Cán bộ bộ phận “một cửa” huyện Mỹ Lộc hướng dẫn người dân hoàn thiện hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính. |
Trong 8 chỉ số thành phần của PAR Index, Chỉ số Công tác chỉ đạo, điều hành CCHC luôn được ưu tiên đánh giá đầu tiên, bởi đây là chỉ số giữ vai trò nền tảng, quyết định thành, bại của các chỉ số còn lại. Ở chỉ số này, tỉnh đạt 9,05/9,5 điểm, xếp hạng 37/63. Trong năm 2023, tỉnh đã bám sát thực tiễn, đề ra các nhiệm vụ cụ thể trong xây dựng kế hoạch CCHC, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính (TTHC) gắn liền với chuyển đổi số và thực hiện Đề án 06 của Chính phủ nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp; các sở, ngành, địa phương đã tích cực phối hợp thực hiện hiệu quả tất cả các nhiệm vụ CCHC đã đề ra và tích cực duy trì công tác báo cáo định kỳ theo đúng chế độ. Công tác tuyên truyền về CCHC có nhiều điểm nhấn, trong đó nắm bắt được xu hướng sử dụng mạng xã hội ngày càng gia tăng, tỉnh đã tận dụng tối đa các tiện ích của mạng xã hội có nhiều người theo dõi như facebook, youtube, zalo, tiktok... để giải đáp chính sách, hướng dẫn các quy trình, thủ tục thực hiện TTHC và chia sẻ những kinh nghiệm, cách làm mới, giúp nâng cao nhận thức, kiến thức cho cá nhân, tổ chức khi giải quyết công việc. Toàn tỉnh có nhiều giải pháp, mô hình, sáng kiến về CCHC được nghiên cứu, ứng dụng trong thực tiễn và mang lại hiệu quả thiết thực ở địa phương. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh rất tích cực tiếp xúc, đối thoại, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp giải quyết hiệu quả nhiều khó khăn, vướng mắc, các rào cản chính sách, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển, thu hút đầu tư. Tuy nhiên, công tác kiểm tra về CCHC chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục mới chỉ đạt 1,62/2 điểm; trong thực hiện một số nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao còn chậm trễ nên chỉ đạt 1,42/1,5 điểm.
Điểm đáng phấn khởi nhất phải kể đến là nhóm các chỉ số Cải cách TTHC và phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số; đây cũng là hai nhiệm vụ trọng tâm trong CCHC năm 2023 của tỉnh đã đạt kết quả rất cao. Trong đó, chỉ số thành phần phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số đạt mức điểm 12,24/13,5 điểm, xếp thứ 3/63. Trong chỉ số thành phần này, tỉnh đã đạt điểm tối đa ở hầu hết các phần việc: Đẩy mạnh phát triển các nền tảng, cơ sở dữ liệu triển khai Trung tâm dữ liệu phục vụ chuyển đổi số theo hướng sử dụng công nghệ điện toán đám mây; khai thác các ứng dụng có dữ liệu dùng chung được kết nối, sử dụng qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh; phát triển các ứng dụng, dịch vụ trong nội bộ cơ quan Nhà nước và trong phục vụ người dân, tổ chức; Cổng thông tin điện tử của tỉnh đáp ứng yêu cầu chức năng, tính kỹ thuật theo quy định; thiết lập, vận hành Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC); số hoá hồ sơ giải quyết TTHC; nâng tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn tỉnh. Tuy nhiên, còn một số điểm chưa làm tốt như việc cập nhật kiến trúc Chính quyền điện tử; việc đưa vào sử dụng chính thức các dịch vụ dữ liệu có trên nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia còn hạn chế; chất lượng cung cấp thông tin trên Cổng Thông tin điện tử của tỉnh chưa được đánh giá ở mức tuyệt đối; tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình và thực hiện thanh toán trực tuyến còn thấp.
