Sign In

Thư viện trường học góp phần rèn luyện thói quen đọc sách cho học sinh

09:39 06/11/2024
Trong bối cảnh phát triển kinh tế toàn cầu ngày càng cạnh tranh gay gắt, việc xây dựng và khai thác hiệu quả các hành lang kinh tế (HLKT) đang trở thành chiến lược chủ đạo của nhiều địa phương tại Việt Nam. Nam Định có vị trí địa lý chiến lược đặc biệt tại vùng đồng bằng sông Hồng (ĐBSH), có tiềm năng lớn để trở thành trung tâm kết nối kinh tế khu vực phía Bắc. Vì vậy dựa trên việc tối ưu hóa khả năng kết nối giữa các vùng trọng điểm trong tỉnh và kết nối với các tỉnh lân cận, trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tỉnh đã xây dựng quy hoạch 5 HLKT tạo động lực mới cho phát triển kinh tế, gồm: Hành lang Quốc lộ 10 (thành phố Nam Định - Cao Bồ) kết nối từ huyện Vũ Thư (tỉnh Thái Bình) - thành phố Nam Định - thị trấn Gôi (Vụ Bản) - thị trấn Lâm (Ý Yên) - đến thành phố Ninh Bình là hành lang động lực chủ đạo của tỉnh; hành lang cao tốc Bắc - Nam nối dài (Hà Nội - Cao Bồ - Rạng Đông) đi từ huyện Thanh Liêm (tỉnh Hà Nam) - Cao Bồ (Ý Yên) - thị trấn Liễu Đề - thị trấn Quỹ Nhất - thị trấn Rạng Đông là hành lang phát triển động lực chủ đạo của tỉnh giúp tăng cường liên kết khu vực. HLKT ven biển (Nghĩa Hưng - Hải Hậu - Giao Thủy) đi từ huyện Tiền Hải (tỉnh Thái Bình) - đô thị Đại Đồng - thị trấn Quất Lâm - thị trấn Cồn - thị trấn Thịnh Long - thị trấn Rạng Đông - đến huyện Kim Sơn (tỉnh Ninh Bình) là hành lang phát triển động lực chủ đạo tạo động lực cho kinh tế biển. Hành lang Quốc lộ 21 và tuyến đường từ thành phố Nam Định - Xuân Trường - Giao Thủy đi từ huyện Lý Nhân (tỉnh Hà Nam) - thành phố Nam Định - thị trấn Cổ Lễ - thị trấn Xuân Trường - thị trấn Quất Lâm là hành lang phát triển động lực thứ cấp đến năm 2030 và chủ đạo đến năm 2050 thúc đẩy giao thương và phát triển nông nghiệp, du lịch. Hành lang tuyến cao tốc CT.08 (Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng) đi từ huyện Kim Sơn (tỉnh Ninh Bình) - thị trấn Cổ Lễ - thị trấn Liễu Đề - đến huyện Kiến Xương (tỉnh Thái Bình) là hành lang phát triển động lực thứ cấp đến năm 2030 và chủ đạo đến năm 2050 gia tăng khả năng kết nối đến các trung tâm kinh tế trọng điểm.

Lượt xem: 81

Cầu qua sông Đào nối từ đường Song Hào đến đường Vũ Hữu Lợi (thành phố Nam Định) đang được đẩy nhanh tiến độ thi công để sớm hoàn tất đưa vào khai thác, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh.

Đầu tư hạ tầng và thu hút các doanh nghiệp lớn

Hiện tại, tỉnh đang tập trung vào các giải pháp tổng thể từ cải thiện cơ sở hạ tầng, thu hút đầu tư, tạo điều kiện để 5 HLKT trở thành động lực mới thúc đẩy sự phát triển bền vững.

