Sign In

Bác Hồ với đồng bào công giáo

00:00 01/12/2022
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm mở rộng khối đại đoàn kết và thường xuyên vun đắp cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giữa những người có đạo với người không theo đạo, giữa đồng bào theo các đạo khác nhau, giữa đồng bào các dân tộc, giữa miền ngược với miền xuôi... ngày càng gắn kết, bền chặt. Đặc biệt, đồng bào Công giáo là một bộ phận trong cộng đồng dân tộc Việt Nam đã được Bác Hồ dành cho những tình cảm, sự quan tâm và động viên sâu sắc, kịp thời, tạo thành nguồn sức mạnh to lớn, góp phần vào chiến thắng chung của dân tộc, vì nước Việt Nam độc lập, tự do và xã hội chủ nghĩa.

Chỉ cách một ngày sau khi đọc Tuyên ngôn Độc lập ở Quảng trường Ba Đình, ngày 3/9/1945 khi đề ra những nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Hồ Chủ tịch đã nêu 6 vấn đề cấp bách hơn cả, trong đó có vấn đề thứ sáu: “Tôi đề nghị Chính phủ ta tuyên bố: Tín ngưỡng tự do và Lương-Giáo đoàn kết” vì thực dân và phong kiến thi hành chính sách chia rẽ đồng bào Giáo và Lương để thống trị. Bác Hồ đã dành nhiều thời gian cho tôn giáo, cẩn thận và mềm mỏng trong khi giải quyết những vấn đề liên quan đến tôn giáo. Khi nói đến Phật giáo và Công giáo, nhằm thực hiện chính sách hoà hợp tôn giáo, Người nêu rõ: Lúc này, cũng là dân con Việt Nam sao “lại không thể đoàn kết giữa hai tôn giáo được”.

Với tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc và niềm tin mãnh liệt vào lòng yêu nước, tôn trọng lẽ phải của đồng bào theo đạo. Do vậy, ngay từ những ngày đầu sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, trong hoàn cảnh đất nước còn gặp nhiều khó khăn, với bao công việc bộn bề phải giải quyết, song mỗi dịp Nô-en, Bác Hồ đều dành một thời gian quý báu của mình viết thư gửi cho đồng bào công giáo cả nước.

Để bảo đảm đoàn kết tôn giáo, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương phải có chính sách rõ ràng, bảo đảm tự do tín ngưỡng, thực sự tôn trọng việc theo đạo hay không theo đạo của mỗi người dân. Chính phủ tạo điều kiện cho họ, miễn là không ảnh hưởng đến việc chung, không vi phạm pháp luật. Người luôn tìm kiếm và phát huy tối đa sự tương đồng giữa các tôn giáo, khắc phục những khác biệt giữa vô thần và hữu thần, giữa Phật giáo và Công giáo. Nhận rõ vai trò, ảnh hưởng của hàng ngũ giáo sĩ chức sắc tôn giáo với đồng bào theo đạo, Chủ tịch Hồ Chí Minh chú ý nâng đỡ họ về mọi mặt, ra sức thuyết phục, tạo mọi điều kiện để họ cùng với dân tộc tham gia kháng chiến, kiến quốc. Đối với những người do bị địch lợi dụng, hoặc do lầm đường, lạc lối mà có hành động chống lại cách mạng, chống lại nhân dân, thái độ của Người hết sức bao dung, độ lượng, tạo mọi điều kiện cho họ quay trở về trong lòng dân tộc.

Đối với đồng bào Công giáo, Chúa Giáng sinh là một ngày đại lễ trong năm. Vào những dịp Lễ như vậy, Bác Hồ thường viết thư, viết báo hoặc gặp gỡ, nói chuyện với đồng bào có đạo. Những bức thư, những lời dặn của Người như lời tâm tình của một người cha, người bạn, người anh, đã để lại trong lòng đồng bào Công giáo một ấn tượng tốt đẹp về một tình cảm bao dung chân thành của Bác.

Đặc biệt, trong ngày Lễ Giáng sinh đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, ngày 25/12/1945, Hồ Chí Minh đã có Thư gửi Các vị Linh mục Việt Nam và đồng bào công giáo Việt Nam, Người viết: “Cách một nghìn chín trăm bốn mươi nhăm năm trước, cũng ngày hôm nay, một vị thánh nhân là đức Chúa Giêsu ra đời. Suốt đời Ngài chỉ hy sinh phấn đấu cho tự do, cho dân chủ”(1). Đồng thời, đề cao đức hy sinh, cứu đời của Chúa, Người viết: “Từ ngày Ngài giáng sinh đến nay đã gần 2.000 năm, nhưng tinh thần thân ái của Ngài chẳng những không phai nhạt mà còn toả ra đã khắp, thấm vào đã sâu”(2).

Sau kháng chiến thắng lợi, miền Bắc hoàn toàn giải phóng, Bác Hồ và Trung ương Đảng, Chính phủ về làm việc ở Hà Nội. Mỗi lần có đoàn đại biểu các đoàn thể, tôn giáo, các địa phương về Hà Nội họp, Bác đều dành thời gian gặp gỡ, hỏi thăm tình hình mọi mặt đời sống vật chất, tinh thần, tín ngưỡng của đồng bào các tôn giáo. Người còn dành thời gian đến thăm hỏi các linh mục, giáo dân ở nhiều nơi như Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa...