Chỉ số Cải cách TTHC của tỉnh cũng đạt khá với 12,99/13 điểm, xếp thứ 4/63. Căn cứ vào dữ liệu đánh giá cho thấy, năm 2023 tỉnh đã thực hiện tốt hầu hết các phần việc thuộc chỉ số này. Trong đó, đã đánh giá tác động, kiểm soát kỹ lưỡng các TTHC trước khi ban hành, không để phát sinh các TTHC ban hành trái quy định; tích cực công bố, công khai TTHC và giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông; tất cả các cấp chính quyền đều tiếp nhận hồ sơ TTCH đúng quy trình, quy định; bảo đảm đạt tỷ lệ giải quyết hồ sơ TTHC đúng hạn, nghiêm túc thực hiện việc xin lỗi người dân, tổ chức khi để xảy ra trễ hẹn trong giải quyết hồ sơ; chính quyền tỉnh đã thực hiện tiếp nhận và tích cực xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức đối với TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết. Duy chỉ có khâu đồng bộ hồ sơ giải quyết TTHC lên Cổng Dịch vụ công quốc gia còn chậm nên tỉnh chưa đạt điểm tối đa ở chỉ số thành phần Cải cách TTHC (mới đạt 0,99/1 điểm).
Chỉ số thành phần Cải cách chế độ công vụ của tỉnh đạt 13,06/15 điểm, xếp hạng 15/63. Trong bối cảnh Trung ương ban hành hàng loạt quy định, cơ chế, chính sách mới, có tính đột phá về quản lý công chức, viên chức, tỉnh đã rất cố gắng, quyết tâm, tập trung tối đa nguồn lực triển khai khối lượng nhiệm vụ, công việc rất lớn theo thẩm quyền được giao nhằm sớm thi hành các quy định, chính sách mới trong thực tiễn, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý công chức, viên chức tại địa phương. Ở cả 3 cấp chính quyền của tỉnh đã bảo đảm quy định cơ cấu công chức, viên chức theo vị trí việc làm; đã tuyển dụng đúng quy định, tích cực đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức. Các cán bộ, công chức, viên chức đã nghiêm túc chấp hành kỷ kuật, kỷ cương hành chính. Tuy nhiên ở một số nơi chưa bảo đảm tuyệt đối hiệu quả tính công khai, minh bạch, còn để xảy ra tiêu cực trong công tác tuyển dụng công chức, viên chức và trong bổ nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý; chất lượng cán bộ, công chức cấp xã chưa đáp ứng theo các tiêu chuẩn mới; một số ít cán bộ, công chức chưa tích cực trong phối hợp, xử lý công việc, còn lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi cá nhân. Chỉ số thành phần Cải cách tài chính công của tỉnh đạt 10,71/12 điểm, xếp hạng 18/63 tỉnh, thành phố. Năm 2023 tỉnh đã sử dụng hiệu quả, không để xảy ra sai phạm trong quản lý, sử dụng tài chính ngân sách; đã tích cực thực hiện các kiến nghị sau thanh tra, kiểm toán Nhà nước về tài chính, ngân sách. Tuy nhiên, tại một số cơ quan, đơn vị chưa triệt để tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng kinh phí của cơ quan, đơn vị, chưa phát huy tối đa hiệu quả sử dụng tài sản công; các đơn vị sự nghiệp công lập cần đẩy mạnh tự chủ giúp giảm chi từ ngân sách Nhà nước...
