Sign In

Tọa đàm khoa học Tư vấn về chiến lược bảo tồn, phỏng dựng, phục dựng và phát huy giá trị di sản Kinh đô Hoa Lư bằng giải pháp khoa học và công nghệ

15:40 10/09/2024
Ngày 10/9, tại thành phố Ninh Bình, UBND tỉnh Ninh Bình phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức Tọa đàm khoa học "Tư vấn về chiến lược bảo tồn, phỏng dựng, phục dựng và phát huy giá trị di sản Kinh đô Hoa Lư bằng giải pháp khoa học và công nghệ".


Quang cảnh khai mạc Tọa đàm khoa học.

Các đồng chí: PGS.TS Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; PGS.TS Nguyễn Đức Minh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam; PGS.TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đồng chủ trì Tọa đàm. 

Cùng dự Tọa đàm có các nhà quản lý; nhà khoa học, nhà nghiên cứu, lãnh đạo, chuyên viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia; Cục Di sản Văn hóa, Viện văn hóa, nghệ thuật Quốc gia; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Đại học Quốc gia Hà Nội; Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; các sở, ban, ngành, đoàn thể, các huyện, thành phố trong tỉnh; đại diện Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường.


Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Đoàn Minh Huấn phát biểu khai mạc Tọa đàm.

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Đoàn Minh Huấn khẳng định: Kinh đô Hoa Lư tồn tại 42 năm, dưới 3 triều đại Đinh, Tiền Lê, Lý, nhưng có vị trí, vị thế rất đặc biệt trong sự nghiệp dựng nước, giữ nước của dân tộc. Qua đó đã hình thành nên vị thế của Cố đô Hoa Lư trong tâm thức, tinh thần của nhân dân. Sau khi dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long, có nhiều di sản tồn tại trên mặt đất, cũng có nhiều di sản còn ẩn trong lòng đất hoặc dịch chuyển ra Thăng Long; có di sản văn hóa vật thể và phi vật thể... Những di sản đã chịu sự mai một bởi tác động của thời gian, lịch sử. Vì vậy, đặt ra yêu cầu cần phải tập trung phục dựng, phục hồi, bảo tồn di sản hóa các kiến trúc, cảnh quan riêng có, giá trị văn hóa đặc sắc của Cố đô Hoa Lư gắn với giáo dục truyền thống, bảo tồn di sản, thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa. 

Để đảm bảo đồng bộ giữa giá trị vị thế, tinh thần của Cố đô Hoa Lư với những giá trị công trình, kiến trúc, tỉnh Ninh Bình tổ chức Tọa đàm khoa học "Tư vấn về chiến lược bảo tồn, phỏng dựng, phục dựng và phát huy giá trị di sản kinh đô Hoa Lư bằng giải pháp khoa học và công nghệ". Thông qua Tọa đàm nhằm tập hợp các nghiên cứu khoa học liên ngành về kinh thành Hoa Lư; đồng thời cung cấp thêm những tư liệu mới, những cơ sở khoa học quan trọng trong việc phỏng dựng, phục dựng Hoàng thành Hoa Lư nói riêng, kinh đô Hoa Lư nói chung. Tham khảo kinh nghiệm trong nước và quốc tế, nhất là kinh nghiệm của các quốc gia đã thành công trong việc bảo tồn, phỏng dựng, phục dựng các kinh đô cổ, đề xuất các ý tưởng, giải pháp có tính khả thi, có thể triển khai thực hiện việc phục dựng Hoàng thành Hoa Lư nói riêng, kinh đô Hoa Lư nói chung, đóng góp vào phát triển văn hóa, kinh tế, xã hội của tỉnh.  

Đối tượng nghiên cứu phục dựng, phỏng dựng là: Cung điện, Hoàng thành Hoa Lư, Trường thành Hoa Lư; di sản cảnh quan Hoa Lư, các kiến trúc nhà cửa, dinh thự, công quán, cầu cống, cảng thị của Kinh thành Hoa Lư (các kiến trúc trong Kinh thành Hoa Lư như "đài", "vọng", "quán",  "lầu", "cầu"... phục vụ cho đời sống Hoàng cung Đinh - Tiền Lê - Lý; các "quân  doanh", "cảng thị", "hàng quán" của đời sống quân thành và thị thành; phục dựng gắn với công viên hóa các làng nghề như gốm Bồ Bát (có sản xuất, thương mại, biểu diễn…); nghề thêu Văn Lâm; Sinh dược; đá mỹ nghệ; nghệ thuật chèo, xẩm… 


PGS.TS. Bùi Minh Trí - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh thành,
Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam trình bày báo cáo trung tâm tại Tọa đàm.