Năm 1964, trong Thư gửi Hội nghị Đại biểu Công giáo yêu nước, Bác Hồ đã viết: “Tôi rất vui lòng thấy đồng bào công giáo các giới hăng hái tham gia mọi công việc xây dựng Tổ quốc. Các cháu công giáo đi học ngày càng đông và tiến bộ. Con đường yêu nước mà đồng bào đang đi là hoàn toàn đúng. Tôi mong các cụ phụ lão, các vị giám mục, các linh mục khuyến khích tín đồ trong mọi công việc ích nước lợi dân”.

Trong một bức Thư gửi đồng bào công giáo dịp Nô-en, Bác Hồ viết: “Chúng ta ăn Tết Nô-en trong sự đau thương vì giặc Pháp tấn công Phát Diệm đã xâm phạm đến đất thánh ta, vì đồng bào công giáo Phát Diệm, Bùi Chu và nhiều nơi khác đang đau khổ dưới gót sắt của giặc Pháp dã man.

Vậy trong Tết Nô-en này, chúng ta phải nhớ đến đồng bào trong những nơi ấy. Chúng ta phải đoàn kết hơn nữa, kiên quyết hơn nữa để giải phóng đất Thánh của chúng ta và giải phóng tất cả đất nước của chúng ta”.

Bác thường dạy đồng bào Công giáo cách tốt nhất giữ gìn và noi theo tấm gương sáng ngời của Đức Chúa là “Toàn thể đồng bào ta không chia lương giáo, đoàn kết chặt chẽ, quyết lòng kháng chiến để giữ gìn non sông, Tổ quốc và cũng để giữ gìn tín ngưỡng tự do” (Thư Chúc mừng Giáng sinh năm 1946). Đoàn kết tôn giáo cũng chính là đoàn kết dân tộc. Với mọi tôn giáo, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn thể hiện sự tôn trọng và thực hiện bình đẳng tôn giáo. Người khẳng định: Năm ngón tay có ngón dài, ngón ngắn nhưng ngắn dài đều hợp lại nơi bàn tay. Trong mấy triệu người cũng có người thế này người thế khác nhưng đều thuộc dòng dõi tổ tiên ta.

Nhân sự kiện mừng Chúa Giáng sinh năm 1950, Bác đã gửi Thư đến đồng bào Công giáo và Người đã viết: “Bọn thực dân Pháp và bọn can thiệp Mỹ đã làm trái với lòng Đức Chúa, chúng đưa họa chiến tranh hãm hại dân ta, cho nên,… chúng ta phải ghi nhớ lời của Đức Chúa, phải thương yêu nhau, đùm bọc nhau để chống lại kẻ hung ác”. Và Bác khẳng định “bọn hung ác ở đây chính là bọn thực dân Pháp và bọn can thiệp Mỹ… cho nên ngày nay đồng bào phải vì Đức Chúa, vì Tổ quốc mà đoàn kết chặt chẽ hơn nữa, kháng chiến hăng hái hơn nữa”(3). Người sử dụng phương pháp độc đáo là gắn nhiệm vụ của cách mạng với lý tưởng của những người sáng lập ra các tôn giáo nhằm động viên tín đồ và các chức sắc các tôn giáo tham gia vào cuộc đấu tranh cách mạng.

Bác cũng rất đau lòng khi được biết có những kẻ lợi dụng tự do tín ngưỡng của Nhà nước ta để chống phá cách mạng, chia rẽ khối đoàn kết lương giáo, làm ảnh hưởng đến lòng yêu nước, kính Chúa của giáo dân nước ta. Người rất căm giận khi được tin kẻ thù xâm phạm tự do tín ngưỡng của đồng bào công giáo, bắn phá nhà thờ ở các nơi như: Nam Định, Quảng Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh... và giết hại bà con giáo dân.

Trong Thư Nô-en năm 1956, Bác viết: “Tôi tỏ lòng khen ngợi các hàng giáo sĩ và đồng bào đã thân ái giúp đỡ cán bộ sữa chữa sai lầm, thực hiện đúng chính sách tôn trọng tự do, tín ngưỡng của Chính phủ…”. Ngay cả những giám mục bị bọn đế quốc phản động lợi dụng như giám mục Lê Hữu Từ, Bác cũng đã có thái độ hết sức mềm dẽo, chân tình: Nhận là bạn, mời về làm cố vấn của Chính phủ và lựa lời khuyên giải. Trong buổi nói chuyện với các linh mục đầu năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lấy uy tín của linh mục Lê Hữu Từ để thuyết phục, Người nói: “Trước đây tôi đã gặp Đức cha Từ. Nay tôi về đây với tấm lòng sốt sắng và thân mật vì Đức cha Từ là người bạn thân mật của tôi…Nhiệm vụ của toàn thể chúng ta là phải giữ gìn nền độc lập. Thay mặt Chính phủ cảm ơn Đức cha Từ và các ngài đã tỏ lòng trung thành với Chính phủ”(4).  

Tấm lòng Bác Hồ đối với những người có đạo nói chung, đồng bào tôn giáo nói riêng vô cùng bao la, vĩ đại. Tư tưởng, tình cảm và đạo đức của Người luôn chứa đựng chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa nhân văn sâu sắc, như là những lời dặn dò, tâm tình của Người gửi đến đồng bào Công giáo phải sống và hoạt động để xứng đáng với tấm gương sáng ngời tốt đời, đẹp đạo. (1.729)

                                                                                    Ths Nguyễn Thanh Hoàng

------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, NXB CTQG, H.1995, t.4, tr.121

(2) Hồ Chí Minh, Toàn tập, NXB CTQG, H.1995, t.4, tr.121

(3) Hồ Chí Minh, Toàn tập, NXB CTQG, H.2000, t.5, tr.197

(4) Báo Cứu quốc ngày 14, 15/01/1946.

Tag:

File đính kèm