Dự Đại hội về phía Trung ương có các đồng chí Nông Thị Hà - Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Lưu Xuân Thủy - Vụ trưởng Vụ Dân tộc thiểu số cùng Đoàn công tác của Ủy ban Dân tộc.
Về phía tỉnh Lai Châu, dự Đại hội có các đồng chí: Giàng Páo Mỷ - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Vũ Mạnh Hà - Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ; Tống Thanh Hải - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Đại hội; các đồng chí Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các đồng chí nguyên là lãnh đạo tỉnh; lãnh đạo Ban Dân tộc các tỉnh Lào Cai, Sơn La; Thầy thuốc ưu tú, Nhà giáo ưu tú, Nghệ nhân ưu tú, người có uy tín tiêu biểu nguyên là lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; đại diện lãnh đạo các Huyện ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc, UBND các huyện, thành phố; các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Lai Châu lần thứ IV cùng 229 đại biểu tiêu biểu đại diện cho hơn 41 vạn người của 19 dân tộc thiểu số trong toàn tỉnh…
Phát biểu Khai mạc Đại hội, đồng chí Tống Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nhấn mạnh: Đại hội sẽ tập trung đánh giá về công tác vì sự nghiệp phát triển các dân tộc và thực hiện phong trào thi đua yêu nước trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; khẳng định đường lối nhất quán của Đảng, Nhà nước ta về vấn đề dân tộc và đại đoàn kết dân tộc. Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh khẳng định: Tiếp sau sự thành công của Đại hội sẽ là sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực về nhận thức, ý thức trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân về công tác dân tộc và đại đoàn kết toàn dân tộc; củng cố thêm vào sự đồng thuận và niềm tin vững chắc của đồng bào, Nhân dân các dân tộc thiểu số vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
Với tinh thần “các dân tộc thiểu số tỉnh Lai Châu đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, chủ động hội nhập, xây dựng Lai Châu phát triển nhanh và bền vững” Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Lai Châu lần thứ IV, năm 2024 thật sự là biểu tượng sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, tạo khí thế thi đua sôi nổi, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, xoá đói, giảm nghèo, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Lai Châu.
Toàn tỉnh Lai Châu hiện có trên 49 vạn người với 20 dân tộc cùng sinh sống; trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 85%, đồng bào các dân tộc trong tỉnh luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước đoàn kết, giúp đỡ nhau ổn định đời sống, phát triển sản xuất.
Sau 5 năm thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ Quyết tâm thư của Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Lai Châu lần thứ III năm 2019, tình hình vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Lai Châu ổn định và có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống của Nhân dân được nâng lên, thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số hết năm 2023 là 18,36 triệu đồng/người/năm, tăng thêm 2,84 triệu đồng/người/năm so với năm 2020. Các mục tiêu đề ra tại Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Lai Châu lần thứ III cơ bản hoàn thành. Đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm trung bình 3,93%/năm, riêng huyện nghèo giảm 5,7%/năm, vượt Nghị quyết lần lượt 0,7% và 0,9%/năm. Đến năm 2023, toàn tỉnh còn 25.426 hộ nghèo, chiếm 23,88% (trong đó hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm 28,2%). Đặc biệt, trong giai đoạn 2019 - 2024, tỉnh Lai Châu thực hiện hiệu quả nhiều đề án, chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Giai đoạn I từ năm 2021-2025 Chương trình đầu tư, hỗ trợ trên hầu hết các lĩnh vực như: Cơ sở hạ tầng, văn hóa, giáo dục, y tế, nông nghiệp, an sinh xã hội… đã tác động tích cực đến đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân.
Hiện nay, tỷ lệ xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê-tông đạt 100%, tỷ lệ bản có đường ô tô đến trung tâm được cứng hoá đạt 91%; tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo đến lớp đạt 99,8%; tỷ lệ huy động học sinh trong độ tuổi tiểu học 99,9%; tỷ lệ trạm y tế được xây dựng kiên cố đạt 100%; dân số đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt 99%; tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia ước đạt 96,5%... Hiện toàn tỉnh có 39/94 xã đạt chuẩn nông thôn mới; giá trị tổng sản phẩm toàn ngành nông nghiệp tăng bình quân 4,9%/năm.
