Dự Hội nghị còn có các đồng chí: Đặng Văn Châu - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Dương Đình Đức - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh; Bùi Huy Phương - Chủ tịch UBND huyện Tân Uyên đồng chủ trì Hội nghị; đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các sở, ngành, phòng ban liên quan của tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Liên minh hợp tác xã tỉnh; Hội Nông sản tỉnh, Chi hội Chè Lai Châu; đại diện lãnh đạo UBND, lãnh đạo phòng chuyên môn, trung tâm liên quan của các huyện, thành phố; đại diện lãnh đạo các xã, thị trấn có liên quan của huyện Tân Uyên; đại diện các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác tham gia liên kết sản xuất nông nghiệp…
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Trọng Hải nhấn mạnh: Trong suốt quá trình chia tách và thành lập tỉnh đến nay, Lai Châu luôn dành sự quan tâm và ban hành nhiều chính sách để phát triển nông nghiệp hàng hóa. Đến nay toàn tỉnh hình thành nhiều sản phẩm có quy mô lớn như trên 12.000 ha cao su, trên 10.500 ha chè; trên 7.000 ha mắc ca; trên 8.000 ha cây ăn quả các loại… Toàn tỉnh có trên 250 cơ sở chăn nuôi theo quy mô trang trại, diện tích cá nước lạnh, cá lòng hồ được mở rộng, nhiều sản phẩm đặc sản, đặc hữu có giá trị kinh tế được ưu tiên phát triển như lúa gạo hàng hóa, đặc sản, các loại dược liệu trong đó có sản phẩm quốc gia Sâm Lai Châu, các loại hoa Lan, mật ong… bước đầu được thị trường trong và ngoài tỉnh quan tâm. Toàn tỉnh hiện đã phát triển trên 200 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên. Các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào lĩnh vực nông nghiệp đã được quan tâm với gần 40 nhãn hiệu được cấp bằng bảo hộ. Hạ tầng nông nghiệp được quan tâm đầu tư tạo điều kiện thu hút trên 22 dự án, cùng trên 250 hợp tác xã đầu tư, hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nhiều hợp đồng liên kết được hình thành. Qua đó đưa ngành Nông nghiệp tăng trưởng bình quân trong giai đoạn vừa qua là 5%/năm, giá trị sản phẩm ngành Nông nghiệp năm 2024 ước đạt khoảng 4.000 tỷ chiếm khoảng 15% giá trị tổng sản phẩm toàn tỉnh.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng cho rằng: Bên cạnh những kết quả đạt được, chúng ta cần nhìn nhận lại những mặt còn hạn chế trong ngành Nông nghiệp. Trong khi xu hướng sử dụng nông nghiệp sạch, an toàn là tất yếu của sự phát triển của nhân loại. Quy hoạch tỉnh Lai Châu đã xác định phát triển nông nghiệp hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao an toàn, giảm thiểu phác thải hiệu ứng nhà kính gắn với phát triển du lịch sinh thái…
Để ngành Nông nghiệp Lai Châu khắc phục được hạn chế, khai thác được lợi thế, tạo ra được những sản phẩm có quy mô, chất lượng, giá trị để thích ứng với yêu cầu của thị trường, góp phần nâng cao thu nhập cho doanh nghiệp, hợp tác xã và người nông dân, cùng tỉnh Lai Châu phát triển kinh tế xanh và bền vững trong tương lai… Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh bày tỏ mong muốn được lắng nghe, tiếp thu ý kiến của các tổ chức kinh tế, các địa phương tham gia đóng góp, hiến kế để trong thời gian tới UBND tỉnh sẽ tiếp thu và có những đánh giá đề xuất xây dựng các giải pháp về cơ chính sách phù hợp cho giai đoạn phát triển tới.
Báo cáo tại Hội nghị về Kết quả sản xuất nông nghiệp hàng hóa, nhiệm vụ, giải pháp trong giai đoạn tới cho thấy: Qua gần 04 năm triển khai thực hiện, các chính sách hỗ trợ của Nghị quyết như sản xuất lúa hàng hóa, phát triển vùng chè tập trung, phát triển hoa địa lan, hỗ trợ chuồng trại chăn nuôi, hỗ trợ phát triển đàn ong, phát triển sản phẩm OCOP, hỗ trợ trồng rừng sản xuất,… đã phát huy hiệu quả, tác động tích cực đến phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp của tỉnh.
Số lượng doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm ngày càng tăng, góp phần nâng cao nhận thức của người dân, thay đổi tập quán sản xuất nhỏ lẻ manh mún sang sản xuất tập trung hàng hóa, có kế hoạch, có kỹ thuật, đạt hiệu quả kinh tế cao.Thông qua cơ chế chính sách hỗ trợ của các Nghị quyết đã góp phần thuận lợi, đảm bảo tính khả thi trong việc triển khai thực hiện Đề án phát triển rừng bền vững và Đề án phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung, một số chỉ tiêu của Đề án đã vượt và đạt kết quả cao góp phần hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết số 03-NQ/TU và Nghị quyết số 05-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh đã đề ra.
