Sign In

Gần 3.000 tỷ đồng cải tạo hệ thống thủy nông Nam Ninh

09:21 31/08/2023
Hệ thống thủy nông Nam Ninh có nhiệm vụ đảm bảo cấp nước tưới cho trên 36 nghìn ha đất nông nghiệp, tiêu nước chống ngập úng cho khoảng 24.150ha diện tích trong đê; tạo nguồn cấp nước sinh hoạt cho khoảng 320 nghìn dân và phục vụ chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi thủy sản...

Lượt xem: 27

Cống Cổ Lễ, thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh) sẽ được cải tạo, nâng cấp đáp ứng
với yêu cầu tưới, tiêu nước cho sản xuất nông nghiệp và phục vụ đời sống dân sinh.

 

Địa bàn phục vụ của hệ thống thuỷ nông Nam Ninh được bao bọc bởi 3 con sông là sông Hồng, sông Đào và sông Ninh Cơ. Do nước sông Ninh Cơ thường bị nhiễm mặn về mùa khô nên nguồn nước cấp phục vụ việc tưới của hệ thống thủy nông Nam Ninh chủ yếu từ sông Hồng và sông Đào. Trong khi đó, về tiêu nước chỉ có hướng tiêu tự chảy duy nhất về phía hạ lưu sông Ninh Cơ và qua 10 trạm bơm hỗ trợ bơm tiêu ra sông Hồng, sông Đào và sông Ninh Cơ. Việc quản lý vận hành hệ thống do Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) Nam Ninh đảm nhiệm. Hiện nay, Công ty đang quản lý 57 cống dưới đê, 193 trạm bơm, 673 công trình cống cấp 2, đập điều tiết cấp 1, 2, nội đồng và 524 kênh tưới, tiêu với tổng chiều dài gần 549km. Tuy nhiên, các công trình thủy lợi của hệ thống thủy nông Nam Ninh chủ yếu được xây dựng từ những năm 1960, trải qua thời gian khai thác sử dụng lâu dài, đến nay nhiều công trình đã xuống cấp, hư hỏng, máy móc thiết bị lạc hậu, hệ thống kênh bị sạt lở, bồi lắng, thu hẹp mặt cắt dòng chảy; nhiều công trình thủy lợi đi qua khu vực dân cư đã bị lấn chiếm, vi phạm, xả các loại rác thải gây cản trở dòng chảy, ảnh hưởng đến tốc độ tiêu thoát nước... Mặc dù hàng năm, hệ thống thủy nông Nam Ninh đều được rà soát, tu bổ, sửa chữa để phục vụ sản xuất nhưng do sản xuất nông nghiệp phát triển, đổi mới, tình trạng biến đổi khí hậu diễn ra nhanh và gay gắt... nên phần lớn các công trình thủy lợi xây cũ đã không còn phù hợp với đòi hỏi thực tiễn. 

Hệ thống tiêu cống Rõng 2 đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 1998 song vẫn không đủ đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất và mới chỉ đảm bảo tiêu được úng với lượng mưa từ 210-230mm và khi sông ngoài không có lũ, cho những diện tích có cốt đất từ +0,7 trở lên. Số diện tích còn lại thời gian tiêu kéo dài từ 5-7 ngày nên vẫn gây úng thường xuyên từ 3.000-4.000ha. Bên cạnh đó, hệ thống thủy nông Nam Ninh có cao trình cốt đất không đồng đều, xen kẽ nhau; vùng thấp nhất cao trình +0,7, vùng cao nhất cao trình tới +4,3. Bên cạnh đó, ý thức chấp hành các quy định của pháp luật trong khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi của một số tổ chức, cá nhân còn hạn chế. Tình trạng lấn chiếm lòng, bờ kênh, xả rác thải, chất thải trực tiếp xuống lòng kênh vẫn còn. Công tác quy hoạch vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp, khu công nghiệp, làng nghề ở một số địa phương chưa gắn với điều kiện thực tế. Mùa mưa lũ, khi mưa lớn xảy ra kết hợp triều cường, hệ thống không thể tiêu bằng trọng lực, phải vận hành tất cả các trạm bơm tiêu nhưng vẫn không đáp ứng yêu cầu phòng, chống úng lụt. 

Tuyến kênh Châu Thành, đoạn qua địa bàn xã Bình Minh (Nam Trực) thuộc hệ thống thủy nông Nam Ninh sẽ được đầu tư nâng cấp từ nguồn vốn đầu tư của dự án, đáp ứng yêu cầu tưới tiêu nước hiện nay. ĐT
Tuyến kênh Châu Thành, đoạn qua địa bàn xã Bình Minh (Nam Trực) thuộc hệ thống thủy nông Nam Ninh
sẽ được đầu tư nâng cấp từ nguồn vốn đầu tư của dự án, đáp ứng yêu cầu tưới tiêu nước hiện nay. 

