Sign In

Công tác dân vận góp phần nâng cao ý thức đảm bảo an toàn, an ninh mạng

15:55 30/05/2024
Trong thời đại bùng nổ thông tin và thực hiện chủ trương xây dựng xã hội số, công tác dân vận đóng vai trò quan trọng trong vận động Nhân dân nâng cao ý thức đảm bảo an toàn, an ninh mạng. Đây là một trong những nội dung trọng tâm, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

 

Những năm gần đây, mạng xã hội đã trở nên quá quen thuộc với mọi người nhằm phục vụ nhu cầu học tập, công việc, cập nhật kiến thức, kết nối, giao lưu, kinh doanh, quảng cáo... Thông tin được chuyển tải nhanh hơn, hiệu quả hơn, tiết kiệm hơn. Chính vì những tiện ích đó đã làm cho nhu cầu sử dụng mạng xã hội phục vụ đời sống xã hội và công việc ngày càng cao.

Hiện nay, toàn tỉnh Nghệ An có 07 doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực viễn thông; 100% xã, phường, thị trấn đã được phủ sóng internet 4G, internet cáp quang; 95% dân số được phủ sóng internet. Hạ tầng mạng LAN, WAN và internet trong các cơ quan nhà nước đầu tư tương đối đầy đủ với 21/21 sở, ban, ngành; 21/21 huyện, thành phố, thị xã có kết nối mạng LAN, WAN; 47/47 cơ quan nhà nước cấp tỉnh có kết nối internet, đáp ứng được nhu cầu trao đổi dữ liệu, kết nối với các đơn vị trong và ngoài tỉnh. Các nền tảng số, phần mềm dùng chung của tỉnh đều được triển khai trên các nền tảng điện toán đám mây bảo đảm vận hành hiệu quả, an toàn thông tin.

Tuy nhiên, nhận thức, hiểu biết về công tác đảm bảo an toàn, an ninh mạng của các cán bộ, đảng viên và người dân chưa đầy đủ. Bên cạnh đó các đối tượng xấu, thế lực thù địch lợi dụng không gian mạng để tuyên truyền trái với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm gây dao động trong tư tưởng của người dân và cán bộ, đảng viên từ đó kích động, xúi giục người dân thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật, phá hoại kinh tế, chính trị, văn hóa... Đáng lo ngại nhất là phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng, thực hiện âm mưu “Diễn biến hòa bình”, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân.

Trước tình hình trên, hệ thống dân vận các cấp trong toàn tỉnh đã chủ động, linh hoạt tuyên truyền, vận động, hướng dẫn cán bộ, đảng viên và Nhân dân thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến an toàn, an ninh mạng như: Luật An ninh mạng 2018; Nghị quyết số 30-NQ/TW, ngày 25/7/2018 của Bộ Chính trị về chiến lược An ninh mạng quốc gia; Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 05/8/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Nghệ An đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 874/QĐ-BTTTT, ngày 17/6/2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông về ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội; Quy định số 85-QĐ/TW ngày 07/10/2022 của Ban Bí thư về việc cán bộ, đảng viên thiết lập và sử dụng trang thông tin điện tử cá nhân trên internet, mạng xã hội và các văn bản liên quan. Mặt khác, đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều hoạt động tuyên truyền, giáo dục, phổ biến, thông tin với nhiều hình thức đa dạng, phong phú cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân  thông qua tài khoản Dân vận Nghệ An trên Zalo, Facebook... nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm an ninh, trật tự nhất là an ninh mạng; làm cho người dân hiểu, nắm rõ và làm thất bại âm mưu, thủ đoạn, phương thức hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động và các loại tội phạm, nhất là trên không gian mạng.

Lực lượng tham gia công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục, tích cực phát hiện và nhân rộng các điển hình tiêu biểu và mô hình hay của cơ sở; nhân rộng mô hình tố giác tội phạm của ngành công an. Các Fanpage của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An, của các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh là nơi đăng tải thông tin nhanh các vấn đề tuyên truyền trọng điểm, cập nhật những gương điển hình tốt, cách làm hay của các đoàn viên, hội viên để nhân rộng trong xã hội.

