Sign In

Phiên họp thứ 25 Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc trách nhiệm của Bộ Tư pháp và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

20:01 15/08/2023
Sáng ngày 15/8, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 25. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dự phiên chất vấn.


Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu Ninh Bình

Tham dự phiên chất vấn tại điểm cầu Ninh Bình có các đồng chí: Trần Song Tùng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Trần Thị Hồng Thanh, TUV, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; các vị ĐBQH tỉnh, lãnh đạo một số sở, ban, ngành có liên quan.

Phát biểu khai mạc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, thực hiện Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, chương trình giám sát năm 2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và chương trình phiên họp thường kỳ thứ 25, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dành một ngày làm việc để tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn đối với các nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực của Bộ Tư pháp và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Phiên chất vấn được tổ chức tại phòng họp Diên Hồng, Nhà Quốc hội và kết nối truyền hình trực tuyến với 62 Đoàn đại biểu Quốc hội tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đồng thời được phát trực tiếp trên Đài Tiếng nói Việt Nam, truyền hình trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam và Truyền hình Quốc hội Việt Nam để cử tri và Nhân dân theo dõi, giám sát.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, đây là phiên chất vấn thứ 4 được tổ chức tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV. Trên cơ sở tổng hợp các đề xuất của các đoàn đại biểu Quốc hội cân nhắc các lĩnh vực đã và đang được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát trong thời gian qua và việc trả lời chất vấn trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và yêu cầu của thực tiễn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định lựa chọn chất vấn đối với nhóm vấn đề thuộc trách nhiệm của Bộ Tư pháp và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại phiên họp này.

Buổi sáng ngày 15/8, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, các vị đại biểu Quốc hội sẽ chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Tư pháp về nhóm các vấn đề: (1) Việc thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; các giải pháp đảm bảo tiến độ, chất lượng và hồ sơ thủ tục các dự án, dự thảo Chính phủ trình Quốc hội; giải pháp nâng cao chất lượng hệ thống pháp luật, giải pháp kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật thuộc trách nhiệm của Chính phủ; (2) Thực trạng và giải pháp nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật. Giải pháp khắc phục tình trạng chậm ban hành, nội dung chồng chéo, mâu thuẫn và những hạn chế, sai phạm trong việc ban hành văn bản quy định chi tiết luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; (3) Thực trạng và giải pháp khắc phục hạn chế, bất cập, nâng cao hiệu quả công tác đấu giá tài sản, giám định tư pháp.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, đây đều là những vấn đề rất cấp thiết, được cử tri, Nhân dân và các vị đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm, gắn chặt với hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội, góp phần hoàn thiện thể chế, đồng bộ hệ thống pháp luật, nâng cao chất lượng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.

Trách nhiệm trả lời chính thuộc về Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Y tế, Công an; Tổng Thanh tra Chính phủ; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao; Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.


Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh, TUV, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh
nêu câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long

Đặt câu hỏi chất vấn tại phiên họp, đại biểu Quốc hội Trần Thị Hồng Thanh, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình cho biết, hiện nay việc kiểm soát quyền lực trong hoạt động lập quy còn có nhiều hạn chế. Để giải quyết tình trạng này, đề nghị Bộ trưởng cho biết trong thời gian tới cần tập trung vào những nhiệm vụ, giải pháp gì để thực hiện hiệu quả kiểm soát quyền lực trong hoạt động lập quy, qua đó góp phần quan trọng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động lập quy? Bên cạnh đó, hiện nay cơ chế đảm bảo sự tham gia, giám sát của nhân dân vào quá trình xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật cũng còn nhiều hạn chế. Do vậy, đại biểu đề nghị Bộ trưởng đưa ra những giải pháp giúp đảm bảo sự tham gia, giám sát của nhân dân trong quá trình xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật trong thời gian tới?