Chỉ số thành phần Cải cách thể chế của tỉnh đạt 9,37/10 điểm, xếp hạng 30/63. Tỉnh đã thực hiện tích cực, đạt điểm tối đa ở các phần việc: Theo dõi thi hành pháp luật; kịp thời rà soát, công bố danh mục hết hiệu lực, ngưng hiệu lực, công bố các kết quả sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, thay thế văn bản quy phạm pháp luật sau rà soát; xử lý văn bản trái pháp luật do cơ quan có thẩm quyền kiến nghị. Tỉnh đã có nhiều cải tiến, đổi mới tích cực, tập trung chỉ đạo quyết liệt, ưu tiên bố trí nguồn lực để nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, gắn với nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật; nhiều rào cản, vướng mắc đã được rà soát, tháo gỡ, góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh và bảo đảm an sinh xã hội. Dù vậy, kết quả khảo sát cho thấy tính đồng bộ của các văn bản quy phạm pháp luật do tỉnh ban hành chưa được đánh giá cao nên điểm nội dung chất lượng văn bản quy phạm pháp luật do tỉnh ban hành mới đạt 3,37/4 điểm.
Đáng lưu ý là 2 chỉ số đạt mức thấp, đứng trong nhóm cuối bảng xếp hạng. Đó là: Chỉ số thành phần tác động của CCHC đến người dân, tổ chức và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương của tỉnh đạt 3,25/6,25 điểm, xếp hạng 60/63. Nguyên nhân là do tỉnh không đạt điểm ở các tiêu chí có mức thu hút đầu tư tăng cao hơn so với năm 2022; chưa tăng nhanh các doanh nghiệp đóng góp nhiều vào thu ngân sách của tỉnh so với năm 2022 do hầu hết các doanh nghiệp trong nhóm mới thu hút đầu tư vẫn đang xây dựng nhà xưởng, chưa vận hành sản xuất; tỉnh chưa hoàn thành tất cả các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội được HĐND tỉnh giao; chỉ số hài lòng của người dân với sự phục vụ của cơ quan hành chính (SIPAS) năm 2023 của tỉnh chưa cao so với bình diện chung toàn quốc, mới đạt 7,85/10 điểm... Chỉ số thành phần Cải cách tổ chức bộ máy của tỉnh đạt 8,81/10,5 điểm, xếp hạng 62/63. Dù đã thực hiện tốt việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của các cơ quan, đơn vị theo quy định của Chính phủ và hướng dẫn của các bộ, ngành nhưng qua đánh giá cho thấy: Tại một số cơ quan chuyên môn còn chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, chưa được kiện toàn theo quy định; chưa đảm bảo tính hợp lý tuyệt đối trong sắp xếp tổ chức bộ máy và phân cấp, phân quyền thực hiện quản lý Nhà nước; còn chậm khắc phục một số tồn tại trong cải cách tổ chức bộ máy đã được phát hiện qua thanh tra, kiểm tra; việc thực hiện quy chế làm việc của UBND tỉnh còn hạn chế.
Theo Bộ Nội vụ (đơn vị chủ trì đánh giá PAR Index), việc tiếp tục tạo ra những bước đột phá mới, tăng điểm, nâng hạng trong bảng xếp hạng Chỉ số PAR Index trong bối cảnh năm 2023 có nhiều khó khăn cho thấy quyết tâm, trách nhiệm, nỗ lực nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp của các cơ quan hành chính Nhà nước tỉnh Nam Định. Bên cạnh những thành tựu đạt được, thông qua kết quả điểm, xếp hạng Chỉ số CCHC năm 2023, tỉnh cũng cơ bản định lượng được những tồn tại, hạn chế của công tác CCHC trong năm qua. Từ đó, tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, các địa phương: Khẩn trương rà soát, rút kinh nghiệm về quá trình triển khai theo từng lĩnh vực, tiêu chí, thành phần; xác định rõ các biện pháp khắc phục, nâng điểm các chỉ thành phần, nhất là các chỉ số đạt mức điểm quá thấp; tiếp tục nâng cao hiệu quả CCHC năm 2024 và những năm tiếp theo, không ngừng hướng đến việc lấy sự hài lòng của người dân và tổ chức làm thước đo đánh giá chất lượng và hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính Nhà nước, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15-7-2021 của Chính phủ về Chương trình tổng thể CCHC Nhà nước giai đoạn 2021-2030./.
Theo BaoNamDinh.VN