 

Trước thực trạng trên, Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ quan tâm phê duyệt đầu tư dự án “Nâng cấp hệ thống thủy lợi tỉnh Nam Định thích ứng biến đổi khí hậu” bằng nguồn vốn vay OCR của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Quyết định số 799/QĐ-TTg ngày 4-7-2023. Tổng mức đầu tư dự kiến là 2.963,65 tỷ đồng, tương đương 125,45 triệu USD; trong đó vốn vay ADB là 94,66 triệu USD, tương đương 2.236,37 tỷ đồng; vốn đối ứng 727,28 tỷ đồng, tương đương 30,79 triệu USD. Mục tiêu cụ thể của dự án là cải tạo, kiên cố hóa hệ thống kênh và các công trình trên kênh Châu Thành - Rõng dài khoảng 34,6km, đảm bảo tưới cho 6.090ha của 17 xã thuộc huyện Nam Trực, 2 xã thuộc thành phố Nam Định. Xây dựng mới trạm bơm Rõng đảm bảo tiêu úng cho 16.282,97ha diện tích lưu vực tiêu Rõng 1, Rõng 2 và lưu vực tiêu phía đông nam thuộc hệ thống thủy nông Nam Ninh bằng giải pháp tiêu động lực với tổng lưu lượng tiêu khoảng 115m3/s kết hợp tiêu tự chảy. Cải tạo, nâng cấp kênh Ninh Hải (Nghĩa Hưng) với chiều dài 10,55km và 9 cống dưới đê bảo đảm tưới cho khoảng 3.312ha và tiêu cho khoảng 3.832ha diện tích đất canh tác và phục vụ dân sinh trên địa bàn huyện Nghĩa Hưng. Củng cố, nâng cấp các kênh Cổ Lễ - Bà Nữ - Cát Chử - Thống Nhất thuộc hệ thống thủy nông Nam Ninh dài khoảng 34,4km đảm bảo chủ động lấy nước tưới, tiêu kết hợp cho 4.707,37ha đất canh tác của vùng dự án, giảm xâm nhập mặn, thau chua rửa mặn, hạn chế xói lở, bồi lòng dẫn, tăng khả năng thoát lũ cho hệ thống, hạn chế thiệt hại do lũ, cấp nước sinh hoạt cho khoảng 130 nghìn dân…

Đồng chí Trần Văn Dân, Chủ tịch Công ty TNHH Một thành viên KTCTTL Nam Ninh cho biết: Việc triển khai thực hiện dự án sẽ góp phần phát triển ngành Nông nghiệp bền vững theo hướng nâng cao giá trị gia tăng để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ trong Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; từng bước hoàn thiện hệ thống thủy nông Nam Ninh phục vụ phát triển kinh tế - xã hội cho các huyện Nam Trực, Trực Ninh, Nghĩa Hưng và một phần thành phố Nam Định; giảm thiểu thiệt hại do tác động của biến đổi khí hậu, ổn định sản xuất, nâng cao đời sống của nhân dân. Đồng thời, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường nước do nguồn nước bị tù đọng, chống lấn chiếm dòng chảy; tạo vẻ đẹp cảnh quan, cải thiện điều kiện môi trường theo hướng tích cực và bền vững. Với trách nhiệm được giao, Công ty đang tích cực hoàn thiện các thủ tục hồ sơ cần thiết theo quy định của pháp luật và chỉ đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. 

Khi các dự án cải tạo, kiên cố hóa hệ thống kênh và các công trình trên kênh Châu Thành - Rõng; củng cố, nâng cấp kênh Cổ Lễ - Cát Chử - Bà Nữ - Thống Nhất… được hoàn thành và đưa vào vận hành, khai thác sẽ đáp ứng việc tưới tiêu chủ động cho trên 50% diện tích đất nông nghiệp trong điều kiện biến đổi khí hậu. Tuy nhiên theo quy hoạch một số lưu vực khác độc lập với dự án vẫn cần phải đầu tư nâng cấp để đồng bộ, đó là: Dự án Hải Ninh - Văn Lai là trục kênh tiêu chính thuộc lưu vực tiêu động lực các trạm bơm đông nam của hệ thống thủy nông Nam Ninh; hệ thống kênh Sa Lung - Dương Độ là trục tưới chính của khu vực phía nam của huyện Nam Trực với lưu vực 1.832ha đất nông nghiệp của các xã Nam Thái, Đồng Sơn, Bình Minh, Nam Tiến, Nam Dương. Hệ thống kênh Dương A - Vị Khê có nhiệm vụ tiêu và tưới tiêu cho 1.157ha đất nông nghiệp của các xã Điền Xá, Nam Thắng hiện đang bị bồi lắng, sạt lở; người dân lan cạp nên khả năng tải nước về chậm dẫn đến một số diện tích trồng lúa thường xuyên bị ngập úng, nhất là khu vực Hợp tác xã Nông nghiệp Dương A, xã Nam Thắng và hệ thống kênh An Lá - Bái Hạ là kênh tiêu chính thuộc lưu vực tiêu động lực các trạm bơm phía tây bắc của hệ thống có diện tích 1.260ha, gồm lưu vực các trạm bơm: An Lá, Bái Hạ thuộc địa bàn các xã Nghĩa An, Nam Cường, Hồng Quang, Nam Mỹ (Nam Trực); xã Nam Vân (thành phố Nam Định)…

Việc hoàn thiện dự án sẽ bảo đảm sự bền vững, phát huy hiệu quả và sự hoạt động liên hoàn của hệ thống thuỷ nông Nam Ninh trong việc chủ động ứng phó với sự biến đổi khí hậu, giảm tình trạng úng lụt, phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới của các địa phương./.

 Theo baonamdinh.vn

Tag:

File đính kèm