Trả lời câu hỏi của ĐBQH tỉnh Ninh Bình, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho rằng: Việc kiểm soát quyền lực của cơ quan giám sát của Quốc hội, cơ quan dân cử đối với cơ quan hành pháp có rất nhiều biện pháp như: Chính phủ báo cáo giải trình hoặc cử các thành viên trả lời chất vấn; giám sát của đại biểu Quốc hội….Về góp ý của nhân dân, của các cơ quan, hiện đã có cơ chế tương đối ổn định trong pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, thực tế thời gian qua, khi công bố các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật lên các Trang thông tin điện tử thì chưa nhận được sự quan tâm của Nhân dân. Một số cơ quan, doanh nghiệp, chủ thể khác thường chỉ quan tâm đến lĩnh vực của mình, khi tham gia ý kiến, nhiều trường hợp cũng cần cân nhắc, không thể tiếp thu hết các ý kiến. Sắp tới, các cơ quan chức năng sẽ nghiên cứu việc sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, quy định cụ thể hơn nữa nội dung các cơ quan chủ trì soạn thảo phải công bố để lấy ý kiến, đồng thời đưa ra các điều kiện để tổ chức các hội nghị, hội thảo, thu hút thêm ý kiến của Nhân dân, tăng cường vai trò truyền thông về chính sách.

Phát biểu kết thúc Phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với lĩnh vực Tư pháp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết: Trong Phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng nay đã có 28 vị ĐBQH đặt câu hỏi chất vấn với 43 vấn đề, câu hỏi có liên quan đến 3 nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực trách nhiệm của Bộ Tư pháp. Phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, với tinh thần xây dựng và trách nhiệm cao, các ĐBQH đặt câu hỏi ngắn gọn, đi thẳng vào nội dung, đúng trọng tâm vấn đề chất vấn; Bộ trưởng Bộ Tư pháp trả lời cơ bản đầy đủ, hết các nội dung các câu hỏi và các nội dung tranh luận của các ĐBQH. Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã tham gia trả lời chất vấn, làm rõ thêm một số ý kiến có liên quan được ĐBQH quan tâm..

Chiều ngày 15/8, tại Hội trường Diên Hồng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với lĩnh vực của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên chất vấn, trả lời chất vấn.

Tham dự tại điểm cầu Ninh Bình có các đồng chí: Trần Thị Hồng Thanh, TUV, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; các vị ĐBQH tỉnh, lãnh đạo một số sở, ban, ngành có liên quan.

Phát biểu tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết: Vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn được lựa chọn chất vấn tại phiên họp vừa là trách nhiệm, vừa là động lực để Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lắng nghe các vấn đề được phát hiện từ lâu và những vấn đề mới phát sinh từ thực tiễn. Đơn cử như việc bảo đảm an ninh lương thực và xuất khẩu gạo được sự quan tâm của Nhân dân, các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh, đại biểu Quốc hội trao đổi chi tiết, các địa phương, doanh nghiệp và bà con nông dân trực tiếp gửi đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các nội dung này không chỉ quan trọng trong công tác chỉ đạo, điều hành, mà mỗi tin tức về giá cả, giá lúa, gạo là nỗi thấp thỏm, lo âu, niềm vui, sự phấn khởi của người dân làm nên hạt gạo.

Nông nghiệp luôn là trụ đỡ trong bối cảnh kinh tế khó khăn, ngành nông nghiệp đã, đang và sẽ đối mặt với biến đổi khí hậu, biến động thị trường, biến chuyển với xu thế tiêu dùng của thế giới theo hướng xanh, bền vững. Từ các thực tiễn này, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vẫn kiên trì thực hiện chiến lược tổng thể trong dài hạn, vừa linh hoạt xử lý tình huống, quản trị đồng bộ trong ngắn hạn.

Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, các đại biểu Quốc hội chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về nhóm các vấn đề: Giải pháp tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu nông sản (thị trường đầu ra bị thu hẹp, nhiều doanh nghiệp không có đơn hàng, một số mặt hàng nông sản chủ lực bị rớt giá, thu nhập, đời sống của người nông dân bị ảnh hưởng…). Hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; giải pháp tháo gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) đối với thủy sản. Việc chuyển đổi mục đích sử dụng, thu hồi diện tích đất trồng lúa, bảo đảm an ninh lương thực và xuất khẩu gạo.

