Sign In

Đồng thuận, quyết tâm thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính

11:04 29/04/2024
Thực hiện chủ trương, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về tiếp tục sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025, tỉnh Nam Định đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, huy động sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đảm bảo đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, được cử tri và nhân dân đồng thuận, nhất trí rất cao. Do đó mặc dù là địa phương có số lượng ĐVHC phải sắp xếp, sáp nhập lớn, đứng thứ 6/63 tỉnh, thành phố nhưng Nam Định lại là đơn vị đầu tiên trong cả nước hoàn thành việc xây dựng Đề án sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 trình Bộ Nội vụ (sớm trước hạn đăng ký 45 ngày).

 

Khu vực trung tâm huyện Xuân Trường. Ảnh: Hoàng Tuấn

 

Tạo đồng thuận trong sắp xếp đơn vị hành chính

Theo Đề án xây dựng trình Trung ương, toàn tỉnh có 2 ĐVHC cấp huyện thực hiện sắp xếp là huyện Mỹ Lộc và thành phố Nam Định; 77 ĐVHC cấp xã thực hiện sắp xếp gồm: 55 xã, 17 phường, 5 thị trấn. Sau sắp xếp, Nam Định còn 9 ĐVHC cấp huyện (8 huyện và thành phố Nam Định); 175 ĐVHC cấp xã (146 xã, 14 phường, 15 thị trấn). Từ đó, giảm 1 ĐVHC cấp huyện, 51 ĐVHC cấp xã (gồm 42 xã, 8 phường, 1 thị trấn). Quá trình triển khai xây dựng phương án sắp xếp ĐVHC đều được nghiên cứu, xem xét, đánh giá toàn diện các phương án, lịch sử hình thành, phát triển của ĐVHC, đảm bảo phù hợp và tương đồng về bản sắc văn hóa, điều kiện tự nhiên, tạo sự thống nhất, đồng thuận và đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương sau sắp xếp. Trên cơ sở đó cùng với phương án sắp xếp ĐVHC, tỉnh đã sẵn sàng các phương án về việc xử lý trụ sở, tài sản công sau khi sắp xếp theo nguyên tắc: Trụ sở của các đơn vị sự nghiệp công lập (giáo dục và y tế) trên địa bàn cấp xã giữ nguyên như hiện trạng đang sử dụng để không ảnh hưởng đến việc dạy và học của giáo viên và học sinh cũng như việc chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh cho nhân dân. Trụ sở, tài sản công không tiếp tục sử dụng sẽ thực hiện việc kiểm kê, đánh giá lại và thực hiện sắp xếp lại, xử lý theo quy định hiện hành. Đối với thành phố Nam Định sau khi mở rộng, dự kiến đặt trụ sở tổ chức Đảng, HĐND và UBND tổ chức chính trị - xã hội tại các địa điểm hiện đang sử dụng. Đối với các ĐVHC cấp xã sau sắp xếp lựa chọn 1 trụ sở cho Đảng ủy, HĐND và UBND cấp xã mới; 1 trụ sở cho Công an cấp xã mới; 1 trụ sở cho Trung tâm Văn hóa thể thao cấp xã mới. Việc đặt tên của các ĐVHC sau sắp xếp dựa trên các yếu tố lịch sử, địa lý và văn hóa và nguyện vọng của nhân dân. Bên cạnh đó việc sắp xếp cán bộ, công chức được thực hiện theo phương án điều động sang các ĐVHC cấp xã không thực hiện sắp xếp trong nội bộ huyện; dần thay thế số cán bộ, công chức cấp xã sẽ nghỉ hưu đến tháng 9-2029 (kết thúc 5 năm lộ trình sắp xếp) tại các đơn vị hành chính cấp xã không thực hiện sắp xếp giai đoạn 2023-2025; tiếp nhận vào làm công chức cấp huyện; điều động về các đơn vị sự nghiệp công lập nếu đủ điều kiện và thực hiện tinh giản biên chế; khuyến khích, động viên người hoạt động không chuyên trách cấp xã nghỉ theo chế độ tinh giản biên chế.

Việc chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng phương án sắp xếp ĐVHC một cách bài bản khoa học, gắn với thực tiễn là tiền đề tạo sự đồng thuận và phát huy hiệu quả của các ĐVHC sau sắp xếp.

Mở ra không gian phát triển mới  

Theo Đề án mở rộng địa giới hành chính thành phố Nam Định và thành lập 3 phường thì sẽ nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số huyện Mỹ Lộc vào thành phố Nam Định. Đối với ĐVHC cấp xã thành phố Nam Định có 18 ĐVHC sắp xếp thành 6 ĐVHC mới; thành lập 2 phường trên cơ sở nguyên trạng 2 xã Nam Vân và Nam Phong. Đối với ĐVHC cấp xã huyện Mỹ Lộc có 5 ĐVHC sắp xếp thành 2 ĐVHC mới, trong đó thị trấn Mỹ Lộc và xã Mỹ Hưng (sáp nhập trên cơ sở hợp nhất nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số để thành lập phường Hưng Lộc thuộc thành phố Nam Định). Sau khi mở rộng địa giới hành chính và sắp xếp các ĐVHC trực thuộc thành phố Nam Định có 21 ĐVHC cấp xã (14 phường, 7 xã). Quá trình triển khai thực hiện chủ trương mở rộng địa giới hành chính thành phố Nam Định, thành lập 3 phường và sắp xếp ĐVHC cấp xã thuộc thành phố Nam Định đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền thành phố Nam Định, huyện Mỹ Lộc chỉ đạo, tổ chức thực hiện chặt chẽ, đảm bảo quy trình và hướng dẫn của các cơ quan cấp trên. Trong đó, Thành ủy, UBND thành phố Nam Định và Huyện ủy, UBND huyện Mỹ Lộc đã ban hành các chỉ thị, kết luận, kế hoạch, văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác sắp xếp ĐVHC cấp xã; thành lập Ban chỉ đạo sắp xếp ĐVHC cấp xã giai đoạn 2023-2025 và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên; thành lập các tổ công tác ở các phường, xã, thị trấn thuộc diện sắp xếp để theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện. Cùng với đó, các phường, xã, thị trấn thuộc diện sắp xếp đã thành lập các Ban chỉ đạo để lãnh đạo, chỉ đạo tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, tạo sự thống nhất cao về nhận thức, sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân.