Một trong những nhiệm vụ hàng đầu để phát triển các HLKT là tỉnh đã chú trọng huy động, bố trí hợp lý nguồn lực đẩy mạnh đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông để tạo ra mạng lưới kết nối thông suốt giữa các vùng trong tỉnh và với các tỉnh lân cận. Đến thời điểm nay, 3 trong số 5 HLKT đã được hoàn thiện về hạ tầng giao thông đảm bảo thúc đẩy liên kết vùng và phát triển bền vững. Trong đó, Quốc lộ 10 đã hoàn thành đầu tư, khai thác từ nhiều năm nay với vai trò là tuyến huyết mạch giao thông của tỉnh có ảnh hưởng và đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Hành lang cao tốc Bắc - Nam nối dài từ Hà Nội - Cao Bồ - Rạng Đông đã cơ bản hoàn thành, hiện chỉ chờ cầu Đống Cao hoàn thiện đưa vào lưu thông là sẽ hoàn tất kết nối hạ tầng giao thông hành lang này (cầu Đống Cao vượt sông Đào được khởi công từ tháng 8/2022, đã được hợp long ngày 18/9/2024, dự kiến sẽ hoàn thành đưa vào khai thác cuối năm 2024). Tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Nam Định đã hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng từ ngày 30/6/2024, khi tỉnh Thái Bình hoàn tất xây dựng cầu vượt sông Hồng kết nối liên thông hai huyện Tiền Hải (Thái Bình) và Giao Thủy (Nam Định). Tỉnh đã đề xuất Chính phủ ưu tiên thúc đẩy đầu tư để kết nối đưa vào sử dụng hệ thống cầu Thái Bình để bảo đảm tính liên thông kết nối giao thông vùng đồng bằng sông Hồng, phát huy hiệu quả sử dụng của tuyến đường bộ ven biển tỉnh Nam Định. Sau khi kết nối, tuyến đường ven biển đặc biệt quan trọng này sẽ thúc đẩy liên kết vùng, tạo động lực mạnh mẽ, nâng cao sức cạnh tranh, mở ra không gian phát triển mới về phía Đông Nam cho Nam Định và các địa phương; đây là cơ hội rất lớn để thu hút nhiều dự án đầu tư lớn vào các khu kinh tế, khu công nghiệp (KCN) ven biển, từ đó sẽ khai thác, phát huy thuận lợi hơn những thế mạnh về biển. Còn lại, hạ tầng giao thông cụm hành lang Quốc lộ 21 và tuyến đường thành phố Nam Định - Xuân Trường - Giao Thủy (dự án xây dựng tuyến đường cao tốc Hà Nam - Nam Định (CT.11) tỉnh đang triển khai công tác chuẩn bị đầu tư. Hạ tầng giao thông hành lang tuyến cao tốc CT.08 (Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng) đang được tỉnh triển khai công tác giải phóng mặt bằng. Trong vòng 2 năm tới, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ của tỉnh sẽ hoàn chỉnh mạng lưới đường cao tốc, thuận lợi kết nối với các khu vực kinh tế trọng điểm quốc gia như Hà Nội, Hải Phòng, tạo nhiều thuận lợi cho giao thông đi lại của người dân và các doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa.  

Để các HLKT phát triển mạnh mẽ, Nam Định đang triển khai nhiều chính sách thu hút đầu tư như cải thiện thủ tục hành chính, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng các KCN, cụm công nghiệp để chủ động cung ứng mặt bằng sạch phục vụ các nhà đầu tư thứ cấp phát triển sản xuất công nghiệp. Dọc các HLKT của tỉnh như hành lang Quốc lộ 10, hành lang thành phố Quốc lộ 21, hành lang kinh tế ven biển đã hình thành một số KCN tập trung gần các đô thị lớn như Bảo Minh, Bảo Minh mở rộng, Mỹ Thuận, Dệt may Rạng Đông… Tỉnh cũng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo dồn lực, phát huy tối đa trách nhiệm, nâng cao hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng hạ tầng các KCN theo Quy hoạch tỉnh. Hiện tại các HLKT có một số KCN gồm: Hải Long (khoảng 1.100ha); Thịnh Tân (khoảng 400ha); Nam Hồng (khoảng 200ha); Thượng Thành (khoảng 395ha); Minh Châu (khoảng 300ha); Lạc Xuân (khoảng 210ha), Trung Thành (200ha) đang được đốc thúc, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các phần việc liên quan, khẩn trương hoàn tất thủ tục được cấp phép và sớm triển khai khởi công xây dựng hạ tầng để sẵn sàng đón nhận các dự án công nghệ cao, sản xuất xanh, bền vững. 

Bằng việc đồng bộ hóa cơ sở hạ tầng, kiến tạo 5 HLKT trọng điểm, Nam Định đang đi đúng hướng trong chiến lược phát triển kinh tế bền vững và hội nhập. Các HLKT này đã không chỉ tạo động lực cho thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội của các địa phương dọc các tuyến HLKT, nhất là các HLKT đã hình thành; mà còn góp phần nâng cao sức cạnh tranh, thu hút đầu tư lớn từ trong và ngoài nước. Hiện Nam Định đã đang ngày càng thu hút được nhiều tập đoàn, doanh nghiệp vị thế toàn cầu lựa chọn là địa điểm đầu tư, tiêu biểu như: Tập đoàn Xuân Thiện đầu tư Tổ hợp 3 dự án quy mô 98.900 tỷ đồng phát triển ngành công nghiệp thép xanh tại khu vực Cồn Xanh (Nghĩa Hưng). Nhóm dự án này của Xuân Thiện mở ra cơ hội thu hút các nhà đầu tư lớn vào các lĩnh vực công nghiệp sạch, nâng cao uy tín của tỉnh trước các đối tác quốc tế. Công ty TNHH Top Textiles thuộc Tập đoàn Toray đầu tư dự án nhà máy sản xuất vải với tổng công suất thiết kế đạt 120 triệu mét vải vào năm 2025 tại KCN Dệt may Rạng Đông (Nghĩa Hưng), sẽ gấp 8 lần công suất sản xuất vải của toàn tỉnh hiện nay (công suất của tỉnh hiện nay là gần 15 triệu mét vải/năm). Đây là một trong những nhà máy dệt kim lớn nhất miền Bắc Việt Nam, sử dụng công nghệ cao với quy trình sản xuất bao gồm các khâu dệt, nhuộm và hoàn thiện, sản xuất đa dạng các mặt hàng sản phẩm dệt may chất lượng cao. Việc Tập đoàn Toray đưa nhà máy tại KCN Dệt may Rạng Đông với thiết bị hiện đại, công nghệ cao vào hoạt động thúc đẩy lộ trình đưa Nam Định xứng đáng vị thế là trung tâm dệt may của miền Bắc, đóng góp chung cho sự phát triển ổn định của ngành dệt may Việt Nam. Tập đoàn Quanta Computer Inc., (Đài Loan - Trung Quốc) đầu tư dự án sản xuất máy tính và thiết bị ngoại vi của máy tính với quy mô tạo ra hàng nghìn việc làm mới cho lao động địa phương; 2.000 lao động vào cuối năm 2024 và đến cuối năm 2025 sẽ sử dụng 9.000 lao động. Với khả năng sản xuất các sản phẩm công nghệ cao, nhà máy của Quanta giúp Nam Định không còn phụ thuộc vào các ngành công nghiệp truyền thống mà mở rộng sang các lĩnh vực công nghệ hiện đại và giá trị gia tăng cao; định vị Nam Định trên bản đồ toàn cầu của các tập đoàn công nghệ quốc tế.

