Sign In

Lạng Sơn: Giải pháp phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ theo hướng hiện đại

22:18 09/10/2024

Trong bối cảnh kinh tế trong nước, trong tỉnh còn nhiều khó khăn, song dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Lạng Sơn, sự phối hợp của các cấp, các ngành cùng nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại, dịch vụ của tỉnh trong 9 tháng đầu năm 2024 đã đạt những kết quả đáng khích lệ.

Sản xuất công nghiệp tiếp tục đà phục hồi, chỉ số sản xuất công nghiệp 9 tháng tăng 0,05% so với cùng kỳ; có 9/13 sản phẩm công nghiệp chủ yếu có sản lượng tăng so với cùng kỳ. Đã thành lập 03 cụm công nghiệp, nâng tổng số cụm công nghiệp của tỉnh lên 10 cụm. Đưa Nhà máy thuỷ điện Bản Nhùng phát điện thương mại. Triển khai thực hiện Quyết định số 262/QĐ-TTg ngày 01/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII; triển khai thực hiện Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

1

Bến xe tiếp nhận hàng xuất, nhập khẩu của Công ty cổ phần Hữu Nghị Xuân Cương tại Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, huyện Cao Lộc (Nguồn ảnh: Báo Lạng Sơn)

Cùng với sự phát triển của thương mại cả nước, thương mại Lạng Sơn đã có những đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn tỉnh. Công tác xúc tiến thương mại, liên kết tiêu thụ nông sản thực phẩm được tăng cường. Đã triển khai thực hiện tốt cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"..., góp phần tích cực phát triển thị trường trong và cả ngoài nước.

Hoạt động thương mại, dịch vụ phát triển đúng hướng, cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống nhân dân. giá cả các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu cơ bản được ổn định, lạm phát cơ bản được kiềm chế, chỉ số giá tiêu dùng bình quân (CPI) 9 tháng tăng 2,93%, thấp hơn mức bình quân chung của cả nước. Tuy nhiên sức mua, nhu cầu tiêu dùng của người dân tiếp tục có chiều hướng giảm so với cùng kỳ, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng ước 27.068,7 tỷ đồng, đạt 66,85% kế hoạch, tăng 12,86%, song mức tăng thấp hơn cùng kỳ (17,91%). Hoạt động vận tải hành khách, hàng hóa đáp ứng nhu cầu, đảm bảo thông suốt, an toàn; tổng doanh thu hoạt động vận tải, kho bãi ước 1.890,7 tỷ đồng, tăng 9,18% so với cùng kỳ. Tổng nguồn vốn huy động tại các ngân hàng ước đến 30/9/2024 đạt 47.939 tỷ đồng, tăng 9,4% so với thời điểm 31/12/2023; tổng dư nợ tín dụng đạt 43.670 tỷ đồng, giảm 0,09%. Dịch vụ bưu chính, viễn thông tiếp tục được cải thiện và nâng cao chất lượng, doanh thu bưu chính ước 155 tỷ đồng, đạt 73,8% kế hoạch; doanh thu viễn thông ước 920 tỷ đồng, đạt 94,8% kế hoạch.

Lĩnh vực du lịch tiếp tục đà phục hồi, phát triển, tập trung rà soát, hoàn thiện các chính sách về du lịch. Tổ chức các hoạt động, biện pháp kích cầu du lịch; đẩy mạnh các hoạt động liên kết vùng, hợp tác quốc tế, thúc đẩy phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng mới, phát triển nguồn nhân lực du lịch. Tổng lượng khách du lịch và doanh thu tăng khá, vượt tiến độ đề ra, tuy nhiên lượng khách quốc tế vẫn đạt thấp so với kế hoạch, ước thu hút khoảng 3,66 triệu lượt khách, đạt 90,1% kế hoạch, tăng 5,6% so với cùng kỳ; doanh thu 3.177 tỷ đồng, đạt 73,8%, tăng 16,3%. Với sự nỗ lực, cố gắng, UBND tỉnh Lạng Sơn đã phối hợp với Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam (Bộ Ngoại giao) hoàn thiện hồ sơ đề nghị công viên địa chất Lạng Sơn là Công viên địa chất toàn cầu UNESCO, sau đó đệ trình lên Tổ chức Giáo dục, Khoa học, Văn hoá của Liên hợp quốc. Trong khuôn khổ Hội nghị Quốc tế lần thứ 8 Mạng lưới Công viên địa chất (CVĐC) toàn cầu UNESCO khu vực Châu Á - Thái Bình Dương được tổ chức tại tỉnh Cao Bằng, Hội đồng CVĐC toàn cầu UNESCO đã tiến hành họp, đánh giá và biểu quyết công nhận CVĐC Lạng Sơn là CVĐC toàn cầu UNESCO. Việc công nhận sẽ giúp cho tỉnh Lạng Sơn có thêm động lực cũng như cơ hội tập trung nguồn lực hơn nữa để tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản địa chất, di sản văn hóa, lịch sử, khảo cổ, đa dạng sinh học, cũng như các danh lam thắng cảnh đặc sắc của tỉnh Lạng Sơn để phát triển kinh tế - xã hội.

