Sign In

Hội nghị toàn quốc về Du lịch 2023 “Đẩy nhanh phục hồi – tăng tốc phát triển”

14:10 16/03/2023
Sáng 15-3, Chính phủ tổ chức Hội nghị toàn quốc về Du lịch năm 2023 “Đẩy nhanh phục hồi - tăng tốc phát triển” dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng.

Hội nghị toàn quốc về Du lịch 2023 “Đẩy nhanh phục hồi – tăng tốc phát triển” điểm cầu Trung ương (ảnh trên Inter)
Hội nghị toàn quốc về Du lịch 2023 “Đẩy nhanh phục hồi – tăng tốc phát triển” điểm cầu Trung ương (ảnh trên Inter)
Tham dự có lãnh đạo các ban, bộ, ngành, các hiệp hội, doanh nghiệp về du lịch, các hãng hàng không và kết nối với 63 tỉnh, thành phố.
Dự tại điểm cầu tỉnh Kon Tum có Ủy viên BTVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Y Ngọc; đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ban Văn hóa Xã hội - HĐND tỉnh, các ban, ngành liên quan; UBND các huyện, thành phố và đại diện lãnh đạo 20 doanh nghiệp Du lịch trên địa bàn tỉnh.
Với việc cho phép mở cửa từ ngày 15/3/2022, Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á mở cửa hoàn toàn du lịch, đồng thời là một trong 62 quốc gia trên thế giới dỡ bỏ hoàn toàn các hạn chế nhập cảnh liên quan đến COVID-19.
Ngay sau khi mở cửa, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng mạnh; số lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên  3,5 triệu lượt người (đạt 70% kế hoạch). Thị trường nội địa có tốc độ phục hồi nhanh và mạnh; năm 2022 lượng khách nội địa đạt 101,3 triệu lượt (tăng hơn 1,5 lần mục tiêu đặt ra là 60 triệu lượt khách, vượt xa con số 85 triệu lượt khách nội địa năm 2019). Năm 2022, tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 495 nghìn tỷ đồng, vượt hơn 23% kế hoạch. Chỉ số về năng lực phát triển du lịch của Việt Nam tăng 8 bậc so với năm 2019, xếp hạng 52/117 nền kinh tế. Với 6/17 chỉ số trụ cột được xếp vào nhóm dẫn đầu thế giới, du lịch Việt Nam là một trong ba nước có mức tăng trưởng cao nhất.
Tuy nhiên, lượng khách quốc tế đến Việt Nam vẫn chưa đạt được như kỳ vọng; nguồn nhân lực làm du lịch bị thiếu hụt, nhất là đội ngũ có chuyên môn và kinh nghiệm; liên kết hoạt động du lịch giữa các vùng, các địa phương, các ngành còn thấp; sản phẩm du lịch chưa thực sự đa dạng, hấp dẫn; khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp du lịch chưa cao.
Trên cơ sở phân tích, đánh giá tình hình, dự báo xu hướng phát triển, Hội nghị đã tập trung đề ra các giải pháp để phát triển Du lịch, ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước trong thời gian tới theo phương châm “đẩy nhanh phục hồi - tăng tốc phát triển”.
Kết luận Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: thời gian tới, phát triển du lịch phải đặt trong tổng thể với phát triển kinh tế-xã hội với tư duy mới, cách làm sáng tạo, chuyển từ "cung cấp cái mình có" sang "cung cấp dịch vụ và sản phẩm mà khách hàng cần"; phát triển ngành du lịch nhanh, bền vững, từ du lịch "một mùa" sang hấp dẫn khách du lịch quay trở lại nhiều lần, cảm nhận được sự an toàn, lành mạnh, mến khách. Đảm bảo cho du lịch Việt Nam phát triển mạnh mẽ và bền vững theo hướng "Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện", thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phấn đấu Việt Nam thuộc nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới.


Tin, ảnh: Nguyễn Quang Thuỷ

Tag:

File đính kèm