23 năm làm việc tại Công ty, ngoài lương và các chế độ theo quy định, chị Phúc bày tỏ niềm vui mừng khi công ty thường xuyên tổ chức các hoạt động nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho đoàn viên công đoàn, người lao động. “Được chăm lo, bảo đảm quyền lợi chính đáng, chúng tôi yên tâm làm việc và gắn bó với nghề” – chị Phúc nói.
| Nhiều hình thức tuyên truyền chính sách, pháp luật cho người lao động. Ảnh: HT |
|
Chị Võ Thị Năm – Chủ tịch Công đoàn Công ty Cổ phần Môi trường đô thị Kon Tum cho biết, bên cạnh việc tổ chức đa dạng các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật, để kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động, định kỳ hằng quý, Công ty tổ chức đối thoại trực tiếp với đoàn viên, người lao động. Qua đó kịp thời lắng nghe, giải đáp, giải quyết các thắc mắc về chế độ, chính sách, quyền và lợi ích hợp pháp của đoàn viên, người lao động.
Ngoài ra, vào các dịp “Tháng công nhân”, Công ty cũng lồng ghép tuyên truyền pháp luật với các hoạt động văn hóa, văn nghệ và các hình thức phù hợp.
Xác định tuyên truyền pháp luật là một trong những hoạt động quan trọng, Công ty TNHH MTV Công Danh cũng thường xuyên tổ chức tuyên truyền, trao đổi về chính sách pháp luật, quyền lợi của đoàn viên, người lao động qua nhóm zalo. Ngoài ra, Công ty cũng xây dựng hòm thư góp ý để kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động. Đặc biệt, lãnh đạo công ty, công đoàn công ty thường xuyên thăm hỏi, động viên, giúp đoàn viên, người lao động yên tâm sản xuất.
Chị Phạm Thị Quỳnh Diệu - Chủ tịch Công đoàn Công ty thông tin, Công ty có 200 đoàn viên, người lao động. Vào các dịp lễ, tết, như Ngày Gia đình Việt Nam, Quốc tế phụ nữ, Phụ nữ Việt Nam, Tết Trung thu, Tết Nguyên đán, Công ty đều gặp gỡ, có các phần quà để động viên đoàn viên, người lao động. Qua việc thăm hỏi, động viên, lãnh đạo, công đoàn Công ty sẽ nắm bắt nguyện vọng, những vướng mắc của đoàn viên, người lao động để có hướng giải quyết thỏa đáng. Ngoài ra, Công ty thường xuyên tổ chức cho đoàn viên, người lao động tham gia các lớp tập huấn về an toàn lao động, tuyên truyền, phổ biến pháp luật do LĐLĐ các cấp tổ chức. Qua đó, giúp đoàn viên, người lao động hiểu hơn quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
| Các cấp công đoàn động viên, thăm hỏi, tuyên truyền các chính sách pháp luật cho người lao động. Ảnh: HT |
|
Thực hiện Nghị quyết 4b, các cấp công đoàn trên địa bàn tỉnh còn quán triệt, triển khai thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật kịp thời, gắn liền với mọi hoạt động của tổ chức.
Nổi bật, Văn phòng Tư vấn Pháp luật thuộc LĐLĐ tỉnh và tổ tư vấn pháp luật các cấp công đoàn đã tư vấn cho 2.178 lượt đoàn viên, người lao động và người sử dụng lao động hỏi về các nội dung liên quan đến chế độ chính sách trong quan hệ lao động như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, chế độ thai sản, ngày nghỉ hàng năm, chính sách thụ hưởng do bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh, chế độ nâng lương và các chế độ chính sách khác có liên quan, qua đó giúp người lao động nắm vững pháp luật, chế độ, chính sách để tự tin bảo vệ quyền lợi của mình.
Ngoài ra, các cấp công đoàn cũng tiếp nhận 82 đơn thư; đã tư vấn, giúp đỡ giải quyết 81 đơn, 1 đơn tham gia cùng với ngành chức năng hướng dẫn người lao động khởi kiện tại tóa án.
Các hoạt động tuyên truyền, định hướng kịp thời đã giúp xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định, tiến bộ trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, kiến thức pháp luật cho cán bộ và đoàn viên công đoàn, thúc đẩy sản xuất phát triển và ổn định xã hội.
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết 4b, thời gian tới, các cấp công đoàn chú trọng đưa nội dung pháp luật đến với công nhân, viên chức, lao động qua các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là trang thông tin điện tử LĐLĐ tỉnh, Fanpage Công đoàn tỉnh. Tiếp tục tổ chức học tập đầy đủ các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước, các nghị quyết công đoàn, các chế độ, chính sách của người lao động.
Hoài Tiến