Cán bộ tổ dân phố số 6, phường Vị Xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân đồng thuận thực hiện Đề án mở rộng địa giới hành chính thành phố Nam Định. Bài và ảnh: Văn Trọng

Cán bộ tổ dân phố số 6, phường Vị Xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân đồng thuận thực hiện Đề án mở rộng địa giới hành chính thành phố Nam Định.

 

Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên Ban TVTU, Bí thư Thành ủy Nam Định cho biết: Việc mở rộng, thành lập phường và sắp xếp ĐVHC cấp xã ở thành phố Nam Định xuất phát từ yêu cầu thực tiễn phù hợp xu hướng phát triển đô thị và định hướng phát triển thành phố Nam Định tương xứng vị trí, vai trò trong giai đoạn mới, tập trung nguồn lực của địa phương và Trung ương cho phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời sẽ mở ra không gian phát triển rộng lớn trong thể thống nhất của một ĐVHC; tăng cường khả năng liên kết vùng và liên vùng, là bước đột phá để phát triển kinh tế - xã hội, phát huy các tiềm năng, các giá trị văn hóa, lịch sử của địa phương, là động lực phát triển kinh tế của tỉnh Nam Định và của vùng Nam đồng bằng sông Hồng theo Quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Việc thực hiện phương án mở rộng, thành lập phường và sắp xếp ĐVHC cấp xã đã nhận được sự đồng thuận, thống nhất cao trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Đồng chí Đặng Văn Mậu, Bí thư Đảng ủy thị trấn Mỹ Lộc (Mỹ Lộc) cho biết: Việc thị trấn Mỹ Lộc và xã Mỹ Hưng sáp nhập trở thành phường Hưng Lộc xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, đảm bảo phù hợp với sự phát triển về kinh tế cũng như bắt kịp với tốc độ đô thị hóa trên địa bàn. Sau sáp nhập, ĐVHC mới sẽ phát huy điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý là cửa ngõ của thành phố và của tỉnh có hai tuyến đường huyết mạch là Quốc lộ 21 và Đại lộ Thiên Trường đi qua dài trên 5km, dọc hai bên tuyến đường được quy hoạch phát triển thương mại dịch vụ hiện đại và đang có rất nhiều doanh nghiệp về đầu tư tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Đồng chí Vũ Chí Kiên, Chủ tịch UBND phường Thống Nhất (thành phố Nam Định) cho biết: Việc sắp xếp ĐVHC cấp xã là rất cần thiết nhằm bảo đảm hoàn thiện thể chế về ĐVHC, bộ máy của hệ thống chính trị; phù hợp với tình hình và xu thế phát triển của xã hội cũng như sự chuyển đổi về phương thức quản lý, điều hành trong giai đoạn hiện nay, nhất là việc triển khai thực hiện chương trình chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, công dân số, xã hội số.

Kết quả lấy ý kiến nhân dân ở ĐVHC cấp xã chịu ảnh hưởng trực tiếp của việc sắp xếp, tỷ lệ cử tri thành phố Nam Định đồng ý đề án mở rộng địa giới hành chính thành phố đạt 99,73%; tỷ lệ cử tri huyện Mỹ Lộc đồng ý đạt 95,89%; đối với việc thành lập 3 phường: Hưng Lộc, Nam Vân, Nam Phong thuộc thành phố Nam Định, tỷ lệ cử tri đồng ý đều đạt trên 95%. Tại các địa phương khác thuộc diện phải sắp xếp, sáp nhập trên địa bàn tỉnh, tỷ lệ người dân đồng thuận, ủng hộ việc thành lập ĐVHC cấp xã cũng đạt rất cao, đạt từ 85% trở lên; trong đó có 5 đơn vị tỷ lệ cử tri nhất trí 100%. HĐND các cấp đã thông qua chủ trương sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã; chủ trương mở rộng địa giới hành chính thành phố Nam Định và thành lập 3 phường bảo đảm đúng quy định, tỷ lệ đại biểu tán thành là 100%.

Theo kế hoạch, trong năm 2024 sẽ hoàn thành việc sắp xếp ĐVHC cấp xã giai đoạn 2023-2025 trong năm 2024. Thời gian tới, tỉnh tiếp tục tiến hành sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức tại ĐVHC cấp xã thực hiện sắp xếp; giải quyết chế độ, chính sách dôi dư tại các ĐVHC cấp xã thực hiện sắp xếp. Đồng thời sắp xếp lại, xử lý trụ sở, tài sản công của ĐVHC cấp xã thực hiện sắp xếp giai đoạn 2023-2025; thực hiện việc chuyển đổi các loại giấy tờ liên quan của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp do thay đổi địa giới, tên gọi của ĐVHC cấp xã thực hiện sắp xếp giai đoạn 2023-2025./.

Theo BaoNamDinh.VN

Tag:

File đính kèm