Lĩnh vực văn hoá - xã hội đạt được nhiều kết quả quan trọng, các thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư. Công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử cách mạng, các di sản văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch triển khai đồng bộ, hiệu quả. Chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Công tác chăm sóc sức khoẻ cho đồng bào dân tộc thiểu số trong những năm qua có nhiều chuyển biến tích cực. Vai trò các già làng, người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số được phát huy, đã góp phần củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc. Quốc phòng được tăng cường, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị tiếp tục được tăng cường, củng cố vững chắc. Quan tâm xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số, từ tháng 1/2020 đến 30/6/2024 tỉnh đã tuyển dụng 623 công chức, viên chức người dân tộc thiểu số, đạt tỷ lệ 46,3% trên tổng số được tuyển dụng. Đã có 47.268 người là dân tộc thiểu số được hỗ trợ đào tạo… Đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh phát huy tinh thần đoàn kết, vượt qua những khó khăn, thách thức, đóng góp công sức, trí lực, tài sản trong thực hiện chương trình giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới; tham gia tích cực vào các phong trào thi đua yêu nước, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Nhiệm kỳ 2024 - 2029, Đại hội đã đề ra các mục tiêu cụ thể đến năm 2029 như: Phấn đấu thu nhập bình quân người dân tộc thiểu số đạt trên 34 triệu đồng/năm; giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân từ 2 - 3%; phấn đấu 70% số xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ người dân tộc thiểu số trong độ tuổi lao động được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện và có thu nhập ổn định đạt 58%...
Tham luận tại Đại hội, các đại biểu đã tập trung làm rõ những kết quả đạt được, các chương trình, chính sách, dự án hỗ trợ thiết thực cho đồng bào dân tộc thiểu số tạo đòn bẩy quan trọng giúp đồng bào phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất tinh thần, củng cố vững chắc khối đại đoàn kết các dân tộc. Đồng thời đề xuất các giải pháp nhằm phát triển toàn diện, nhanh, bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, rút ngắn khoảng cách về mức thu nhập, cải thiện đời sống và nâng cao sinh kế của Nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng phát triển.
Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các đồng chí: Bí thư Tỉnh ủy Giàng Páo Mỷ; Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Nông Thị Hà đã ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao những nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh đã đạt được thời gian qua. Đồng thời đề nghị các cấp ủy, chính quyền tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với công tác dân tộc và chính sách dân tộc; tập trung quán triệt sâu rộng, thực hiện hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, chủ động rà soát, cụ thể hóa phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương để triển khai thực hiện. Phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín, là cầu nối quan trọng của cấp ủy, chính quyền các cấp trong tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương, tích cực tham gia lao động sản xuất, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, giữ gìn bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc.
Cùng với đó, huy động tối đa các nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia, bố trí nguồn lực của tỉnh để triển khai các chính sách trong vùng đồng bào dân tộc đảm bảo kịp thời, hiệu quả; phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, ưu tiên hạ tầng thiết yếu cho phát triển kinh tế - xã hội; triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo bền vững, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Tiếp tục xây dựng tổ chức đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, đẩy mạnh phát triển đảng viên trong vùng đồng bào dân tộc; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở. Quan tâm kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đủ về số lượng, có năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Phát huy hơn nữa vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các các tổ chức chính trị - xã hội tham gia xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tổ chức giám sát, phản biện xã hội việc thực hiện chính sách dân tộc…
Nhân dịp này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tặng Bằng khen cho 1 tập thể, 5 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước; tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp phát triển các dân tộc” cho 5 cá nhân có thành tích xuất sắc đóng góp cho sự nghiệp phát triển các dân tộc Việt Nam; UBND tỉnh Lai Châu tặng Bằng khen cho 19 tập thể, 50 cá nhân có thành tích xuất sắc , đóng góp trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lai Châu giai đoạn 2019 - 2024.
Đại hội thống nhất thông qua Quyết tâm thư, thể hiện tinh thần trách nhiệm, sự đoàn kết, đồng lòng, quyết tâm cao của toàn thể đại biểu và đồng bào các dân tộc thiểu số của tỉnh trong việc thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.