Tại Tọa đàm, PGS.TS. Bùi Minh Trí - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh thành, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam trình bày báo cáo trung tâm với chủ đề: Đề xuất chiến lược nghiên cứu, phục hồi và phát huy giá trị di sản kinh đô Hoa Lư bằng giải pháp khoa học và công nghệ từ kinh nghiệm thực tiễn ở Việt Nam và trên thế giới. Báo cáo khẳng định: Cố đô Hoa Lư là nơi lắng đọng những ký ức vàng son của vương triều nhà Đinh (968 - 980) và nhà Tiền Lê (980 - 1009), là hình ảnh phản chiếu sinh động dấu ấn trung tâm quyền lực đầu tiên của Đại Việt trong lịch sử. Tháng 11 năm 1009, Điện tiền Chỉ huy sứ Lý Công Uẩn được suy tôn lên ngôi vua, lập vương triều Lý và đã thực hiện cuộc dời đô lịch sử từ Hoa Lư lên thành Đại La, đổi tên Kinh đô mới là Thăng Long vào mùa Thu năm 1010, đã kép lại lịch sử tồn tại sau 42 năm của Kinh đô Hoa Lư và chấm dứt vai trò trị vì của triều đại Tiền Lê. Kể từ khi đó, Kinh đô Hoa Lư đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử, trở thành Cố đô, là nơi ghi dấu ấn phát tích của các triều đại phong kiến Việt Nam. Dấu tích Kinh đô Hoa Lư đã bị phá hủy từ lâu, và sử sách không có nhiều ghi chép, mô tả về Kinh đô này, nên hiểu biết về diện mạo, qui mô, cấu trúc và hình thái của kinh thành vô cùng khó khăn và đối mặt với vô vàn thách thức.

Báo cáo trung tâm cũng nhấn mạnh: Những phát hiện khảo cổ học dưới lòng đất tại Hoa Lư trong nhiều thập kỷ qua đã minh chứng sinh động lịch sử tồn tại của Kinh đô Hoa Lư, kinh đô đầu tiên của Nhà nước Đại Việt hơn 1000 năm về trước. Nhưng các phát hiện khảo cổ học cho đến nay vẫn chưa tìm thấy mặt bằng nền móng của các công trình kiến trúc cung điện, lầu gác. Do đó, những mong muốn về việc nghiên cứu phỏng dựng, phục dựng dù mang tính chất giả định về hình thái các công trình kiến trúc cung điện của Kinh đô Hoa Lư xưa càng trở nên vô cùng khó khăn, chưa có tính khả thi, bởi do thiếu cơ sở dữ liệu khoa học của khảo cổ học và sử học. Vì vậy, nếu quyết tâm thực hiện mục tiêu quan trọng này, thì trước hết cần phải có chiến lược đầu tư Dự án khai quật, nghiên cứu khảo cổ học tổng thể khu di tích Cố đô Hoa Lư và tổ chức thực hiện một cách chuyên nghiệp, bài bản khoa học, và tuân thủ nguyên tắc: vừa khai quật, vừa bảo tồn di sản, vừa nghiên cứu so sánh giải mã giá trị di sản.

Từ kinh nghiệm của Việt Nam và quốc tế về nghiên cứu khoa học, về quy hoạch, bảo tồn và phát huy giá trị di sản khảo cổ học kinh đô, PGS.TS. Bùi Minh Trí cũng đề xuất các phương án quy hoạch, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Kinh đô Hoa Lư bằng giải pháp khoa học và công nghệ với các nhóm vấn đề lớn: Đầu tư Dự án nghiên cứu tổng thể (lịch sử, khảo cổ, văn hóa và tôn giáo) nhằm nhận diện giá trị tổng quan của khu di sản; Đầu tư Dự án điều tra, khai quật và nghiên cứu khảo cổ học tổng thể khu di tích Cố đô Hoa Lư; vừa khai quật, vừa có phương án bảo tồn di tích khảo cổ học trong các hố khai quật, vừa có phương án nghiên cứu so sánh, tổng hợp tư liệu, xây dựng cơ sở dữ liệu, đánh giá giá trị về Di sản Kinh đô Hoa Lư; Đầu tư Dự án nghiên cứu quy hoạch bảo tồn, xây dựng bảo tàng khảo cổ học tại chỗ nhằm đưa Cố đô Hoa Lư trở thành một bảo tàng sống về Kinh đô đầu tiên của Nhà nước Đại Việt trong lịch sử, trở thành điểm du lịch văn hóa mang tầm quốc gia và khu vực…


PGS.TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam trình bày tham luận
"Đánh giá tổng quan về giá trị kinh đô Hoa Lư qua các nguồn tư liệu lịch sử" tại Tọa đàm.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã nghe tham luận "Đánh giá tổng quan về giá trị kinh đô Hoa Lư qua các nguồn tư liệu lịch sử" do PGS.TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam trình bày; TS. Nguyễn Quốc Sinh (Viện Sử học) tham luận chủ đề: Nghiên cứu không gian chức năng của kinh đô Hoa Lư - tiếp cận từ nghiên cứu so sánh với mô hình kinh đô thời Bắc Tống (Trung Quốc); PGS.TS. Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam tham luận chủ đề: "Để tiến tới tìm hiểu sâu sắc, khoa học về hình thái cấu trúc kinh đô Hoa Lư và kiến trúc cung điện Hoa Lư". 

