Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng Đảng. Người cho rằng sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Trong công tác xây dựng Đảng, vấn đề đoàn kết thống nhất trong Đảng là một trong những nguyên tắc cơ bản nhất, là sự vận động và phát triển theo đúng quy luật của Đảng. Đoàn kết, thống nhất trong Đảng là cơ sở để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đảng lãnh đạo, Đảng cầm quyền mà không đoàn kết thống nhất thì sự nghiệp cách mạng của dân tộc không thể thắng lợi.
Vì vậy, xây dựng và giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Đảng luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh coi là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là nền tảng cho mọi thành công, là vấn đề sống còn của cách mạng Việt Nam.
Đảng Cộng sản là lực lượng lãnh đạo, là linh hồn của khối đại đoàn kết toàn dân, cho nên “sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng là quan trọng hơn bao giờ hết” . Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Đoàn kết là là một truyền thống quý báu và “đoàn kết là một lực lượng vô địch của chúng ta để khắc phục khó khăn, giành lấy thắng lợi” . Người căn dặn: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của nhân dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình” . Người chỉ rõ: “Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh, tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”.
Đoàn kết trong Đảng được hình thành từ chính truyền thống đoàn kết của dân tộc Việt Nam qua hàng nghìn năm lịch sử trong công cuộc dựng nước. Vì vậy, đoàn kết, thống nhất trong Ðảng là cơ sở vững chắc để xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân. Do đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết, Thành công, thành công, đại thành công”. Điều đó cho thấy, vai trò và tác dụng to lớn của đoàn kết thống nhất, mà quan trọng hơn là tư tưởng của Người về “đoàn kết thống nhất trong Đảng là cơ sở của đoàn kết toàn dân, đoàn kết quốc tế, là nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng”, nhất là trong điều kiện Đảng cầm quyền.
Thực tiễn 93 năm qua, đã chức minh và khẳng định rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam đã hoàn thành trọng trách mà Tổ quốc và nhân dân giao phó. Trong mỗi bước chuyển của cách mạng, căn cứ vào tình hình trong nước và quốc tế, với chủ trương, đường lối đúng đắn và lãnh đạo thống nhất, với sức mạnh của khối đoàn kết thống nhất trong tư tưởng và trong hành động từ Trung ương xuống cơ sở, Đảng đã lãnh đạo thực hiện thắng lợi sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ đất nước. Từ thực tiễn đó, có thể thấy, đoàn kết, thống nhất trong Đảng - cơ sở của khối đại đoàn kết toàn dân không phải chỉ là nhiệm vụ chiến lược của Đảng mà còn là đòi hỏi khách quan của toàn thể dân tộc trong cuộc đấu tranh để giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đặc biệt, trong hơn 35 năm tiến hành đổi mới và hội nhập quốc tế, những thành tựu mà chúng ta đạt được chính là kết quả của sự đoàn kết thống nhất của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng: “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay".
Hiện nay, trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách, bằng nhiều âm mưu thâm độc, xảo quyệt, kích động chia rẽ nội bộ, gây mất đoàn kết trong Đảng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Bên cạnh đó, một bộ phận cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, đã làm ảnh hưởng rất lớn đến niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
Vì vậy, trong thời gian tới để phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất của Đảng, của dân tộc, thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã đề ra, cần tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, làm cho mỗi cán bộ, đảng viên thấm nhuần sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết nhất trí trong Đảng và tầm quan trọng của việc giữ gìn sự đoàn kết nhất trí trong Đảng. Lấy củng cố tăng cường đoàn kết nhất trí trong Đảng làm hạt nhân để củng cố tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, trên cơ sở mục tiêu giữ vững độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc.
Đồng thời, phải tôn trọng và giữ vững các nguyên tắc xây dựng Đảng; củng cố kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực lãnh đạo sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng, đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”gắn với tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Thu hẹp dần khoảng cách về trình độ phát triển mọi mặt giữa các vùng miền, các giai cấp, tầng lớp trong xã hội, tạo nên sự thống nhất về lợi ích cơ bản gữa các giai cấp, tầng lớp đó.
Ths. Trần Văn Toàn
Trường Chính trị Lê Duẩn, Quảng Trị