Nghi lễ cúng trên biển cầu cho mưa thuận gió hòa tại Lễ hội Nghinh Ông ở huyện Kiên Hải. Ảnh: Lê Sen
Theo truyền thuyết dân gian: “Cá Voi do Phật Quan âm Bồ tát xé chiếc áo cà sa thành muôn mảnh thả trên mặt biển để cứu vớt chúng sinh đi biển bị lâm nạn". Trong lịch sử triều Nguyễn có ghi lại: Khi Chúa Nguyễn Ánh bôn tẩu ngoài đảo Phú Quốc (Kiên Giang) bị bão lớn, thuyền sắp đắm, ông đã cầu nguyện và được cứu thoát nạn. Sau khi lên ngôi, vua Gia Long (tức Chúa Nguyễn Ánh) phong cho cá Voi là “Nam Hải cự tộc, Ngọc Lân Thượng đẳng thần" và truyền dụ cho các làng chài mà thuyền của ông từng cập bến phải lập lăng, dựng miếu phụng thờ. Sau đó, vua Minh Mạng phong cho cá Ông (cá Voi) là “Đại càng Nam Hải đại tướng quân" và đặt tên cho cá Ông là Nhân Ngư. Kể từ thế kỷ thứ XVIII, triều đình Nhà Nguyễn đã sắc phong “Đại càng quốc gia Nam Hải" cho các thôn, làng để đưa vào miếu, đình thờ như một Thành Hoàng và trở thành tín ngưỡng không thể thiếu đối với ngư dân vùng biển. Những người dân vùng ven biển tôn vinh cá Ông thành một vị thần rất đỗi thiêng liêng, là chỗ dựa tinh thần mỗi khi gặp sóng to gió lớn, con người bị hiểm nguy đe doạ.
Đình thần Nam Hải Đại Tướng quân nằm ở ấp Thiên Tuế, xã Lại Sơn, huyện Kiên Hải, chứa đựng những tập tục và truyền thuyết nhiều giai thoại về vua Gia Long bôn tẩu đến đây, lúc quân lính đói khát, được rái cá bắt cá dâng cho và dẫn đường đến suối nước. Sau khi lên ngôi Hoàng đế, Vua phong cho loài rái cá ở đây tước vị: “Lang lại Tướng quân" và đặt tên đảo là Hòn Sơn Rái, hay Hòn Sơn (xã Lại Sơn) nhìn trên cao xuống giống như một con rái cá đang bơi lội về hướng Rạch Giá. Ngày 15/11/2006, Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang đã xếp hạng di tích cấp tỉnh. Hiện nay, Lễ hội Nghinh Ông đã trở thành lễ hội dân gian cấp tỉnh.
Với chủ đề “Huyện đảo Kiên Hải - tiềm năng và cơ hội phát triển", Lễ hội Nghinh Ông xã Lại Sơn, huyện Kiên Hải năm 2023 diễn ra trong 2 ngày, từ ngày 27-28/11/2023 (nhằm ngày 15-16/10 âm lịch) tại Di tích lịch sử - văn hóa Đình thần Nam Hải Đại Tướng Quân. Phần lễ được tổ chức trang nghiêm và đúng với nghi thức truyền thống như: Lễ thỉnh sắc Thần Hoàng và Bà cố chủ, lễ an vị, cầu an, lễ dâng hương và nghinh Thần Nam Hải.
Phần hội có các hoạt động như: Chương trình nghệ thuật khai mạc lễ hội do Trung tâm Văn hóa tỉnh kết hợp với Đoàn Cải lương nhân dân Kiên Giang thực hiện; trưng bày hình ảnh, tư liệu về biển đảo, lễ hội và các danh thắng huyện Kiên Hải; tổ chức hoạt động văn hoá đọc phục vụ đọc sách và trưng bày sách; tổ chức gian hàng giới thiệu, quảng bá du lịch và sản phẩm OCOP Kiên Hải; giải Việt dã quanh đảo Lại Sơn; thi đấu bóng đá 5 người mở rộng; giải cầu long; các trò chơi dân gian…
Trong quan niệm của cư dân ven biển, cá Ông đại diện cho lòng tốt, cho tính hướng thiện (cứu giúp người gặp nạn ở biển và giúp cho ngư dân được mùa biển), một cốt cách của cuộc sống tốt đẹp, an lành. Cho nên cá Ông được liệt vào phúc thần hàng đầu trong hệ thống thần linh biển cả, tín ngưỡng thờ thần biển của ngư dân ở đây cũng như nhiều cư dân ở ven biển khác. Đây chính là sự bày tỏ lòng tri ân của ngư dân được sự phù trợ của cá Ông đối với các hoạt động đánh bắt hải sản trên biển được mùa cá bội thu.
Những ngày sắp diễn ra lễ hội, ngư dân vùng biển Kiên Hải trang trí lại bàn thờ gia tiên, các nơi thờ linh vật biển rồi treo đèn, kết hoa lên thuyền đánh cá và bày biện lễ vật như đón tết cổ truyền. Khắp đường quanh đảo, cờ Tổ quốc, băng rôn, cờ lễ trang hoàng nhộn nhịp. Nhà nhà chuẩn bị lễ vật, bày trí công phu với tâm niệm dâng lên Ông tấm lòng của người ngư dân quanh năm bám biển cầu mong sự phù trợ tốt đẹp, yên lành “sóng yên, biển lặng".
Kiên Hải còn được biết đến là huyện đảo có ngư trường khai thác rộng lớn, thuận lợi cho phát triển nghề thủy, hải sản. Cảnh quan đẹp, danh lam thắng cảnh còn nguyên sơ, nhiều bãi tắm trong lành ở Nam Du, Hòn Sơn, Hòn Mấu… là những điểm du lịch sinh thái lý tưởng. Đến Kiên Hải, ngoài việc khám phá và tìm hiểu về văn hóa lễ hội, chúng ta còn được trải nghiệm với nhiều loại hình du lịch đang phát triển. Đó là du lịch khám phá leo núi, cắm trại, chèo thuyền câu cá, thưởng thức hải sản, mò nhum, bắt ốc… Đồng thời, thưởng thức những loại trái cây trên đảo như thanh long ruột đỏ, xoài cát, mãng cầu, chuối… mang nét đặc trưng của hương vị xứ biển.
Môi trường biển đảo đã tạo nên lối sống, phong tục, tập quán và sáng tạo ra những giá trị văn hóa rất riêng của ngư dân và trở thành một bộ phận của văn hóa dân tộc. Vì vậy, việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Lễ hội Nghinh Ông ở huyện Kiên Hải sẽ huy động mọi nguồn lực, khai thác có hiệu quả các điều kiện, tiềm năng và thế mạnh đưa tỉnh Kiên Giang trở thành một trung tâm du lịch của khu vực đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.
Võ Thanh Xuân