Giải pháp phát huy vai trò các HLKT

Thời gian tới, Nam Định tiếp tục tăng tốc thực hiện quyết liệt các giải pháp thiết thực, đảm bảo 5 HLKT phát huy tối đa hiệu quả, đưa tỉnh trở thành điểm sáng phát triển kinh tế của vùng đồng bằng sông Hồng và đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của cả nước. Trong đó, tỉnh sẽ tích cực hoàn thiện hạ tầng giao thông và thúc đẩy đầu tư phát triển các đô thị nằm dọc 5 HLKT, đặc biệt chú trọng vào việc xây dựng bản sắc đô thị riêng và hoàn thiện diện mạo các đô thị ven biển. Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư theo định hướng phát triển của các HLKT, cụ thể tại hành lang Quốc lộ 10 (thành phố Nam Định - Cao Bồ) đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, phát triển các vùng nông nghiệp tập trung, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; phát triển công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến; phát triển mạnh ngành dịch vụ - du lịch, các điểm du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng theo hướng đối ngoại với quốc gia và quốc tế. Hành lang cao tốc Bắc - Nam nối dài tập trung phát triển nông nghiệp, công nghiệp, thương mại và dịch vụ; đặc biệt phát triển mạnh công nghiệp chế biến chế tạo, luyện thép, khai khoáng, dịch vụ du lịch sinh thái cảnh quan và môi trường. Hành lang kinh tế ven biển tập trung phát triển công nghiệp chế biến chế tạo, luyện thép, du lịch sinh thái biển, nuôi trồng thủy hải sản và dịch vụ cảng và logistics. Hành lang Quốc lộ 21 (thành phố Nam Định - Xuân Trường - Giao Thủy) tập trung phát triển công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, và du lịch sinh thái biển. Hành lang cao tốc Ninh Bình - Thái Bình - Quảng Ninh tập trung phát triển nông nghiệp, công nghiệp - du lịch, văn hóa, cảnh quan và môi trường. Trong đó, việc thu hút đầu tư phát triển lĩnh vực nông nghiệp sẽ quyết liệt chuyển đổi sang mô hình nông nghiệp công nghệ; khuyến khích các doanh nghiệp và hộ nông dân ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, sử dụng giống cây trồng và vật nuôi có giá trị cao, phát triển các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ để tạo ra những sản phẩm nông sản chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của thị trường trong và ngoài nước. 

Trong thu hút đầu tư phát triển văn hóa - du lịch, tỉnh chú trọng khuyến khích thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo tồn, tôn tạo các di tích văn hóa, phát triển hạ tầng du lịch, và nâng cao chất lượng dịch vụ. Ngoài ra, các sự kiện văn hóa lớn, lễ hội truyền thống cũng được tổ chức quy mô hơn nhằm thu hút du khách. Để thúc đẩy lĩnh vực dịch vụ - thương mại, tỉnh khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực dịch vụ, tài chính, thương mại điện tử, và logistics; đồng thời tăng cường kết nối giữa các trung tâm thương mại, khu công nghiệp và vùng nông thôn, giúp đẩy mạnh giao thương, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm trong tỉnh và kết nối đến các thị trường lớn trong nước. Bên cạnh đó, để đảm bảo các HLKT phát triển hiệu quả, tỉnh còn chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động hiện đại tại các KCN, khu du lịch, khu nông nghiệp công nghệ cao và sẽ tăng cường hợp tác với các tỉnh lân cận như Ninh Bình, Thái Bình, Hà Nam, Hải Phòng... tạo điều kiện cho Nam Định tận dụng được các nguồn lực liên kết vùng, giúp thúc đẩy phát triển kinh tế toàn diện. Chính quyền tỉnh tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư và cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp, nhằm khai thác tối đa tiềm năng của các HLKT này. 

Theo baonamdinh.vn

Tag:

File đính kèm