Cùng với cơ chế, chính sách của tỉnh, các nguồn lực từ Chương trình mục tiêu Quốc gia, các nguồn hợp pháp khác hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đã tạo động lực cho nông nghiệp Lai Châu phát triển và tạo sự chuyển biến rõ nét trong sản xuất nông nghiệp. Việc liên kết giữa doanh nghiệp và người dân thông qua hợp đồng bao tiêu sản phẩm đã mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai phía. Việc hình thành các chuỗi sản xuất không những góp phần nâng cao giá trị và sức cạnh tranh cho nông sản, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân mà doanh nghiệp cũng chủ động nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến và quản lý chất lượng sản phẩm.
Tuy nhiên, Báo cáo cũng chỉ ra những hạn chế như: Quy mô các vùng sản suất các sản phẩm chủ lực tập trung hầu hết còn chưa đủ lớn, chưa liên kết được các vùng huyện để đáp ứng được yêu cầu về quy mô sản xuất hàng hoá tập trung, đảm bảo chất lượng và nâng cao hiệu quả kinh tế. Đã hình thành một số liên kết sản xuất giữa người dân và doanh nghiệp trong sản xuất, chế biến, bao tiêu sản phẩm; tuy nhiên các liên kết này còn ít về số lượng, việc tuân thủ quy trình, kỹ thuật, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn,… còn chưa cao. Đặc biệt là trong các liên kết có rất ít hoặc chưa có sự hiện diện của các cơ quan quản lý Nhà nước để nâng cao tính pháp lý, nâng cao hiệu quả quản lý và chất lượng vùng nguyên liệu…
Từ những hạn chế được chỉ ra, tại Hội nghị, các đại biểu đã dành phần lớn thời gian để bàn giải pháp trong liên kết tổ chức sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh như: Giải pháp phân định vùng nguyên liệu chè; giải pháp phát triển vùng trồng Dứa tập trung; giải pháp phát triển vùng chè hữu cơ; công tác tuyên truyền, vận động các hội viên thành lập các tổ hợp tác tham gia thực hiện các liên kết sản xuất, tuân thủ các quy trình kỹ thuật để sản xuất nông nghiệp theo hướng xanh, sạch, bền vững; đề xuất giải pháp để liên kết hình thành vùng, sản phẩm chủ lực có quy mô lớn, đảm bảo chất lượng, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm; hình thức liên kết hiệu quả, vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước và các bên liên kết…
Tại Hội nghị, các huyện: Sìn Hồ, Tân Uyên, Than Uyên, Phong Thổ, Tam Đường ký kết Biên bản thống nhất phối hợp thực hiện liên kết vùng, tạo sản phẩm chủ lực của tỉnh, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung đối với cây Mít, Mía, Dứa. Các huyện: Tam Đường, Tân Uyên, Than Uyên, Phong Thổ, Sìn Hồ và thành phố Lai Châu đã ký Biên bản thống nhất phối hợp quản lý sản xuất, nâng cao chất lượng vùng chè. Các huyện: Ký Biên bản ghi nhớ với Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và thương mại Quang Hà Điện Biên để phát triển vùng trồng dứa với quy mô khoảng 1.000 ha; ký Biên bản ghi nhớ với Công ty TNHH thương mại và sản xuất Khánh Thìn đầu tư trồng và phát triển cây Mít ruột đỏ với quy mô khoảng 800 ha; ký Biên bản ghi nhớ với Công ty TNHH thương mại tỉnh Lai Châu phát triển cây Mía với quy mô khoảng 7.000 ha. Công ty Cổ Phần Bio Farm Việt Nam ký Biên bản ghi nhớ hợp tác với Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Chè Tam Đường và Công ty TNHH Xây dựng Tuyền Phương về đầu tư sản xuất chè an toàn, nông nghiệp công nghệ cao gắn với du lịch quảng bá sản phẩm...
Phát biểu kết luận Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Lương đã khái quát lại những kết quả đạt được, đồng thời chỉ ra một số những hạn chế cần phải khắc phục. Để tiếp tục thực hiện các chính sách, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội đảng bộ tỉnh và Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về nông, lâm nghiệp đề nghị các sở, ngành, các huyện, thành phố thực hiện một số nội dung như: Phát huy vai trò của Nhà nước trong công tác quản lý từ cấp tỉnh đến cấp xã; tiếp tục nghiên cứu, đề xuất, tổng hợp, đánh giá để thực hiện tốt các chính sách. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kịp thời ban hành hướng dẫn thực hiện liên kết; phải xây dựng quy chế quản lý vùng nguyên liệu. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách, các quy định, quy chế trong triển khai thực hiện các chính sách đến người dân; xây dựng các quy ước, hương ước để bà con Nhân dân cùng đồng lòng thực hiện. Phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể, vai trò của già làng, trưởng bản trong triển khai thực hiện các chính sách.
Đối với các doanh nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị cần tính toán kỹ về nguồn lực tài chính để phát triển và mở rộng quy mô; quan tâm đặc biệt đến vấn đề kỹ thuật và quản trị doanh nghiệp... Đồng thời nhấn mạnh, các huyện cần tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp, tạo dựng môi trường thuận lợi, hiệu quả, nhanh chóng để biến những tiềm năng, lợi thế thành kết quả cụ thể, thiết thực..
Sau đây là một số hình ảnh ký kết tại Hội nghị: