Tổ thẩm định quy chế dân chủ ở cơ sở tỉnh Kiên Giang làm việc tại huyên An Minh về công tác thi đua thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở năm 2023-2024.
Để thực hiện tốt QCDC ở cơ sở, Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của ban chỉ đạo QCDC các cấp; thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện QCDC trong các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn. Đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo gắn với thực hiện QCDC cơ sở trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp và cơ sở" giai đoạn 2021-2025.
Với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng", các cơ quan, đơn vị, xã, thị trấn đã thông tin rộng rãi đến nhân dân kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; công tác quản lý đô thị; kế hoạch sử dụng đất hằng năm; mức thu các loại phí, lệ phí; các chính sách về thuế, giảm nghèo, các chính sách về an sinh xã hội, chính sách đối với người có công, các loại phí, lệ phí, kế hoạch xây dựng giao thông nông thôn... Các nội dung được niêm yết công khai tại trụ sở Hội đồng Nhân dân, Uỷ ban Nhân dân xã, thị trấn; tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh cấp xã; thông qua trưởng ấp, khu phố, tổ nhân dân tự quản để thông báo đến nhân dân.
Bên cạnh đó, gắn thực hiện QCDC với chương trình cải cách hành chính, chuyển đổi mạnh mẽ và tích cực từ chính quyền điều hành sang chính quyền phục vụ, chính quyền thân thiện. Toàn huyện có 383 dịch vụ công trực tuyến, trong đó cấp huyện có 251, cấp xã có 132; 100% xã, thị trấn duy trì thực hiện hiệu quả cơ chế “một cửa", “một cửa liên thông". Từ đầu năm đến nay, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện, xã, thị trấn đã tiếp nhận và giải quyết 7.609 hồ sơ (tiếp nhận trực tuyến 7.518 hồ sơ, đạt 99,3 %), trong đó, giải quyết 7.445 hồ sơ, đạt 97%; hồ sơ giải quyết đúng, trước hạn 7.336 hồ sơ, đạt 98,54%.
Cùng với đó, cấp ủy, chính quyền từ huyện đến xã, thị trấn đã làm tốt công tác tiếp công dân, đối thoại thường xuyên, định kỳ, đột xuất với nhân dân tại trụ sở tiếp công dân. Kết quả đã tiếp định kỳ được 411 cuộc, tiếp đột xuất được 17 cuộc; tổ chức đối thoại trực tiếp được 44 cuộc có 2.097 lượt người dự. Nhiều phản ánh, kiến nghị của nhân dân được giải quyết kịp thời, nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy và sự điều hành của chính quyền. Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng các xã, thị trấn đã tổ chức giám sát được 13 cuộc về công tác xây dựng giao thông nông thôn, chế độ chính sách. Các tổ hòa giải tiếp nhận 348 vụ, đã hòa giải thành công 317 vụ, đạt hơn 91%.
Việc thực hiện tốt QCDC ở cơ sở trên địa bàn huyện đã có tác động tích cực đối với việc phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội; xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư; xây dựng nông thôn mới; góp phần xây dựng, củng cố tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội ở cơ sở ngày càng vững mạnh, củng cố vững chắc hệ thống chính trị ở cơ sở, củng cố niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của cấp uỷ đảng và quản lý điều hành của chính quyền.
Tuy nhiên, công tác phổ biến các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan đến QCDC ở một số cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị chưa được thường xuyên; các nội dung công khai đến nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động biết còn hình thức, chưa cụ thể, khó theo dõi. Công tác kiểm tra, đôn đốc, ban hành các văn bản chỉ đạo việc thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở còn hạn chế. Hoạt động của ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng một số cơ sở hoạt động hiệu quả còn thấp. Công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành với cơ sở đôi lúc chưa chặt chẽ; trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức chưa cao.
Để phát huy tốt hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, thủ trưởng cơ quan, đơn vị trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện QCDC ở cơ sở, cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp sau:
Một là, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng trong hệ thống chính trị, nhất là người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp về thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Đẩy mạnh nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến và tổ chức thực hiện nghiêm túc Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, gắn với Chương trình chỉ đạo của Tỉnh ủy, Huyện ủy về công tác dân vận, về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.
Hai là, nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại, xử lý, giải quyết phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của nhân dân định kỳ và đột xuất. Tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan dân cử như Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, các hội quần chúng, các mô hình tự quản trong cộng đồng dân cư, ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng, tổ hòa giải ở cơ sở; thực hiện tốt hoạt động giám sát các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các vấn đề cử tri quan tâm.
Ba là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ ở các loại hình; biểu dương, khen thưởng kịp thời các gương điển hình tiên tiến, mô hình tốt về xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở để nhân rộng, tạo sức lan tỏa; không ngừng phát huy dân chủ, khơi dậy tiềm năng, sức mạnh của Nhân dân nhằm góp phần thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện thắng lợi mục tiêu nghị quyết đại hội đảng các cấp, nhiệm kỳ 2020-2025.
Minh Anh