Huyện Hữu Lũng có diện tích tự nhiên 806,74km2, dân số 124.541 người. Toàn huyện có 23 xã, 01 thị trấn. Địa lý tự nhiên của huyện tương đối đa dạng, phong phú, có núi đất, núi đá, nhiều sông suối, khe lạch, hang sâu và nhiều động, thực vật quý hiếm, trong đó có rất nhiều loại dược liệu quý có thể làm thuốc chữa bệnh. Trong những năm qua, thực hiện Chỉ thị 24-CT/TW, ngày 04/7/2008 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) “về phát triển nền Đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới”, huyện Hữu Lũng đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện và đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Hội viên Hội Đông y xã Yên Vượng điều trị cho bệnh nhân bằng phương pháp điện châm tại phòng chẩn trị đông y (Nguồn ảnh: Báo Lạng Sơn)
Qua 15 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TW, hiện nay, Hội Đông y Hữu Lũng quản lý 24 cơ sở hội với 320 hội viên. Trung tâm Y tế huyện với quy mô 252 giường bệnh, trong đó đã có Khoa y học cổ truyền và phục hồi chức năng với 13 giường bệnh; 24 Trạm Y tế xã, thị trấn với tổng số 72 giường bệnh, trong đó 23/24 Trạm y tế xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế xã. Công tác khám chữa bệnh y học cổ truyền và phục hồi chức năng đã phát huy được hiệu quả, góp phần đa dạng hóa các dịch vụ y tế và công tác khám, chữa bệnh cho Nhân dân trên địa bàn huyện và các vùng lân cận.
Việc kiện toàn hệ thống khám chữa bệnh bằng Đông y và quản lý nhà nước về Đông y, Đông dược trên địa bàn huyện được triển khai thực hiện hiệu quả. Hệ thống khám chữa bệnh bằng Đông y và quản lý nhà nước về Đông y, Đông dược hiện nay được quan tâm và triển khai thực hiện tốt tại cấp huyện và cấp xã. Cấp huyện có Hội Đông y huyện và Trung tâm y tế huyện; cấp xã có các Trạm y tế xã, thị trấn.
Tại Trung tâm Y tế và các Trạm Y tế đều có cán bộ phụ trách công tác khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền và kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại đạt từ 15% trở lên. Huyện có vườn thuốc mẫu tại khuôn viên Trạm Y tế (với tổng diện tích khoảng trên 3.200 m2) phục vụ cho công tác khám chữa bệnh và nhu cầu tìm hiểu của Nhân dân trên địa bàn.
Đối với hệ thống dịch vụ Đông y trong khối tư nhân, hiện nay trên địa bàn huyện đã có thêm nhiều cơ sở, phòng chẩn trị, chữa bệnh bằng phương pháp Đông y hoạt động đúng quy định của pháp luật và đảm bảo yêu cầu về chuyên môn. Hiện nay trên địa bàn huyện có 05 phòng chẩn trị y học cổ truyền được Sở Y tế cấp phép hoạt động và 08 phòng chẩn trị, chữa bệnh tại gia với tổng số khoảng 80 giường bệnh; thực hiện khám chữa bệnh bằng các phương pháp gia truyền với cây, con thuốc có sẵn tại địa phương.
Huyện luôn đẩy mạnh chỉ đạo việc việc khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền và kết hợp y dược cổ truyền với y dược học hiện đại đối với bệnh nhân đến khám và điều trị. Trung tâm Y tế huyện và các Trạm y tế xã đã tổ chức chữa bệnh bằng y học cổ truyền. Bên cạnh việc tổ chức khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền, các trạm y tế xã còn tổ chức xây dựng vườn thuốc mẫu, hướng dẫn người dân biết cách sử dụng cây thuốc sẵn có tại địa phương trong phòng và chữa một số bệnh thông thường.
Việc bố trí nhân lực Đông y tại các tuyến được quan tâm đầu tư cả về số lượng và chất lượng. Số nhân lực làm công tác Đông y/tổng số nhân lực ngành y tế tuyến huyện giai đoạn 2008-2013 là 5/95, đến giai đoạn 2018-2023 tăng lên 11/227. Số lượng thạc sĩ đông y/tổng số thạc sĩ y học tuyến huyện giai đoạn 2008-2013 là 0/13, đến giai đoạn 2018-2023 tăng lên 02/12; số lượng bác sĩ chuyên khoa về đông y/tổng số bác sĩ tuyến huyện giai đoạn 2008-2013 là 01/23, đến giai đoạn 2018-2023 tăng lên 02/42; số lượng y sĩ chuyên khoa đông y, y sĩ định hướng đông y/tổng số y sĩ tuyến huyện giai đoạn 2008-2013 là 04/14, đến giai đoạn 2018-2023 tăng lên 09/21. Tại tuyến xã, số lượng y sĩ chuyên khoa đông y/tổng số y sĩ tuyến huyện giai đoạn 2008-2013 là 14/72, đến giai đoạn 2013-2018 là 23/60, đến giai đoạn 2018-2023 là 14/65; số lượng y sĩ định hướng đông y/tổng số y sĩ tuyến huyện giai đoạn 2008-2013 là 0/72, đến giai đoạn 2013-2018 là 0/60, đến giai đoạn 2018-2023 là 03/65.
