Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang bàn giao nhà “Mái ấm nông dân" cho gia đình ông Danh Chính Thành, ngụ ấp Hòa Bình, xã Thới Quản, huyện Gò Quao. Ảnh: Bích Linh
Tỉnh Kiên Giang có 27 dân tộc cùng sinh sống đan xen trên địa bàn, tuy nhiên chỉ có 3 dân tộc có dân số đông là Kinh, Khmer, Hoa. Dân số của tỉnh có 1.748.465 người. Trong đó, dân tộc Kinh có1.487.331 người, chiếm tỷ lệ 85,06% tổng dân số toàn tỉnh; dân số là người DTTS có 261.134 người, chiếm tỷ lệ 14,94% (dân tộc Khmer 230.500 người, chiếm 13,19%; dân tộc Hoa 29.606 người, chiếm 1,69%; các DTTS khác 1.028 người, chiếm 0,06%). Toàn tỉnh có 8.854 hộ nghèo và 14.787 hộ cận nghèo, trong đó hộ nghèo DTTS 2.552 hộ, chiếm 3,68 % và hộ cận nghèo DTTS 3.871 hộ, chiếm 5,59%. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào DTTS được giữ vũng.
Ngay sau khi có Nghị quyết số 10/NQ-CP của Chính phủ về ban hành chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045; tỉnh đã tổ chức tổng kết Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020, quán triệt, tuyên truyền và xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, tỉnh thực hiện hỗ trợ đất ở cho 31 hộ; hỗ trợ nhà ở cho 383 hộ; triển khai hỗ trợ đất sản xuất, chuyển đổi nghề cho 236 hộ; giải quyết nước sinh hoạt phân tán cho 472 hộ, nâng cấp, mở rộng 14 công trình nước sinh hoạt tập trung trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, kinh phí thực hiện là 74.453 triệu đồng. Xây dựng mới, mở rộng 33 công trình tuyến đường giao thông với 46,4 km đường và cơ sở hạ tầng thiết yếu vùng đồng bào dân tộc thiểu số, 13 cầu giao thông nông thôn, kinh phí thực hiện 79.789,3 triệu đồng. Xây dựng, sửa chữa, mua trang thiết bị dạy học cho 5 trường phổ thông dân tộc nội trú trung học cơ sở, kinh phí thực hiện 22.157,4 triệu đồng.
Đẩy mạnh tuyên truyền về thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em, về tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS. Tổ chức nhiều hội nghị tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức pháp luật, các vấn đề liên quan đến bình đẳng giới. Nhân dịp tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer, Tết Quân - Dân, các cấp ủy, chính quyền, mặt trận, đoàn thể địa phương trao tặng trên 5.000 suất quà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách, người có uy tín là người DTTS, trị giá hơn 2.300 triệu đồng.
Việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và các chính sách an sinh xã hội, góp phần quan trọng vào việc hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung, vùng đồng bào DTTS nói riêng. Từ đó, giúp cho hộ nghèo, hộ cận nghèo DTTS phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống và vươn lên thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo hằng năm giảm từ 0,4-1%. Cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống đã có thay đổi rõ rệt, 100% các xã có đường ô tô đến trung tâm xã được cứng hoá; 80% ấp đặc biệt khó khăn có đường giao thông… Tỷ lệ huy động học sinh dân tộc trong độ tuổi (6-14) đến trường đạt trên 96%, trong đó, bậc tiểu học đạt trên 98%, trung học cơ sở đạt trên 95% và phổ thông trung học đạt 94%. Hoạt động y tế vùng đồng bào DTTS không ngừng được tăng cường, củng cố và phát triển, đáp ứng nhu cầu khám và điều trị bệnh cho nhân dân.
Để thực hiện tốt Chiến lược công tác dân tộc trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 28/01/2022 của Chính phủ về ban hành Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 88/2019/QH14, ngày 18/11/2019 của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; Nghị quyết số 120/2020/QH14, ngày 19/06/2020 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; Quyết định số 1719/QĐ-TTg, ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025;
Tập trung nguồn lực của tỉnh, nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia, khai thác tiềm năng, thế mạnh để phát triển toàn diện kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa; mở rộng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hỗ trợ, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào vùng đồng bào DTTS. Phát triển các vùng chuyên canh cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao.
Tập trung thực hiện tốt việc quy hoạch và sắp xếp dân cư, đảm bảo ổn định, an toàn, phát triển. Giải quyết có hiệu quả những vấn đề bức thiết đang đặt ra trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhằm ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào DTTS. Phát triển đồng bộ các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thông tin và truyền thông vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bảo tồn và phát huy các giá trị, bản sắc văn hoá truyền thống tốt đẹp của các dân tộc, đẩy mạnh tuyên truyền vận động nhân dân cải tạo tập quán lạc hậu.
Củng cố, nâng cao chất lượng hệ thống tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về công tác dân tộc ở các cấp. Chú trọng phát triển nguồn nhân lực người DTTS tiến tới bảo đảm tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số hài hoà, hợp lý trong mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương. Làm tốt công tác phát triển đảng viên là người DTTS, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng ở cơ sở. Tiếp tục củng cố, xây dựng hệ thống chính trị vùng đồng bào DTTS trong sạch, vững mạnh. Tăng cường phối hợp công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Đỗ Quyên