần thiết, tất yếu, một xu thế không thể đảo ngược”; đồng thời xác định việc kiểm soát kê khai tài sản, thu nhập là một trong những giải pháp quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phẩn xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.

Tại Đảng bộ tỉnh Hòa Bình, sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 33-CT/TW, ngày 3/1/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản và các quy định của pháp luật về kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản đã tạo sự thống nhất nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và của cơ quan, tổ chức, đơn vị, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị về việc kê khai, kiểm soát việc kê khai tài sản theo quy định của Đảng, Nhà nước. Đồng thời xác định nhiệm vụ minh bạch tài sản, thu nhập là một nhiệm vụ thường xuyên, liên tục trong lãnh đạo, chỉ đạo, là giải pháp mang tính chất căn cơ để cảnh báo, răn đe một bộ phận cán bộ, đảng viên “không thể, không dám, không muốn và không cần” tham nhũng, tiêu cực. Hằng năm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc xây dựng chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát đảm bảo trọng tâm, trong điểm; tập trung kiểm tra các lĩnh vực, nội dung nhạy cảm dễ phát sinh tiêu cực, sai phạm, trong đó có nội dung chấp hành việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản, thu nhập đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc diện phải kê khai theo quy định. Các tổ chức cơ sở đảng đã lồng ghép kiểm tra, giám sát việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Qua đó, giúp cấp ủy các cấp kịp thời đôn đốc, nhắc nhở các cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân nghiêm túc thực hiện việc kê khai, công khai tài sản thu nhập. Mặt khác, Ban Thường vụ Tỉnh ủy luôn quan tâm, chú trọng việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện sơ kết việc thực hiện các quy định về kê khai tài sản và kiểm soát việc kê khai tài sản; giao Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với các đơn vị, cơ quan có liên quan tham mưu, giúp Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiến hành sơ kết, tổng kết việc thực hiện Chỉ thị số 33-CT/TW, ngày 03/01/2014 của Bộ Chính trị về tăng cương sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản.