Công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực Đông y được các cơ quan chuyên môn quan tâm. Số lượng bác sĩ chuyên khoa I đông y/tổng số bác sĩ giai đoạn 2008-2013 là 01/05, giai đoạn 2008-2013 là 01/06. Hiện nay cả tuyến huyện và tuyến xã chưa có bác sĩ chuyên khoa II đông y và thạc sĩ đông y.
Ban Thường vụ Huyện ủy luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác phát triển nguồn nhân lực Đông y. Từ năm 2008 đến nay, toàn huyện đã cử 03 bác sĩ tham gia đào tạo bác sĩ chuyên khoa I đông y; cử 285 lương y tham gia các lớp đào tạo chuyên môn; cử 08 lương dược tham các lớp đào tạo, bồi dưỡng; cử 12 cán bộ của Trung tâm Y tế huyện và trạm y tế xã tham gia đào tạo y học cổ truyền lớp Xoa bóp - bấm huyệt nâng cao. Khoa Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng có tổng số 9 cán bộ, trong đó 01 bác sĩ chuyên khoa I - Y học cổ truyền, 01 bác sĩ chuyên khoa I - Phục hồi chức năng, 03 bác sĩ đa khoa, 01 Y sĩ, 01 Cao đẳng điều dưỡng, 02 Cao đẳng Kỹ thuật viên.
Việc nuôi trồng, thu hoạch, sử dụng dược liệu và nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực Đông y trên địa bàn huyện do các hội viên Hội đông y cấp cơ sở và Trạm Y tế các xã, thị trấn sưu tầm, nuôi trồng, thu hoạch, khai thác trong tự nhiên sử dụng phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho Nhân dân.
Công tác nghiên cứu khoa học Đông y thường xuyên được quan tâm, thúc đẩy. Trung tâm Y tế huyện phát động, khuyến khích và tạo điều kiện cho cán bộ, y, bác sỹ thực hiện nghiên cứu các đề tài sáng kiến kinh nghiệm về lĩnh vực Đông y. Từ năm 2019 đến 2020 đã có 02 đề tài được công nhận cấp cơ sở.
Việc phát triển công tác Hội Đông y luôn được quan tâm. Hiện nay toàn huyện có 01 Hội Đông y huyện, 24 tổ chức Hội Đông y cấp xã với 320 hội viên. Trung tâm Y tế huyện có 01 Khoa Đông y với 11 chuyên viên, cán bộ chuyên trách Đông y. Hằng năm các cán bộ, y bác sỹ của Trung tâm đều được tham gia các lớp bồi dưỡng chuyên môn, nâng cao tay nghề, giáo dục y đức. Hội Đông y huyện và Hội Đông y các xã, thị trấn đều tham gia các hội thảo khoa học, các nghiên cứu ứng dụng, bài học kinh nghiệm; tuyên truyền, phổ biến kiến thức về Đông y và kết hợp giữa Đông y với y học hiện đại theo chương trình, kế hoạch.
Xác định việc xây dựng, phát triển nền Đông y Việt Nam và Hội Đông y trong tình hình mới đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước là nhiệm vụ quan trọng, lâu dài, trong thời gian tới huyện Hữu Lũng tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm túc các nội dung Chỉ thị 24-CT/TW, ngày 4/7/2008 của Ban Bí thư Trung ương Đảng; xây dựng chương trình phối kết hợp với ngành y tế thực hiện tốt mục tiêu kế thừa, phát huy, phát triển nền đông y và Hội Đông y của huyện ngày càng phát triển đáp ứng với yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, phù hợp với chính sách quốc gia về y dược học cổ truyền dân tộc.
Tiếp tục kiện toàn, củng cố các tổ chức hội, khắc phục những mặt còn hạn chế; quan tâm và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ về phẩm chất, năng lực, tâm huyết với công tác hội. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các tổ chức hội trong việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, của hội, giải quyết kịp thời những khó khăn vướng mắc của Hội đông y.
Củng cố và hoàn thiện mạng lưới khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền trên địa bàn huyện, nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền; đầu tư về nhân lực, cơ sở vật chất và trang thiết bị, mở rộng quy mô đối với khoa y học cổ truyền và phục hồi chức năng.
Tiếp tục đổi mới cơ chế hoạt động hội, thực hiện tốt việc khám chữa bệnh cho Nhân dân; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác y học cổ truyền. Làm tốt công tác đào tạo, nâng cao năng lực chuyên môn cho các y, bác sĩ; cử các bác sĩ của Khoa y học cổ truyền và phục hồi chức năng từ tuyến huyện về tuyến xã đào tạo tại chỗ hoặc cử các cán bộ làm công tác y học cổ truyền của các trạm y tế xã ra khoa y học cổ truyền và phục hồi chức năng tuyến huyện học tập và nâng cao trình độ chuyên môn…
BAN BIÊN TẬP