Sign In

Đừng “lập lờ đánh lận con đen”

00:00 23/11/2023
Thời gian qua, thông qua các mạng xã hội như Facebook, Youtube, Ticktoc...một số đối tượng biến chất hoạt động trên lĩnh vực văn hóa nghệ thuật trong và ngoài nước được sự hà hơi, tiếp sức, kích động của các thế lực phản động đã lớn tiếng kêu gọi và đòi văn hóa nghệ thuật không phụ thuộc vào sự lãnh đạo của Đảng, đứng ngoài chế độ chính trị hiện hành (cho dù chính chế độ này đã mang lại cho họ những giá trị đích thực và họ đã, đang được hưởng).

Bảo vệ nền tảng tư tưởng cách mạng của Đảng

Vì thế, các đối tượng đó đã ra sức truyền bá các tác phẩm văn học, hội họa, những chương trình ca nhạc, phim ảnh có nội dung chống chế độ XHCN, phủ nhận thành quả của cách mạng, phủ nhận Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Chúng đề cao, cổ súy một số tác phẩm của những văn nghệ sĩ cực đoan, quá khích, trong đó có nhiều tác giả vốn là sĩ quan ngụy. Thậm chí các đối tượng này cho rằng, những tác phẩm này đã tạo nên “luồng gió mới” trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, tạo nên sự đa dạng; nghệ thuật không có sự phân biệt chính trị mà chỉ cần được sự đón nhận và quan tâm của khán giả, độc giả...

Đừng “lập lờ đánh lận con đen”

Một bài viết trên trang thoixua.vn về nhạc phẩm của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn về viên chuẩn tướng ngụy Lưu Kim Cương bị tiêu diệt trong chiến dịch Mậu Thân 1968.

Âm nhạc là một trong những loại hình nghệ thuật dễ đi vào lòng người và có sức lan tỏa mạnh mẽ. Vài năm trở lại đây, dòng nhạc bolero (hay còn gọi là nhạc vàng) đã quay trở lại và thu hút được khá đông khán, thính giả nghe nhạc. Tuy nhiên, trong dòng nhạc này có rất nhiều thể loại nhạc khác nhau như viết về quê hương, tình yêu đôi lứa...trong đó có một thể loại chuyên viết về lính ngụy (thường được gọi là nhạc lính).

Lợi dụng sự lan tỏa rộng rãi của dòng nhạc này, một số đối tượng đã thành lập các fanpage giới thiệu về các bài hát, nhạc sĩ trong giai đoạn từ khi có nền tân nhạc cho đến đầu những năm 1980. Giữa những bài giới thiệu ấy, các đối tượng đã cài cắm những bài nhạc lính do các nhạc sĩ là sĩ quan hoặc lính ngụy, thậm chí có những kẻ “trở cờ” viết, trong đó không ít bài ca ngợi các lực lượng lính hoặc sĩ quan ngụy có nhiều nợ máu với nhân dân.

Sau năm 1975, cùng với sự tháo chạy của quan thầy Mỹ và bè lũ tay sai ngụy quân, ngụy quyền, nhiều ca sĩ, nhạc sĩ, ông bầu của nền âm nhạc miền Nam lúc bấy giờ cũng tìm mọi cách vượt biên, sang hải ngoại sinh sống và thành lập một số trung tâm âm nhạc chuyên thu âm, thu hình các bài hát thuộc dòng nhạc lính này để bán cho các đối tượng thuộc ngụy quân, ngụy quyền “đu càng” sang nước ngoài.

Đừng “lập lờ đánh lận con đen”

Hỉnh ảnh nhiều đối tượng thuộc lứa tuổi trung niên mặc đồ lính ngụy “diễu hành” trên đường phố, quay clip đăng lên Youtube gây phản cảm

Trong tất cả bài viết được đăng trên các trang mạng đã nêu, admin đều sử dụng những từ “VNCH”, “người lính VNCH” nhằm đánh đồng giữa lính ngụy và những người lính giải phóng. Không chỉ vậy, admin của các trang trên cũng thường xuyên đưa ra các luận điệu như nghệ thuật không liên quan đến chính trị; người lính phe nào cũng chỉ là người lính đều chiến đấu vì mục tiêu bảo vệ quê hương đất nước.

Bên cạnh đó, trong các bài viết còn thường xuyên sử dụng các hình ảnh minh họa bằng hình ảnh các lực lượng lính ngụy trong các trận càn, tập trận, tâm sự với nữ sinh... nhằm tạo nên hình ảnh “người anh hùng” trong mộng của thanh niên. Cùng với tư tưởng xét lại, coi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giành lại độc lập thống nhất non sông đang bị một số phần tử cực đoan, phản động coi là cuộc chiến “nồi da nấu thịt”, “huynh đệ tương tàn” thì rõ ràng những bài viết đăng trên các trang mạng nói trên đang cố tình thực hiện chiêu trò “lập lờ đánh lận con đen” nhằm phân hóa, gây chia rẻ cho một số người có bản lĩnh chính trị không vững vàng.

Dù những bài viết trên rõ ràng mang luận điệu kích động, chia rẽ nhưng lại nhận được nhiều lượt truy cập, like, comment...và có những comment cực kỳ nguy hiểm, bôi nhọ sự lãnh đạo của Đảng trong những năm qua; ca ngợi chế độ ngụy quyền Sài Gòn. Đây là điều đặc biệt nguy hiểm đối với một bộ phận giới trẻ, thường xuyên truy cập vào các trang mạng xã hội...

