Sign In

Thái Hòa “Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo”

15:02 15/11/2024
Thị xã Thái Hoà có 30 đơn vị trường học, trong đó có 29 trường công lập (09 trường mầm non, 10 trường tiểu học, 07 trường THCS và 03 trường THPT) và 01 trường MN tư thục, 01 Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên, 01 trường trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Miền Tây Nghệ An, 09 Trung tâm học tập cộng đồng.

 

Năm học 2023-2024 là năm thứ 4 thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, toàn ngành Giáo dục thị xã Thái Hoà tiếp tục thực hiện Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã lần thứ III nhiệm kỳ 2020-2025 và Chương trình Giáo dục phổ thông 2018; với chủ đề năm học “Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo”. Được sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự chỉ đạo và hướng dẫn chuyên môn của Sở GD&ĐT Nghệ An; sự nỗ lực, cố gắng của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên của ngành GD&ĐT, sự ủng hộ của Nhân dân, nên năm học 2023-2024 ngành GD&ĐT thị xã Thái Hòa đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của năm học.

Tiếp tục tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, giáo viên, nhân viên thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo gắn liền với triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã Thái Hoà lần thứ III, nhiệm kỳ 2020-2025 với nhiệm vụ trọng tâm “Nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông trên địa bàn thị xã Thái Hoà giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến 2030” và “Xây dựng hệ thống trường học đạt chuẩn Quốc gia trên địa bàn thị xã giai đoạn 2021-2025”.

Quan tâm thực hiện và phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả với các ngành, tổ chức chính trị - xã hội, cùng các địa phương. Thường xuyên theo dõi, lắng nghe ý kiến phản biện xã hội, Phòng GD&ĐT đã kịp thời tham mưu UBND thị xã, phối hợp với Ban Tuyên giáo, Ban Dân vận Thị ủy, các cơ quan thông tin đại chúng để tuyên truyền, giải quyết các vấn đề về giáo dục và đào tạo mà xã hội và người dân quan tâm như công tác vận động tài trợ, các khoản thu đầu năm, tuyển sinh đầu cấp, ngăn chặn bạo lực học đường, quản lý dạy thêm học thêm, thực hiện dân chủ trong nhà trường…, không để bức xúc lớn xảy ra.

Tiếp tục chỉ đạo nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác kiểm tra trong các cơ sở giáo dục. Tăng cường nắm bắt thông tin qua hoạt động thanh tra, kiểm tra, việc thực hiện kiến nghị sau thanh tra, kiểm tra. Kiên quyết xử lý nghiêm, dứt điểm các sai phạm, góp phần củng cố nền nếp, kỷ cương trong ngành. Chỉ đạo Phòng GD&ĐT kiểm tra 03 chuyên đề tại 26 đơn vị trường học, bao gồm: thực hiện nhiệm vụ đầu năm học, công tác dạy thêm - học thêm trong các trường THCS, các cơ sở MN ngoài công lập. Các cơ sở giáo dục tăng cường công tác kiểm định chất lượng giáo dục; trong năm học có 02 trường đăng ký đánh giá ngoài để công nhận và công nhận lại trường chuẩn Quốc gia mức độ 2 (MN Long Sơn, MN Tây Hiếu).

Chú trọng công tác quản lý tài chính, tài sản đảm bảo huy động và thực hiện các nguồn lực có hiệu quả, phục vụ cho phát triển giáo dục và đào tạo. Đổi mới công tác thi đua, khen thưởng theo hướng thiết thực, hiệu quả, phát hiện và nhân rộng các nhân tố mới, nhân tố điển hình. Trong năm học có 06 tập thể đề nghị UBND thị xã công nhận tập thể lao động xuất sắc, 28 tập thể lao động tiên tiến; 476 cá nhân đạt lao động tiên tiến, 164 chiến sỹ thi đua cơ sở, đề nghị công nhận 02 chiến sỹ thi đua cấp tỉnh, đề nghị UBND tỉnh tặng Bằng khen cho 04 tập thể và 15 cá nhân; đề nghị Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen cho 01 tập thể, 04 cá nhân; đề nghị UBND tỉnh tặng Cờ thi đua cho 03 tập thể. Có 02 CBQL, GV được tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú năm 2023 (Hồ Thị Mai-Phó Hiệu trưởng trường THCS Đông Hiếu, Phạm Thị Khánh Tùng-GV trường TH Quang Tiến).

Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong các cơ sở giáo dục. Tập huấn, hướng dẫn cơ sở giáo dục khai thác, ứng dụng có hiệu quả các phần mềm phục vụ công tác quản lý và tổ chức dạy học. Triển khai đánh giá công tác chuyển đổi số của các cơ sở giáo dục trên hệ thống Vnedu-DTI. Tổ chức các cuộc họp, hội thảo, tập huấn... bằng hình thức trực tuyến; triển khai tốt các phần mềm ứng dụng VNPT-IOFFCE, cơ sở dữ liệu ngành, phổ cập giáo dục... Tích cực triển khai Đề án 06 của Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030. 100% các cơ sở giáo dục triển khai thu phí dịch vụ giáo dục không dùng tiền mặt.

Tích cực tranh thủ mọi nguồn lực tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để nâng cao chất lượng dạy học, giáo dục, chăm sóc nuôi dưỡng của từng cơ sở giáo dục. Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục học sinh năng khiếu. Chất lượng phổ cập, xóa mù chữ trên địa bàn thị xã đã được khẳng định bền vững. Phổ cập giáo dục mầm non trẻ 05 tuổi vững chắc; Chất lượng phổ cập tiểu học giáo dục mức độ 3 đạt vững chắc; đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 3; đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2. Quy mô, mạng lưới trường, nhóm lớp đáp ứng được nhu cầu ra lớp của trẻ. Công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ được quan tâm, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc; Chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ từng bước được cải thiện, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng giảm còn dưới 0,6%; đảm bảo tỷ lệ 100% trẻ học 02 buổi/ngày, tỷ lệ trẻ ăn bán trú đạt 100%. Thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khoẻ, phòng chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn cho trẻ, không để xẩy ra tình trạng tai nạn thương tích, bạo hành trẻ trong các cơ sở GDMN. Triển khai thực hiện Chương trình giáo dục mầm non sau sửa đổi. Tập trung nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ. Tổ chức sơ kết 02 năm thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”, cảnh quan môi trường của các cơ sở GDMN đảm bảo xanh - an toàn - thân thiện, tạo điều kiện tốt cho trẻ được hoạt động trải nghiệm một cách tích cực, hiệu quả. Việc thực hiện Chủ đề “Xây dựng trường mầm non hạnh phúc, lấy trẻ em làm trung tâm” phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường; chủ động, linh hoạt, sáng tạo gắn với các tiêu chí của Chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm, giai đoạn 2021-2025”. Các cơ sở GDMN xây dựng và thực hiện nghiêm túc kế hoạch “đảm bảo an toàn trường học, phòng chống tai nạn thương tích, chống bạo lực học đường”. Tổ chức tốt hội thi “Xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm” cấp Thị xã. Chỉ đạo các trường xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai có hiệu quả các chuyên đề của năm học 2023-2024. Triển khai chương trình ngoại khóa cho trẻ làm quen Tiếng Anh trong các trường MN với tổng số trẻ tham gia: 3064/3368 cháu, đạt 91%. (tỉ lệ cao nhất tỉnh, tăng 17% so với năm học 2022-2023); tổ chức các hoạt động đánh giá thực hiện chương trình làm quen Tiếng Anh thông qua sân chơi “Rung chuông vàng” tiếng Anh cho trẻ.