Để phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ theo hướng hiện đại, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra, trong thời gian tới, tỉnh cần thực hiện tốt những giải pháp, đó là:

Tập trung thực hiện kế hoạch tái cơ cấu ngành công thương theo Quyết định 165/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn, tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường. Ưu tiên phát triển các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, sản phẩm có khả năng tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Chú trọng phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, chế biến nông sản thực phẩm, cơ khí, điện tử, giảm dần công nghiệp sơ chế, tăng cường chế biến sâu để tạo sản phẩm hàng hóa tiêu dùng cuối cùng nhằm tăng giá trị gia tăng, nâng cao năng lực sản xuất, sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Đẩy mạnh đầu tư, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất nhằm nâng chất lượng sản phẩm, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên và giảm ô nhiễm môi trường, bảo đảm phát triển bền vững.

Nghiên cứu triển khai các dự án nguồn và lưới điện theo Quyết định 262/QĐ-TTg ngày 01/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia. Tăng cường các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho các ngành công nghiệp, nhất là các ngành có chỉ số giảm so với cùng kỳ. Tổ chức làm việc với Tổng công ty điện lực, các doanh nghiệp liên quan để thảo luận, xác định các giải pháp nâng cao sản lượng sản xuất điện, than. Đẩy nhanh tiến độ thẩm định, thành lập các cụm công nghiệp theo kế hoạch; đôn đốc nhà đầu tư sớm khởi công và đẩy nhanh tiến độ thi công các cụm công nghiệp đã được thành lập. Thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch các khu, cụm công nghiệp để bảo đảm sử dụng đất tiết kiệm, đúng mục đích, có hiệu quả. Đổi mới và đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư.

Về thương mại, quan tâm đến công tác quy hoạch phát triển thương mại và quy hoạch các loại hình kết cấu hạ tầng thương mại. Các quy hoạch phải phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các huyện, thành phố và các quy hoạch khác như quy hoạch đất đai, quy hoạch xây dựng, quy hoạch giao thông. Đẩy mạnh các chương trình phát triển hạ tầng thương mại, khai thác hiệu quả thị trường nội địa, kết hợp chặt chẽ giữa thương mại truyền thống với hiện đại, đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng trong nước; triển khai tốt công tác định hướng phát triển sản xuất và thị trường tiêu thụ các sản phẩm chủ lực của tỉnh. Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích thu hút đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thương mại. Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực thương mại có kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ kinh doanh hiện đại và chuyên nghiệp, theo kịp yêu cầu phát triển của thương mại trong nước trong điều kiện hội nhập quốc tế.

Nâng cao chất lượng phục vụ, hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng, dịch vụ vận tải, bưu chính, viễn thông. Tiếp tục triển khai các biện pháp kích cầu du lịch; tăng cường quản lý, kiểm soát chất lượng dịch vụ du lịch, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, liên kết du lịch. Chú trọng bảo tồn, phát triển các nghề và làng nghề truyền thống, đồng thời quan tâm phát triển doanh nghiệp trong làng nghề, gắn phát triển làng nghề với phát triển du lịch, lễ hội. Xây dựng Nghị quyết của HĐND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ phát triển du lịch tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2025 - 2030. Tiếp tục thực hiện Đề án xây dựng và phát triển công viên địa chất Lạng Sơn, tập trung triển khai nhiệm vụ khoanh vùng bảo vệ Di sản địa chất khu vực công viên địa chất Lạng Sơn; Kế hoạch quản lý công viên địa chất Lạng Sơn từ nay đến năm 2030, tầm nhìn 2050 sau khi được chính thức công nhận là công viên địa chất toàn cầu UNESCO.

Thanh Tâm

 

Tag:

File đính kèm