Thông qua các đợt tập huấn nghiệp vụ công tác dân vận để nhắc nhở cán bộ, đảng viên thiết lập và sử dụng trang thông tin điện tử cá nhân trên internet, mạng xã hội vừa đảm bảo nhu cầu cá nhân, vừa đảm bảo tuân thủ Quy định số 37-QĐ/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm, vừa phục vụ công tác tuyên truyền, vận động; chấn chỉnh, nhắc nhở việc cán bộ, đảng viên sử dụng mạng xã hội trong giờ làm việc, đăng tải, chia sẻ, bình luận nội dung không phù hợp trên internet, mạng xã hội… Nhìn chung, đa số cán bộ, đảng viên, Nhân dân nhận thức đầy đủ, có biểu hiện tích cực trong sử dụng mạng xã hội; có ý thức trách nhiệm, lập trường tư tưởng vững vàng, có văn hóa khi sử dụng internet, mạng xã hội, chấp hành tốt luật an ninh mạng và các quy định của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Một bộ phận cán bộ, đảng viên và Nhân dân đã tỉnh táo nhận diện, tham gia đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, phản động, thù địch và những thông tin xấu độc trên internet, mạng xã hội.

Công tác bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng, phòng chống tội phạm mạng và các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng là một nhiệm vụ rất phức tạp, khó khăn, vất vả; bởi các thế lực thù địch, phản động ngày càng có những chiêu thức, thủ đoạn mới tinh vi, nguy hiểm hơn, đa dạng hơn để chống phá Đảng, Nhà nước và công cuộc đổi mới của đất nước. Chính vì vậy, nâng cao ý thức cảnh giác, phát huy tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, và Nhân dân trong đảm bảo an toàn, an ninh mạng; nâng cao kỹ năng sử dụng internet an toàn trong quá trình hội nhập quốc tế trong giai đoạn hiện nay là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Tuy vậy, công tác vận động, tuyên truyền của hệ thống dân vận chưa có nhiều thông tin định hướng để phản bác lại các luận điệu xuyên tạc của thế lực thù địch.

Để làm được điều đó, chúng tôi đề xuất một số giải pháp như sau:

Thứ nhất là, cấp ủy các cấp nhận thức sâu sắc hơn và quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo vấn đề an ninh mạng, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, cấp thiết, thường xuyên, liên tục, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, kịp thời đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Sử dụng mạng xã hội an toàn, hiệu quả, văn minh là một trong những tiêu chí đánh giá cán bộ, công chức, viên chức.

Thứ hai là, Ban Chỉ đạo 35 của tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, làm rõ nhận thức về trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên tham gia mạng xã hội một cách có văn hóa, có lập trường và chính kiến, chủ động nhận diện, đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, phản động, thù địch và những thông tin xấu độc trên mạng xã hội. Các cấp ủy cơ sở thường xuyên nắm bắt tình hình tư tưởng, định hướng kịp thời dư luận xã hội trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp nhân dân; thường xuyên tổ chức sinh hoạt nhằm kịp thời trao đổi, làm rõ, vạch trần bản chất, âm mưu, thủ đoạn từ những thông tin xấu xa, độc hại, ác ý của các thế lực thù địch, phản động. Cần dựa vào những tài liệu, thông tin chính thống, hướng dẫn của cấp ủy cấp trên để tổ chức cung cấp nhanh cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, Nhân dân những luận cứ, thông tin xác đáng và dựa vào đó, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, thông tin xấu độc trên mạng xã hội. Kịp thời kiện toàn, bổ sung hệ thống dân vận là thành viên tham gia Ban Chỉ đạo 35 các cấp.

Thứ ba là, triển khai và thực hiện nghiêm Quy định số 37-QĐ/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm; Quy định số 69-QĐ/TW, ngày 06/7/2022 của Bộ Chính trị về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm; Nghị định số 27/2018/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng xã hội; Luật An ninh mạng 2018 được Quốc hội khóa XIV thông qua; Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”; Kết luận số 53-KL/TW, ngày 04/6/2019 của Ban Bí thư về việc “Chỉ đạo đấu tranh ngăn chặn, xử lý, gỡ bỏ, triệt phá tin giả, thông tin sai sự thật, xấu, độc trên internet, mạng xã hội”. Cần công khai các trường hợp bị cơ quan chức năng xử lý, kỷ luật liên quan đến an ninh mạng để vừa giáo dục, cảnh tỉnh và răn đe, ngăn chặn các hành vi tiêu cực khác.

Thứ tư là, tuyên truyền, vận động mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động biến trang mạng xã hội của mình thành một kênh thông tin, tuyên truyền thường xuyên, chính thống về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước với phương châm “phủ xanh không gian mạng”, “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu”, “lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực”. Đồng thời, chủ động phân tích, bình luận, chia sẻ các bài viết về những điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt, những mô hình mới, cách làm hay trong các phong trào thi đua yêu nước, học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh; tích cực tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng; giữ vững bản lĩnh chính trị, tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên nhất là người đứng đầu; nêu cao ý thức tự lực, tự cường vượt qua mọi cám dỗ vật chất, danh lợi; kiên gan, bền chí trước mọi thủ đoạn, âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch, phản động./.

                       Phan Thanh Đoài, Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy 

Tag:

File đính kèm