 Thực hiện hiệu quả chương trình “Phòng giúp Phòng, trường giúp trường” do Sở và Công đoàn giáo dục Nghệ An phát động. Tiếp tục chỉ đạo các cơ sở GDPT xây dựng chương trình nhà trường, xây dựng kế hoạch giáo dục theo định hướng phát triển năng lực, thực hiện đổi mới phương pháp giáo dục, phương pháp dạy học gắn với đổi mới hình thức tổ chức dạy học, đổi mới công tác thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục đảm bảo đánh giá thực chất; triển khai thực hiện học bạ và sổ điểm điện tử tại các CSGD giảm thời gian làm hồ sơ để giáo viên dành thời gian tập trung vào hoạt động giáo dục học sinh. Các trường THPT tăng cường sinh hoạt chuyên môn theo hướng tiếp cận chương trình GDPT 2018. Thực hiện tốt kế hoạch phát triển sự nghiệp giáo dục. 10/10 trường tổ chức dạy học 02 buổi/ngày; 09/10 trường tổ chức bán trú. Triển khai song song 2 chương trình: Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 1,2,3,4 và chương trình theo Quyết định 2006 đối với lớp 5.

Triển khai tổ chức dạy học, giáo dục theo chương trình GDPT 2018 cho tất cả học sinh lớp 1,2,3,4 trên địa bàn, đảm bảo chất lượng, hiệu quả. Tổ chức tốt các hoạt động trải nghiệm sáng tạo; giáo dục kỹ năng sống, đa dạng hoá các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, phát huy tính tích cực, tự giác của học sinh. Tổng số HS tham gia trải nghiệm 7.057 em; khuyết tật 49 (đánh giá 05 em); số học sinh đánh giá chất lượng giáo dục: 7.012 em.

Thực hiện tốt kế hoạch phát triển sự nghiệp giáo dục, có 07 trường và 114 lớp (tăng 12 lớp so với năm học trước); tổng số học sinh 4.691 em (tăng 16 em theo kế hoạch đề ra). Tích cực triển khai công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu trong các nhà trường. Kết quả xếp hạnh kiểm loại Tốt 4.123/4.681 em, tỷ lệ 88,08%; Khá 530/4681 em, tỷ lệ 10,20%; TB 26/4.681 em, tỷ lệ 0,56%; Yếu 02 em, tỷ lệ 0,04%; không có học sinh xếp hạnh kiểm kém. Về học lực có 1.133/4.681 em loại Giỏi, tỷ lệ 24,2% (cao hơn năm trước 3,47%); Khá 2016/4681, tỷ lệ 43,07% (thấp hơn năm trước 5,36%); Trung bình 1506/4861, tỷ lệ 32,1 % (cao hơn năm trước 1,7%); loại Yếu 25/4.681, tỷ lệ 0,53%, không có học sinh loại Kém (năm học trước tỷ lệ này là 0,02%). Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS đạt 99,54%. Có 1.025/1.092 học sinh lớp 9 đăng ký tuyển sinh lớp 10 THPT, tỷ lệ 93,86%; 834 học sinh trúng tuyển lớp 10 THPT, tỷ lệ 81,36%; trúng tuyển vào THPT chuyên 12 lượt học sinh (Phan Bội Châu 04 em, Đại học Vinh 08 em).

Tổ chức nghiêm túc kỳ thi học sinh giỏi lớp 9 các môn văn hoá cấp thị xã; tổng số 375 em tham gia dự thi trong đó 225 em đạt giải, gồm 12 giải Nhất, 57 giải Nhì, 82 giải Ba, 74 giải Khuyến khích. Bồi dưỡng học sinh tham gia thi học sinh giỏi cấp tỉnh, đạt 20 giải (04 Nhì, 03 Ba, 13 Khuyến khích). Triển khai tốt Cuộc thi khoa học kỹ thuật; Cuộc thi tiếng Anh qua mạng (IOE) cấp thị xã, tổng số có 507 em học sinh tham gia (giải Nhất 15 em, giải Nhì 40 em, giải Ba 94 em, giải KK 168 em). Tham gia tích cực các cuộc thi khác do Bộ Công An, Sở GD&ĐT, Công đoàn Ngành giáo dục, Tỉnh Đoàn Nghệ An, Sở VHTT… phát động.

