Sign In

Trị bệnh “sợ trách nhiệm”

00:00 20/05/2024
Không phải đến bây giờ mới có tình trạng cán bộ, đảng viên sợ trách nhiệm, không dám làm việc , không dám nêu gương... Bệnh “sợ trách nhiệm” kìm hãm sự phát triển và làm suy yếu vai trò lãnh đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền, trong đó có một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên; làm mất niềm tin của quần chúng Nhân dân...

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Nhưng tựu chung lại, vẫn chủ yếu là do bản thân mỗi cán bộ thiếu và yếu về trình độ, năng lực thực thi nhiệm vụ; bản lĩnh chính trị không vững vàng, trách nhiệm kém; luôn có tâm lý sợ sai, sợ bị xử lý... Đây cũng là những biểu hiện điển hình của suy thoái mà nhiều cán bộ, đảng viên đang mắc phải nhưng không tự giác nhận diện và không được các tổ chức quản lý cán bộ, đảng viên nghiêm khắc chỉ ra. Bên cạnh đó, các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước dù ngày càng đầy đủ, cụ thể nhưng hiện vẫn còn nhiều quy định chưa cụ thể, chưa rõ nội dung công việc phải làm, chưa rõ thẩm quyền, trách nhiệm. Việc phối hợp, cách thức tiến hành, quy trình, thủ tục thực hiện, thời gian thực hiện, trách nhiệm cụ thể và các biện pháp bị xử lý đối với tập thể, cá nhân nếu không làm, làm không đúng, gây thiệt hại còn chưa cụ thể. Đây cũng là nguyên nhân để cho cán bộ, đảng viên lấy lý do mà đùn đẩy trách nhiệm. Bên cạnh đó, trong cuộc chiến với tham nhũng, tiêu cực... Đảng và Nhà nước đang đẩy mạnh xử lý nghiêm các sai phạm, bất kể người đó là ai với tinh thần không có ngoại lệ, không có vùng cấm...do vậy nhiều cán bộ, đảng viên càng sợ trách nhiệm, càng đùn đẩy, né tránh và không dám làm. Nhiều cán bộ lãnh đạo, quản lý hiện nay còn có những biểu hiện không gương mẫu trong việc dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám hy sinh vì lợi ích chung... Những hệ lụy này có tác động rất lớn đến sự phát triển, đi lên của đất nước.

Để trị bệnh “sợ trách nhiệm” và dần triệt tiêu căn bệnh này, cần thiết từng cán bộ, đảng viên phải xây dựng nhận thức về trách nhiệm cá nhân, xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng và luôn đề cao tinh thần phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân. Tự thân phải có kế hoạch xây dựng động cơ làm việc trong sáng; luôn đặt lợi ích tập thể lên trên lợi ích cá nhân. Những cán bộ, đảng viên ở vai trò lãnh đạo, quản lý phải thật sự là cá nhân tiêu biểu, luôn gương mẫu trong nói đi đôi với làm và dám chịu trách nhiệm. Từng cán bộ, đảng viên nếu vẫn còn tự thấy mình không đủ bản lĩnh chính trị, sợ trách nhiệm...thì tự giác xin thôi làm cán bộ, đảng viên để người khác xứng đáng hơn thay thế. Cùng với đó, tại các cơ quan Đảng, Nhà nước, các tổ chức quản lý cán bộ, đảng viên cần có quy định rõ, cụ thể nội dung nhiệm vụ, công việc cụ thể theo đúng vị trí việc làm; có hệ thống quy trình thủ tục, thời gian thực hiện nhiệm vụ cụ thể; có biện pháp xử lý nghiêm nếu không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, lấy đó làm căn cứ để đánh giá cán bộ, xếp loại đảng viên. Một nhiệm vụ quan trọng nữa các tổ chức đảng, cơ quan quản lý cán bộ, đảng viên phải kịp thời nhận diện các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị của cán bộ, đảng viên để có biện pháp giáo dục, giúp đỡ, khắc phục sửa chữa, trong trường hợp nếu không sửa chữa được thì có biện pháp xử lý nghiêm để răn đe...

Trị được tận gốc căn bệnh “sợ trách nhiệm” mới góp phần tích cực để khai thông những điểm nghẽn, ách tắc, trì trệ trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội hiện nay ở mỗi địa phương, đơn vị. Từ đó góp phần tăng cường niềm tin của Nhân dân và doanh nghiệp, tạo thêm nhiều điểm sáng mới trong tiến trình phát triển đất nước theo những mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra.

Minh Tự

Tag:

File đính kèm