Những bài viết của các trang này đã được không ít các trang mạng của các tổ chức phản động như Việt Tân, RFA, VOA...trích dẫn lại trong các bài viết nhằm chống phá lại sự phát triển đất nước, nhất là trong lĩnh vực văn hóa – văn nghệ... Không thể phủ nhận, trong dòng nhạc Bolero, có không ít nhạc phẩm hay, ca ngợi vẻ đẹp của quê hương đất nước từ xưa đến nay. Hơn nữa từ đề tài, làn điệu, từ ngữ trong các nhạc phẩm đều khá bình dị, dễ hát, dễ nhớ nên dễ đi vào lòng quảng đại quần chúng.

Trong khi đó, bên cạnh những tác phẩm nhạc đỏ oai hùng, những bài ca đi cùng năm tháng thì trong những năm gần đây, các tác phẩm âm nhạc trong nước chưa thực sự để lại dấu ấn trong lòng khán giả, thậm chí có nhiều tác phẩm còn bị coi là “ngây ngô” càng tạo điều kiện cho dòng “nhạc vàng” có điều kiện “phục sinh” mạnh mẽ. Việc cấp phép cho nhiều tác phẩm được phép biểu diễn trở lại đã cho thấy Đảng, Nhà nước đã ghi nhận sự đóng góp của các văn nghệ sĩ thuộc cả hai chế độ đối với văn hóa nghệ thuật nước nhà.

Không chỉ vậy, đối với nhiều ca sĩ đã từng có những phát biểu với giọng điệu hằn học, chống đối chế độ nhưng khi biết sám hối vẫn được Nhà nước tạo điều kiện cho về trong nước biểu diễn. Tuy nhiên, đối với những bài hát thuộc dòng “nhạc lính” vẫn cần phải kiên quyết loại ra khỏi các tác phẩm được cấp phép, nhằm giữ gìn sự trong sáng của âm nhạc Việt, truyền thống văn hóa Việt và bảo vệ nền tảng đạo đức cách mạng đã được xây bằng xương máu của cha ông.

Không chỉ trên các trang mạng, thậm chí ngay ở một số phòng hát mang danh “hát cho nhau nghe”, “phòng trà âm nhạc”... nhiều ca sĩ “tự phong” biểu diễn, mặc trang phục của các sắc lính ngụy, sử dụng các đạo cụ minh họa như lính ngụy ngày xưa từng sử dụng có ý khoe khoang kiểu yêng hùng của những tay lính ngụy. Những điểm này thu hút được khá nhiều đối tượng đến nghe, xem trong đó có không ít người trẻ tuổi.

Đừng “lập lờ đánh lận con đen”

Một số phòng hát Karaoke vì lợi nhuận, bất chấp cho những đối tượng có tư tưởng lệch lạc, phản động tụ tập biểu diễn những bài nhạc ca ngợi lính ngụy và chế độ ngụy quyền trước đây

Rồi từ đó có một bộ phận đua đòi bắt chước kiểu như ăn mặc quần áo rằn ri, đi giày xô, xe Jeep... diễu hành trên đường phố như đã từng gặp trước đây. Theo đó, những kẻ cơ hội chính trị, số phần tử chống Cộng cực đoan có dịp bình luận, ca tụng rằng: “Chế độ VNCH đã chết, nhưng vẫn còn sống trong lòng dân”. Bên cạnh đó, hàng chục bài viết, hàng trăm comment, bình luận lệch chuẩn, đi ngược lại với truyền thống lịch sử của dân tộc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Rõ ràng là dân tộc bị áp bức, thì văn nghệ cũng mất tự do. Văn nghệ muốn tự do thì phải tham gia cách mạng”. Vì vậy, dù có những đặc trưng, đặc thù nào đi chăng nữa thì từ sự nhận thức, phản ánh của mình, văn học, nghệ thuật vẫn phải nhằm mục đích góp phần vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc, giải quyết những mâu thuẫn, những yêu cầu đặt ra của thời đại. Ý thức chính trị và ý thức về văn hóa nghệ thuật là những người bạn đồng hành trên con đường đi tìm hạnh phúc. Tiếng nói chính trị và tiếng nói nghệ thuật bổ sung cho nhau, làm thăng bằng đời sống tinh thần của xã hội.

Việc “lập lờ đánh lận con đen” của các trang mạng chuyên viết vể dòng nhạc “vàng” (hầu hết địa chỉ máy chủ đều ở Mỹ) nhằm gây ra sự hiểu nhầm về cuộc kháng chiến giành độc lập, thống nhất đất nước của dân tộc ta, đặt phe chính nghĩa với phe phi nghĩa, kẻ bán nước cầu vinh và các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh xương máu ngang bằng nhau.

Vì thế, chúng ta cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền dưới mọi hình thức, đặc biệt là trên mạng xã hội để nâng cao nhận thức cho người đọc, tránh để các đối tượng phản động lợi dụng nghệ thuật cài cắm các tư tưởng độc hại nhằm phủ định lịch sử oai hùng của một thời máu, lửa và hoa của cha ông ta đã đánh đổi cả xương máu để cho đất nước được vẹn toàn như ngày hôm nay.

Quân Lâm

Tag:

File đính kèm