Nhiều ý kiến, tham luận của các nhà nghiên cứu khác cũng tập trung làm rõ hơn giá trị của cố đô Hoa Lư, vị trí của kinh đô Hoa Lư; chiến lược bảo tồn cố đô Hoa Lư; Phục hồi cố đô thành tài sản thiên niên kỷ, tài nguyên phục vụ phát triển công nghiệp văn hóa của tỉnh Ninh Bình; đẩy mạnh nghiên cứu khảo cổ học; phục vụ xây dựng thành phố di sản thiên niên kỷ, đảm bảo tuân thủ công ước của UNESCO về bảo tồn di sản, tạo mô hình hợp tác công tư trong bảo tồn, phát huy di sản văn hóa… đồng thời đưa ra các đề xuất: tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu sâu sắc di sản Cố đô, tạo cơ sở dữ liệu di sản trên nền tảng công nghệ số; phục dựng, phỏng dựng kinh đô Hoa Lư; tạo điểm nhớ, điểm gợi mở, điểm ký ức, tạo dựng điểm vĩ đại của kinh đô Hoa Lư xưa. Sáng tạo những dịch vụ văn hóa hấp dẫn, khác biệt, độc đáo, biến di sản văn hóa từ tài nguyên thành sản phẩm văn hóa có giá trị cao. Xây dựng kinh đô xưa thành công viên di sản rộng lớn…


TS. Nguyễn Quốc Sinh (Viện Sử học) tham luận chủ đề: Nghiên cứu không gian chức năng
của kinh đô Hoa Lư - tiếp cận từ nghiên cứu so sánh với mô hình kinh đô thời Bắc Tống (Trung Quốc) tại Tọa đàm.

Sau một buổi sáng làm việc khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm, Tọa đàm khoa học "Tư vấn về chiến lược bảo tồn, phỏng dựng, phục dựng và phát huy giá trị di sản Kinh đô Hoa Lư bằng giải pháp khoa học và công nghệ" đã hoàn thành nội dung, chương trình đề ra. 


PGS.TS Đoàn Minh Huấn, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu kết luận Tọa đàm.

Phát biểu kết luận Tọa đàm, PGS.TS. Đoàn Minh Huấn, Bí thư Tỉnh ủy đã trân trọng cảm ơn sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của lãnh đạo Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, sự phối hợp của Viện Nghiên cứu Kinh thành; sự chia sẻ và tham gia nhiệt thành của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu; sự đóng góp của các cơ quan, đơn vị, cá nhân tham gia tổ chức góp phần vào thành công chung của Tọa đàm. 

Tọa đàm đã nghe các báo cáo: Phương án phỏng dựng, phục dựng kiến trúc cung điện Hoàng thành Hoa Lư; phục dựng Trường Thành và Cổng thành Hoa Lư; phương án phỏng dựng, phục dựng các kiến trúc khác của Hoàng thành, Kinh thành Hoa Lư và 7 ý kiến tham luận của các chuyên gia. 

Các ý kiến đóng góp của các nhà quản lý, nhà khoa học và các chuyên gia tại Tọa đàm có ý nghĩa quan trọng, phân tích các khía cạnh khác nhau về câu chuyện bảo tồn, phỏng dựng, phục dựng kinh thành Hoa Lư. Từ thực tiễn công tác nghiên cứu của các chuyên gia, nhất là các kinh nghiệm của Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và kinh thành Thăng Long đã gợi mở, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm để Ninh Bình xác định, xây dựng ý tưởng, giải pháp có tính khả thi để có thể sớm triển khai xây dựng kế hoạch phục dựng Hoàng thành Hoa Lư nói riêng, kinh đô Hoa Lư nói chung. Trong đó, có những kinh nghiệm quý cần chú ý như: đầu tư xứng tầm cho công tác nghiên cứu, đặc biệt là Khảo cổ học; kinh nghiệm khai thác các di sản dưới hình thức bảo tàng hóa; kinh nghiệm kết hợp các giải pháp ứng dụng các thành tựu khoa học cho phỏng dựng phục dựng, trùng tu, hồi sinh di sản…

Trên cơ sở những ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, tỉnh Ninh Bình sẽ chủ động xây dựng, đề xuất những nội dung phối hợp cụ thể trên cả 2 phương diện phục dựng và phỏng dựng kinh đô Hoa Lư, làm tiền đề để phát triển công nghiệp văn hóa, du lịch; giáo dục truyền thống, bồi tụ niềm tự hào di sản cho thế hệ trẻ; tạo động lực cho công tác bảo tồn được tốt hơn. Trong lộ trình thực hiện mục tiêu này, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, đồng hành của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học; sự phối hợp chặt chẽ của Trung ương với địa phương; sự tham gia của chính quyền, doanh nghiệp; sự đồng thuận, ủng hộ của Nhân dân để sớm thực hiện được mục tiêu phỏng dựng, phục dựng di sản cố đô, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản, cùng Ninh Bình sớm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng thành phố di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo... 

nguồn: baoninhbinh.org.vn

https://baoninhbinh.org.vn/toa-dam-khoa-hoc-tu-van-ve-chien-luoc-bao-ton-phong-dung/d20240910101837748.htm

Tag:

File đính kèm