Sign In

Kết quả thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” năm 2023

14:15 04/01/2024
Năm 2023, Cấp ủy, chính quyền, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực. Gắn việc thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị và các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, giữ vững trật tự an toàn xã hội, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân.

Tính đến ngày 30/11/2023, toàn tỉnh hiện có 4.365 mô hình “Dân vận khéo” (tăng 514 mô hình so với năm 2022), trong đó: Lĩnh vực kinh tế: 922 mô hình; lĩnh vực văn hóa, xã hội: 1.886 mô hình; lĩnh vực quốc phòng, an ninh: 1.131 mô hình, lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị: 426 mô hình (514 mô hình được xây dựng mới, 323 mô hình hiệu quả được nhân rộng).
 
Các cấp ủy, chính quyền, các ban, sở, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo, vận động cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân tích cực tham gia thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, khuyến khích phát triển mô hình kinh tế hộ gia đình, các điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi, các hoạt động thương mại, dịch vụ; tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng an toàn, hiệu quả, sản xuất hàng hóa lớn gắn với thị trường tiêu thụ xuất khẩu. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học vào sản xuất. Ưu tiên phát triển dịch vụ du lịch, phát huy các sản phẩm du lịch hiện có, các sản phẩm du lịch gắn với bản sắc văn hóa các dân tộc, xây dựng các sản phẩm du lịch độc đáo, riêng biệt, có khả năng cạnh tranh cao. Nhiều mô hình trong lĩnh vực kinh tế có hiệu quả tiếp tục được duy trì và nhân rộng, huy động sự tham gia của đông đảo các tầng lớp Nhân dân, đáp ứng nhu cầu, thị trường tiêu thụ, nâng cao thu nhập cho bản thân, gia đình, giải quyết việc làm cho người lao động tại địa phương. Tiêu biểu như mô hình “phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế” của Hội Liên hiệp Phụ nữ; Mô hình “Kinh tế tập thể Hợp tác xã, chi, tổ hội nông dân” của Hội Nông dân; Mô hình “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” của Hội Cựu Chiến binh; mô hình “Nuôi cá trắm đen thương phẩm trên Hồ Sông Đà theo phương thức cho ăn tự động”, “Trồng dưa lưới công nghệ cao” của Đoàn thanh niên; mô hình “Tổ liên kết mây tre đan”, “Trồng nhãn ở xã Xuân Thủy” huyện Kim Bôi; “Trồng mía xuất khẩu”, “Tổ hợp tác trồng ớt rừng Phú Lương” của huyện Lạc Sơn; mô hình “Hợp tác xã vận tải du lịch - dịch vụ”,“ Nuôi cá lồng”, “Hợp tác xã Dược liệu thuốc nam dân tộc Dao” của TP Hoà Bình; mô hình “chăn nuôi bò sữa và chăn nuôi Trâu sinh sản”; “Chuỗi liên kết an toàn thực phẩm” huyện Lương Sơn; mô hình “Trồng Cam theo tiêu chuẩn VietGAP” ở huyện Cao Phong; mô hình nuôi gà ở huyện Lạc Thủy, Lạc Sơn… mô hình Homestay gắn với du lịch lòng hồ Sông Đà tại huyện Đà Bắc, Mai Châu, Tân Lạc, Cao Phong, thành phố Hoà Bình…
 
Các mô hình “Dân vận khéo” trong lĩnh vực văn hóa, xã hội trên địa bàn tỉnh được các cấp ủy, chính quyền triển khai, thực hiện gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị; chú trọng xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh, gắn kết hài hoà giữa phát triển kinh tế với văn hoá, xã hội; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; xây dựng gia đình, cơ quan, đơn vị, khu dân cư văn hóa; bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh; thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang; quan tâm chăm lo các đối tượng chính sách, người có công, đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; tạo môi trường an toàn, lành mạnh để trẻ em phát triển toàn diện; thực hiện tốt công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ; tích cực xây dựng quỹ khuyến học, khuyến tài, quỹ “Vì người nghèo”… Nhiều mô hình mới, tiêu biểu được triển khai, nhân rộng, thu hút nhiều thành phần, lứa tuổi tham gia, có tính xã hội cao, hiệu ứng xã hội tích cực. Tiêu biểu như: Mô hình “Mai táng phí”, “Trang vở vượt khó”, “Học bổng 1000 đồng” của thành phố Hoà Bình; mô hình “CLB bảo vệ và phát huy văn hoá cồng chiêng”, “Hát dân ca Mường”, “Mo mường” của huyện Kim Bôi, Lạc Sơn, Yên Thủy, thành phố Hoà Bình...; mô hình “Dân vũ thể thao”, “vận động phụ nữ tiết kiệm mua bảo hiểm y tế vì sức khoẻ gia đình”, “Phụ nữ tự tin, tự trọng, có trí thức, có sức khoẻ”, “góp vốn xoay vòng làm nhà tiêu hợp vệ sinh”, “tổ tuyên truyền cộng đồng”, “Chi hội phụ nữ phân loại và thu gom rác thải tái chế”, “Mỗi hội viên phụ nữ trồng 01 cây xanh”, “Mẹ đỡ đầu”của Hội Liên hiệp phụ nữ;…
 
Phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên lĩnh vực quốc phòng, an ninh được cấp ủy đảng, chính quyền, lực lượng vũ trang, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, kết hợp giữa vận động tập trung với vận động cá biệt, tranh thủ sự ủng hộ của người có uy tín trong dòng họ, khu dân cư. Việc nhân rộng các mô hình, hình thức tự quản về an ninh trật tự trong Nhân dân theo hướng xã hội hóa, tự phòng, tự bảo vệ, tự hòa giải được các cấp, các ngành, Nhân dân đồng tình ủng hộ và tích cực tham gia, đã góp phần tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện có hiệu quả phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” ở khu dân cư, các mô hình đã góp phần quan trọng trong việc giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh tại địa phương. Tiêu biểu trong lĩnh vực này là các mô hình: mô hình “Xây dựng hình ảnh người cán bộ, chiến sỹ Quản lý hành chính về trật tự xã hội bản lĩnh, nhân văn, vì Nhân dân phục vụ, đẹp trong lòng Nhân dân” của Đội Quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an huyện Kim Bôi được Bộ Công an lựa chọn, tuyên truyền, biểu dương và giới thiệu kinh nghiệm đến Công an cả nước; Mô hình “Camera giám sát tình hình an ninh trật”(Huyện Cao Phong có trên 400 mắt camera đang khai thác, sử dụng; từ mô hình đã lan toả đến các tổ chức cá nhân có thể phối hợp trích xuất hình ảnh khi cần thiết; Huyện Tân Lạc có 6 xã lắp đặt camera trên các trục đường đạt 100% (Huy động hộ cán bộ đóng 100.000 đ/hộ, còn lại đóng 20.000 đ/hộ) của Công an các huyện, thành phố; mô hình “Dòng họ tự quản về an ninh trật tự” của huyện Đà Bắc; mô hình “Tổ tự quản về an ninh trật tự” ở các huyện, thành phố;…
 
Các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện việc xây dựng các mô hình dân vận khéo tại các địa phương, cơ quan, đơn vị gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng đạo đức công vụ, chất lượng thực thi công vụ; tạo điều kiện thuận lợi để Nhân dân thực hiện quyền giám sát, tham gia góp ý xây dựng đảng, xây dựng chính quyền. Tăng cường các hoạt động tiếp công dân, đối thoại, giải quyết những vấn đề bức xúc của Nhân dân. Tiêu biểu như: Mô hình “Chính quyền thân thiện vì nhân dân phục vụ” trên địa bàn tỉnh; Mô hình “Xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh” ở các huyện, thành phố; “Hòm thư góp ý 217, 218” của thành phố Hoà Bình; Mô hình “Câu lạc bộ lí luận trẻ”, Mô hình “Đẩy mạnh tuyên truyền công tác nội chính Đảng đến cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn tỉnh” của Ban Nội chính Tỉnh ủy; Mô hình "Dân vận khéo trong thực hiện các dự án trọng điểm của tỉnh” của Sở Kế hoạch và Đầu tư;….
 
Mô hình “Chính quyền thân thiện vì Nhân dân phục vụ” được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã được các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, công chức, đoàn viên, hội viên và Nhân dân ghi nhận, đánh giá cao, đặc biệt là sự đồng thuận của người dân, doanh nghiệp trực tiếp đến giao dịch, thực hiện các thủ tục hành chính tại Trung tâm hành chính công của tỉnh, bộ phận tiếp nhận, trả kết quả tại Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Việc triển khai thực hiện mô hình đã tạo sự chuyển biến tích cực trong việc nêu cao tinh thần, trách nhiệm phục vụ Nhân dân của hệ thống chính quyền cơ sở, nhất là xây dựng phong cách “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”; tác động mạnh mẽ về tư tưởng, nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thực thi nhiệm vụ. Toàn tỉnh hiện có 100/151 xã, thị trấn ra mắt mô hình “Chính quyền thân thiện vì Nhân dân phục vụ”.
Bảo An
 
 
 

Tag:

File đính kèm