Chất vấn Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình đặt câu hỏi: Thẻ vàng IUU của Ủy ban Châu Âu đối với sản phẩm hải sản khai thác xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU không chỉ gây thiệt hại lớn về kinh tế, mà còn làm ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín, vị thế quan hệ ngoại giao của nước ta. Qua 3 lần kiểm tra, đánh giá, mặc dù Ủy ban Châu Âu đã ghi nhận, đánh giá cao Việt Nam tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ, quyết liệt chống khai thác IUU và có những chuyển biến tích cực. Nhưng đến nay đã gần 6 năm, nước ta chưa gỡ được thẻ vàng. Trong khi Philippines chỉ mất 9 tháng và Thái Lan mất 3 năm gỡ thẻ vàng. Dự kiến Ủy ban Châu Âu sẽ tiến hành đánh giá lần 4 vào tháng 10/2023 và nước ta đặt mục tiêu gỡ thẻ vàng trong lần đánh giá này. Trong Báo cáo của Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xác định 5 giải pháp để tháo gỡ thẻ vàng. Xin Bộ trưởng cho biết, những giải pháp đó đã đầy đủ, đồng bộ, triệt để chưa và Việt Nam có thể đạt được mục tiêu gỡ thẻ vàng IUU trong lần đánh giá thứ tư của Ủy ban Châu Âu vào tháng 10/2023 sắp tới không?

Trả lời chất vấn của Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan khẳng định: Hiện nay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tháo gỡ thẻ vàng IUU theo lộ trình đã đề ra, hướng tới mục tiêu cuối cùng là giữ gìn trữ lượng và tính đa dạng sinh học trên vùng biển.

 Bộ trưởng cho biết, so sánh với Philippines hoặc Thái Lan, cấu trúc ngành hàng của các quốc gia này bền chặt hơn Việt Nam, từ ngư dân tới doanh nghiệp đều được xây dựng hệ sinh thái ngành hàng. Các quốc gia này sử dụng các biện pháp rất mạnh, như đánh đắm tàu vi phạm quy định. Trong khi đó ở Việt Nam, gần 60% vi phạm ở các địa phương vẫn chưa được xử lý. Với khó khăn bất cập trên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ và tham mưu, đề xuất các giải pháp đủ sức răn đe, nhằm xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Kết thúc Phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với lĩnh vực Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh: Trong phiên làm việc chiều nay, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành chất vấn ba nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tại phiên chất vấn, có 26 câu hỏi chất vấn và 3 ý kiến tranh luận, các câu hỏi của các đại biểu Quốc hội được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời với các vấn đề liên quan như: giải pháp gỡ thẻ vàng đã đồng bộ, đầy đủ và triệt để chưa; giải pháp để ngành điều Việt Nam phát triển bền vững; giải pháp nào để quản lý tàu cá thống nhất theo yêu cầu về khai thác thủy sản IUU; giải pháp đảm bảo an ninh lương thực quốc gia; tính dự báo và trách nhiệm của các bộ để nâng cao giá trị xuất khẩu nông sản Việt; người nông dân còn thu nhập thấp, cuộc sống bấp bênh; làm rõ nội dung liên quan đến quy hoạch đất trồng lúa; giải pháp để tạo liên kết sản xuất với tiêu thụ nông sản; đánh giá tác động của Hiệp định trợ cấp nghề cá đối với Việt Nam; giải pháp sớm gỡ được cảnh báo thẻ vàng của Ủy ban châu Âu; giải pháp hỗ trợ kinh phí những trường hợp bắt buộc tiêu hủy vật nuôi do dịch bệnh; giải pháp khắc phục bất cập về pháp lý liên quan đến IUU…

Các vấn đề chất vấn được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thôn Lê Minh Hoan giải trình làm rõ hơn; nội dung trả lời đúng trọng tâm, không né tránh, đưa ra được các giải pháp thiết thực, hiệu quả, khả thi cho cả trước mắt và lâu dài để nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Các bộ, ngành liên quan tham gia trả lời chất vấn, làm rõ thêm một số ý kiến có liên quan được đại biểu Quốc hội quan tâm, đáp ứng sự mong đợi của cử tri và nhân dân cả nước./.

                                                          Nguyễn Thị Vân Giang, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh




Tag:

File đính kèm