Thực hiện Quyết định số 56-QĐ/TW, ngày 08/02/2022 của Bộ Chính trị và Hướng dẫn số 03-HD/UBKTTW, ngày 03/11/2022 của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương về thực hiện một số điều của Quy chế phối hợp giữa các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập. Với vai trò được giao thực hiện kiểm soát tài sản, thu nhập của những người thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý, trong thời gian qua Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy và Ủy ban Kiểm tra các huyện ủy, thành ủy đã tích cực nghiên cứu, triển khai đồng bộ, có hiệu quả. Năm 2022, 2023, đã ban hành Kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập, tổ chức Hội nghị để thực hiện bốc thăm lựa chọn ngẫu nhiên người được xác minh tài sản, thu nhập; đồng thời quyết định thành lập các Tổ xác minh tài sản, thu nhập đối với  các đồng chí cán bộ, lãnh đạo quản lý thuộc diện cấp ủy quản lý. Trong quá trình thực hiện tập trung xoay quanh các nội dung chính đó là: Xác minh tính trung thực, đầy đủ, rõ ràng của bản kê khai tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai và xác minh tính trung thực trong việc giải trình về nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm. Đảm bảo đúng nguyên tắc số lượng người được xác minh tài sản, thu nhập được lựa chọn tối thiểu bằng 10% số người có nghĩa vụ kê khai hằng năm (bao gồm cả người có nghĩa vụ kê khai là đối tượng kiểm tra, giám sát, giải quyết tố cáo), trước hết là đảng viên có đơn, thư phản ánh, tố cáo biến động về tài sản, thu nhập; đảng viên công tác tại cơ quan, đơn vị dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực và đảng viên là người đứng đầu tổ chức, cơ quan, đơn vị theo quy định tại Điểm 6.2, Điểm 6.3, Khoản 6, Hướng dẫn số 03-HD/UBKTTW. Người có nghĩa vụ kê khai được xác minh là đối tượng thuộc din kê khai tài sản, thu nhập hằng năm và trong thời gian 04 năm liền kề chưa được xác minh về tài sản, thu nhập. Tuy đây là nhiệm vụ mới, chưa có hướng dẫn, quy trình chi tiết cụ thể, nhưng Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đã chủ động nghiên cứu, tìm tòi, vận dụng quy định Đảng, pháp luật Nhà nước và tranh thủ xin ý kiến hướng dẫn nghiệp vụ của Ủy ban Kiểm tra Trung ương để thực hiện; tổ chức Hội nghị giao ban chuyên đề quí I/2023, mở các hội nghị tập huấn (mời ubkt các huyện ủy, thành ủy) trong đó tập trung trao đổi, hướng dẫn thực hiện các nội dung của Quyết định số 56-QĐ/TW, Hướng dẫn số 03-HD/UBKTTW, đồng thời hướng dẫn, trao đổi về việc xác minh tài sản, thu nhập theo Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018; Nghị định số 130/2020/NĐ-CP của Chính phủ về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị,… Đến hiện tại, Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh ủy đã xác minh, kết luận tài sản, thu nhập đối với 47 trường hợp; Uỷ ban Kiểm tra các huyện ủy, thành ủy đã xác minh, kết luận đối với 368 trường hợp. Kếtquả xác minh tài sản, thu nhập cho thấy các trường hợp cán bộ thuộc diện cấp ủy quản lý cơ bản đều chấp hành và thực hiện nghiêm việc kê khai tài sản, thu nhập theo quy định, góp phần minh bạch hóa hoạt động hệ thống công vụ; ngăn chặn, phòng ngừa những hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn vì động cơ vụ lợi. Qua đó tạo được sự chuyển biến căn bản về nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên về tầm quan trọng, ý nghĩa của việc minh bạch tài sản, thu nhập. Những hạn chế và lúng túng trong triển khai thực hiện, kê khai không đúng trình tự, thủ tục cơ bản đã bước đầu khắc phục; việc chấp hành về thời hạn kê khai, báo cáo kết quả kê khai đã có những chuyển biến tích cực; tính tự giác và trách nhiệm của các đối tượng trong diện phải kê khai tài sản, thu nhập đã có dấu hiệu được nâng lên; việc kê khai tài sản, thu nhập đã có những tác dụng ở góc độ giúp công tác quản lý cán bộ, đảng viên chặt chẽ hơn, góp phần thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, trong quá trình thực hiện còn tồn tại một số hạn chế, bất cập như: (1) Việc kê khai và công khai bản kê khai tài sản, thu nhập một số ít trường hợp chưa thực hiện theo đúng trình tự, quy định; (2) Một số ít cơ quan, đơn vị chưa chỉ đạo kiểm tra, giám sát việc kê khai, công khai tài sản, thu nhập; chưa hướng dẫn đối với người thuộc diện phải kê khai thực hiện việc kê khai tài sản, thu nhập dẫn đến còn nhiều cá nhân chưa thực hiện kê khai tài sản, thu nhập lần đầu và kê khai bổ sung (khi có biến động); (3) Việc giải trình nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm còn nhiều trường hợp chưa đảm bảo, rõ ràng, đầy đủ theo quy định; (4) Việc kiểm soát nguồn thu nhập còn gặp nhiều khó khăn do thu nhập thực tế và tiền lương của cán bộ, đảng viên còn có khoảng cách khá lớn; (5) Theo quy định, ngoài việc kê khai tài sản thuộc quyền sở hữu cá nhân thì người có nghĩa vụ kê khai tài sản phải kê khai tài sản, mọi biến động về tài sản thuộc sở hữu của vợ hoặc chồng và con chưa thành niên. Theo đó, người có nghĩa vụ kê khai tài sản chuyển tài sản của mình cho con đã thành niên (chưa kể chuyển cho các đối tượng khác), nhất là trong trường hợp người con này không thuộc diện kê khai tài sản thì cũng không thể đánh giá, giám sát một cách chính xác tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai; (6) Trong quá trình xác minh, việc xác định giá trị của tài sản không có nhu cầu giao dịch còn nhiều khó khăn; kinh phí dành cho thực hiện công tác xác minh tài sản, thu nhập chưa được hướng dẫn cụ thể; (7) Còn một số điểm chưa thống nhất giữa Quyết định số 56-QĐ/TW, ngày 08/02/2022 của Bộ Chính trị với Hướng dẫn số 03-HD/UBKTTW, ngày 03/11/2022 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương: Đối tượng tại Khoản 6, Điều 3, Quyết định số 56-QĐ/TW quy định: Ủy ban kiểm tra tỉnh ủy, thành ủy kiểm soát tài sản, thu nhập của những người thuộc diện ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy quản lý và những người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập công tác trong các cơ quan đảng tỉnh. Tuy nhiên, tại Đoạn 1, Điểm 6.1, Khoản 6, Hướng dẫn số 03-HD/UBKTTW của Ủy ban Kiểm tra Trung ương chỉ mới quy định việc ủy ban kiểm tra xây dựng, ban hành kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập của đối tượng có nghĩa vụ kê khai do cấp ủy cấp mình quản lý.

Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng công tác kê khai, kiểm soát tài sản, qua kinh nghiệm thực tiễn đúc rút, để triển khai thực hiện một cách nghiêm túc, phát huy hiệu quả trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực thời gian tới, chúng ta cần tập trung quan tâm thực hiện tốt một số vấn đề sau:

Thứ nhất, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức quán triệt nghiêm túc, đầy đủ, kịp thời để thống nhất nhận thức của cán bộ, đảng viên trong việc kê khai, kiểm soát việc kê khai tài sản, thu nhập theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Qua đó, phát huy tính tự giác, trung thực và ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập; phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị và người đứng đầu trong việc tổ chức thực hiện các quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước về kê khai, kiểm soát việc kê khai tài sản, thu nhập. Xác định việc kê khai, kiểm soát việc kê khai tài sản, thu nhập là tiêu chí để đánh giá cán bộ, đảng viên thuộc đối tượng kê khai; việc tổ chức lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp, thực hiện công tác kê khai, công khai, kiểm soát tài sản, thu nhập là một trong những tiêu chí để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị và người đứng đầu cơ quan, đơn vị.

Thứ hai, cấp ủy các cấp phải là chỗ dựa vững chắc cho ủy ban kiểm tra cùng cấp trong quá trình thực hiện, với phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, cho đù đó là bất kì ai”, kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định đối với các trường hợp kê khai không trung thực về tài sản, thu nhập, giải trình không trung thực về nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm, cố tình kéo dài việc kê khai tài sản, thu nhập.

Thứ ba, tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền hoàn thiện các quy định của pháp luật về kiểm soát tài sản, thu nhập, đặc biệt là việc cho phép tịch thu các tài sản bất minh khi đã được chứng minh, điều tra xác định. Cần sớm ban hành hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục, các bước trong quy trình xác minh tài sản, thu nhập; kinh phí xác minh cho các cơ quan có thẩm quyền thực hiện xác minh theo Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018; Nghị định số 130/2020/NĐ-CP, ngày 30/10/2020 của Chính phủ về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Cần có quy định cụ thể về cơ chế phối hợp giữa ủy ban kiểm tra với cơ quan thanh tra trong quá trình thực hiện nhiệm vụ kiểm soát tài sản, thu nhập, theo hướng chỉ cần 01 cơ quan tiếp nhận bản kê khai tài sản, thu nhập, lập cơ sở dữ liệu để trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình, các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập có thẩm quyền sẽ cùng theo dõi, kiểm soát, chia sẻ thông tin, dữ liệu cần thiết và đặc biệt là phối hợp cùng nhau khi tiến hành xác minh tài sản, thu nhập để chánh sự chồng chéo, trùng lặp trong công tác kiểm soát.

Thứ tư, cần nghiên cứu xây dựng phần mềm cơ sở dữ liệu để kiểm soát được biến động tài sản, thu nhập của cá nhân qua từng năm về kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ thuộc diện cấp ủy cùng cấp quản lý. Hệ thống này cũng có thể tích hợp phần mềm để tổ chức việc lựa chọn ngẫu nhiên người được xác minh theo kế hoạch hàng năm và thực hiện chế độ thông tin, báo cáo về công tác kiểm soát tài sản, thu nhập.

Thứ năm, việc công khai bản kê khai tài sản, thu nhập phải được thực hiện rộng rãi, triệt để hơn nữa. Không để tình trạng kê khai xong cất vào hộc tủ, ngăn kéo. Vấn đề là chọn hình thức công khai hợp lý mà vẫn bảo đảm tính khách quan, hiệu quả (niêm yết bản kê khai hoặc công bố trong cuộc họp). Bản niêm yết kê khai không cần đưa nguyên bản mà chỉ cần những số liệu tổng hợp chủ yếu trong bản kê khai (bộ phận chức năng chịu trách nhiệm tổng hợp lại có sự xác nhận của thủ trưởng đơn vị). Muốn vậy, kê khai phải có kiểm tra, tổng hợp và xác nhận. Việc đánh giá tính trung thực của bản kê khai phải được tiến hành qua xác minh thực tế. Thực hiện tốt việc công khai sẽ góp phần yêu cầu người kê khai phải trung thực và nghiêm túc hơn trong nội dung kê khai của mình.

Thứ sáu, cần phát huy tích cực vai trò giám sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các cơ quan dân cử đối với tập thể, cá nhân trong việc chấp hành các quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước về kê khai, kiểm soát việc kê khai tài sản, thu nhập. Biến truyền thông thành công cụ để người dân thực hiện quyền giám sát trong kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức; cần ban hành các quy định để người dân có thể tiếp cận các bản kê khai tài sản của cán bộ, đảng viên, phát huy sức mạnh của nhân dân, dựa vào “tai mắt” của nhân dân để thực hiện có hiệu quả việc kiểm soát tài sản, thu nhập.

Đặng Tuấn Anh (UBKT Tỉnh uỷ)

Tag:

File đính kèm