Chỉ đạo tốt dạy học ngoại ngữ trong các trường phổ thông theo Đề án 2445 của UBND tỉnh về “Nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030”. 100% học sinh THCS trên địa bàn học ngoại ngữ, 100% học sinh THCS được học chương trình hệ tiếng Anh 10 năm, tổ chức dạy tiếng Anh tăng cường có yếu tố người nước ngoài tại THCS Hòa Hiếu 2. 100% trường tổ chức dạy Tin học cho học sinh; phối hợp với Thị Đoàn tổ chức thành công Hội thi Tin học trẻ cấp Thị xã.

Tổ chức thành công Hội khoẻ Phù Đổng lần thứ XX năm 2024 cấp Thị xã, có 220 HS đạt giải (77 giải Nhất, 66 giải Nhì, 54 giải Ba, 12 giải Tư, 11 giải Năm); cấp cụm tỉnh (có 59 học sinh đạt giải cấp tỉnh và 16 giáo viên bồi dưỡng được khen thưởng với tổng số tiền 235,8 triệu đồng); đặc biệt có 03 học sinh tham gia Hội khoẻ Phù Đổng toàn quốc môn Bóng chuyền nam, đạt huy chương Vàng, 03 học sinh tham gia môn Bóng chuyền nữ đạt huy chương Đồng, 01 huy chương Vàng môn Võ cổ truyền, 01 huy chương Vàng môn Vovinam.

Các trường THPT tổ chức ôn thi cho học sinh lớp 12 tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT sát với từng đối tượng học sinh và chủ động tư vấn cho  học sinh lựa chọn nhóm môn thi đúng với sở trường và nguyện vọng vào các trường đại học. Kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024: số lượng đạt 1.184/1.185 học sinh, tỷ lệ 99,9%. Thi học sinh giỏi cấp tỉnh có 37 em đạt giải trong đó có 11 giải Nhì, 11 giải Ba, 15 giải Khuyến khích; 30 sản phẩm thi Khoa học kỹ thuật cấp trường, 02 sản phẩm tham gia thi cấp tỉnh (01 giải Nhì, 01 giải Ba).

Đã tiến hành kiện toàn Ban chỉ đạo phổ cập giáo dục, chống mù chữ & xây dựng xã hội học tập cấp thị xã và các xã, phường. Nghiêm túc thực hiện Đề án học tập suốt đời, 100% đơn vị có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ tại đơn vị, 100% cán bộ quản lý và giáo viên tham gia đầy đủ bồi dưỡng qua mạng các mô-đun. Tích cực chỉ  đạo củng cố mô hình hoạt động của các TTHTCĐ đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của nhân dân.

Thực hiện đảm bảo quy mô phát triển đối với trung  tâm GDNN-GDTX với 08 lớp, 276 học sinh. Chất lượng giáo dục được nâng lên, Có 11 học sinh xếp loại Giỏi; 15 học sinh tiên tiến (Khá), 10 học sinh Giỏi trung tâm và nhiều em được khen các mặt. Trường Trung cấp Kỹ thuật - Kinh tế miền Tây đẩy mạnh chất lượng và hiệu quả đào tạo các lớp sơ cấp; trung cấp đa dạng hóa các ngành đào tạo, các hình  thức đào tạo; triển khai thực hiện các giải pháp phân luồng học sinh sau THCS vào học TCCN; có 32 lớp trung cấp nghề với 949 học sinh học 06 nghề. Đào tạo 19 lớp hệ sơ cấp với 686 học sinh gồm 04 nghề. Nhà trường tổ chức rà soát và đổi mới chương trình, đánh giá kết quả học tập của học sinh gắn với chuẩn năng lực và chú trọng giáo dục phẩm chất chính trị, đạo đức công dân, tổ chức tốt các phong trào thi đua, tình nguyện. Chủ động phối hợp với nhiều doanh nghiệp, đơn vị cung ứng lao động để tư vấn việc làm cho học sinh ngay trong quá trình học; năm 2023, có 840 học sinh được giải quyết việc làm.

Tổ chức rà soát, thực hiện quy hoạch phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Xây dựng kế hoạch tổ chức bồi dưỡng, đào tạo lại đội ngũ giáo viên phổ thông đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình, sách giáo khoa mới. Chất lượng đội ngũ giáo viên được quan tâm, chăm lo, giữ vững tỷ lệ 100% giáo viên mầm non và phổ thông đứng lớp đạt chuẩn đào tạo, nâng tỷ lệ trên chuẩn đào tạo. Quan tâm công tác bồi dưỡng đội ngũ CBQL, GV đáp ứng chương trình GDPT 2018; đã hoàn thành bồi dưỡng CBQL và giáo viên cốt cán, bồi dưỡng  GV dạy lớp 4 và 8 năm học 2024-2025, đã thực hiện chương trình bồi dưỡng GV dạy lớp 5, lớp 9 và lớp 12 năm học 2025-2026. Tổ chức tốt Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp thị xã ở 3 cấp học MN, TH, THCS; tham gia hiệu quả Hội thi Giáo viên THPT dạy giỏi cấp tỉnh (có 21 giáo viên THPT được công nhận giáo viên dạy Giỏi cấp tỉnh); tham gia cuộc thi Tổng phụ trách Đội giỏi cấp tỉnh, đạt giải Nhì, được Sở GD&ĐT khen thưởng. Phong trào nghiên cứu, viết sáng kiến kinh nghiệm được quan tâm và đạt kết quả cao. Kết quả có 201 SKKN được công nhận cấp thị xã và 15 SKKN được đề nghị dự xét cấp tỉnh. Thực hiện đầy đủ và kịp thời các chế độ, chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục. Chăm lo công tác Đảng, công tác chính trị, tư tưởng trong trường học; trong năm học đã có 33 giáo viên, nhân viên được kết nạp vào Đảng.

Huy động sức mạnh của hệ thống chính trị và sự đồng hành của cha mẹ học sinh trong xây dựng, bổ sung cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học đảm bảo mục tiêu xây dựng, duy trì và phát huy trường đạt chuẩn quốc gia. Số tiền huy động từ nguồn xã hội hóa và tài trợ giáo dục trong năm học 2023-2024 là hơn 4,8 tỷ đồng. Trong năm học đã xây dựng và đưa vào sử dụng 15 phòng học và phòng chức năng, hiện nay đang thi công xây dựng mới 20 phòng học, phòng chức năng sẽ đưa vào sử dụng trong năm học tới.

Trang thiết bị, đồ dùng dạy học các trường được quản lý, bảo quản và sử dụng đúng mục đích, thường xuyên tu sửa đảm bảo an toàn. Đảm bảo đủ khuôn viên, phòng học, thiết bị dạy học tối thiểu theo quy định.

Bài học kinh nghiệm

1. Chủ động tích cực trong công tác tham mưu với các cấp lãnh đạo. Tranh thủ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự ủng hộ của hệ thống chính trị trong việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Giáo dục và Đào tạo.

2. Đoàn kết, tập hợp rộng rãi lực lượng trong và ngoài ngành, phối hợp tốt ba lực lượng nhà trường, gia đình và xã hội một cách khoa học và hiệu quả.

3. Mở rộng dân chủ trong nhà trường đi đôi với việc thực hiện nền nếp, kỷ cương, xây dựng tập thể sư phạm đoàn kết, nhất trí; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đội ngũ nhà giáo; giữ gìn sự ổn định trong các nhà trường để tập trung hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị.

4. Phát huy tâm huyết, nhiệt tình, gắn bó nghề nghiệp của đội ngũ giáo viên; quan tâm chăm lo giáo dục toàn diện cho học sinh; tích cực đổi mới phương pháp dạy học và giáo dục nhằm không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục.

5. Khơi dậy, phát huy truyền thống hiếu học, “Tôn sư trọng đạo” trong Nhân dân; đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, huy động tối đa các nguồn lực để chăm lo phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo./.

                          Phan Thanh Đoài, Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy 

Tag:

File đính kèm